Pháp Nạn 1963: Ngọn lửa Thích Thiện Mỹ bừng lên trước Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn

0

Ngọn lửa Thích Thiện Mỹ bừng lên ở Công viên Hòa Bình bên chân cột đèn gắn bảng đường Tự Do trước Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn trong những ngày Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc đến thủ đô Việt Nam Cộng Hòa

oOo

A. PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC TỚI SÀI GÒN

Sáng ngày 7-10-1963 tại Nữu Ước, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp về tình hình Việt Nam. Cũng vào sáng hôm đó, tại Trung Tâm Tôn Giáo (Church Center for the United Nations) trong Carnegie Hall, gần bên phòng của đại hội, Thiền sư Nhất Hạnh họp báo nhân danh Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo để nói rõ về nhu cầu gởi một phái đoàn sang điều tra về tình trạng nhân quyền bị vị phạm tại Việt Nam. Sau cuộc họp báo, Thầy bắt đầu một cuộc nhịn ăn. Cuộc tuyệt thực này kéo dài tới ngày 12-10-1963.

Một phái đoàn 7 thành viên được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công cử, do ông Abdul Rahman Pazhawak đại diện quốc gia A Phú Hãn (Afghanistan) cầm đầu, có nhiệm vụ qua Việt Nam điều tra tình trạng chính quyền và Phật Giáo. Trước khi lên đường, Phái đoàn đã được Thiền sư Nhất Hạnh chỉ dẫn sơ lược về những phương pháp để có thể thu nhập được những sự kiện chính xác về tình trạng Việt Nam và qua mắt được những giả trang của chính quyền Sài Gòn. Phái đoàn rời Nữu Ước vào ngày 21-10-1963 và tới phi cảng Tân Sơn Nhất vào nửa đêm, rạng ngày 24-10-1963.

Tại Sài Gòn, tổ chức bí mật của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tìm mọi cách để liên lạc với Phái đoàn. Ủy Ban đã tìm cách đưa được vào cho ông Trưởng phái đoàn một lá thư của Đại Lão Hòa Thượng Tịnh Khiết ngay hôm đầu tiên Phái đoàn tới cư trú tại khách sạn Hoàn Mỹ, Sài Gòn, dù khách sạn đã được công an và mật vụ canh gác một cách nghiêm ngặt. Ngày 27-10-1963, Phái đoàn tuyên bố đi điều tra tại Thủ Đức nhưng đã bất ngờ tới chùa Ấn Quang để tiếp xúc với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Trong cuộc tiếp xúc này, Phái đoàn đã yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi phòng họp và chỉ để Hòa Thượng một mình tiếp xúc với Phái đoàn.

B. NGỌN LỬA THIỆN MỸ

Đúng vào 10 giờ 30 phút sáng hôm ấy, Đại Đức Thích Thiện Mỹ châm lửa tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn. Đại Đức đã dự định tự thiêu tại chùa Ấn Quang trước đó nhưng sau vì cảnh sát và mật vụ biết trước nên Thầy lại thôi.

Đại Đức Thích Thiện Mỹ, thế danh là Hoàng Miều, sinh năm Canh Thìn (1940) tại Bình Định trong một gia đình nhiều đời sùng tín Phật đạo. Ngài được song thân cho vào chùa làng xuất gia từ thuở bé thơ, theo Chư Tăng hầu cận, thị giả và học tập thời khóa thiền môn để mong khi lớn lên sẽ là bậc Như Lai Sứ Giả kế tục truyền đăng ánh sáng chánh pháp.

Năm Bính Thân 1956, khi đến tuổi 16, Ngài thọ giới Sa-di tại chùa do Bổn Sư truyền thọ. Sau khi thọ giới, Ngài được Bổn Sư cho theo học tại các Phật Học Đường của Giáo Hội tổ chức ở Tổ đình Thập Tháp và Long Khánh – Quy Nhơn.

Năm Canh Thân 1960, khi tuổi đời đủ 20, Ngài được Bổn Sư cho thọ đại giới tại giới đàn chùa Bửu Tích ở Phan Rí Thành, Bình Thuận, do Hòa Thượng Thích Viên Trí làm Đàn Đầu truyền giới. Đồng khoa giới tử với Ngài có Đại Đức Thích Nguyên Hương, cũng là một bậc Vị Pháp Thiêu Thân trong cuộc Pháp Nạn 1963.

Sau khi thọ đại giới, Ngài bắt đầu du phương tham học và hành đạo. Nhận thấy miền cao nguyên sơn cước Phật đạo còn sơ khai, Ngài chọn phương này làm nơi du hóa. Đầu tiên, Ngài ngược con đường từ Tây Sơn, Bình Định lên cao nguyên Darlak, rồi dần đến cao nguyên Lâm Viên và dừng chân tại thành phố Đà Lạt để tu học, trau dồi Giới Định Tuệ và bước đầu hoằng hóa độ sanh.

Năm Quý Mão 1963, lúc này tại Sài Gòn phong trào đấu tranh chống chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo đã lên đến cao trào. Những ngọn lửa thiêu thân thắp sáng vô minh để bảo vệ Phật Giáo trước cường quyền của Bồ Tát Quảng Đức, Thượng Tọa Tiêu Diêu, Ni Cô Diệu Quang; chư Đại Đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương… đã đánh thức lương tri nhân loại.

Đầu tháng 7 năm 1963, trong cuộc đấu tranh đòi thực thi 5 nguyện vọng Phật Giáo của Tỉnh Hội Phật Giáo Tuyên Đức (Đà Lạt), Ngài đã tự chặt ngón tay trỏ trong một cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối chính quyền không thi hành đúng đắn bản Thông Cáo Chung đã ký kết với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Ngày 7 tháng 10 năm 1963 tại New York – như đã nhắc trên – Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về tình hình Việt Nam. Một phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc gồm 7 người tới Sài Gòn vào ngày 24 tháng 10 năm 1963, mục đích tiếp xúc với Phật Giáo và chính quyền để nắm rõ sự vi phạm nhân quyền của Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm đối với Phật Giáo.

Bức thiết trước công cuộc đấu tranh của toàn thể Tăng Ni và Phật Giáo Đồ, Ngài từ thành phố Đà Lạt xuống Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm 1963, cư trú tại chùa Vạn Thọ, Tân Định, Sài Gòn để cùng Chư Tôn Đức tham gia cuộc tranh đấu đang đến hồi quyết liệt trước sự quan tâm của thế giới, đang dần đi đến kết quả.

Ngày 27 tháng 10 năm 1963, Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc có cuộc tiếp xúc riêng với Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang. Ngài dự định tự thiêu trước chùa Ấn Quang để bằng hành động tỏ với Phái đoàn Điều tra tâm nguyện của Phật Giáo Đồ, nhưng vì nhà cầm quyền ngăn trở đề phòng rất nghiêm mật nên Ngài thay đổi địa điểm, âm thầm đến công trường Hòa Bình, đối diện Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn (Nhà thờ Đức Bà) thực hiện ý định của mình. Vào 10 giờ 30 phút sáng hôm đó (Chủ nhật 27-10-1963), Đại Đức Thích Thiện Mỹ đã tự đốt lửa thiêu thân ngay trước nhà thờ Đức Bà, bên chân cột đèn có gắn bảng đường Tự Do.

Một di ảnh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ

Lúc Đại Đức mới châm lửa vào áo cà-sa tẩm xăng sẵn, thì nhiều đồng bào Thiên Chúa Giáo đã từ trong nhà thờ chạy ra và chứng kiến tận mắt. Những Phật Tử đi ngang cũng đã tự vây quanh lại. Hoảng hốt, họ không biết làm gì nên dùng nón để quạt lửa, nhưng càng quạt thì ngọn lửa càng bốc lớn. Một số ký giả ngoại quốc có lẽ được thông báo trước cũng đã tìm tới nơi để chứng kiến cảnh tượng bi hùng.

Một phút sau, cảnh sát ập lại, họ chạy tìm được một cái mền đem phủ lên người Đại Đức, lấy mền đè Đại Đức ngã xuống; nhưng ngọn lửa càng bùng lớn, làm cháy luôn cái mền. Thấy vậy cảnh sát liên giật mền và kéo ngã vị Thiền sư đang tự thiêu. Cảnh sát vùng chạy, Đại Đức Thiện Mỹ gượng ngồi trở lại. Thoáng thấy những người chung quanh đang dập đầu đảnh lễ, Ngài chắp hai tay vái họ và cố ngồi vững chãi giữa ngọn lửa hồng. Mười phút sau, Ngài bật ngã ra…

Cảnh sát dùng mền phủ chụp lên ngọn lửa tự thiêu…

Lúc ấy xe cứu hỏa mới ào tới xịt nước. Các phóng viên đã quay phim chụp ảnh được cảnh tượng tự thiêu nhưng sau đó film và máy chụp hình của họ bị cảnh sát giật lấy đi. Lúc 4 người trong Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc hay tin đến nơi thì xe cứu hỏa vẫn còn xịt nước để xóa bỏ những dấu tích của vụ tự thiêu; trong khi đó đồng bào đang tụ họp lại thành một cuộc biểu tình để tưởng niệm một bậc Thánh tăng Vị Pháp Thiêu Thân nữa vừa hiến mình cho sự trường tồn của Đạo pháp và biểu tình để phản đối nhà cầm quyền đã cố tình làm ngơ những nguyện vọng của Phật Giáo Đồ Việt Nam.

(Ngoài số phim ảnh bị cướp mất, vẫn có vài tấm hình lịch sử hiếm hoi còn được lưu giữ lại):

Đại Đức Thiện Mỹ gượng ngồi dậy trong ngọn lửa sau khi bị tấm mền kéo ngã xuống…

Vị Thánh Tăng trẻ tuổi vẫn ngồi vững chải trong ngọn lửa hồng để thành toàn tâm nguyện.

Trước lúc về cõi tịch diệt, Đại Đức Thích Thiện Mỹ có để lại 4 bức di thư: Một cho Tổng thống Ngô Đình Diệm; một cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, một cho ông U Thant – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và một cho Phật Giáo Đồ Việt Nam kêu gọi hãy tiếp tục cuộc tranh đấu đòi quyền tự do bình đẳng cho đến khi thành tựu.

Đại Đức ra đi vào lúc tuổi đời mới tròn 23 với 3 Hạ lạp. Sự hy sinh cao cả và phi thường của Đại Đức đã gây xúc động mạnh đối với toàn thế giới, gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Diệm và cũng thúc đẩy Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc mau chóng hoàn tất nhiệm vụ để cứu vớt dân tộc Việt Nam.

Ngọn lửa tự thiêu của Đại Đức Thích Thiện Mỹ là ngọn lửa thứ 8 của Phật Giáo Việt Nam – (7 vị Thánh tăng và 1 Cư sĩ là Thương phế binh Hồng Thể – Nguyễn Thìn tự thiêu tại Vũng Tàu) – và cũng là ngọn lửa cuối cùng báo hiệu sự sụp đổ của chế độ bạo quyền kỳ thị tôn giáo; là ngọn lửa thiêng châm vào bể bất mãn căm hờn âm ỉ trong lòng quân dân Việt Nam, làm bùng lên dữ dội, bốc thành biển lửa cách mạng đốt thiêu một chế độ cường quyền tàn bạo chỉ sau đó 4 ngày.

Sự hy sinh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ quả đã đưa cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm gian lao của Phật Giáo Việt Nam đến chỗ toàn thiện, toàn mỹ. Ngọn lửa tự thiêu của Đại Đức Thích Thiện Mỹ là ngọn lửa cuối cùng trước ngày sụp đổ bạo quyền.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Quân đội Việt Nam Công Hòa lúc bấy giờ đã thực hiện cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Ngô Đình Diệm, chấm dứt giai đoạn tăm tối của đêm dài lịch sử Pháp Nạn Phật Giáo ở Việt Nam.

— oOo —

Tài liệu tham khảo:

– “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” – Nguyễn Lang.
– “Ảnh hưởng từ cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức trong phong trào tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam năm 1963” – Thích Pháp Như.
– Hình ảnh trong bài do Thư Viện GĐPT bổ sung.

Kỷ niệm 50 Năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.