Chùa Trăm Gian cổ kính bị "bức tử"

Trước đây, khi người ta đưa những đèn chùm pha-lê kiểu mới, sư tử đá “hàng Tàu” bài trí cho chùa Một Cột – một di tích và là một biểu tượng của dân tộc – tạo ra lối trang trí lai căng, phản thẩm mỹ làm hỏng cảnh quan thâm nghiêm mà hài hòa, gần gũi của ngôi chùa truyền thống này, Thư Viện GĐPT Online đã có bài viết hầu phần nào chung tay với cộng đồng gìn giữ bản sắc, tinh hoa quốc hồn quốc túy của nước nhà mà các di tích lịch sử, các báu vật quốc gia vô giá đã do bởi tác nhân cả khách quan lẫn chủ quan hủy hoại qua nhiều thời đại, nhiều biến cố…

Mới đây, một thông tin làm bàng hoàng không chỉ giới Phật Tử mà là cả cộng đồng con dân nước Việt trong và ngoài lãnh thổ: Thế hệ chúng ta hiện tại đã nã những quả đại bác trí mạng vào quá khứ! Bằng mỹ từ “trùng tu di tích”, một ngôi chùa hơn 825 năm tuổi đã bị bức tử “chết oan”, nó gần như bị xóa sổ hoàn toàn: Đó là chùa Trăm Gian ở Hà Nội!


Chùa Trăm Gian khi chưa bị “cơn lốc trùng tu”

Quá khứ: Truyền thuyết, lịch sử & kiến trúc

Chùa Trăm Gian tức chùa Quảng Nghiêm (廣嚴寺 – Quảng Nghiêm Tự) còn gọi là chùa Tiên Lữ , là một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Chùa được khai sơn từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (D.L 1185). Đến thời nhà Trần, có Hòa Thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi Hòa Thượng viên tịch, dân làng góp công góp của xây tháp an trí hài cốt phụng thờ và tôn là Đức Thánh Bối.

” Truyền thuyết kể rằng vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, sau đó có thai, sinh một bé trai. Năm 9 tuổi, sau khi cha mẹ mất, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Năm 15 tuổi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay) thấy cảnh đẹp, thầy yết kiến và xin  theo học kinh kệ với vị Trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.

” Sau khi vị Trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, ngài ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu hóa. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang ngài bay mùi thơm sực nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối. “


Nguyên bản chùa Trăm Gian trước đây

Qua nhiều thời đại tôn tạo, đến bây giờ chùa là một quần thể kiến trúc lịch sử độc đáo có giá trị nghệ thuật cao không những của Phật Giáo mà còn là của dân tộc Việt. Trăm gian – cái tên gọi nghe rất bình dân, nhưng dường như muốn nói lên cái dáng vẻ bề thế của ngôi chùa. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một gian thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 khu chính:

Khu thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi “đánh cờ người” trong những ngày hội chùa, hội làng. Kế là nhà giá ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt “kiệu Thánh” xem múa rối nước.

Trèo lên mấy trăm bậc cấp gạch xây, tới khu thứ hai gồm một toà chung lâu (gác chuông) hai tầng tám mái, có lan can bao quanh với các bản ván chạm trổ hình mây hoa, được xây dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông. Đại hồng chung đặt tại đây cao 1,1  mét, đường kính 6 tấc, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794). Qua gác chuông, leo lên 25 bậc đá xanh hình rồng mây, thì đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.


Gác chuông cổ kính

Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc sẽ đến khu chùa chính, gồm bái đường, tòa thiêu hươngthượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà hậu Tổ, phía giữa có một cổ lâu (lầu trống) treo chiếc trống đường kính lớn tới 1 mét và tấm khánh đồng dài 1 mét 2, cao 6 tấc, đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Tại đây thờ 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Chính giữa thượng điện là một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật – giống kiểu các bệ đá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, chung quanh trang trí hình động vật và hoa lá, bốn góc hình chim thần. Trên bệ thờ các tượng tam thế Phật.

Chùa Trăm Gian còn giữ được nhiều tôn tượng, bia đá, bia gổ, hoành phi, câu đối và nhiều di vật quý khác… trong đó có tượng Đô Đốc Đặng Tiến Đông – một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía nam Thăng Long – (được tìm thấy năm 1972); tượng “Đức Thánh Bối” đặt trong khám gỗ gian bên phải, là pho tượng cốt bằng mây đan, ngoài bọc vải sơn (tương truyền là tượng chứa đựng hài cốt của Hòa Thượng Bình An). Đặc biệt còn hai câu đối khảm trai, được cho là có từ thời nhà Hồ (1400-1406).


Một trong những di vật quý trước đó

Giờ thì chùa Trăm Gian như một người đẹp trong truyện cổ bị đem ra nhuộm tóc, uốn xoăn mái, make up theo tông màu Hàn Quốc và diện quần jeans bó chẽn. Mái ngói được thay đỏ tươi, đá tảng dẫn lên chùa rêu phong cổ được thay bằng đá xẻ trắng lốp, những bức phù điêu La Hán được sơn son thếp vàng bằng sơn Nhật, cột kèo được đánh vecni bóng nhoáng…

Hiện tại: Trùng tu, tôn tạo hay nã đại bác vào lịch sử?

Sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ciment, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; đánh bóng cột kèo bằng véc-ni… Chưa hết, nhà Tổ, gác khánh cổ kính ngàn năm được đập bỏ không thương tiếc, xây mới lại hoàn toàn giữa không gian một bãi chiến trường của gạch, đá, gỗ, bạt che, xe cút-kít ngổn ngang…  Đó là quang cảnh những ngày cuối tháng 8-2012 này ở cảnh chùa thâm u cổ kính này!

Và bây giờ, sau khi được tô phết lại…


Sơn vẽ làm hỏng các bức phù điêu La Hán


Những tác phẩm điêu khắc cổ vô giá bị sơn mới lòe loẹt bằng sơn Nippon

Đào tận gốc, trốc tận rễ:

Người ta dỡ trắng, “giải phóng mặt bằng” cả nhà Tổ, gác khánh. Khi chúng tôi (phóng viên tờ Tuổi Trẻ) có mặt tại chùa Trăm Gian, bà chủ quán bán hàng “lấn chiếm” trọn vẹn di tích gác trống mái cong veo, rêu phong cổ kính trước cửa chùa đon đả: Các chú lên đi, hôm nay chùa vui lắm. Dỡ toàn bộ nhà Tổ và gác khánh. Dân đông như hội ấy. Đường dẫn lên chùa, dãy cầu thang đá cao vút, rêu phong, bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công xưa đẽo thủ công tuyệt hảo, vững như bàn thạch. Đang tốt thế mà than ôi! người ta cho thợ vào dùng búa tạ đập vỡ tan tành những phiến đá rêu phong đi, khiêng ra ném ngổn ngang trước cửa chùa để gạch, vôi vữa mới được tống vào thay thế và mua đá mới xẻ bằng máy trắng phau lát lại. Trong mù mịt cưa đục, bụi gỗ, chúng tôi chen chân vào nhìn ngó: Khu nhà Tổ rộng mênh mông giờ bị dỡ toàn bộ. Nền bị bóc lên, khoét sâu xuống, đổ bê-tông, lát đá – gạch mới toanh. Các cấu kiện bị dỡ xuống vứt chổng kềnh. Thay tất! Gác khánh – di tích cổ kính tuyệt mỹ từng làm nao lòng bao người đến viếng – cũng đã bị “giải phóng mặt bằng tuyệt đối” y như vậy. Tượng thờ bị khiêng đi nơi khác để lấy chổ dựng lên một di tích mới trong niềm “tự hào” của không ít con người…


Thợ thuyền và dân làng “nô nức”… phá chùa và làm chùa

  • Tự hào…

Qua lối vào chùa mà những người bán hàng chiếm hết không gian đi lại, chúng tôi (phóng viên TT)gặp một đoàn người đông như “dân công hỏa tuyến”. Nhiều cụ áo nâu sòng, răng đen, bỏm bẻm nhai trầu cũng miệt mài chuyền tay nhau từng viên gạch, viên ngói, đoàn người xếp hàng theo những chiếc thang tre, kéo từ dưới đất lên… nóc chùa. Chủ Tịch UBND xã Tiên Phương – ông Vũ Văn Doãn – kể giọng đầy thán phục: Người ta sang tận Lào, áp tải gỗ lim to về phục vụ “đại công trường”.  Cụ Nguyễn Đức Tuệ – 82 tuổi, người xã Tiên Phương – tự hào khoe năm nay mình “được tuổi”, được tín nhiệm mời leo lên thượng lương cho tòa gác khánh này trầm trồ: Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé. Chúng tôi trò chuyện với các hiệp thợ đang thi công, với cụ Tuệ và cụ Vinh – hai người gắn bó đặc biệt với di tích – thì được biết: Khi dỡ ra, ngoài các cột lim bị “tiêu tâm”, rỗng ruột do thời gian, thì hầu hết hạng mục còn tốt; nhà Tổ, gác khánh đều đứng vững, nếu để nguyên thì còn lâu mới hỏng. Các cụ có uy tín trước cả làng cả tổng, như cụ Tuệ, vẫn hồn nhiên nói: Nhiều rui mè như mới, mộng mẹo còn nguyên, nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa” thay mới cho nó đẹp, nó bền. Vì nó… cổ kính quá rồi nên mới phải thay. Cái nền cũng bóc lên, thay đá mới cho nó đẹp. Đầu tư to tiền lắm, làm mới cho nó bền. Sắp tới, “dự án” còn xây lại cái cổng nữa, hoành tráng lắm chú ạ!


Nền gác khánh cũng bị đào lên, gạch đá bị đập bỏ

  • Và tiếc nuối…

Tóc bạc trắng, râu dài, qua tuổi thất thập đã lâu, cụ Đỗ Duy Vinh ngồi lặng lẽ ở ngay trước cửa chùa, trong bóng cây thông cổ thụ vi vút gió. Khách chưa kịp hỏi, cụ đã lắc đầu buồn bã: Mất hết cổ kính rồi… Cần một cuộc họp dân để cho những người hiểu biết được nói ra cái điều có lợi cho di tích quốc gia. Chùa đang tốt, thì đem dỡ đi, làm mới, phá ra toàn bộ cả nhà Tổ lẫn gác khánh. Trước đấy, cột đã bị sơn bóng loáng bởi véc-ni; các bức phù điêu La Hán hai bên hành lang bị phủ sơn công nghiệp xanh, đỏ, tím, vàng như hàng mã; bệ tượng cũng bị đổ bê-tông, lát gạch hoa, đá hoa bóng nhẫy. Sau đợt thi công này, là chùa chúng tôi không còn cái nào chưa “bị đầu tư” mới nữa. Người ở đây, từ trai tráng 40 tuổi đến cụ lão 80 tuổi ở địa phương, quá nhiều người buồn bã, muốn kiến nghị về việc trùng tu xây mới làm “phá hết cổ kính” của di tích. Cụ Vinh tiếc rẻ mãi, quay ra thán phục “bà Tây trùng tu chùa Trăm Gian”: Đấy, hồi trùng tu gác chuông, có một “bà Tây” thấy nó đổ nát quá đã hứa tài trợ toàn bộ tiền trùng tu, với điều kiện là phải đảm bảo nguyên hình hài, cấu kiện của di tích, không lai căng, không làm mới để hủy hoại di sản. Bà ta nói rõ,  nếu vi phạm thỏa thuận thì sẽ không cho tiền mà thanh toán đâu nhé. Thế là cuộc cứu di sản đã thành công, mà lại không rơi vào thảm cảnh làm mới bằng mọi giá.

Ông Tống Bá Lương, Phó Chủ Tịch UBND phụ trách Văn-Xã của địa phương thì tỏ ra trăn trở hơn với những bất cập quá lớn của công tác trùng tu: Đúng nguyên tắc bảo tồn, tức là chỉ trùng tu cái gì thật sự hỏng thôi, không thể làm mới như bây giờ được! – ông bỏ dở câu chuyện rồi nói sang chuyện khác còn buồn hơn: Sáng 22-8-2012, tôi cũng vừa tìm gặp các bô lão biết chữ Hán và am tường văn hóa  địa phương để nhờ các cụ sao chép lại các vế đối, các câu chữ hay ho trên cổng chùa lại vì lo lắm, nghe nói “họ” lại sắp sửa “trùng tu” nốt cái cổng đó.

Còn ông Vũ Mạnh Khởi, với thành tích “35 năm tuổi Đảng” là người am tường văn hóa, nguyên Hiệu Trưởng một trường cấp 3 ở địa phương thì “dâng” lên chúng tôi một “bản kiến nghị thống thiết”, với thông điệp khẩn cấp bảo vệ di tích quốc gia chùa Trăm Gian trước sự tàn phá của cái gọi là trùng tu tôn tạo suốt hơn chục năm qua. Theo cụ, bản chất vấn đề là cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm đầy đủ nhiệm vụ của mình.


Bậc cấp đá trước đó nó được đẽo thủ công rất đẹp và bền vững – Bậc cấp mới hiện nay


Cổng xây mới kiểu “hiện đại”

  • Tại sao? và Tại ai? 

“Xé mắm mút tay” “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”… Đó là tất cả những gì người hiểu chuyện trả lời khi được những người có tâm đặt vấn đề tại sao phá bỏ cả một ngôi cổ tự quý giá thuộc về hàng di tích, di sản? Tại sao trùng tu, tôn tạo mà lại phá bỏ 100% để xây mới, triệt tiêu toàn bộ cảnh quan và kiến trúc lịch sử? Bài toán quản lý và bảo vệ di tích nó dễ dàng thế, mà sao chúng ta không học tập, sao cứ “mua việc” để tốn kém tiền của nước nhà, để “tàn sát” di sản? Câu trả lời ngắn gọn trên rõ ràng không phải câu kết luận kiểu “chịu đấm ăn xôi” chống chế rằng do những người có trách nhiệm “nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại” và “thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng”!!!

Khi tôi viết những dòng cuối này thì thông tin về việc làm mới chùa Trăm Gian đã đến tai chính phủ và “cơ quan chức năng” đã vừa lập đoàn thanh tra về “xem xét”.


Quang cảnh “bầy hầy” trước cổng và trong sân chùa mỗi lần lễ, hội

Dưới đây là một đoạn trích trong bài báo “Chùa Trăm Gian bị hủy hoại” của báo Tuổi Trẻ do trang mạng Đất Việt đăng lại: Đau xót là ngay cả khi nhà Tổ và gác khánh bị phá bỏ như đã kể trên thì chính quyền địa phương, ngành văn hóa địa phương không hề có động thái can thiệp hữu hiệu nào, đặc biệt là nhiều cán bộ lẽ ra phải sâu sát thực tế (như Trưởng, Phó Ban Quản Lý Di Tích Chùa Trăm Gian, Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch UBND xã) thì họ lại thản nhiên “không biết, không biết và không biết”. Đến giờ phút này, chính quyền xã Tiên Phương vẫn không biết gì về những “nỗi đau” diễn ra ầm ầm ở gần trụ sở UBND xã mình. Trưởng Phòng Văn Hóa huyện càng không biết, Ban Quản Lý Di Tích của Hà Nội không biết, lãnh đạo Cục Di Sản khi được hỏi cũng chỉ nói “sẽ kiểm tra”!

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh Tra Bộ Văn Hóa – Thể Thao Và Du Lịch cho biết về việc xử lý vụ “bê bối” ở chùa Trăm Gian như sau: Lẽ ra việc trùng tu ở chùa Trăm Gian phải có thỏa thuận của Cục Di Sản Văn Hóa (Bộ VH-TT&DL), lúc thi công phải có mặt cán bộ của cơ quan trung ương để kiểm đếm ở hiện trường khi hạ giải. Đằng này ngày 24/8, khi đoàn thanh tra vào thì coi như công trình làm mới đã gần xong. Đoàn chỉ còn biết đình chỉ thi công. Việc đình chỉ bây giờ chỉ là giải pháp tình thế chứ họ đã phá, đã xây mới rồi còn gì mà “vãn hồi” nữa đâu. Với di tích quốc gia như chùa Trăm Gian, việc thi công kể trên mà chưa có thỏa thuận của bộ thì coi như là sai chắc chắn rồi.

Một cán bộ thanh tra trực tiếp về chùa Trăm Gian xử lý sự việc tiết lộ: Chúng tôi đã làm biên bản đình chỉ công trình thi công tại chùa Trăm Gian. Bên thi công không có một thứ giấy tờ, hồ sơ, quy trình thủ tục gì cả. Năm 2007-2009, dự án trùng tu ở chùa Trăm Gian có được một văn bản thỏa thuận của bộ, nhưng vì không có kinh phí, không có gì cả nên dự án không hoạt động. Bây giờ họ tự phá ra làm mới hoàn toàn, không có hồ sơ giấy tờ thủ tục gì. Toàn bộ cấu kiện gỗ tháo ra bỏ hết, đưa vật liệu mới vào 100%. Từ nguyên văn của chúng tôi là: “Họ đã phá hủy toàn bộ kiến trúc công trình cổ, thay vào là toàn bộ kiến trúc công trình mới trăm phần trăm”.


Dịch vụ “ăn theo trùng tu” chăng?

Bài học ở đây là: Thiết chế quản lý của chúng ta với di sản quá lỏng lẻo. Lẽ nào chính quyền xã không biết và không dám đòi hỏi bằng được quyết định, văn bản, giấy tờ, chủ trương trùng tu, trước khi bất kỳ ai phá dỡ di tích quốc gia trên địa bàn của mình? Lẽ nào (giả dụ) không ngăn chặn được việc sai trái kia, mà người dân rồi chính quyền lại không đi báo cấp trên, báo lực lượng chức năng để xử lý? Giả dụ có ai đó gọi điện thoại cho Cục Di Sản hay thanh tra Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch thông báo việc khởi công ầm ĩ trong khuôn viên báu vật chùa Trăm Gian thì có lẽ mọi việc sẽ không sầu thảm như lúc này. Bài báo kết luận.

Phía dư luận cộng đồng và chính quyền là vậy, còn Phật Giáo? Thật buồn là rất hiếm khi có một sư kiện nghiêm trọng nào liên quan đến đạo Phật mà các cấp Giáo Hội lên tiếng chính thức kịp thời, ngoại trừ những tờ báo mạng, những website thấy sự bức thiết nên tự phát phản ứng. Ừ thì cứ  (giả dụ) cho là chùa này đã bị trưng thu; chùa không do Giáo Hội hay Phật Giáo Đồ tạo tác; chùa không do Phật Giáo được quyền quản trị v.v… và v.v… Nhưng khi mà cả cộng đồng lên tiếng, khi không chỉ Phật Tử hay những người cảm tình với đạo Phật mà đến cả những người vô cảm nhất cũng không thể làm thinh, há lẽ những tổ chức Phật Giáo lại im hơi lặng tiếng cho “an ổn”??? Xin đặt dấu chấm lững ở đây để rộng đường dư luận thay cho lời kết…

Và cuối bài, tôi muốn chuyển tặng quý vị thêm vài hình ảnh của ngôi chùa cổ và vài mẫu hoa văn, họa tiết, tranh tượng… còn sót lại, kẻo một mai, khi người ta “hoàn thành các hạng mục công trình, đưa vào sử dụng” thì chúng ta chỉ còn nỗi ngậm ngùi khi có dịp đứng bên rừng thông chùa Trăm Gian – nếu may mắn nó còn, không bị “tôn tạo” – mà tiếc nhớ lại một ngôi chùa uy nghiêm, cổ kính thời Lý bị thời đại chúng ta nã đại bác trí mạng tàn sát đến không còn vết tích…

Nguyễn Quang Mai

Biên soạn từ nhiều nguồn: Bách khoa Wikipedia; các báo Lao Động; Tuổi Trẻ; Đất Việt; Đạo Phật Ngày Nay.