Mùng 3 tết, đọc được trên “kiến thức đốt pháo”, í lộn! là “kiến thức đót net đót vờ nờ” (kienthuc.net.vn) cái text “Tây” hoài niệm pháo Tết VN đầu thập kỷ 90 và xem được 8 tấm hình kèm mấy dòng phi lộ: Những hình ảnh do các phóng viên quốc tế ghi lại và giới thiệu trên trang Corbisimages chắc hẳn sẽ khiến một thế hệ người Việt cảm thấy bồi hồi… Bổng chợt nhớ đến lạ cái ồn ả, rộn ràng của tiếng pháo và cái mùi ngây ngây, nồng nồng, hăng hắc, khen khét của thuốc pháo cái thuở “khi xưa ta bé ta chơi, béng beng!” ngày ấy…
Từ những năm đầu thập kỷ 1990 trở về trước, pháo là một nét văn hóa
không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về:
Màu hồng của xác pháo đã trở thành một màu sắc ăn sâu vào tâm trí của hàng triệu người Việt.
Không thể làm gì hơn dù vẫn cứ muốn có lại các âm thanh tạch tạch, đùng đùng từ những ngày trước tết rất lâu của không những các chú bé trai mà cả bé gái nữa chơi pháo đập, pháo chuột; tiếng đì đoàng những tràng pháo cúng tất niên của đình miếu, công sở, của nhà nhà trong xóm làng, phường khóm; tiếng âm vang rộn rã của hăng trăm, hàng ngàn dây pháo cùng rộ lên vào giờ phút giao thừa chen lẫn trong tiếng chuông trống bát nhã trầm hùng của chùa, tiếng bí boong thánh thót của chuông giáo đường. Sau đó âm thanh và mùi thuốc pháo vẫn cứ còn lan tỏa rãi rác mãi lâu trong các lễ cúng đầu năm và kéo dài cho đến ngày “khai hạ” (hạ nêu) mùng bảy tết…
Sáng mùng 1, phía trước các hiên nhà ngập tràn xác pháo:
Từ Bắc đến Nam, có không ít làng nghề sống bằng nghề làm pháo như làng Bình Đà; Đồng Kỵ; Nam Ô…
Có rất nhiều loại pháo khác nhau: pháo tép; pháo đùng; pháo cối; pháo dây; pháo chuột; pháo thăng thiên…
Pháo đập là loại pháo từng cuộn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi thường được chơi khá sớm – khoảng đầu tháng chạp – pháo mua về được gắn vào một loại súng bắn pháo của trẻ em bằng nhựa hoặc hợp kim, có thể bắn “liên thanh” (mà lúc bấy giờ bọn chúng tôi hay gọi là bắn ra-phan). Tuy vậy, thời bấy giờ con nít chúng tôi đứa nào được ba mẹ mua cho loại súng này đã là “oai” lắm. Đa phần thì chỉ mua được một loại súng khác bằng gổ tạp, trang trí xanh xanh, đỏ đỏ, bắn “phát một” bằng cách xé từng “hột pháo” trên dây pháo giấy cho vào thân súng và lẩy cò để tạo ra sự va đập tạo nên tiếng nổ tạch, tạch… hoặc sáng kiến hơn thì giả kiểu bắn liên thanh một cách thủ công và chậm chạm bằng cách cầm cả cuộn dây pháo đưa ngang vào súng nhưng phải lên cò, bóp cò thật nhanh sau mỗi phát bắn. Những đứa ưa chuộng mỹ thuật và “có hoa tay” thì không mua súng mà cưa miếng gổ, tự chế (hoặc được ba làm cho) loại súng này và vẽ vời trang trí theo ý thích. Con nhà quá nghèo không mua được súng hoặc bị ba mẹ cấm chơi súng thì chỉ việc xé từng viên pháo ra để lên nền nhà, nền sân rồi dùng cục đá đập là pháo nổ: tạch! Với cách này chúng tôi cũng nghĩ ra cách “bắn ra-phan” là cầm cả dây pháo nhã ra dần dần và cục đá thì cứ liên tục đập xuống. Nhưng phải “hào phóng” lắm mới dám biểu diễn vì sợ… nhanh hết pháo.
Những ngày giáp Tết, các đại lý pháo như thế này xuất hiện trên khắp các phố phường:
Pháo chuột là loại pháo nhỏ, rời, không kết thành dây, được bán lẽ, tính bằng viên và được đốt bằng lửa thật sự, thường là bằng một cây nhang. Đây cũng chính là loại pháo mà khi người sản xuất kết thành dây thì được gọi là “phong” pháo. Khi các cửa tiệm lớn nhỏ bắt đầu lẻ tẻ bán pháo này là bọn con trai chúng tôi gần như không còn ăn quà bánh gì nữa. Có được đồng nào là mua ngay mấy viên pháo đút túi chờ dịp đốt, quăng ra nền đất. Chê tiếng pháo nổ không được lớn, nhiều đứa đặt một cái loong nhỏ (loại loong sửa bò Ông Thọ hay loại loong trong các hộp khẩu phần B1, B2, B3… đã dùng hết) đè nhẹ lên quả pháo, chừa phần tim ra bên ngoài, khi đốt có tiếng nổ om lớn hơn. Cách chơi này bị người lớn cấm vì nguy hiểm. Không ít đứa đã bị trầy da tróc đầu vì đốt xong run quá chạy không kịp hay bị cái loong bay “lên trời” rơi xuống nhằm đầu.
Các quán trà đá, cửa hàng tạp hóa nhỏ cũng tranh thủ bán pháo.
Pháo phong, như trên đã nói, là một dây pháo có độ dài tương đối ngắn đến trung bình tùy loại, được kết bằng nhiều viên pháo tiểu – tức pháo chuột; pháo tép – xếp ngay ngắn trong những hộp giấy hình chữ nhật, có in nhãn hiệu và trang trí màu sắc đẹp đẻ. Pháo phong có loại chỉ toàn là pháo tiểu, cũng có loại kèm theo vài viên pháo đại – tức pháo tống; pháo đùng, pháo cối người ta sẽ móc xen vào pháo tiểu khi chuẩn bị đốt. Pháo này không chỉ được người lớn mua dùng để dành đốt cho từng lễ cúng trong mấy ngày tết: tất niên, giao thừa, khai niên, khai hạ… mỗi lễ một hoặc nhiều phong (tùy vào hầu bao khá hay kém của từng nhà dịp tết năm ấy, hoặc tùy vào tính hào phóng hay dè sẻn của gia chủ) mà còn được dùng như một phần của lễ vật để biếu tặng nhau trong ngày tết tùy theo mức độ quan hệ – gọi là đi tết – đa phần theo tập tục một số vùng miền Trung và miền Nam nước Việt. Ngoài ra, vài vùng tại miền Bắc Việt Nam, loại pháo này còn được người lớn mang theo, tự đốt lên khi vào đặt chân vào trước ngõ những nhà thân thiết, không ngại kiêng cử mà họ đến “xông đất”, chúc tết ngay trong đêm mồng một, sau giao thừa.
Cả người lớn và trẻ em đều háo hức với pháo:
Pháo bánh hay còn gọi là pháo cuộn, pháo dây, pháo thước, có thể nói là loại “đàn anh” nhất trong các loại pháo (trừ pháo thăng thiên – pháo hoa; pháo bông – vốn được người sử dụng và người bán mặc nhiên phân thành một loại pháo riêng). Loại pháo bánh thường ít có bao bì in ấn kỷ lưỡng như pháo phong, mà được cuộn thành từng bánh tròn với nhiều độ dài khác nhau và gói bằng giấy báo; giấy bao ciment; giấy bóng kính; cuộn bằng giấy carton; bỏ trong hộp carton tròn… hoặc để trần, không bao bì gì cả, rất đa dạng. Pháo bánh được kết xen kẻ rất nhiều những viên pháo tống vào dãy pháo tiểu. Tuy cả pháo phong hay pháo bánh đều có thể kết nhiều dây lại với nhau thành một dây dài đơn hoặc kép (kép sẽ nổ to, vang, rôm rã hơn) nhưng thường khi muốn kết những dây pháo dài người ta đều chọn loại pháo bánh. Đặc điểm của loại pháo này còn ở chổ: những đình chùa, công tư sở, tư gia đốt với số lượng nhiều thì khi hạch toán hay mua bán sẽ tính theo mét (nên gọi là pháo thước). Tổng số pháo được đốt mỗi lần là từ vài ba thước đến hằng chục hoặc có thể đến vài chục thước và bao giờ dây pháo dài nhất cũng dành để đốt vào thời khắc giao thừa.
Thú vui của hầu hết đám con trai chúng tôi và một số đứa con gái “rắn mắt” là cho dù nhà ai đốt pháo – dù là pháo phong nhỏ hay pháo bánh lớn – thì lập tức chạy đến nhào vô tranh nhau lượm pháo xịt, tức pháo lép không nổ còn sót lại rơi xuống. Đứa nhút nhát thì chờ pháo nổ xong chạy vào bươi lấy bươi để tìm pháo; đứa gan dạ thì “bay” ngay vào khi pháo đã nổ được một đoạn để chộp lấy những quả pháo vừa rơi xuống còn nóng hổi để đốt lại. Thành phần thứ nhất thường chỉ nhặt được những viên pháo tiểu bị lấp dưới đống xác pháo. Còn thành phần sau tất nhiên thì chiến lợi phẩm phong phú hơn, “sướng” nhất là khi vớ được những viên pháo tống to còn chưa nổ. Nhưng đây cũng chính là thành phần hay “lảnh thẹo” vì có khi tranh dành nhau, chộp ngay vào quả pháo tống nổ chậm khi đã rơi xuống đất.
Đi nhặt những quả pháo chưa nổ là thú vui của nhiều trẻ em:
Từ ngày 1.1.1995 tại Việt Nam tất cả các loại pháo đều bị cấm theo chỉ thị số 406-TTg ngày 8.8.1994 của nhà đương cục. Đương nhiên là văn kiện này cũng cấm cả nghi thức bất thành văn bắn súng và pháo signal vào phút giao thừa của quân đội. Tôi nhớ là văn kiện cấm dùng bất cứ gì “gây tiếng nổ thay cho pháo”. Theo tinh thần chỉ thị trên thì lý do cấm là để tiết kiệm và để “phòng chống cháy, nổ”, nhưng lúc bấy giờ cũng có nhiều phỏng đoán, dư luận không biết đúng, sai rằng do kinh nghiệm chính việc lợi dụng đồng loạt tiếng pháo trong thời khắc giao thừa thiêng liêng hồi năm Mậu Thân (1968) vào mục đích quân sự nên tốt hơn hết là pháo nên bị cấm. Tuy vậy, tết Nguyên Đán năm cấm pháo đầu tiên vẫn còn nhiều gia đình tiếc nuối tìm cách đốt lén, một số bị lãnh xui xẻo đầu năm: lập biên bản nộp phạt vi cảnh; một số chối biến (vì pháo đốt nổ lên rồi thì vốn dể phi tang) nên thoát nạn! Thế nhưng từ bấy đến nay thì tiếng pháo gần như mất hẳn ở trong nước.
Năm Quý Tỵ này, hiện tượng buôn bán và “đốt pháo lậu” ở một số địa phương quốc nội lại bắt đầu làm phiền nhiễu, đau đầu những người làm công tác an ninh và chính trị. Mới đây một số trang báo mạng thông tin: Bất chấp lệnh cấm, nhiều nơi vẫn đốt pháo dịp Tết (news.zing.vn); Xác pháo vẫn đỏ đường như chưa hề bị cấm đốt (tinmoi.vn); “Xác pháo đầy đường”: Lệnh cấm đâu phải chuyện đùa! (dantri.com.vn)…
Trong khi đó “bên Tây” thì nhiều năm qua, các Hội Xuân, Hội Tết, Hội chợ đầu năm…, người Việt xa quê hương đang cố gắng tìm về truyền thống củ của dân tộc trước đây bằng những hội đốt pháo tết đầu năm rất lớn.
oOo
Sau Nguyên Đán năm Canh Dần, member Quảng Thọ chia sẻ trên forum www.gdptthegioi.org đoạn clip Tết 2010 – Đốt pháo tại chùa Huệ Quang đêm giao thừa, Westminster, California và đã có nhiều members hoài vọng… pháo vào comment “bình loạn” rất hăng:
hoalam82: Hay quá, lâu lắm mới được thấy và nghe tiếng pháo.
QuangMai: Anh chị em lớn lên ở Việt Nam sau nầy biết không? Có rất nhiều dây pháo nhưng trước đây cứ một đoạn “pháo tiểu” (nổ vừa phải, như đạn súng trường) người ta lại kết xen vào một quả “pháo tống” (nổ rất lớn, như lựu đạn vậy) nghe rất đã! Không biết các quốc gia hải ngoại có quy định cấm không mà chẳng thấy (và nghe) pháo tống, chỉ toàn pháo tiểu không à. Uổng quá!
sakyabrama: Chà, em không biết vụ pháo tống này nhe. Từ nhỏ ở VN đã không được nghe tiếng pháo. Qua đây cũng có cấm đốt, nhưng người ta cũng du di cho những chùa chiền, những khu thương mại lớn vì họ biết đó là truyền thống của mình. Chủ yếu là họ muốn an toàn cho bà con thôi!
QuangTho: Lúc nhỏ ở VN mình thích nghe tiếng pháo vào đêm giao thừa có xen kẻ tiếng pháo tống thật vui. Ở Hải Ngoại do pháo tống nổ lớn nguy hiểm nên chỉ có pháo tiểu nổ lách tách nghe vui tai rồi, tiếng pháo và tiếng trống múa lân đã mang lại không khí tết cổ truyền của người Việt tại Hải Ngoại. Pháo đã cấm đốt ở VN 16,17 năm rồi nên sakyabrama lúc nhỏ không được nghe tiếng pháo là đúng rồi.
batchanh: Nghe tiếng pháo đã ghê! Cảm ơn Quang Thọ mang pháo vào Diễn Đàn đốt thật rôm rã hiiiii. Quá lâu rồi giờ nghe lại nhớ tuổi thơ quá! Ngày xưa mỗi nhà chỉ mua nổi một phong pháo sản xuất tại làng Nam Ô có tiếng ở Đà Nẵng. Tuổi thơ hay chạy đi mót (lượm) pháo lép hay bị rơi do không cháy kịp của những nhà giàu đốt nhiều phong, về đốt lại tay run run vì tim quá ngắn sợ quăng không kịp… vui lắm…. hi…. thật xúc động khi nghe lại.
ĐN: ĐN cũng có dip thấy đốt pháo dây rồi…. nghe rất đã. Nhớ lúc các viên pháo tiểu nổ dần tới viên pháo tống đó, thường thì một đoạn thì có 1 cặp pháo tống, khi nổ đôi lúc có rơi ra vài viên pháo xịt… thấy mà rớt ra 1 viên pháo xịt là đám nhỏ bay vào lượm liền… vui nhưng mà nguy hiểm… sau này nhà nước cấm nhưng vẫn có pháo gọi là “pháo chuột” cũng dạng dây nhưng nhỏ bằng đầu đủa, dài khoản 15cm… nghe cũng to nhưng không đã bằng pháo tống. Đám nhỏ vẫn mua lén rồi chơi lén, ngoài ra còn có pháo xoáy, pháo bướm, pháo diêm… (toàn hàng lậu nhưng đám nít vẫn thích mua và chơi, ĐN năm nào cũng chơi, duy năm nay ko chơi… hihi lớn rồi) Thấy topic này bàn pháo nên ĐN tham gia góp vui. Không biết có cao thủ nào về pháo ở đây không nhĩ… ĐN đây xin được chỉ giáo. hihi…
Và để kết thúc bài tản văn hí luận này, mời các nhà hoài cổ xem đoạn clip Đốt pháo mừng xuân Quý Tỵ 2013 tại Grand Century Mall, San Jose, California – nghe có cả tiếng pháo thăng thiên – cũng của Bloger Quảng Thọ ĐNT sưu tầm, chia sẻ cho những ai còn lưu luyến với tiếng đì đoàng và mùi thuốc pháo:
QUANG MAI