Cùng với Phật Giáo Đồ cả miền Nam Việt Nam trong Pháp Nạn 1963, cuộc vận động tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo của Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo ở tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chính phủ giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo và nghiêm chỉnh thực thi bản Thông Cáo Chung theo tinh thần hướng dẫn của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam cùng Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã diễn biến rất đau thương, ác liệt. Xin điểm lại đôi nét tình hình diễn tiến từ khi phát khởi cuộc tranh đấu sau vụ thảm sát 8 thiếu niên Phật Tử ở Đài Phát Thanh Huế đến thời điểm ngọn lửa tự thiêu thân vì đạo của Đại Đức Thich Nguyên Hương bùng lên tại Đài Chiến Sĩ ở tỉnh lỵ Phan Thiết:
Đại lễ Phật Đản PL. 2507, tuân hành chỉ thị của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Hội Phật Giáo Trung Phần, các chùa chiền, tự viện tại Bình Thuận chuẩn bị tổ chức đại lễ trong tinh thần “trang nghiêm nhưng tiết kiệm” để góp phần tài lực cứu giúp đồng bào nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Khánh Hội (Sài Gòn). Trong khi Tỉnh Hội, các Khuôn Hội và tư gia Phật Tử treo cờ đèn thiết trí lễ thì xảy ra việc bất thường: 17 giờ ngày 6-5-1963 (13.4 ÂL), ông Phó trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia đem đến chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận bản sao công điện số 9195 của Tổng Thống Phủ cấm treo cờ Phật Giáo ở tư gia, chỉ treo cờ Quốc Gia, văn bản (bản sao công điện trên) không ký tên, nên Tỉnh Hội trả lời với ông Phó ty: Lễ Phật Đản thì Tỉnh Hội phải treo cờ theo chỉ thị của Tổng Hội Phật Giáo và Hội Phật Giáo Trung Phần, còn việc triệt hạ cờ thì còn phải đợi lệnh cấp trung ương của Phật Giáo chúng tôi; hoặc muốn chúng tôi triệt hạ cờ Phật Giáo thì tỉnh phải ký giấy ra lệnh, chứ một bản sao công điện không có ai ký tên chịu trách nhiệm nên Tỉnh Hội không thể thi hành hạ cờ được. Do đó ông Phó ty Cảnh Sát đành ra về.
Sáng ngày 7-5-1963 (14.4 ÂL), Tỉnh Hội vẫn treo cờ Phật Giáo bình thường theo chỉ thị của Hội Phật Giáo Trung Phần. Buổi chiều, ông Đại úy Đức, Trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia đến chùa điều đình để Tỉnh Hội hạ cờ Phật Giáo và treo cờ Quốc Gia lên. Tỉnh Hội chỉ nhận lời là phía trước cổng chùa sẽ cắm thêm cờ, cứ một lá cờ Phật Giáo thì có thêm một lá cờ Quốc Gia, còn trụ cờ chính ở sân chùa vẫn chỉ kéo lên một đại kỳ Phật Giáo. Việc treo cờ xem như đã tạm được giải quyết.
Thế nhưng đến 23 giờ, hai ông Trưởng và Phó ty Cảnh Sát cùng ông Hội trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo (Lê Văn Tho) lại đến chùa Tỉnh Hội để điều đình hạ cờ Phật Giáo xuống, nhưng không có ai tiếp, nên ông Hội trưởng để cho ông Phó trưởng ty Cảnh Sát và ông Cố vấn Tỉnh Hội hạ cờ Phật Giáo xuống, kéo cờ Quốc Gia lên.
Sáng ngày Rằm – lễ Phật Đản (8-5-1963), Tăng Ni, các Khuôn Hội và Tín đồ Phật Giáo đến lễ đài chính tại chùa Tỉnh Hội chỉ thấy cờ Quốc Gia trên trụ cờ, không thấy cờ Phật Giáo nên không chịu làm lễ. Do đó, Tỉnh Hội phải kéo thêm cờ Phật Giáo lên, và chánh quyền cũng không phản ứng gì nên Đại lễ Phật Đản vẫn được diễn ra thông suốt từ đầu đến cuối lễ.
Ngày 18-5-1963, ông Hội trưởng Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận nhận được tài liệu tường thuật vụ chánh quyền đàn áp Phật Giáo tại Huế trong ngày lễ Phật Đản vừa qua và Tâm Thư của Thượng Tọa Tâm Châu kêu gọi làm lễ cầu siêu cho 8 Phật Tử tử vì đạo tại Đài Phát Thanh Huế. Buổi lễ sẽ do Đại Đức Thích Chánh Lạc và quý Thầy trong Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam từ Sài Gòn ra hướng dẫn.
Trưa ngày 20-5-1963, Đại Đức Chánh Lạc đến chùa Tỉnh Hội hướng dẫn tổ chức buổi lễ cầu siêu và nhờ người in ronéo một số tài liệu về việc chánh quyền thảm sát Phật Tử ở đài phát thanh và đàn áp Phật Giáo ở Huế. Chiều hôm đó, trong lúc Tăng Ni và Phật Tử đang lo làm lễ đài chuẩn bị cho Lễ cầu siêu thì Tỉnh Hội nhận được công văn của ông Tỉnh trưởng Bình Thuận (Trung tá Nguyễn Quốc Hoàng) nội dung cho phép làm lễ cầu siêu, nhưng Hội viên mỗi Khuôn Hội không quá 20 người. Như vậy, thị xã Phan Thiết có 4 Khuôn Hội, thì chỉ có 80 người được tham dự trong lễ cầu siêu.
20 giờ cùng ngày, Đại Đức Chánh Lạc và một số Đạo hữu trong Tỉnh Hội thảo luận để viết Bản Kiến Nghị yêu cầu Chánh phủ thu hồi công điện triệt hạ cờ Phật Giáo, ban hành quy chế bình đẳng tôn giáo; và dự trù tổ chức một cuộc biểu tình đến tòa hành chánh tỉnh đưa kiến nghị cho Tỉnh trưởng vào sáng hôm sau.
Trong buổi lễ cầu siêu ngày 21-5-1963 có ông Phó tỉnh trưởng đến dự, cùng mấy trăm Tăng Ni và Tín đồ. Buổi lễ cầu siêu diễn ra êm đẹp, Phật Giáo trao Bản Kiến Nghị cho ông Phó tỉnh trưởng tại chùa Tỉnh Hội.
Ngày 24-5-1963, hai Đại Đức Phước Lâm và Chúc Tài tổ chức tuyệt thực 48 giờ để cầu nguyện cho 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo được thành tựu, có 200 Tăng Ni và Phật Tử tham dự.
Từ hạ tuần tháng 5 năm 1963, Tỉnh Hội thường xuyên tổ chức tuyệt thực tại chùa Tỉnh Hội, ngoài Ban Tụng Niệm còn có Ban Tuyệt Thực. Ban ngày có các buổi tụng kinh Pháp Hoa, ban đêm có khóa lễ cầu an tụng kinh Phổ Môn. Trước chùa treo hai biểu ngữ:
– Chúng tôi yêu cầu Chánh phủ thực thi bình đẳng tôn giáo.
– Chúng tôi tuyệt thực để cầu nguyện cho 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo được thành tựu.
Sau ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn (11-6-1963), phong trào tranh đấu của Phật Giáo ở Phan Thiết tăng cao. Thiện nam Tín nữ thường xuyên đến chùa dự các buổi lễ ngày đêm, nhất là các ngày lễ cầu siêu cho Bồ-tát Quảng Đức.
Khi bản Thông Cáo Chung của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và Ủy Ban Liên Bộ của Chánh phủ được phổ biến (16-6-1963), Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận làm lễ tạ Phật rồi yêu cầu Tăng Ni, Phật Tử giải tán, ai về nhà nấy.
Tuy nhiên đã gần một tháng từ khi bản Thông Cáo Chung được công bố, đến ngày 14-7-1963, mà chánh quyền từ trung ương đến địa phương (tỉnh, quận) vẫn không thực thi một điều nào cả. Trái lại, nhiều nơi còn tiếp tục xảy ra khủng bố, bắt bớ, giam cầm Tăng Ni và Tín đồ Phật Giáo, nên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra chỉ thị tiếp tục cuộc tranh đấu bất bạo động.
Ngày 17-7-1963, Tăng Ni – Phật Tử tập trung về chùa Tỉnh Hội cầu nguyện. Đợt 2 nầy cũng đông như đợt 1, cũng có hai Ban: Tụng niệm và Tuyệt thực. Hằng đêm, rất đông Thiện nam Tín nữ đến chùa lễ Phật và đảnh lễ di ảnh Bồ-tát Quảng Đức; nghe tin tức về cuộc đấu tranh của Phật Giáo. Ngày lễ Chung Thất của Hòa Thượng Quảng Đức (30-7-1963) số người dự lễ càng đông hơn nữa.
Ngày 3-8-1963, đợt tuyệt thực 48 giờ tiếp theo của Tăng Ni, Tín đồ và 10 em nam nữ Gia Đình Phật Tử cầu nguyện cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo thành tựu được tổ chức tại chùa Tỉnh Hội. Đây là đợt tuyệt thực thứ hai của Cư sĩ Phật Tử và là lần thứ tư của Chư Tăng, Ni được tổ chức tại chùa Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Bình Thuận ở Phan Thiết.
Cũng như các đợt trước đó, trong số Chư Tăng Ni và Tín đồ phát nguyện tuyệt thực có Đại Đức Nguyên Hương (trụ trì chùa Bửu Tích) cũng về tham dự cùng đại chúng. Tuy nhiên lần này, Đại Đức Thích Nguyên Hương đã có ý nguyện tự thiêu thân vì đạo pháp theo gương Hòa Thượng Quảng Đức mà không ai biết.
Trong suốt đêm hôm đó cho đến rạng sáng ngày hôm sau, Đại Đức thức thâu đêm để viết lại 3 bức di thư mà Thầy đã thảo ra mấy hôm trước để lưu lại khi tự thiêu: Thư gởi cho Giáo Hội, cho thân sinh và cho bổn đạo chùa Bửu Tích. Tuy nhiên lúc ấy những ai trông thấy cũng đều tưởng rằng Đại Đức viết thư về thăm thân sinh, gia đình chứ không ai ngờ đó là những lá thư phó chúc tâm nguyện cuối cùng.
Sáng ngày 4-8-1963 (ngày Rằm tháng Sáu năm Quý Mão), sau buổi sinh hoạt tác động tinh thần tranh đấu của Gia Đình Phật Tử trong sân chùa, mọi người ra về, tại chùa chỉ còn mấy chục Tăng Ni và 10 Đoàn viên Gia Đình Phật Tử tuyệt thực ở lại. Đại Đức Nguyên Hương vẫn bình thản chuyện trò thân mật với các Đoàn viên Gia Đình Phật Tử một cách từ hòa, hoan hỷ như thường ngày; không một ai trong chùa hay biết việc Đại Đức đã viết di thư để lại cũng như không biết gì về ý nguyện quyết chí thiêu thân của Đại Đức.
Đến hơn 11 giờ, Đại Đức Nguyên Hương lẳng lặng dấu trong mình một cái thùng 4 lít (loại thùng đựng dầu cải) đi ra với nét mặt trầm tĩnh nên không một ai lưu ý. Đến trạm xăng, Đại Đức mua 4 lít xăng pha nhớt (việc mua xăng pha nhớt, vì sợ mua xăng không pha sẽ bị người khác nghi ngờ làm hỏng tâm nguyện, sau này khi Đại Đức đã tự thiêu mới nghe kể lại). Mua được xăng rồi, Đại Đức tay ôm chiếc cà sa che dấu bình xăng, đi đến Đài Chiến Sĩ bên cạnh Tòa Hành Chánh tỉnh tại thị xã Phan Thiết rồi đắp y, ngồi kiết già, tự tay tẩm xăng và quẹt diêm tự thiêu. Ngọn lửa bùng lên khi Đại Đức vẫn trong tư thế tọa thiền, tay kiết ấn.
Một phu xe xích-lô tình cờ nhìn thấy cảnh tự thiêu vội chạy về chùa Tỉnh Hội cấp báo. Cảnh sát cũng đã hay tin liền tức tốc đến đưa nhục thân của Đại Đức lên xe jeep chở đến bệnh viện Phan Thiết.
Được tin, Sư Bà Huyền Học cùng các Sư Cô chùa Bình Quang Ni Tự và một số Đoàn viên Gia Đình Phật Tử vội vã đến bệnh viện, vào nhà xác để giữ thi hài Đại Đức Nguyên Hương. Nhân viên công lực đến bao vây nghiêm ngặt quanh bệnh viện, lực lượng canh phòng càng lúc càng đông hơn, nên Tăng Ni và Tín đồ hay tin đến sau không vào được, ngược lại, quý Sư Cô và Phật Tử bên trong bệnh viện cũng không ra ngoài được, bị giam lỏng, không ăn uống, không biết gì tin tức bên ngoài.
Trong bệnh viện, Sư Bà Huyền Học cùng mấy chục Sư Cô và Đoàn viên Gia Đình Phật Tử sợ chánh quyền cướp xác Đại Đức đem đi mất nên nằm trong nhà xác để canh giữ. Phía ngoài bệnh viện, khoảng 200 Tăng Ni và Thiện nam Tín nữ ngồi trước cổng tụng kinh. Công an, Cảnh sát được điều động đến túc trực canh gác trước chùa Tỉnh Hội.
Suốt buổi chiều hôm ấy, chánh quyền cho xe phóng thanh chạy khắp thị xã Phan Thiết tung tin thất thiệt:
– Có một thanh niên thua bạc ở Sài Gòn đã đến tự thiêu tại Đài chiến sĩ Phan Thiết, đồng bào hãy bình tĩnh.
– Có một thanh niên bị bệnh và thất tình ở Phan Rí vào tự tử tại Đài chiến sĩ Phan Thiết.
Phật Tử trong chùa Tỉnh Hội gắn loa lên cột cờ phản bác lại: “Toàn thể Phật Giáo Đồ và đồng bào nên nhận định và đề cao cảnh giác, đừng nghe theo lời xuyên tạc, che dấu sự thật của xe phóng thanh bên ngoài vừa loan tin. Sự thật, người đã tự thiêu chính là một vị Tăng thuộc Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận đã tự thiêu để phản đối Chánh phủ không thực tâm thi hành bản Thông Cáo Chung đã ký kết với Phật Giáo và vẫn tiếp tục đàn áp Phật Giáo Đồ.”
Chánh quyền yêu cầu Tăng Ni và Tín đồ ở trong và ngoài bệnh viện giải tán, đêm nay (4-8-63) họ sẽ chở xác về chùa Tỉnh Hội. Nhưng rút kinh nghiệm ở Sài Gòn và các tỉnh khác nên Tăng Ni, Phật Tử trong cũng như ngoài bệnh viện nhất định không ra về. Đêm hôm ấy, Quân đội được tăng cường, bố phòng nghiêm ngặt hơn, họ tìm mọi cách cắt đứt liên lạc của các Tăng Ni và Phật Tử bên trong và phía ngoài bệnh viện.
7 giờ sáng hôm sau (5-8-1963), chánh quyền cho đặt nhiều máy ghi âm ở trước nhà xác. Sau đó 3 xe tiến vào: một xe chở Dân vệ và lính Bảo an ở quê của Đại Đức Nguyên Hương (Tuy Phong), một xe chở song thân của Đại Đức, một xe chở quan tài. Xuống xe, nhân viên công lực dẫn song thân của Đại Đức vào một căn phòng riêng để “bàn thảo” những lời phải tuyên bố với Tăng Ni và Tín đồ ở trước nhà xác. Sau khi ra khỏi phòng, họ đưa mẫu thân của Đại Đức đến trước nhà xác lạy các Sư Cô, khóc lóc và lặp lại những lời đã được “bày vẽ” trước đó: “Con tôi nuôi từ nhỏ đến giờ, bỏ nhà đi tu mới có ba năm nay (sự thật thì Đại Đức xuất gia từ lúc 6 tuổi, đến lúc đó đã 23 tuổi). Giờ nó đã chết rồi, có chánh quyền làm chứng, tôi xin các Sư Cô hãy cho tôi đem nó về quê an táng”. Công an theo sát bên song thân Thầy cho thu băng (ghi âm) lại những lời kêu van đó; vài nhân viên công lực la lối những lời xuyên tạc và phỉ báng Phật Giáo.
Chụp ảnh và thu băng những lời kêu khóc của song thân Đại Đức xong, chánh quyền cho lính Bảo an đưa chiếc quan tài vào nhà xác, Sư Bà Huyền Học và các Sư Cô đẩy ra, hai bên giằng co một lúc lâu. Họ la hét, hăm dọa, rút súng đòi bắn… nhưng vẫn vô hiệu trước sự đồng tâm nhất trí của những người con Phật quyết bảo vệ di thể vị Thánh Tăng tử đạo.
Cuộc cướp xác lần thứ nhất không thành nhưng đến trưa, khoảng chừng 200 lính Bảo an, Công an, Mật vụ, Cảnh sát, Dân vệ… đến tăng cường, đóng kín các cửa sổ bệnh viện không để bệnh nhân nhìn thấy, và cảnh đàn áp bắt đầu. Ba bốn người bắt một vị Tăng hay Ni hoặc một Cư sĩ Phật Tử đưa vào phòng bệnh nhân tâm thần. Phòng đầy người, họ dồn hết Tăng Ni, Phật Tử vào một phía sân bệnh viện canh giữ nghiêm ngặt. Trong khi đó ở bên ngoài hàng rào bệnh viện, một số đông Tăng Ni, Tín đồ lớn tiếng kêu cứu, phản đối thì họ dùng máy phóng thanh phát tiếng rất lớn để át lấp mọi tiếng phản đối của Phật Tử và đồng bào.
Lúc này toán Dân vệ do Quận trưởng quận Tuy Phong (Đại úy Chi) chỉ huy tiến vào nhà xác, khiêng theo chiếc quan tài, họ bẻ thẳng tay chân Đại Đức lại cho vừa với quan tài, vì tuy đã bị thiêu cháy, nhưng di thể Thầy vẫn còn trong tư thế kiết già, tay vẫn bắt ấn. Tăng Ni và Phật Tử, những con người tay không hiền lành ấy đành bất lực đứng nhìn toán Dân vệ đậy nắp quan tài lại khiêng ra xe trong sự thất bại, niềm thương đau cùng lòng uất ức…
Diễn biến việc cướp thi hài Đại Đức chỉ xảy ra trong khoảng chừng 5 phút. Xe GMC của quân đội chở quan tài của Thầy đưa về chôn ở nghĩa địa xã Long Hương (nay là xã Liên Hương), quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, không cho cử hành pháp lễ trà tỳ.
Sau đó, họ “thả” 26 Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo trong bệnh viện ra, nhưng cổng bệnh viện đã bị khóa, không thể ra ngoài được. Hơn 15 giờ, Hiến binh đến làm biên bản. Sư Bà Huyền Học cùng Tăng Ni và Tín đồ vẫn ngồi sắp hàng điềm tĩnh tụng kinh.
Đến 18 giờ, xe chở Thượng Tọa Huyền Minh – Trưởng phái đoàn – và Chư Tăng trong Ủy Ban Liên Phái đến bệnh viện. Thượng Tọa Huyền Minh sụp lạy Chư Tăng Ni đang tụng kinh. Tất cả nhìn nhau òa khóc. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và hỏi qua sự việc, mọi người đưa nhau lên xe về chùa Tỉnh Hội.
Kề từ ngày Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu, tình hình vốn đã căng thẳng càng thêm căng thẳng, chánh quyền tỉnh Bình Thuận phải ra lệnh “Giới nghiêm” từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng.
Ngày 7-8-1963, Phái đoàn Hội Phật Giáo Trung Phần do Thượng Tọa Thích Mật Nguyện làm Trưởng phái đoàn đến chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận. Trong đêm đó, Phái đoàn và Ban Đại Diện Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Thuận họp khẩn để thảo luận về kế hoạch tiếp tục tranh đấu bất bạo động, đòi hỏi cho đến cùng Chánh phủ thực tâm và nghiêm chỉnh thi hành bản Thông Cáo Chung của Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã ký kết.
Ngày 12-8-1963, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu cho Cố Đại Đức Thích Nguyên Hương tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn và tất cả các chùa chiền Phật Giáo trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi, lễ cầu siêu đã do Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết thân lâm đứng ra chủ lễ với sự hiện diện vô cùng đông đảo Chư Tăng Ni, quý Cư sĩ Phật Tử và các đoàn thể Phật Giáo.
Kể từ đây, trong tình hình căng thẳng và biến động dồn dập không còn chỉ riêng của Phật Giáo mà đã trở thành của mọi giới đồng bào trong nước; Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo tỉnh Bình Thuận tiếp tục chịu thống khổ và cũng tiếp tục tuân hành đường lối tranh đấu ôn hòa bất bạo động dưới sự lãnh đạo của Tổng Hội Phật Giáo và Ủy Ban Liên Phái cho đến ngày xảy ra chiến dịch “Tổng tấn công chùa chiền” đêm 20 rạng sáng ngày 21-8-1963, mọi hoạt động chung tự chấm dứt, vì hầu hết hàng Giáo phẩm lãnh đạo Phật Giáo bị bắt bớ, giam cầm./.
oOo
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI
(Lược trích, chỉnh lý, bổ sung theo “Bản tường thuật cuộc vận động cho 5 nguyện vọng Phật Giáo của tỉnh Bình Thuận” và tài liệu “Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử” của Tuệ Giác, ‘giấy cho phép xuất bản’ số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ, Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất).