Trại Lộc Uyển: Đức tin của người Huynh Trưởng GĐPT

I. MỞ ĐẦU :

Trước khi nhập diệt, Đức Phật còn độ cho ông Tu Bạt Đà La là một ông già Ba La Môn trên 120 tuổi. Đức Phật đã dạy ông này rằng “ Đừng tin ai cả, dù là lời phát ngôn của một vị giáo chủ, của truyền thống để lại hay của các người truyền giáo nói ra. Người chỉ tin sau khi nghe hiểu, suy nghĩ và thực nghiệm thấy đúng sự thật ”.

Đó là lời nói hết sức cởi mở, đầy tính chất dân chủ và chính lời nói đó đã làm phương châm cho người Phật tử  trong vấn đề đức tin.

 II. TẠI SAO PHẢI ĐĂT VẤN ĐỀ ĐỨC TIN :

Đức tin hết sức cần thiết cho con người sống vững giữa cuộc đời ô trọc khổ đau. Ví như bánh lái với chiếc thuyền, la bàn của người thủy thủ. Giữa thời đại mà quá nhiều lý thuyết nảy sinh, các lý thuyết cổ truyền, hình như bị lung lay phá đổ, các lý thuyết cạnh tranh, giành giựt nhau, để chiếm phần thắng lợi, nhưng những người thi hành các lý thuyết đã không ngại thực hiện các mưu chước như thêu dệt, cám dỗ bằng mọi cách. Ngay cả trong Phật giáo cũng vàng thâu lẫn lộn Đạo Phật bị xuyên tạc, bị lợi dụng.

Khi bắt đầu bước vào cuộc đời Huynh Trưởng mỗi chúng ta, ít nhiều cũng đặt niềm tin vào đạo Phật, vào Gia Đình Phật Tử nhưng đó chỉ mới là “ niềm tin”. Qua thời gian niềm tin ấy đã được tăng trưởng, được bồi đắp để vững mạnh hơn, trở thành “ Đức tin ”. Nhưng đức tin của chúng ta phải như thế nào ?

 III . LÀ PHẬT TỬ PHẢI TIN NHƯ THẾ NÀO ?

Là Phật tử, chúng ta phải hiểu tường tận và thực hành theo đúng lời đức Phật đã dạy Tu Bạt Đà La như đã nêu ở trên khi lựa chọn đức tin, có thế ta mới tránh được hai cực đoan.

Tin vội theo tình cảm, không cần suy xét sẽ đưa đến mê tín dị đoan.

Tin theo cảm tính của giác quan quá sẽ rơi vào tệ nạn, tôn thờ vật chất.

Như vậy ta phải biết phân biệt : Chánh tín và Mê tín.

Chánh tín : Đức tín được lựa chọn sau khi đã suy nghĩ, nhận định, phân tích, tìm hiểu và chứng thực trong cuộc sống.

Mê tín : tin tưởng một cách vội vàng, mù quáng, không cần suy xét, phân tích mà chỉ buông xuôi theo tình cảm, truyền thống.

Niềm tin đặt vào đạo Phật có thể bắt đầu bằng những nguyên nhân khác nhau, có người qua suy tư kiểm chứng thấy đúng nên tin. Nhưng cũng có người vì một sự rung cảm nào đó hoặc được thỏa mãn những mong cầu nào đó như trường hợp của Hoàng Tử Nan Đà, con của Kiều Đàm Di Mẫu (1). Nhưng khi xây dựng thành đức tin, chúng ta phải quán xét lại để xây dựng đức tin thành Chánh tin.

VI. NGƯỜI PHẬT TỬ TIN NHỮNG GÌ :

1.  Tin vào cuộc đời Đức Phật :

Đức Phật không phải là một vị Thần thánh chuyên ban phúc giáng họa hay là một Thiên sứ. Ngài đã mang thân kiếp làm người như chúng ta. Là người Ngài đã băn khoăn về nỗi đau khổ của mọi người, đã thắc mắc ưu tư về cuộc sống  bất bình của xã hội, cái đày đọa trong kiếp sống, cái phi lý, bất công …

Ngài đã muốn cứu vãn cuộc đời, muốn thăng hoa cuộc đời, muốn đưa chúng sanh ra khỏi trầm luân, Ngài đã xuất gia tầm đạo. Ngài đã thực nghiệm, đã chịu đựng thử thách gian lao trước khi đắc đạo. Cuộc đời Ngài là một lịch sử chiến đấu cam go. Ngài đã thâu đạt cuộc chiến thắng vinh quang, cao cả nhất; chiến thắng Tham – Sân – Si và hoàn thành đại nguyện giải thoát và cứu khổ chúng sanh.

Những chứng tích về dòng tộc của Ngài, các nhà sử học đã tìm thấy. Những di tích lịch sử của Ngài còn để lại trên đất ẤN ĐỘ.

2.  Tin vào giáo pháp của Phật :

Giáo lý của Phật là chân lý do Ngài chứng nghiệm, là kết quả tu chứng của bản thân Ngài, giáo pháp của Ngài được kết tập trong ba tạng kinh điển. Qua vài giáo pháp tối sơ như : Khổ, Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Luân hồi. Sau khi tìm hiểu, suy xét, suy nghiệm chúng ta vững lòng tin.

3.  Tin vào năng lực của chúng ta :

Nếu tin vào Đức Phật, tin vào giáo lý của Ngài mà chỉ ỷ lại nơi Ngài thì ta đã biến Đức Phật thành một thần linh, điều mà Ngài luôn chối bỏ. Ngài đã từng dạy “ Hãy tự mình thấp đuốc lên mà đi ” hay  nơi nương tựa của ngươi chính là ngươi đừng nên nương tựa nơi nào khác ”  lời dạy này đã chứng minh hùng hồn tính chất nhân bản tự chủ khả năng giác ngộ của con người có tin tưởng ở khả năng của mình, ta mới có thể tạo cho mình một cuộc đời tươi sáng hạnh phúc, an vui, có tin tưởng ở năng lực giác ngộ của mình chúng ta mới tinh tấn tu tập để đi đến giải thóat giác ngộ.

4.  Tin ở Gia Đình Phật Tử :

Người Huynh trưởng còn tin ở Gia Đình Phật Tử. Đã hơn nữa thế kỷ, tổ chức Gia Đình Phật Tử vẫn vững mạnh và ngày càng phát triển, mặc dù đã trãi qua nhiều cơn sóng gió là vì tổ chức này đã thực hiện được mục đích của mình “ Đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Người Huynh trưởng luôn luôn cần cù nhẫn nại thực  hiện sứ mệnh giáo dục của mình. Mấy mươi năm qua, Gia Đình Phật Tử đã đào tạo biết bao lớp Phật tử  thuần thành hiểu sâu giáo pháp, trung kiên với đạo, những con người đức hạnh, về mặt công dân ắt hẳn là những công dân tốt, tận tụy với nghề nghiệp, trong lãnh vực nào cũng là những con người tích cực, làm việc hết khả năng và lương tâm của mình để phục vụ cho xã hội. Gia Đình Phật Tử đã đem đến cho chúng ta một cuộc sống lành mạnh an vui giữa cuộc đời xô bồ, tranh chấp và lắm điên đảo, vì lẽ đó chúng ta nhận Gia Đình Phật Tử làm tổ chức tốt đẹp của mình để thực hiện lý tưởng giải thoát.

V. KẾT LUẬN :

Có người cho rằng tôn giáo là bùa mê làm chết tinh thần con người, có người bảo đến với tôn giáo chẳng khác nào tự tử.

Tư tưởng này chỉ có lý khi tôn giáo chỉ xây dựng trên sự cầu xin, van vái đủ thứ mê tín dị đoan. Lúc đó con người bị phóng ngọai, vong thân. Đối với Phật giáo thì trái lại, lấy con người làm căn bản, lấy trí tuệ làm đuốc soi đường, lấy tu chứng làm phương tiện và lấy giải thoát làm cứu cánh. Cho nên đức tin của Phật tử là đức tin sáng suốt.

(1) Đức Phật muốn hóa độ cho Hoàng Tử Nan Đà con của Kiều Đam Di Mẫu ( cùng cha khác mẹ với Thái Tử Tất Đạt Đa ). Một hôm ngài về hoàng triều thăm gia đình khi trở về tịnh xá, dĩ nhiên hoàng cung  có nhiều vị ra đưa tiễn trong số đó có Nan Đà. Ngài đưa bát cho Nan Đà cầm gúp và dặn riêng các vị Tăng trong đoàn đừng ai đỡ lấy bát từ tay Nan Đà vì vậy bất dắc dĩ Nan Đà phải theo Phật về tịnh xá. Khi về đến tịnh xá Đức Phật giảng lợi ích của giới xuất gia cho Nan Đà nghe và nhấn  mạnh, xuất gia lợi ích một ngày bằng tu tại gia 100 năm, sau đó Đức Phật dùng thần thông dựng lên cõi trời và đưa Nan Đà lên dạo chơi. Nan Đà rất ngạc nhiên và vui sướng thấy cung trời toàn dựng bằng ngọc ngà, pha lê. Đến một nơi Nan Đà thấy có 500 tiên nữ xinh đẹp tuyệt vời và chỉ có một tiên ông. Đến một nơi khác lại thấy 500 tiên nữ  kiều diễm hơn và ở đây không có một hình bóng tiên ông nào Nan Đà  hỏi các tiên nữ, các tiên nữ trả lời chúng em đang đợi một người ở trần thế đến tên là Nan Đà lúc nào tu đắc đạo lên đây chúng em sẽ cung đón. Khi trở lại trần thế Nan Đà hỏi Thế tôn : Bạch Thế tôn tu bao lâu thì đắc đạo ? Ngài đáp : tùy theo công năng tu tập của mình  có thể năm mười năm có thể vài ba tháng thậm chí có khi chỉ cần 7 ngày nếu nhiếp tâm đừng để tâm rối lọan. Nan Đà nguyện ở lại tu với mục đích được đắc đạo để lên cỏi trên có 500 tiên nữ đang chờ.  Nan Đà thường bị các vị khác chọc phá là “ Thầy tu để kiếm vợ tiên ” nên ngài xin vào rừng chuyên nhiếp tâm 3 tháng, sau 3 tháng không để tâm động vọng nên dục vọng đã rơi rụng, Ngài đắc quả A NA Hàm. Bấy giờ Nan Đà xin Thế tôn bỏ lời nguyện ước ( là tu để lên cỏi tiên kia ). Đức Phật tuyên bố với đại chúng “ Nan Đà bây giờ đã có đức tin vững chắc ”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.