CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
(TVGĐPT lược trích pháp thoại của Hòa Thượng Thích Thái Hòa
trong dịp Lễ Kỷ Niệm 50 Năm GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu
tại chùa Thiên Quang ngày 1/1/2016).
oOo
…
Hôm nay Thầy nói về “con đường giáo dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam”:
Mục đích Gia Đình Phật Tử Việt Nam là “Giáo dục Thanh-Thiếu-Đồng niên thành Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Mục đích Gia Đình Phật Tử đặt trên nền tảng nào?
Mục đích, lý tưởng Gia Đình Phật Tử đặt trên nền tảng đệ tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện. Nền tảng này trở thành điều luật thứ nhất: “Phật Tử quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ giới đã phát nguyện”.
Bất cứ giáo dục nào của Phật Giáo đều thiết lập trên nền tảng này. Nếu không dựa trên nền tảng này là phi Phật Pháp, phi giáo dục. Lý tưởng Phật Giáo là quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ gìn giới đã thọ trì. Đó là nền tảng giáo dục Phật Giáo. Từ nền tảng này sanh khởi phẩm chất giáo dục của Phật Giáo được thể hiện qua 4 điều luật tiếp theo. Bốn điều luật này tạo thành phẩm chất của Gia Đình Phật Tử và của Phật Giáo nói chung. Bốn phẩm chất này người Phật Tử được huấn luyện, được đào tạo.
– Điều luật thứ 2: “Phật Tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống” giáo dục chất liệu từ bi. Không có tình thương thì không có hạnh phúc, không có sự hòa hợp, không có sự đoàn kết, không có sức mạnh. Từ bi là tôn trọng, bảo vệ sự sống của mình, mọi người, mọi loài, bảo vệ sự sống của thiên nhiên. Đây là phẩm chất thứ nhất đặt trên nền tảng quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ giới. Phẩm chất này có giá trị vĩnh cửu. Con người có trí tuệ thương mình nhất, đem trí tuệ đó tôn trọng, bảo vệ sự sống muôn loài một cách hợp lý. Đó là tình thương của Phật Giáo, tình thương đó không dành cho ai; bông hoa, đất đá cũng cần tình thương đó.
Giáo dục Phật Giáo mang tính phổ quát cho muôn loài, bất cứ thời gian nào. Ta trở thành con người của mọi thời đại, mọi không gian. Chúng sanh không ai không ước ao sống. Bảo vệ và tôn trọng sự sống đó là nền tảng Phật Giáo; nó được nuôi dưỡng bởi đời sống đạo đức vì người mà quên mình. Cho nên giáo dục Phật Giáo phải phát huy chất liệu này.
– Điều luật thứ 3: “Phật Tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật”. Giáo dục trên nền tảng quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ giới thì tình thương mở rộng ra dù đó là người không theo ta, người chống đối ta. Từ đó giá trị đạo đức trưởng thành, trí tuệ nhân đó trở thành cao thượng. Huynh Trưởng, Đoàn Sinh cần được huấn luyện trên nền tảng quy y Phật, Pháp, Tăng là trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Phật Tử học bất cứ lúc nào, với ai cũng cầu học để thăng hoa, phát triển trí tuệ. Phật Tử không cầu tri thức nhưng cầu trí tuệ. Tri thức có lúc đúng, lúc sai, nhưng trí tuệ là tôn trọng sự thật. Người có trí tuệ mới tôn trọng sự thật. Người có trí tuệ nói và làm đều tương tức tương nhập, thống nhất nhau, nói và làm của người trí tuệ là nói đúng, làm đúng.
Vì vậy, phẩm chất Gia Đình Phật Tử là phẩm chất trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Ở đời cho vàng bạc, quyền lực, sức mạnh súng đạn là mạnh, nhưng không bằng sức mạnh sự thật. Người sống tôn trọng sự thật lấy ra khỏi sự sợ hãi trong đời sống ta. Giáo dục Gia Đình Phật Tử là làm thế nào sinh khởi trí tuệ và sống với trí tuệ đó.
– Điều luật thứ 4: “Phật Tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Giáo dục Gia Đình Phật Tử thiết lập trên nền tảng quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ giới đã phát nguyện. Phật Tử sống trong sạch là nuôi dưỡng đời sống bằng Chánh Mạng, sống trong Chánh Nghiệp. Sự sống trong đời sống chánh nghiệp thoát ly sanh tử, chứ không theo tà nghiệp đánh đổi đời sống trong sạch của mình. Phật Tử sống trong 3 nghiệp thanh tịnh. Phật Tử cần huấn luyện để sinh khởi chất liệu này.
– Điều luật thứ 5: “Phật Tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo”. Phật Tử được huấn luyện trên nền tảng Phật-Pháp-Tăng. Giữ giới là thành tựu mọi công việc nhưng không mắc kẹt sự thành đạt. Phật Tử phải học hỏi tiến lên, không mắc kẹt thành quả đạt được, nên sống phóng khoáng, hỷ xả, dũng tiến trên con đường đạo nghiệp của mình.
Phẩm chất giáo dục Gia Đình Phật Tử là mở rộng lòng thương (từ bi), tôn trọng sự thật (trí tuệ), sống trong sạch (chân thật), sống hỷ xả là phẩm chất cầu tiến bộ, phẩm chất tinh tấn.
Làm thế nào người được giáo dục phải sống trong 4 phẩm chất từ bi, trí tuệ, chân thật, tinh tấn? Các bậc học từ Mở Mắt cho đến Vạn Hạnh đi suốt công trình giáo dục, xuyên suốt các cấp từ cấp Tập cho đến cấp Dũng tạo thành người Phật Tử bất hoại; người Phật Tử có mặt ở đâu là có hoa sen tinh khiết với đặc điểm của trí tuệ, từ bi, chân thật, sự nỗ lực (tinh tấn).
Đạt được phẩm chất như vậy, giáo dục Gia Đình Phật Tử sẽ rất sống động; không cố chấp. Giáo dục đặt trên nền tảng tri thức thế gian, sử dụng phương tiện đó thăng hoa thành hiểu biết Phật pháp Thế Gian Tất Đàn. Phật Tử phải hiểu thế gian là vô thường, là khổ, là trống rỗng nội dung, do tương quan mà sinh tồn. Hiểu được vậy từ đó nâng hiểu biết lên tầng cao hơn.
Phương pháp giáo dục Phật Giáo dạy cho ta hiểu thế gian là gì. Nếu không hiểu thì bị niềm u buồn thế gian nhấn chìm. Hiểu biết, ta trở thành người tiến bộ. Sống không biết vui buồn là sống khổ đau, sống không biết vì sao buồn, vì sao vui. Phải hiểu buồn vui do đâu? Phương pháp nào duy trì cái vui? Phương cách nào giúp ta giải tỏa nỗi buồn? Đó là Thế Gian Tất Đàn. Hiểu rõ vui buồn thế gian nâng lên thành vui buồn thánh thiện theo nỗi vui buồn tích cực hơn. Đừng để nỗi buồn xâm chiếm tâm ta mà không đi chùa nữa. Đừng để nỗi buồn đó gặm nhấm tri thức làm bại hoại đời sống ta. Phương pháp giáo dục Gia Đình Phật Tử là giáo dục ta tìm hiểu vì sao ta vui buồn, làm cách nào hóa giải được nó.
Phương pháp giáo dục thứ hai: Đối Trị Tất Đàn. Làm thế nào chuyển hóa thấp kém trong người mình giáo dục. Giàu nghèo, khỏe, yếu, vui, buồn… không ai giống ai; thể hiện nỗi vui buồn cũng không giống nhau. Giáo dục Gia Đình Phật Tử phải sinh động như vui buồn của cuộc đời. Người đang vui mình nói chuyện buồn ai mà nghe? Phương pháp này cực kỳ sinh động. Ta đem đến chất liệu từ bi, trí tuệ, chân thật, tinh tấn theo Phật Giáo là rất quan trọng.
Phương pháp giáo dục thứ ba: Vị Nhơn Tất Đàn. Giáo dục một Đoàn Sinh phải hiểu hoàn cảnh Đoàn Sinh đó (cha mẹ, anh chị em của Đoàn Sinh đó), truyền thống gia đình như thế nào. Nếu không hiểu ước nguyện của họ thì họ không chấp nhận. Một Đoàn Sinh đi họp trễ vì hoàn cảnh mà bị phạt là thiếu “Vị nhân tất đàn” (vì cha bệnh phải trở về lo thuốc men nên đến trễ), cái phạt không mang tính giáo dục.
Mục đích Gia Đình Phật Tử là giáo dục thanh, thiếu, đồng niên trở thành Phật Tử chân chánh. Hãy vận dụng mục đích này để giáo dục. Đối tượng giáo dục của Gia Đình Phật Tử là 3 đối tượng: Thanh niên, Thiếu niên, Đồng niên nên phải có chương trình giáo dục riêng cho mỗi đối tượng, phải có thức ăn riêng cho từng đối tượng. Việc huấn luyện, đào tạo Huynh Trưởng giáo dục thanh thiếu niên phải có phương pháp sống động, chuẩn xác. Họ trở thành người mô phạm, có đạo đức. Giáo dục trong Gia Đình Phật Tử khó gấp trăm ngàn lần giáo dục ngoài đời. Dạy trường Đại học dễ hơn dạy trong Gia Đình Phật Tử. Giáo dục từ thanh niên dễ hơn, trong Gia Đình Phật Tử thì có thanh niên, thiếu niên, còn dạy đồng niên còn khó hơn nữa. Ở phương Tây, giáo viên dạy đại học ít hơn người dạy mầm non. Lãnh đạo một đơn vị Gia Đình Phật Tử, một Liên Đoàn Trưởng phải hiểu tâm lý thanh, thiếu, đồng niên. Mỗi ngành có tâm lý bậc thượng, trung, hạ. Do đó phải nắm tâm lý từng ngành, từng đối tượng thì mới giáo dục thành công.
Con người giáo dục nói hay mà sống dở là không được. Các em đòi hỏi các anh chị phải nghiêm túc thì mới chấp nhận; các anh chị phải nghiêm túc với vợ chồng, với cha mẹ, với mọi người trong xã hội. Đi đám cưới ăn nhậu thoải mái là hình ảnh chết ngay trong lòng các em! Cho nên giáo dục Gia Đình Phật Tử đòi hỏi các anh chị gương mẫu gần như tuyệt đối. Một số các anh chị không nghiêm túc nhưng cho ta là lãnh đạo, thì nhân cách mình chết trước! Các em bắn mình chết trước nhất! Vì vậy người giáo dục trong Gia Đình Phật Tử là phải gương mẫu. Anh chị giáo dục các em bằng chính đời sống mình; hy sinh không cần điều kiện nào cả. Các anh chị dù không giảng bài nào nhưng hình ảnh các anh chị sáng mãi trong các em. Càng sống trong Gia Đình Phật Tử thì làm anh chị sáng giá mới là nơi cho các em nương tựa.
…
Diệu Thuận PHẠM THỊ XUÂN HÒA ghi lại.