Bậc Trung Thiện: Kinh Báo Hiếu

A. GIỚI THIỆU :

Nhân một buổi đi hoằng hoá của Đức Thế Tôn và các đại chúng, đoàn người dừng lại trước một đống xương khô chất cao như núi, Đức Thế Tôn sụp xuống lạy, tôn giả A-Nan hỏi nguyên nhân Phật lạy đống xương này. Phật giải thích : lạy đây là lạy ông, bà, cha, mẹ, các thân trước của ngài, A-Nan và toàn thể đại chúng xúc động mãnh liệt trước lòng hiếu thảo ấy và xin Phật dạy cách nào báo đáp ân sâu của cha, mẹ. Phật đồng ý thuyết giảng kinh và dặn lấy tên kinh là “ ĐẠI BÁO PHỤ MẪU TRỌNG ÂN KINH ” ( Kinh báo đáp ân nặng của cha mẹ ).

B. NỘI DUNG :

Nội dung Phật dạy về ân đức của cha mẹ, từ khi mới mang thai đến con trưởng thành … và cách báo đáp. Có mấy nội dung chính sau.

1.  Sự hình thành của thai nhi, tuần tự trong 9 tháng khi nằm trong bụng mẹ :

–   Tháng thứ nhất : như hạt sương.

–   Tháng thứ hai : như giọt sữa đặc

–   Tháng thứ ba : là giọt máu đông đặc.

–   Tháng thứ tư : bắt đầu tượng hình người.

–   Tháng thứ năm : chân tay đầu óc đầy đủ.

–   Tháng thứ sáu : đủ sáu căn.

–   Tháng thứ bảy : 360 đốt xương, 84 ngàn chân lông.

–   Tháng thứ tám : phủ tạng, ý chí + 9 khiếu.

–   Tháng thứ chín : trọn đủ chuẩn bị ra đời

2.  Nếu là con hiếu nghĩa ra êm xuôi, không làm đau mẹ, nếu là con bạc nghĩa sinh ngược phải mổ xẻ.

3.  Mười ân của từ mẫu phải lo báo đáp :

–   Mang nặng hơn 9 tháng.

–   Đau đớn tột cùng lúc gần sinh.

–   Khi sinh, sống chết khó lường.

–   Ăn đắng nhả ngọt.

–   Chịu ướt, nhường khô.

–   Bú mớm, nuôi nấng.

–   Tắm gội giặt giũ.

–   Đi xa lòng mẹ nhớ thương.

–   Tạo bao ác nghiệp do thương con.

–   Trọn đời yêu thương con dù con có lớn khôn đến bao nhiêu …

4.  Những điều bất hiếu của đứa con :

–   Khi đang còn trong gia đình : cãi lẩy hung hăng …

–   Khi đã có gia đình riêng : chỉ lo cho gia đình riêng mình, nghe vợ hoặc chồng con cháu riêng mình, mà xúc phạm đến cha mẹ.

5.  Cách báo ân :

Phật dạy “ Dù làm thân trâu ngựa trong nhiều kiếp cũng không xứng được với ân của cha mẹ”. Cách báo ân hữu hiệu nhất là :

–   Chép sao kinh Báo ân phổ biến cho nhiều người xem, đọc tụng.

–   Bản thân cũng đọc tụng để ghi nhớ ân sâu của cha, mẹ.

–   Sám hối, làm chay, hồi hướng công đức cầu siêu cho cha mẹ bảy đời của mình.

–   Cúng dường tam bảo.

–   Giữ giới, bố thí, làm mọi điều lành.

6.  Tội bất hiếu :

Phải đoạ Địa ngục A-Tỳ, chịu muôn ngàn đau khổ. Cho nên Phật dạy : “ Trong tất cả các tội, tội bất hiếu là lớn nhất, trong tất cả các hạnh, hạnh hiếu thảo là cao nhất ”.

C. SUY NGHIỆM :

Cũng như đại chúng, khi Phật còn tại thế, em xúc động mãnh liệt thật sự khi đọc kinh báo hiếu. Em suy nghiệm lời Phật dạy và ngày càng thấm thía, hơn cả thiên kinh vạn quyển sách thế gian nói về ơn cha mẹ. Cái khác biệt nữa là, em biết không phải em chỉ có cha mẹ, các anh, chị, các em … của em cũng có thể là cha mẹ trong một kiếp nào đó của em.

Từ đó em sinh lòng biết ơn mọi người, muốn làm điều lành để báo ơn họ.

Những người con bất hiếu như chửi cha mắng me, khi cha mẹ trăm tuổi rồi, không tìm lại được nữa, bấy giờ người ấy sẽ đau khổ tận cùng, khi nghĩ lại những điêu không phải của mình. Đó phải chăng là Địa ngục A-Tỳ ngay tại đây !

D. THỰC HÀNH

Bài học cho em nhiều điều thú vị : Phật nhãn quá siêu phàm, cách đây hơn 2500 năm Thế Tôn đã thấy những điều mà khoa học ngày nay phải dùng đến những phương tiện, kỹ thuật thiện xảo mới thấy được. ( thai nhi trong bụng mẹ ).

Em vô cùng ngưỡng mộ Đức Phật, nguyện làm theo lời ngài dạy :

–   Nguyện không quên ơn ai, dù họ làm cho mình mọi việc tốt nhỏ và xem mọi người như là cha mẹ của mình trong nhiều kiếp.

–   Với song thân hiện tại, nguyện ghi nhớ thâm ân, báo đáp bằng cách tu thân và khuyên cha mẹ quy y tam bảo ( nếu chưa ).

–   Không bao giờ phủ nhận công ơn sinh thành bằng cách nghĩ rằng : “ Tôi ra đời không do tôi muốn mà do ông bà muốn sinh tôi ”. Chớ nói tới câu nói vô ơn bạc nghĩa đáng đọa Địa ngục A-Tỳ ấy.

–   Mở rộng lòng thương đến muôn loài, vì biết đâu một kiếp nào đó, mình ở loài súc sinh : con mèo, con chó mình đang nuôi đây đã từng là cha, là mẹ mình … Từ đây trong em phát khởi lòng khiêm cung đối với tất cả, không mắng nhiết ai, hạ nhục ai …

–   Em nguyện không sao lãng việc báo hiếu trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động của em.

Câu hỏi :

  1. Nguyên nhân Phật nói kinh báo hiếu ?
  2. Em hãy kể những điều bất hiếu mà con cái vấp phải khi còn ở trong gia đình với cha mẹ và anh chị em ?
  3. Em hãy kể một mẫu chuyện tiền thân hay một mẫu chuyện Đạo, trong đó người con hiếu thảo đã róc thịt, móc mắt… để báo ân cha mẹ ?
  4. Em có phải là người con hiếu không ? Cụ thể em đã làm gì để báo trọng ân của cha mẹ ?
  5. Hãy kể chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ là bà Thanh Đề, và nói ý nghĩa của câu chuyện ấy ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.