Tết nhất nói chuyện Tam Bành – Lục Tặc

0

Tối thứ Bảy, tiệc nhậu đang đến lúc hào hứng. Cái garage đã được chủ nhân cẩn thận gỡ cái smoke alarm ra, giờ đang mịt mù khói thuốc. Những kẻ truyền nhân của ông Lưu Linh đã bắt đầu hò hét “Dô!” “Dô!”, “Ê! Năm chục phần trăm”… thì một thành viên trong bàn bỗng đứng dậy cáo từ, sau hai ba lần nhìn đồng hồ.

Sợ thiếu tay đối ẩm, cả bàn nhao nhao lên:

– Mới có mười một giờ, về cái gì? Làm thêm ít ly nữa đã!

Có một đối thủ phân tích cặn kẽ:

– Thứ Bảy mà, bả với mấy đứa nhỏ giờ này còn luyện phim. Ông về cũng chả làm ăn gì được đâu! Ở lại đi!

Ông kia vẫn khăng khăng một mực:

– Không! Tôi phải về các ông ạ. Bà La Sát có dặn phải về trước mười một giờ rưỡi. Về trễ bả nổi tam bành lên thì khổ thân tôi!

Không biết bà La Sát là ai và tam bành là cái gì, ở đâu mà khi nó nổi lên thì ông ấy lại khổ thân. Nhưng lời trần tình ấy lại có hiệu quả ngay tức khắc. Ai nấy im lặng, ông chủ nhà đứng dậy mở cửa cho khách ra về.

Khách về rồi, không khí bàn tiệc có vẻ nặng nề mất mười lăm phút mới trở lại mức ồn ào trước đó. Làm cứ như thể bà La Sát ghê gớm nào đó đang rình rập đâu đó quanh nhà với cái tam bành sắp nổi lên, chực chờ lấy mạng người ta. Bà La Sát là ai và tam bành là cái quái gì mà ghê gớm thế?

Lật quyển “Sơ Khảo Thuật Ngữ Phổ Thông Phật Học Và Phật Giáo Việt Nam,” người ta thấy chú thích:

– La Sát: Tiếng Phạn là Raksasa, chỉ chung loài ác quỷ, trong đó có bà La Sát là một nữ hung thần, một thứ quỷ ăn thịt người.

Quyển sách này do ông Hà Mai Phương, em của ông quan sáu Hà Mai Việt, đầu tỉnh Quảng Trị và là con của thầy Hà Mai Anh biên soạn. Té ra bà La Sát là một loại nữ quỷ đáng cho người ta khiếp đảm. Ông thợ nhậu kia sợ là phải lắm!

Còn tam bành là cái quái gì? Mở truyện Kiều ra, xem lại đoạn Kiều được Mã Giám Sinh đưa về Lâm Tri, ra mắt Tú Bà. Khi hay tin ông kép hờ họ Mã của bà đã giở trò lộn xộn với Kiều, thì Tú Bà:

Mụ nghe nàng nói ngay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên…

rồi lấy roi da đánh Kiều.

Hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chú thích:

“Sách Phật nói rằng: Trong người ta có ba cái thần gọi là Bành Kiêu, Bành Cứ, Bành Chất. Ba thần ấy hay xui người ta làm điều ác, rồi cứ đến ngày Canh Thân lại tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sách Đạo Giáo gọi là Tam Thi.”

oOo

Ông khách sợ bà La Sát đã ra về hơn nửa giờ rồi, bàn nhậu lại ồn ào có phần hơn lúc trước. Sau khi mời mọi người “dô, dô,” rồi tự mình cạn một ly, một ông khác gật gù cái đầu hói, tuyên bố:

– Tôi thì khác! Bình thường bà La Sát của tôi hay nói dai. Nhưng gặp mấy bữa tôi đi nhậu về là bà ấy im thin thít. Bà ấy sợ tôi nổi nóng đập bát, đập dĩa, bà xót của. Qua ngày sau bà mới nổi tam bành lục tặc lên. Thế mới chết!

Đã nổi tam bành, lại còn lục tặc!

Cũng trong quyển sách của ông họ Hà nói trên, có chữ lục tặc.

Lục tặc: hay “lục trần”, là “sáu thứ giặc” thường mê hoặc con người và dẫn dắt tới sự sai lầm, tàn ác. Lục tặc lấy “lục căn” làm môi giới khiến chúng sinh quên đi điều thiện và thường sa phải điều ác. Sáu thứ giặc (lục tặc) đó là:

1 – Sắc: Vẻ đẹp hay sắc đẹp.

2 – Thanh: Lời nói, giọng hát hay.

3 – Hương: Mùi thơm hay hương thơm.

4 – Vị: Vị hay thức ăn ngon.

5 – Xúc: Cảm giác hay cảm xúc thú vị.

6 – Pháp: Phép thuật hay, lấy ý làm chủ.

Cứ theo sách nhà Phật thì bà La Sát là một thứ nữ quỷ đáng sợ, chuyên ăn thịt người. Thế thì hai ông bạn nhậu của Lão Móc là hai ông đàn ông bình thường, sao lại điên mà đi sống chung với hai bà La Sát? Họ không sợ bị ăn thịt hay sao? Ông chủ nhà thì có vẻ nhẫn nhịn than thở:

– Bà La Sát của tôi, tuần rồi sai tôi đi mua bún bò Huế ở Cà Mau. Thấy người ta đứng sắp hàng ra tận ngoài đường, tôi liều mang chạy đi mua phở đem về để cho mau. Mình biết bà đang đói. Có thế mà bà cũng nổi tam bành lên! Bà la lối: Phở khác, bún bò Huế khác!

Sao bà La Sát đói bà La Sát không ăn thịt cái ông chủ nhà đi lại sai đi mua bún bò Huế làm gì? Lạ nhỉ!

Té ra những tên đàn ông kia, từ nãy giờ đang nói chuyện về các bà vợ của họ, chứ không phải đang nói về loại nữ quỷ dữ tợn theo như trong sách nhà Phật đã tả. Thế thì quá lắm! Lão Móc xin thay mặt ba tỷ đàn bà con gái trên thế giới để phản đối chuyện này. Bà La Sát không phải là một chữ để đám đàn ông có thể nói về các bà được. Khi đám đàn ông nói: “Bà La Sát của tôi”, “Bà chằn lửa nhà tôi”… Lão Móc còn biết ngay là đám đàn ông ấy nói bậy, thiếu công bằng. Thế nhưng đôi khi giữa chỗ đông người, Lão Móc đã từng nghe có nhiều ông trịnh trọng giới thiệu:

– Đây là bà chằn lửa của tôi!

Hoặc:

– Đây là bà La Sát của tôi!

Không thấy bà nào phản đối, lại thấy họ mỉm cười duyên dáng, gật đầu chào sau câu nói xấu ấy! Tại sao thế? Các ông nói như vậy về các bà là đúng ư? Tại sao các bà lại chấp nhận để cho các ông gọi là “bà chằn lửa,” “bà La Sát?”

Không ai chịu cha ăn cướp. Mà không có lửa làm sao có khói?

Nếu các bà đã chấp nhận họ là các “bà La Sát” đối với giới đàn ông, họ chắc chắn không thể không chấp nhận họ là những “bà La Sát”, cho nên họ mới không lên tiếng phản đối giới đàn ông như họ đã từng lên tiếng về những chuyện khác.

oOo

Cứ theo như định nghĩa thì ai cũng có “tam bành.” Đàn ông, đàn bà gì cũng có. Nhưng nếu chịu khó để ý, người ta ít thấy đàn ông “nổi tam bành”. Nghe lóm các bà nói chuyện với nhau, người ta thường bắt gặp những câu:

– Ông nhà tôi hôm ấy đi làm về thấy tôi tông xe làm sập cái cửa garage, ông ấy nổi nóng bảo tôi: “Lái xe không cẩn thận gì cả!”.

– Còn ông xã tôi thấy tôi lỡ tay ủi cháy mất bộ đồ vía của ổng, ổng phát cáu cằn nhằn tôi mất cả phút đồng hồ!

– Thế thì có thấm vào đâu! Hôm rồi tôi họp mấy bà lại đánh tứ sắc, quên nấu cơm. Có thế thôi mà khi đi làm về ông ấy nổi giận không nói tiếng nào, đùng đùng bỏ đi ra ăn mì gói trừ cơm!

Không nghe các bà gọi các ông là “ông La Sát,” “ông chằn lửa”. Các bà ăn nói lịch sự hơn hẳn đám đàn ông. Các ông cùng lắm chỉ có nổi nóng, nổi giận, phát cáu, chứ không nghe nói ông nào nổi tam bành, lục tặc. Có lẽ “tam bành” của mấy ông nó nặng hơn nên khó “nổi” lên? Có thể lắm. Trong truyện Kiều, các nhân vật yêu thương, nóng giận, ghen tuông, lừa lọc nhau rất nhiều nhưng chỉ có một lần “nổi tam bành” mà người nổi tam bành ấy lại thuộc giới có mày mà không có râu. Rất có thể cụ Nguyễn Du đã nhìn thấy rõ chuyện “nổi tam bành” lên rồi làm lung tung nó là độc quyền của các bà, các ông không được tham dự vào. Thế khi các bà nổi tam bành lên thì các bà làm gì?

Thúy Kiều chấp nhận làm vợ lẽ Mã Giám Sinh, đổi lấy bốn trăm mấy chục lạng vàng. Làm vợ lẽ thì phải ăn ở với người ta, đó là chuyện thường tình. Thế mà khi hay tin Kiều đã thất thân với Mã Giám Sinh, Tú Bà “nổi tam bành” và

Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay…

Có thế thôi mà lấy roi da đánh người ta, tam bành nằm trong Tú Bà ác quá! Ấy mới chỉ là một chủ chứa mà thôi, chưa có quyền gì trong tay. Nhưng cái tam bành đó ăn thua gì tam bành ở Thái Lan mới đây còn ghê gớm hơn nhiều.

Tam bành Mỹ cách đây mấy năm đã vung dao trủy thủ cắt phăng cái nợ đời của anh chồng John Bobbit. Cũng may cái của nợ ấy hãy còn trên mặt đất và đất Mỹ có mấy ông bác sĩ khéo tay khâu khâu vá vá.

Tam bành Thái Lan mới đây cũng đã nổi lên, cắt phăng anh chồng hay đi hoang. Không muốn làm phiền ông bác sĩ phải khâu vá cực khổ, tam bành Thái Lan treo cái món mà mình cắt được vào một quả bóng bay, cho nó bay lên Trời.

Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Cái gì bị mất có đòi được không?

Không, nạn nhân của quả bong bóng chỉ còn đưa mắt ngó:

Gió đưa  cây… cải về Trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Chỉ bà La Sát thôi là đã đủ chết người, lại thêm tam bành phụ họa nữa. Mà nạn nhân của các bà La Sát thì không ít, tròm trèm con số ba tỷ người.

oOo

Tuy cùng một nghĩa nhưng Lão Móc lại thích chữ “lục trần” hơn là chữ “lục tặc” có nghĩa là sáu thứ giặc. Sắc đẹp, hương thơm, giọng hát hay, thức ăn ngon, cảm giác thú vị, kể cả phép thuật hay của anh chàng David Cooperfield, Lão Móc đều khoái.

Sáu thứ giặc ấy nó làm mờ mịt tâm trí Lão Móc. Thiếu mấy thứ giặc ấy thì cuộc đời Lão Móc sẽ trở nên kém phần thú vị. Có thể vì nặng lòng trần như vậy nên “lục tặc” nó làm khổ Lão Móc không ít.

Năm xưa, anh binh Móc có cái tật xấu  là hay la cà ngắm nghía thưởng thức vẻ đẹp của các cô nàng nữ quân nhân có dịp đến đơn vị anh. Anh cảm thấy các cô ấy đẹp. Anh binh Móc ngắm họ rồi mơ mộng đủ thứ, những cái mơ mộng tuy viễn vông, nhưng không mất tiền, lại rất là thú vị. Anh binh Móc mê “Sắc.”

Anh Móc thích nghe Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, thích Nguyễn Hữu Thiết hát bài “Mùa Đông Binh Sĩ”. Tối tối lại thích nghe giọng Dạ Lan, Quỳnh Dao. Anh Móc mê “Thanh.”

Anh binh Móc về thành phố thấy ai mặc áo dài màu hay mini jupe thì hay xán lại gần. Tuy không phải lần tán tỉnh nào cũng được người ta mở miệng trả lời, nhưng có cái lợi là đi gần họ, anh binh Móc ngửi được đủ loại các hương thơm mà những bộ đồ trận của mấy tên bạn của anh binh Móc không thể nào có được. Đủ loại hương thơm của các loại nước hoa từ đắt cho tới rẻ tiền – tuy rẻ, vẫn thơm hơn mấy đôi vớ nhà binh bốn năm ngày chưa được cởi khỏi chân. Anh binh Móc mê “Hương.”

Anh binh Móc thích cá nướng Biên Thùy, dồi chó ông Tạ, thích tré, thích nem, thích chạo tôm, mắm thái, tóm lại là thích ăn ngon, thích “Vị.”

Sau hai tháng “lội,” anh binh Móc được thấy phố phường. Anh hấp tấp chui vào một cái quán, hấp tấp gọi một chai băm ba. Khi cô gái mặc jupe đem bia đến, anh binh Móc hấp tấp… sờ vào cánh tay để trần ấy một cái! Mặc dù bị gạt ra liền, nhưng mà chà! Nó mới “đã” làm sao! Kể ra thì nó phàm tục quá nhưng đó là sự thật. Cái sự thật đó là anh Móc rất mê “Sắc.”

Còn cái thứ sáu là “Pháp” thì thời ấy đối với anh binh Móc nó quá xa lạ, anh chẳng biết nó là gì nên miễn bàn.

Trong sáu thứ “giặc” ấy, anh mê hết năm. Năm thứ đó sau năm 1975 thi đua nhau hành hạ anh tù Móc.

Về đường nhan sắc, các chiến sĩ bộ đội gái, rồi sau là chiến sĩ công an gái coi tù dĩ nhiên là kém hẳn phe ta. Anh tù Móc mơ màng nhớ lại những người đẹp vẫn thường vũ theo điệu nhạc Taboo trước đây mà đau khổ. Cái “Sắc” nó làm khổ anh.

Anh phải nghe những bài hát tiếng Việt mang âm hưởng Trung Quốc với những giọng opera chua hơn giấm. Cái giặc “Thanh” nó làm khổ anh.

Anh phải trồng rau để “cải thiện”, mà rau ấy bón bằng gì và cái mùi ấy ra sao thì xin miễn diễn tả. Cái giặc “Hương” nó làm anh khổ sở.

Cái nhạt nhẽo vô vị của sắn lát, sắn duôi, bo bo làm anh nhớ tới cái vị của miếng dồi chó cặp lát riềng gói trong một cái lá mơ, chấm vào chén mắm tôm. Cái “Vị” nó hành tội anh dữ dội nhất.

Còn về “Xúc” thì anh tù Móc có gì để sờ ngoài các thứ cán cuốc, cán dao, cán rựa!

Tuy khổ vì “lục tặc” như vậy chứ ai bảo Lão Móc phải bỏ nó thì Lão Móc chỉ cười trừ. Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn… Ông tác giả “Chiều Mưa Biên Giới” đã bảo thế! Đành chịu chứ biết sao!

oOo

Té ra một câu nói rất bình thường nhưng cũng rất là đụng chạm đến các bà, các cô: “Bà La Sát nhà tôi nổi tam bành, lục tặc…” của một tên đàn ông, cũng đã chứa khá nhiều những chữ nghĩa nhà Phật. Rồi lại có một anh Móc bá láp ở đâu lại bàn ra, tán vào những chữ nghĩa nhà Phật một cách rất ngang xương, không có vẻ gì là “Pháp”, là “Phật” một tí nào cả!

Nhưng Lão Móc phải nói lan man về chuyện các bà La Sát nổi tam bành, lục tặc là vì Lão Móc muốn cảnh cáo giới đàn ông.

Này các ông! Câu nói của các ông động chạm tới các bà nặng nề lắm đấy! Hãy liệu cái thần hồn! May mà các bà rộng lượng bỏ qua, chứ nếu các bà mà là bà La Sát thật sự, thì chả cần họ phải nổi tam bành, lục tặc gì thì các ông cũng đã tan xương lâu rồi, có đâu mà còn mạng sống mà hợp tác sản xuất ra con đàn, cháu đống.

Hỡi các bà! Tại sao trong bao nhiêu năm qua, bọn đàn ông ăn nói như vậy mà các bà lại chịu để yên? Các bà là các bà La Sát thật hay sao mà các bà phải chịu im lặng không nổi tam bành, lục tặc lên? Nếu các bà cứ im lặng, bọn đàn ông xấu mồm và rất hay tự cao, tự đại kia họ sẽ xì xào:

– Chứ còn gì nữa! Mình mà nói sai thì các bà đã la ầm lên rồi! Làm thinh là… nhất trí đấy!

Nếu các bà lên tiếng, Lão Móc xin tình nguyện yểm trợ các bà trong sự nghiệp đập tan sự đề kháng của bọn đàn ông. Việc lên tiếng của các bà sẽ chứng minh hùng hồn rằng bà La Sát là một cái gì đó có thật, ở sát ngay cạnh các ông. Các ông hãy liệu hồn! Sự lên tiếng của quý bà cũng sẽ là một thông điệp gởi đến giới đàn ông của thế kỷ thứ XXI, cho họ biết rằng chuyện các bà nổi tam bành lên không phải là một chuyện không thường xảy ra.

Các bà có thể bắt các ông ngồi nghe các bà nói “pháp” về “lục tặc”:

– Ông chống con mắt lên xem tôi có đẹp không? Đẹp quá đi chứ! Tôi nói năng có ngọt ngào không? Có! Tôi nấu ăn có ngon không? Có! Tôi xài nước hoa Chanel N.5 có thơm không? Có! Tay tôi đây này, ông sờ thử xem, có được không? Được! Thế thì Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, tôi đều có đủ, ông không được léng phéng đi đâu, nghe chưa?

Nghe thì có nghe, nhưng chắc chắn anh đàn ông sẽ tần ngần tự hỏi:

– Bà La Sát của mình có đủ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; mà sáu thứ đó là cái gì vậy kìa?

Chắc chắn anh đàn ông ấy sẽ tự tìm ra câu trả lời:

– Là “Lục Tặc” chứ cái gì nữa bây giờ!!!

Lão MÓC

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.