Phương pháp giáo dục trong Gia Đình Phật Tử – HT. Thích Minh Châu

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Thích Minh Châu

oOo

LỜI NÓI ĐẦU

Đạo Phật đứng về phương diện cải tạo tâm tánh độc ác trở nên thuần lương, có thể gọi là một phương pháp giáo dục. Gia Đình Phật Tử dựa trên căn bản giáo pháp ấy để đào tạo thanh, thiếu niên.

Đạo Phật tùy theo căn cơ giáo hóa nên có rất nhiều pháp môn. Riêng trong Gia Đình Phật Tử, sự giáo dục dựa trên 3 phương pháp chính là:

  • Phương pháp Huân Tập.
  • Phương pháp Lý Giải.
  • Phương pháp Quán Niệm.

A. PHƯƠNG PHÁP HUÂN TẬP

I/ Lập thuyết:

1) Đạo Phật với con người: Theo đạo Phật, con người với cơ thể, cảm giác, lý trí, tánh tình đều là sự hiện hành các chủng tử chất chứa trong A-lại-da-thức con người.

2) Định nghĩa chủng tử, hiện hành và A-lại-da-thức:

– Chủng tử: là những khả năng của hiện hành phát sanh hiện hành, là những hạt giống mọc lên cây hiện hành. Chủng tử có 2 loại: Bổn Hữu Chủng Tử là những chủng tử sẵn có từ vô thỉ đến nay; và Tân Huân Chủng Tử là những chủng tử mới huân tập từ khi được tác thành trong bào thai.

– Hiện hành: là phát hiện và lưu hành, là biểu tướng của khả năng chủng tử phát hiện, phát sanh và tồn tại.

– A-lại-da-thức: là thức có công năng nhận chứa và giữ tất cả chủng tử không phân biệt tốt xấu lành ác, từ đời này qua kiếp khác, không bao giờ rời bỏ.

Ví dụ: Trên một đám đất (a-lại-da) có công năng nhận chứa và giữ các hạt giống gieo (chủng tử), những hạt giống ấy đầy đủ nhân duyên phát sanh ra rễ, thân cây hoa trái (hiện hành). Con người cũng vậy: thân thể, cảm giác, tánh tình (hiện hành) chỉ là biểu tướng của những chủng tử chất chứa trong a-lại-da-thức của mỗi người.

3) Sự quan hệ giữa chủng tử và hiện hành:

Hiện hành là biểu tướng của khả năng chủng tử phát hiện, nên rất tương quan mật thiết.

a) Sự huân tập và sanh trưởng của chủng tử: Hiện hành được phát hiện là nhờ sự huân tập, sự sanh trưởng của các chủng tử lên đến một mực độ có đủ khả năng phát sinh hiện hành. Như một người nghe Phật Pháp, nếu người ấy chưa sẵn có chủng tử Phật Pháp thời sự nghe Phật Pháp ấy phát sanh Vô-lậu-chủng-tử, gọi là Huân-sanh; nếu đã có sẵn chủng tử Phật Pháp, thời người ấy có thể thuyết pháp, nghĩa là phát sinh Hiện-hành-thuyết-pháp, gọi là Huân-trưởng.

b) Sự mau chậm các hiện hành: Sự thành thục hay chưa thành thục của các chủng tử định đoạt sự mau chóng các hiện hành. Trong thời kỳ huân sanh, các chủng tử chưa thành thục không thể phát khởi hiện hành; đến thời kỳ huân trưởng, các chủng tử đã thành thục mới phát khởi hiện hành. Một hột giống đậu chưa thành thục chưa có thể mọc thành cây; khi hột giống đậu thành thục, các trợ duyên mới khởi hiện hành; người mới nghe Phật Pháp chưa có thể thuyết pháp là vì người ấy chưa sẵn có chủng tử Phật Pháp, chỉ mới huân sanh; nếu người ấy chịu nghe giảng Phật Pháp luôn, dần dần thuyết pháp được, tức chủng tử Phật Pháp được huân sanh, và được huân trưởng, những người mới nghe một lần mà biết thuyết pháp thời chủng tử Phật Pháp người ấy đã sẵn có và đã thành thục nên được huân phát khởi ngay hiện hành thuyết pháp.

c) Sự tương quan tương trợ giữa Chủng Tử và Hiện Hành:

Sự quan hệ được phân tích như sau:

– Chủng Tử sanh Hiện Hành: nghĩa là chủng tử phát sanh hiện hành, như chủng tử Phật Pháp sẵn có là Nhơn, phát khởi Quả hiện hành thuyết pháp.

– Hiện Hành sanh Chủng Tử: là hiện hành huân tập các khả năng, do sự hiện nghe Phật Pháp làm Nhơn, tác thành Quả chủng tử Phật Pháp.

– Chủng Tử sanh Chủng Tử: là tự thân chủng tử giai đoạn trước dẫn khởi chủng tử giai đoạn sau.

– Hiện Hành sanh Hiện Hành: là các hiện hành tương quan hỗ trợ cho nhau.

4) Ảnh hưởng của di truyền và hoàn cảnh:

Khi con người chết, chỉ còn a-lại-da-thức đi đầu thai, mang sẵn những chủng tử trong đời vừa qua và các đời trước. A-lại-da-thức thấy ánh sáng của lửa dục do tinh trùng đàn ông đàn bà kết hợp và thuận với bổn nghiệp liền gá vào, do đó, bào thai được hình thành. Bào thai như vậy đã chứa sẵn những chủng tử trong tinh trùng của cha mẹ (vì vậy hình dáng và tánh tình người con có phần giống với hình dáng và tánh tình cha mẹ) và cũng chứa sẵn những chủng tử do a-lại-da-thức chất chứa (vì vậy có những sự sai khác về hình thể và tánh tình giữa con và cha mẹ). Lại hoàn cảnh của người con sống huân tập thêm những chủng từ mới, do đó thân thể và tánh tình người con cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng ngoại cảnh.

5) Nguyên tắc giáo dục theo phương pháp Huân Tập:

Con người đã là biểu tướng hiện hành của các chủng tử, thời sự giáo dục ở nơi đây chú trọng một mặt dằn ép diệt trừ những chủng tử ác xấu không cho hiện hành, một mặt làm nẩy nở phát triển những chủng tử thiện tốt hiện hành. Muốn vậy cần tạo một khung cảnh thuận thiện trong đẹp để không cho các chủng tử ác phát sinh và làm cho huân sanh, huân trưởng các chủng tử tốt lành.

II/ Các chứng nghiệm:

1) Áo quần để trong rương có long não đều thơm mùi long não. Con người sống trong hoàn cảnh thuần thiện trở thành thuần thiện.

2) Có một người đầy tớ gái chưa biết đọc hầu một nhà bác học rất thông giỏi tiếng La-tinh và Hy-lạp. Sau người đầy tớ gái bị điên. Khi điên người ấy nói và đọc những bài bằng tiếng La-tinh và Hy-lạp. Đó là chỉ khi hầu nhà bác học kia, a-lại-da-thức huân tập một cách vô tình những bài đọc của nhà bác học. Vì ngu dốt nên những chủng tử không hiện hành. Nay nhờ bịnh diên trợ duyên mới phát hiện sự lạ lùng như vậy. Người này khi hết điên lại quên tất cả.

3) Có nhiều em đến với Đoàn không thấy biểu lộ một tánh xấu gì; trái lại ở chỗ khác lại có nhiều tánh xấu, chỉ vì ở với Đoàn, hoàn cảnh không cho hiện hành các chủng tử xấu và các em ấy biết tự giữ; còn đến các chỗ khác, gặp hoàn cảnh thuận tiện lại không dằn ép nên các tánh xấu được biểu lộ.

III/ Vài sự nhận xét tổng quát:

1) Con người là kết tinh của di truyền, hoàn cảnh và sự phát hiện của các Bổn Hữu Chủng Tử.

2) Không có một sự huân tập nào là tiêu mất và không có ảnh hưởng, vì khả năng huân tập của a-lại-da-thức rất mãnh liệt.

3) Đạo Phật với lý thuyết tất cả chúng sanh đều có chủng tử Phật tánh, kết luận rằng đã có Phật tánh thời chỉ được nghe hoặc niệm danh từ Phật, thế nào cũng thành Phật. Đạo Phật đặt lòng tin tưởng mãnh liệt ở khả năng hướng thiện của con người.

4) Ảnh hưởng cá nhân đối với cá nhân hay đối với đoàn thể rất quan trọng. Sự thành bại, tốt xấu của cá nhân hay đoàn thể hệ thuộc rất nhiều ở nhân cách và tư cách của các vị thủ lãnh.

5) Khả năng huân tập của con người rất mạnh. Con người có thể uốn nắn theo sự huân tập.

IV/ Sự áp dụng phương pháp Huân Tập trong Gia Đình Phật Tử:

1) Sống xa không khí náo nhiệt và nguy hiểm của thị thành bằng cách đi chùa và đi cắm trại trên các đồi núi để tập hít thở không khí thanh tịnh của chùa chiền, đồng núi.

2) Tạo khung cảnh thuận tiện để phát triển những chủng tử bằng cách trình bày, sắp đặt các phòng họp, Niệm Phật Đường hợp với tinh thần đạo Phật.

3) Tổ chức các buổi nghi lễ đúng chánh pháp.

4) Săn sóc đến đời sống ngoài đoàn thể bằng cách kiểm soát các sự giao thiệp và lựa chọn những sách đọc v.v…

3) Tự làm gương mẫu để các em bắt chước.

6) Lựa những thì giờ, khung cảnh giúp cho sự huân tập: các buổi sáng, sau các cuộc vui v.v…

7) Gây mạnh lòng tin tưởng ở mỗi em, mỗi người.

B. PHƯƠNG PHÁP LÝ GIẢI

I/ Lập thuyết:

Con người làm điều ác và hư hỏng chỉ vì mê mờ, nhận định sai lầm sự thật, đi sai con đường chánh. Nay chỉ cần khai sáng con người, giới thiệu hướng đi chân chánh, giúp con người nhận định đúng sự thật, thời mê lầm tiêu tan, con người trở thành chơn chánh.

Phương pháp Lý Giải là một phương pháp chú trọng khai sáng con người nhận định đúng sự thật và giới thiệu hướng đi chơn chánh.

II/ Ví dụ:

1) Khi hiểu rằng loài vật sinh ra để nuôi người, thời loài người giết hại các loài sinh vật một cách tự nhiên và thích thú. Khi hiểu rằng các sinh vật cũng có quyền sống, cũng biết đau khổ, tham sống sợ chết như người, thời loài người phải ngừng tay không dám và không nỡ giết hại nữa.

2) Khi cho rằng đời sống tự thân cao quý hơn tất cả đời sống khác, thời loài người sẽ tàn hại các đời sống khác để lo tự thân. Khi hiểu rằng đời sống là một sự hỗ trợ tương duyên, tàn hại đời sống người tức tàn hại đời mình, thời loài người tự nhiên phải tôn trọng và giúp đỡ đời sống của tất cả.

3) Khi nhận lầm tài, sắc, danh, thực, thụy là lý tưởng của mình, thời trọn đời con người sẽ thù phụng và tôn thờ tài, sắc, danh, thực, thụy. Nếu hiểu rõ tài, sắc, danh, thực, thụy là nguồn gốc của đau khổ làm giảm giá trị đời sống con người, thời con người phải xa lánh 5 món dục lạc và trở nên thuần lương tốt đẹp.

III/ Nguyên tắc giáo dục theo phương pháp Lý Giải:

1) Làm lành, tránh dữ không còn là một vấn đề đạo đức, vì nó chỉ là một cử chỉ xứng hợp lẽ phải để sống chơn chánh; cũng như ăn cơm không phải là cử chỉ đạo đức vì con người cần ăn cơm để sống. Muốn sống có ý nghĩa và chơn chánh, con người phải tự làm lành tránh dữ, thương yêu nâng đỡ tất cả đời sống.

2) Mê mờ đã là nguồn gốc của muôn tội lỗi thì Trí Huệ là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Căn nhà tối một ngàn đời, đem đèn Trí Huệ vào thời bóng tối liền diệt và đau khổ tội lỗi tiêu tan.

3) Con người phải tập nhận xét và học hỏi, biết nhìn, biết suy luận, biết nhận thức chơn chánh.

4) Con người cần nhận định rõ ràng:

a) Chơn giá trị của con người: Đời sống có ý nghĩa là một đời sống thoát ly ra ngoài sự kiềm hãm của dục vọng, sống thanh tịnh giải thoát; là một đời sống thoát ngoài trói buộc của si mê, sống sáng suốt giác ngộ.

b) Sự tương quan giữa mọi sinh vật: Đời sống của muôn loài tương quan tương duyên rất mật thiết, người đau khổ tức mình đau khổ, người an vui tức minh an vui, thời đời sống chơn chánh phải là một đời sống tương trợ, tương thân, tương ái.

c) Sự biến dịch của các pháp: Các pháp hữu hình hay vô hình đều luôn luôn biến chuyển không bao giờ dừng nghỉ. Nếu bám víu vào những pháp thay đổi mà sống và y chỉ thời cuộc đời sẽ phải vô thường, đau khổ. Các pháp đã biến dịch thời không có tự tánh, như vậy con người có thể tự tại đối với các pháp, không còn mê đắm theo các pháp.

IV/ Sự chứng nghiệm:

1) Ngày mới vào chùa người mới xuất gia thấy đời sống kham khổ thời lấy làm khó chịu nên phát sanh nhiều phiền não. Đến khi nhận định đời sống của người tu hành phải là đời sống kham khổ thời mọi phiền não đều tiêu tan, và tự thấy sung sướng vì đã được sống kham khổ.

2) Khi đến với các em với một thái độ miễn cưỡng, uể oải thời phát sanh nhiều phiền não khó chịu. Đến khi hiểu các em là những nguồn sống trong đẹp và nhận thức được chơn ý nghĩa của sự giáo dục, thời con người trở nên vui vẻ hoạt động và có thể tận tụy hy sinh cho các em.

3) Hai quan niệm sai khác giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa: Tiểu Thừa thấy có sanh tử cần phải thoát ly, thấy có phiền não cần phải đoạn diệt, nên trọn đời lo sự tu tập tự thân uốn dẹp các phiền não. Đại Thừa thấy không thiệt có sanh tử cần phải thoát ly, không thiệt có phiền não phải đoạn diệt vì các pháp là huyễn hóa không chắc thật, nên người tu Đại Thừa đối với các pháp rất là tự tại.

V/ Sự áp dụng:

1) Tự hướng mình và các em về với Đức Phật là vị Giác Ngộ sáng suốt hoàn toàn.

2) Tự mình tìm học và giúp các em học Phật Pháp. Phật Pháp là những sự thật do Đức Phật nhờ trí sáng suốt tìm hiểu được và trình bày lại cho mọi người.

3) Tự mình và giúp các em nhận thức được chơn ý nghĩa sự sống.

4) Tự mình và giúp các em nhận thức rằng làm lành tránh dữ không còn là những cử chỉ đạo đức nên làm, mà chính là những cử chỉ chơn chánh phải làm, và không làm thời không thể sống chơn chánh được.

5) Tự mình và cho các em hiểu ăn chay, làm việc thiện không còn là những việc làm miễn cưỡng mà chính là những cử chỉ tự nhiên, những bổn phận của con người Phật Tử.

6) Tự mình và tập cho các em biết nhận xét, tìm hiểu sự vật những định lý chi phối sự vật.

7) Tự tìm hiểu các em; chỉ khi nào thiệt hiểu các em mới có thể hy sinh cho các em được.

C. PHƯƠNG PHÁP QUÁN NIỆM

I/ Lập thuyết:

Sự vật không có tính cách nhất định mà tùy theo tánh cách của người chủ động muốn cho, và những cảnh ức tưởng đều có ảnh hưởng đến tâm tánh của người ức tưởng. Dòng tâm niệm con người luôn luôn trôi chảy, nếu chuyển đổi dòng tâm niệm thành chơn chánh thời con người trở thành chơn chánh. Trong khi dòng tâm niệm đang trôi chảy, nếu lặng đứng tất cả tâm niệm trong nhứt niệm thuần chánh, trong nhứt niệm không phân biệt thời cảnh và người liền được thuần chánh không còn phân biệt nữa. Phương pháp Quán Niệm gồm có hai: một là Quán Tưởng, hai là Quán Niệm.

Quán Tưởng: là quán sát hiện cảnh với dụng ý cho hiện cảnh một tánh cách mình muốn. Quán tưởng cũng có nghĩa là tưởng tượng một giả cảnh mình muốn, hiện ra trước mắt.

Quán Niệm: Là chuyển đổi dòng tâm niệm thành một dòng tâm niệm thuần chánh, không có ác niệm gián tạp. Quán niệm lại có nghĩa là lặng đứng tất cả tâm niệm trong nhứt niệm thuần chánh, trong nhứt niệm không còn phân biệt.

II/ Ví dụ & Chứng nghiệm:

1) Quán Tưởng:

a) Một chén sữa ngon lành đáng thèm, nay tưởng tượng chén ấy dựng đầy phần uế thời phát sanh ghê tởm không dám uống nữa.

b) Tự ngồi tưởng tượng một thây chết tanh hôi ghê tởm hiện ra trước mắt, thây chết ấy lại dần dần tan rã thối ra, thời người tưởng tượng phát sinh ghê tởm và nhàm chán cái thân bất tịnh của con người.

c) Tự ngồi tưởng tượng hình ảnh Đức Phật đầy đủ tướng tốt trang nghiêm hiện ra trước mắt, sự tưởng tượng ấy sẽ có ảnh hưởng rất tốt đẹp đối với tự thân của người ấy.

2) Quán Niệm:

a) Tâm niệm thường xen lẫn niệm lành, niệm ác; niệm tốt, niệm xấu; nay cố gắng loại trừ các ác niệm ra, chỉ giữ một niệm thuần chánh, thời con người trở nên thuần chánh như dòng tâm niệm thuần chánh của mình.

b) Nếu đeo gương xanh thời thấy cảnh vật xanh; nếu đeo gương đỏ thời thấy cảnh vật đỏ; nếu chỉ giữ một niệm thuần chánh thời tự thân và cảnh vật hiện ra thuần chánh.

c) Dòng tâm niệm còn trôi chảy thời vẫn còn thiện niệm; thiện niệm ấy cũng là phân biệt đối đãi với các niệm; nay lắng dừng tất cả tâm niệm vào trong nhứt niệm, không còn phân biệt, không còn thiện ác, thời tự thân và hoàn cảnh không còn thiện ác, không còn phân biệt.

III/ Áp dụng:

1) Tập phương pháp Quán Tưởng: Quán tưởng từ bi, quán tưởng hình ảnh trang nghiêm tướng hảo Đức Phật.

2) Gặp món ăn ngon phát sanh lòng tham, liền tập quán thành ăn dở để trừ lòng tham. Gặp món ăn dở phát sanh nhàm chán, liền tập quán thành món ăn ngon để không còn nhàm chán.

3) Luôn luôn niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, làm việc gì cũng niệm Phật. Luôn luôn niệm Phật thời niệm ác không xen lẫn, tập lâu thành thục thời chỉ thuần nhứt niệm thuần thiện, và sự niệm Phật được thành tựu.

4) Mỗi ngày để một giờ hay nửa giờ niệm Phật. Niệm Phật ra tiếng hay mật niệm, nên niệm vào buổi sáng, lúc mới thức dậy. Ngày nào cũng vậy, đừng bỏ qua một bữa nào.

KẾT LUẬN

Ba phương pháp Huân Tập, Lý Giải, Quán Niệm đều tương quan dung nhiếp, và sự ứng dụng đều tùy thuộc hoàn cảnh căn cơ từng người. Vì vậy người áp dụng 3 phương pháp này cần nhiều thận trọng và kinh nghiệm. Chỉ có sự ứng dụng đúng thời, đúng cảnh, đúng cơ mới đem lại những kết quả lợi ích thiết thực./.

THÍCH MINH CHÂU

———=oOo=———

* Bài này Hòa Thượng Thích Minh Châu biên soạn vào những thập niên đầu hình thành và phát triển Gia Đình Phật Tử. Sau này, qua các kỳ Đại Hội Huynh Trưởng có san định chương trình và tài liệu tu học, đã bổ túc thêm: Gia Đình Phật Tử áp dụng 4 phương pháp tu học là Huân Tập, Hoạt Động, Lý Giải và Quán Niệm. (Chú thích thêm của Thư Viện GĐPT).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.