Lịch sử truyền tin bằng thư tín từ sơ khai đến hiện đại

TVGĐPT– Truyền thống viết thư tay, rồi bỏ vào bì thư; ghi tên người gởi – người nhận; dán tem bưu chính; đem đến bưu cục gởi; rồi mong chờ thư đến tay người nhận… có vẻ như đã đi dần vào quên lãng, nhường chỗ cho những hình thức chuyển tải thông tin, gởi gắm tâm tình “thần tốc” hơn trong kỷ nguyên truyền thông công nghệ bùng nổ toàn cầu. Chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử chặng đường truyền tin bằng thư tín từ sơ khai đến hiện đại và thử tiên đoán tương lai…

Một tấm bưu thiếp mang dấu nhật ấn của Bưu cục Sài Gòn ngày 18/4/1974, phát hành nhân cuộc Triển lãm Bưu Hoa tổ chức từ ngày 8 đến 30-4-1974 bởi Viện Văn Hóa Pháp. Còn 2 hình trên cũng là hình ảnh của người phu trạm – những “nhân viên bưu điện” đầu tiên của Việt Nam.

—oOo—

Thông tin liên lạc không những đã xuất hiện từ thuở rất xa xưa mà còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng xuyên suốt trong quá trình phát triển nhiều mặt của con người.

Từ khi chưa có chữ viết, con người đã biết dùng các ký hiệu, hình vẽ, hay thổi tù và, đánh trống, đốt lửa, xông khói… để làm sao có thể truyền tin cho nhau một cách nhanh chóng nhất.

Người da đỏ ở châu Mỹ và rất nhiều bộ tộc ở châu Phi đốt lửa xông khói và đánh trống để truyền tin cho nhau. Người Trung Hoa thiết lập những “phong hỏa đài” rất cao và quy củ, khoảng cách đài này đến đài kia có thể nhìn rõ tín hiệu khói, lửa để thông báo các tin tức chiến trận trong thời chiến, cũng như truyền tin như các cuộc kinh lý của vua chúa, thông tin về các trận dịch bệnh, thiên tai, nhân họa trong thời bình rất hiệu quả.

Trước khi có tem bưu chính, ‘thư tay’ thường là công văn, mệnh lệnh của triều đình hay các giới quý tộc. Thư được xếp lại và sau đó người ta hàn kín chỗ mép gấp bằng cách đổ sáp lỏng và đóng triện lên lúc sáp còn mềm.

Từ buổi ban đầu, công văn, mệnh lệnh hay thư từ được chính đôi chân của con người vượt qua những quảng đường dài gian truân và trao tận tay người nhận.

Ngoài ra người ta còn biết tận dụng khả năng của một số loài vật và thuần hóa chúng để dùng vào mục đích đưa tin, đưa thư. Dựa vào trí nhờ, khả năng định hướng cao và đôi cánh của chim, nhất là bồ câu, người xưa đã rất thành công trong lãnh vực này.

Ở nhiều nước Ả-rập, người ta huấn luyện cả chim cắt để đưa thư, đưa tin.

Ngựa là loài động vật được con người thuần hóa và dùng rất có hiệu quả ở nhiều lãnh vực như quân sự, chuyên chở, thông tin…

Từ thời xa xưa ở nhiều nước, nhiều khu vực, người ta đã lập ra nhiều trạm (những bưu trạm) luôn có sẵn ngựa và kỵ mã, để đổi ngựa hoặc thay đổi người phu trạm, nhằm việc chuyển tiếp thư từ, nhất là ‘thư khẩn’, ‘thư hỏa tốc’ được nhanh chóng hơn.

Ngày 6/5/1840, con tem đầu tiên trên thế giới “The Penny Black” ra đời tại Anh Quốc, đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử bưu chính toàn cầu. The Penny Black ra đời sau khi Sir Rowland Hill đề đạt một cuộc cải cách quan trọng cho ngành bưu chính.

Sir Rowland Hill.

Cuộc cải cách dựa trên nguyên tắc căn bản: Thu bưu cước từ người gởi, không thu từ người nhận như trước nữa, và chỉ một giá cước nhất định cho một trọng lượng nhất định gởi đi bất cứ nơi nào trong nước Anh.

Lúc đầu tem được in màu đen nhưng cho thấy ngay khuyết điểm là trùng với màu mực ‘hủy’ nên tem in lại bằng màu đỏ. Con tem đầu tiên trên thế giới được in chân dung Nữ hoàng Anh Victoria.

Cùng lúc, bì thư in sẵn bưu cước “Mulready stationery” cũng được phát hành, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người gởi thư.

Bì thư Mulready stationery.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Black Penny đã mang lại hiệu quả rất rõ nên các nước khác lần lượt theo chân Anh phát hành tem bưu chính riêng. Số lượng thư từ tăng rất nhanh đã thúc đẩy ngành Bưu chính sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, từ việc gom thư về bưu điện, rồi phân chia, vận chuyển và giao phát.

Công việc vận chuyển thư, bưu phẩm đóng một vai trò rất lớn của hệ thống. Sự hình thành và phát triển này đồng bộ với ngành giao thông vận tải. Mục tiêu được đề ra là làm thế nào để chuyển thư nhanh, an toàn và mang lại lợi tức cho ngành.

Các cỗ xe ngựa chuyên dùng để chuyển thư và bưu phẩm không ngừng cải tiến, từ xe do một ngựa kéo đến xe tám ngựa.

Ngành hàng hải nói chung và các đoàn tàu chiến của các nước thực dân nói riêng, trong nhiều thế kỷ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa thư đến các vùng đất mới xa xăm.

Ngành hỏa xa bắt đầu hình thành và phát triển vào thế kỷ thứ 16. Xe lửa đã đóng vai trò chủ đạo trong việc vận chuyển hàng hóa, trong đó có cả thư từ và bưu phẩm vì vừa nhanh, an toàn mà lại rẻ. Trong nhiều thế kỷ, xe lửa đã vận chuyển đến 80% số lượng thư từ và các loại bưu phẩm ở khắp nơi trên thế giới.

Tuyến đường xe lửa chính thức được dùng để vận chuyển thư từ và bưu phẩm đầu tiên trên thế giới được hình thành ở Anh Quốc vào năm 1830 giữa hai thành phố Liverpool và Manchester, Anh Quốc. Thời gian  về sau đó, Ấn Độ là nước có tuyến đường xe lửa phục vụ bưu chính lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Khi máy bay ra đời vào năm 1903, người ta đã nghĩ ngay đến việc dùng nó để chuyển thư. Chuyến bay đầu tiên mang theo thư được ghi nhận vào năm 1911, tử thành phố Petaluma đến thành phố Santa Rosa, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chỉ sau một ngày, chuyến bay thứ hai mang theo 6.500 lá thư, được thực hiện ở Pháp.

Ngoài những phương tiện vận chuyển căn bản nói trên, chúng ta còn có thể thấy nhiều cách chuyển thư rất độc đáo, tùy theo đặc tính địa lý của một số khu vực:

– Dùng chó kéo xe trượt tuyết để chuyển thư ở Bắc và Nam Cực.
– Dùng llama (đà mã – lạc đà không bướu) chuyển thư qua núi Andes (dãy núi dài nhất thế giới dọc bờ tây lục địa Nam Mỹ).
– Dùng lạc đà thồ thư qua sa mạc.
– Dùng voi thồ thư từ băng qua các vùng rừng rậm, có nhiều thú dữ.
– Bỏ thư vào chai hay thùng gỗ rồi thả trôi vào bờ ở vùng có thủy triều mạnh, tàu không cập bờ được; hay do người bơi ra biển để lấy thư đến vào, đồng thời mang thư đi ra (như ở đảo Niuafoʻou).

Khi những kiện thư được mang tới bưu cục đến, một lần nữa nhân viên bưu điện sở tại lại soạn và chia ra theo từng khu vực địa phương rồi giao cho các bưu tá viên đi phát thư đến tay người nhận.

Đối với nhiều người, hình ảnh người bưu tá viên đưa thư là một cái gì đó thân quen, đôi khi còn có cả sự ngóng chờ, cho dù vẫn biết rằng “thư thường đến, người không thấy đến” đi chăng nữa…

Làm thơ giấy trắng em gắn con cò (tem) xanh
Gởi về thăm bạn, có tên anh trong này.
(Ca dao Việt Nam).

Ở một nơi nào đó… em gái gởi thư cho anh trai nơi tiền tuyến…
Ở một nơi nào đó… bé gái gởi thư cho cha nơi công trường xa…
Ở một nơi nào đó… chàng trai gởi thư cho người yêu ở quê nhà…
Ở một nơi nào đó… vợ gởi thư cho chồng trên đường thám hiểm…

Tin nhạn tung cánh bay nhanh… mang một niềm tin yêu đến nơi tiền tuyến; mang nụ cười thơ ngây đến công trường xa; mang tình yêu về tới quê nhà; mang trời hạnh phúc phủ trùm đường thiên lý…

 (Theo Tem Việt; có chỉnh lý & bổ túc).

Hiện nay, khi internet phát triển vô cùng mạnh mẽ trên khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới, “thư điện tử” (điện thư; electronic mail; email; E-mail) là một cách giao tiếp tiện lợi và nhanh chóng nhất đang chiếm lĩnh trận địa thư từ, giao dịch….

Liệu chúng ta có dần mất đi loại phương tiện truyền thông truyền thống cổ điển và rất dễ thương (vì tình cảm người viết thư thể hiện bằng chính nét chữ họ nắn nót, trân trọng hay dằn dỗi trên những bức “thư tay”) này không?

Phần lịch sử kế tiếp việc truyền tin bằng thư tín hiện đại, Thư Viện GĐPT Online nhường bạn đọc viết tiếp và sẵn sàng chờ nhận tin, bài của bạn đọc qua bất kỳ phương tiện truyền tin nào trên đây mà bạn thích nhé!

QUANG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.