Chỉ 1% Doanh Nghiệp VN marketing qua mạng xã hội

(VEF.VN) – Trong khi tới 54% các công ty quốc tế sử dụng các trang mạng xã hội như một công cụ marketing tuyệt vời thì tại Việt Nam, số doanh nghiệp này chỉ chiếm 1%, trong đó, chỉ có 0,4% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Facebook và 0,07% dùng Youtube.

5.000 doanh nghiệp Việt dùng mạng xã hội

Kết quả nghiên cứu trên vừa được công bố tại hội thảo về Mạng xã hội cho các giám đốc Marketing do Trung tâm Pháp – Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 10/6/2011.

Công ty truyền thông Vinalink, đơn vị chủ trì cuộc khảo sát về ứng dụng mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam cho hay, hiện có tới 53% người dùng Internet ở Việt Nam, tương đương với 15 triệu người, đang sử dụng ít nhất một mạng xã hội.

Cuộc nghiên cứu này cho thấy, số doanh nghiệp Việt sử dụng mạng xã hội vào marketing còn rất khiêm tốn. Cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập đến nay và theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp đang hoạt động có khoảng trên 350.000 doanh nghiệp.

Ông Hà Tuấn, Tổng Giám đốc Vinalink, cho biết, 0,4% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Facebook chỉ tương khoảng 2.000 doanh nghiệp. 0,07% doanh nghiệp dùng Youtube và khoảng 0,2% còn lại cho các mạng xã hội khác. Nếu tính tổng % sử dụng các mạng xã hội bao gồm cả diễn đàn, Blog thì con số doanh nghiệp ứng dụng kênh truyền thông này mới chỉ khoảng 1%, tức chỉ có 5.000 doanh nghiệp.

Trong khi đó, xu hướng sử dụng các trang mạng xã hội vào công việc bán hàng ở nước ngòai lại rất được coi trọng và phổ thông. Tại hội thảo này, Phó giáo sư trường IAE Paris Marc Divine đã dẫn ra kết quả một cuộc khảo sát do ông thực hiện đối với 200 công ty quốc tế như IBM, L’Oreal, Unilever về sử dụng mạng xã hội trong hoạt động tiếp thị.

Theo đó, có tới 54% trong số các công ty quốc tế này từ lâu đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ marketing. Điều thú vị là, trang mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất không phải là Facebook mà lại là LinkedIn. Sau vị trí thứ hai của Facebook, đứng thứ ba là trang Viadeo, rồi đến Youtube, Twitter và đứng thứ sáu là Dailymotion.

Nói về lợi ích tuyệt vời của công cụ mạng này, Phó giáo sư đúc rút, các giám đốc marketing ngoài việc sử dụng các mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, tạo hiệu ứng lan truyền , tìm kiếm khách hàng tiềm năng, v.v…, còn để thu thập phản hồi của khách hàng và tạo nên sự gắn kết với đội ngũ nhân viên hiện thời và thu hút các nhân viên tiềm năng.

Hàng triệu lượt truy cập cho một clip ấn tượng

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một vài ví dụ khá ấn tượng khi quảng cáo qua mạng xã hội. Ông Hà Tuấn liệt kê ví dụ như clip quảng cáo của Vinamilk trên Youtube thu hút tới 10 triệu lượt người xem, chiến dịch Pond trắng hồng của mỹ phẩm Pond vừa qua do Mai Văn Hương làm chủ clip cũng thu hút gần 500.000 view trên Zing.me trong vài tuần làm tiếp thị lan truyền.

“Nếu biết sử dụng đúng cách mạng xã hội, hiệu quả kinh doanh sẽ rất lớn”, ông Hà Tuấn nói. Bởi khảo sát từ phía tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nghiên cứu của Vinalink cho biết có đến 35% số người dùng Internet ở Việt Nam từng tham khảo thông tin trên các diễn đàn và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè, fanpage, quảng cáo trên các mạng xã hội trước khi mua hàng hay dịch vụ.

Ông Hà Tuấn cho rằng: “Nếu biết phân khúc để đánh đúng đối tượng mục tiêu, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ là bán hàng hay dịch vụ mà còn là phương tiện làm thương hiệu để kết hợp với các kênh khác tiếp cận tới mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo các sản phẩm dịch vụ nên xác định cho khu vực thành thị và những người có thói quen sử dụng mạng xã hội”.

Tổng Giám đốc Digimarketin, chị Lê Thúy Hạnh, cho hay, đa số các doanh nghiệp có thói quen truyền tải cùng một thông điệp trên các mạng xã hội khác nhau thay vì phát triển các hình thức truyền đạt riêng cho mỗi trang này. Trong khi đó, mỗi trang đều có những đặc tính riêng. Cái được chấp nhận ở Tumblr có thể bị coi là spam trên Facebook. Phong cách viết có hiệu quả với Twitter có thể thất bại trên FriendFeed”.

“Vì thế, để tối đa hóa tác dụng của mạng xã hội, các doanh nghiệp nên truyền tải những thông điệp khác nhau trên các phương tiện khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên giảm bớt các “tuyên bố chính thức” mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo ra sự kết nối với khách hàng. “, bà Lê Thúy Hạnh lưu ý.

VNN.