TIỂU SỬ
CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN
TÂM LẠC – NGUYỄN VĂN THỤC
(1927 – 2007)
——— oOo ———
Lời mở đầu:
Nói về quá trình sinh hoạt của Huynh Trưởng Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục với GĐPTVN, chúng ta ai cũng có thể thấy đây là một quá trình hoạt động kiên trì và liên tục của một Huynh Trưởng trong vai trò Ủy Viên Nội Vụ của Tổ chức, thấy được toàn diện quá trình diễn tiến có liên hệ rất mật thiết với sự hình thành của phong trào, từ khi tổ chức còn mang tên là Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Huế vào những năm 1947, qua giai đoạn khởi xướng Bắc-Trung-Nam một nhà, với bản Nội Quy và danh xưng mới là Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời, năm 1951, qua các giai đoạn củng cố và phát triển đặc biệt của GĐPTVN, đánh dấu bởi các Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc vào những năm 1961, 1964 và 1973, qua hoàn cảnh xã hội biến động, lịch sử bi đát của đất nước, năm 1975 và về sau…
Lý lịch và quá trình hoạt động:
Anh Nguyễn Văn Thục sinh ngày 20/07/1927 nhằm ngày 22 tháng 6 năm Đinh Mảo tại làng Kim Ngọc, Huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên.
Thời niên thiếu anh Thục theo học trường Petit Lycée Yersin (chương trình Pháp) và lớn lên, thi đậu bằng Baccalauréat Métropolitain (Tú tài Pháp) tại trường Grand Lycée Yersin, Đà Lạt.
Được biết, vào năm 1937 khi Hội Phật Học Lâm Viên-Đalat được thành lập tại chùa Linh Quang (về sau dời về chùa Linh Sơn, Đà Lạt, năm 1940), Hội luôn luôn khuyến khích các Hội Viên cho con em của mình tham gia vui học trong “Ban Đồng Ấu Phật Tử” của Hội. Anh Tâm Lạc, nhờ duyên lành đã là thành viên của tổ chức giáo dục nầy từ thuở ấy.
Năm 1945, sau thời gian tản cư, từ Đà Lạt trở về Huế, anh Thục chuyên dạy sinh ngữ (Pháp – Anh) theo chương trình Pháp tại các trường tư thục trung học tại Huế.
Đầu năm 1947, anh thọ lễ quy y với Ôn Thích Tịnh Khiết, chùa Tường Vân, Huế. Tại đây anh được quen biết Thầy Thích Minh Châu và đã nhờ Thầy giới thiệu tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ. Anh về sinh hoạt với Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri tại Chợ Cống, thành phố Huế, cho đến cuối năm 1948.
Năm 1949, một phần vì thời cuộc bất ổn, anh bị bắt buộc phải rời Huế đột ngột, vào sinh sống tại Saigon. Để được tiếp tục phụng sự xã hội và Đạo pháp, ngoài những giờ đi dạy hằng tuần tại các trường tư thục trung học – chuyên dạy theo chương trình Pháp – anh còn lập thêm một trường tư thục cấp tiểu học và đặt tên là “Gia Đình Bổ Túc Học Vụ Chơn Tri”.
Trường nầy vừa dạy văn hóa, vừa hướng dẫn giáo viên thành những Huynh Trưởng và đồng hóa học sinh của trường thành Đoàn Viên Gia Đình Phật Hóa Phổ. “Gia Đình Bổ Túc Học Vụ Chơn Tri” trở thành cơ sở Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên tại Miền Nam Việt Nam với tên là “Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri”.
Vào những ngày chủ nhật, thầy trò trường Chơn Tri (Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri) cùng nhau vào sinh hoạt tại chùa Sùng Đức, thuộc vùng Chợ Lớn.
Được biết lúc bấy giờ, chùa Sùng Đức là nơi tập trung, nơi tá túc đầu tiên của một số đông quý Thầy và các Tăng sinh Chùa Bảo Quốc – Huế, khi mới di tản vào Miền Nam.
Được quý Thầy thương mến và khích lệ, đặc biệt được Thầy Thích Huyền Dung, trụ trì Chùa Phật Quang và là viện chủ Phật Học Đường Mai Sơn nhận lời làm Cố Vấn Giáo Lý nên Thầy đề nghị cho Gia Đình dời về sinh hoạt tại chùa Phật Quang, Chợ Lớn, đổi tên Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri thành Gia Đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác vào dịp lễ Thành Đạo PL.2494 (ngày 8 tháng 12 năm Kỷ Sửu, tức ngày 25-01-1950).
Kể từ Phật Đản PL.2495, Gia Đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác hình thành với đầy đủ các Đoàn (Thiếu Niên, Thiếu Nữ, Đồng Niên và Đồng Nữ) gồm trên 130 Đoàn Sinh.
Gia Đình Chánh Giác sớm vững mạnh với một Ban Huynh Trưởng hùng hậu, đầy đủ các thành phần; Bác Trần Văn Liềm làm Phổ Trưởng, anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, anh Minh Thọ – Trần Ngọc Diệp làm Liên Đoàn Phó, các chị Nguyễn Thị Tuất, Trần Thị Hương, Đoàn Thị Tuyết, Lệ Hằng, Vũ Thị Đồng, các anh Hoàng Hải, Trần Yên, Vũ Đình Xuân, phân chia nhau giữ những chức Đoàn Trưởng, Đoàn Phó các đoàn.
Về sau Gia Đình còn được các anh chị trưởng từ Đà Lạt, Huế đến hỗ trợ, giúp đở củng cố như các anh Phan Tấn Trình, Phan Tấn Nghĩa, Dương Xuân Dưỡng, Dương Xuân Nhơn, Nguyễn Xuân Sơn, đặc biệt có anh Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm nhận làm Cố Vấn Danh Dự cho Gia Đình.
Để kiện toàn tổ chức, kỳ nghĩ hè năm 1950, Gia Đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác tổ chức một kỳ trại đầu tiên, đào tạo Huynh Trưởng tại Miền Nam lấy tên là “Trại Huynh Trưởng A-Dục I”.
Trong quá trình sinh hoạt, làm công tác Phật sự tại Miền Nam, Huynh Trưởng Tâm Lạc may mắn được gặp nhiều duyên lành. Huynh Trưởng Tâm Lạc là một trong những thành viên đầu tiên được tháp tùng quý Thầy, đặc biệt Thầy Thích Quảng Liên và Bác Mai Thọ Truyền để đi tìm địa điểm lập chùa, lập cơ sở cho Hội Phật Học Nam Việt năm 1950.
Gia Đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác được chư Tăng chùa Ấn Quang thương mến, tích cực hỗ trợ, thừa nhận là đơn vị tổ chức Phật Giáo, giáo dục thanh, thiếu, đồng niên Phật Tử đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt, tại Sàigòn – Chợ Lớn.
Để thực hiện kế hoạch phát triển Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Miền Nam Việt Nam, sau trại A-Dục I, Huynh Trưởng Tâm Lạc hướng về Miền Đông và Miền Tây Nam Việt. Trên đường đi giới thiệu và thành lập các đơn vị Gia Đình tại các tỉnh, Huynh Trưởng đã may mắn gặp được Thầy Thích Thiền Định, tại Mỹ Tho. Nghe Thầy cho biết, Thầy cũng đang đi về các tỉnh để gây dựng cơ sở, lập các Chi Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, anh xin được theo chân Thầy. Nhờ vậy mà tại tỉnh nào có cơ sở Giáo Hội thì nơi đó đều có mặt một đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ. Sau một thời gian ngắn, được nhiều thuận duyên, khi được thêm nhiều các anh chị trưởng Miền Trung vào giúp sức, một Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng A-Dục II được tổ chức tại Cần Thơ. Khóa nầy đã đào tạo thêm được rất nhiều Huynh Trưởng, gốc tại chỗ, có nhiều năng lực, thiện chí phục vụ khắp các đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Miền Nam và là thành viên đầu tiên của Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt, Việt Nam.
Đầu năm 1951 Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ 3 miền Bắc, Trung, Nam họp trong 3 ngày 24, 25, 26/01/1951 tại Huế, quyết định sửa đổi danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử. Tuy Nội Quy Trình của GĐPT tại Miền Nam (năm 1952) chưa được điều chỉnh theo pháp quy Nội Quy Miền Trung, nhưng mọi hoạt động hành chánh và chuyên môn đều giống nhau.
Lễ Thành Đạo năm Tân Mảo, PL2496 (04/01/1952) Hội Phật Học Nam Việt làm lễ ra mắt GĐPT Chánh Tín. Đến năm 1952 tại Sàigòn – Chợ Lớn có hai GĐPT chính thức hoạt động; GĐPT Chánh Tín của Hội Phật Học Nam Việt, Đoàn quán tại chùa Phước Hòa, Bàn Cờ và GĐPT Chánh Giác của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Đoàn quán tại chùa Phật Quang, Chợ Lớn.
Sau Đại Hội 1953, ngoài sự kiện hợp nhất 2 đơn vị Gia Đình Chánh Giác và Chánh Tín thành một, lấy tên chung là Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Nam quyết định giữ quyền đặt tên cho các đơn vị Gia Đình tại miền Nam, cùng mang một chữ “CHÁNH” đứng đầu như: GĐPT Chánh Đạo, Chánh Đạt, Chánh Nguyên (Sàigòn – Chợ Lớn) Chánh Minh, Chánh Thọ, Chánh Hạnh (Gia Định); Chánh An (Thủ Thiêm); Chánh Nghiêm (Thủ Đức); Chánh Thiện (Biên Hòa); Chánh Kiến, Chánh Pháp (Vũng Tàu); Chánh Quang (Bình Dương); Chánh Đức (Sa Đéc); Chánh Tâm, Chánh Đẳng (Cần Thơ); Chánh Trí (Vĩnh Long); Chánh Tiến (Trà Vinh) Chánh Huệ (Trà Ôn); Chánh Tín (Sóc Trăng); Chánh Hòa (Cầu Kè); Chánh Quang (Rạch Giá); Chánh Dũng (Long Xuyên); Chánh Định (Bạc Liêu) v.v.
Tại mỗi đơn vị Gia Đình, Ban Huynh Trưởng đều thỉnh được một Thầy hay Cô làm Cố Vấn Giáo Lý cho Gia đình. Riêng tại Sàigòn thì được quý Thầy Thích Trí Hữu, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thanh Từ, Thiền Định và Huyền Vi chỉ dạy.
Năm 1956, sau khi đất nước bị chia đôi, Giáo Hội Tăng Giá Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Phần phải di tản vào Nam và lập đặt cơ sở tại hai chùa Giác Minh và Phước Hòa.
Thầy Thích Chánh Tiến (Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt) sau khi quy tụ được một số thanh, thiếu niên tại chùa Kim Cương, đường Trần Quang Diệu – Sàigòn, muốn gây dựng lại một đơn vị GĐPT (Bắc Việt) đầu tiên tại Miền Nam. Thầy đã nhờ Huynh Trưởng Tâm Lạc hướng dẫn thành lập và giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng. Đơn vị Gia Đình được thành lập và đưa về chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản – Sàigòn, lấy tên là Gia Đình Phật Tử Giác Minh.
Từ Đại Hội Thống Nhất GĐPTVN tại Sàigòn vào các ngày 28, 29, 30/06/1964, qua các Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN liên tiếp đến Đại Hội 1973, Huynh Trưởng Tâm Lạc luôn luôn được mời giữ chức vụ Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
Thể theo Quyết định số 083/QĐ 01.01.1970, Huynh Trưởng Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục là một trong số đông các anh, chị Trưởng tại các tỉnh, thành phố Bắc, Trung, Nam được xếp vào hàng Huynh Trưởng đầu tiên của tổ chức và được thọ Cấp Tấn ngày lễ Thành Đạo PL.2501 (01.01.1958).
Anh Thục lập gia đình cùng chị Hoàng Mỵ Dung vào năm 1955. Anh chị sinh hạ được 3 trai và 1 gái. Tuy chị không phải là một Huynh Trưởng GĐPTVN, nhưng ngay từ những ngày đầu mới quen biết chị vẫn hết lòng hưởng ứng lý tưởng mà anh hằng theo đuổi và hết lòng hỗ trợ anh trong mọi công tác Phật sự.
Biết được sau năm 1975, Gia Đình Phật Tử Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt nội bộ và đối ngoại. Vì không còn có thể trực tiếp điều hành sinh hoạt toàn bộ GĐPT trên toàn quốc, Ban Hướng Dẫn Trung Ương đành phải ẩn mình và thu hẹp phạm vi hoạt động.
Các anh chị Cố Huynh Trưởng như Cố Huynh Trưởng Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc, Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, Không Liên – Hoàng Thị Thảo, cùng các Huynh Trưởng Nguyên Tín – Nguyễn Châu, Huynh Trưởng Tâm Vinh – Đoàn Văn Lộc cùng Huynh Trưởng Tâm Lạc cố lèo lái con thuyền nhà lam Việt Nam qua ngày tháng, lướt phong ba, vượt bão táp hiểm nghèo.
Cũng nhờ được thuận tiện trong việc liên lạc, gặp nhau hằng ngày nên các Huynh Trưởng Tâm Vinh, Tâm Lạc và Cố Huynh Trưởng Như Tâm thường cùng làm việc với nhau, thu thập tin tức sinh hoạt GĐPT khắp nơi, cùng nhau bàn bạc, góp ý tháo gở những khó khăn cho các địa phương.
Năm 1993, nhân dịp số đông các thành viên Ban Hướng Dẫn các Tỉnh tập trung về Sàigòn để lo việc an táng cho Huynh Trưởng Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, các Huynh Trưởng Nguyên Tín – Nguyễn Châu, Tâm Vinh – Đoàn Văn Lộc và Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục đã tổ chức được một buổi họp rất quan trọng để củng cố nội bộ, đặc biệt để bàn giao chức vụ và công tác của các anh Tâm Vinh (Tổng Thư Ký BHD Trung Ương) và Tâm Lạc (Ủy Viên Nội Vụ BHD Trung Ương) vì phải xuất cảnh.
Qua đến Úc Đại Lợi Huynh Trưởng Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục vẫn tiếp tục sinh hoạt, thăm viếng các đơn vị Gia Đình địa phương, tham gia Ban Giáo Huấn các Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng, góp ý cùng các Ban Hướng Dẫn. Anh Tâm Lạc là một Huynh Trưởng cao niên, hoạt động thâm niên, suốt đời đã đóng góp công sức cho sự tồn tại và lớn mạnh của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại quốc nội và hải ngoại qua các chức vụ:
- Liên Đoàn Trưởng GĐPT Chánh Giác, Sàigòn – 1949 (thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt).
- Liên Đoàn Trưởng GĐPT Chánh Đạo, Sàigòn – 1952 (thuộc Hội Phật Học Nam Việt).
- Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Minh, Saigon – 1956 (thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, Miền Vĩnh Nghiêm).
- Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt từ năm 1952 – 1964.
- Thọ Cấp Tấn (Thành Đạo PL.2501 (01.01.1958).
- Thành viên Ban Giáo Huấn các Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng các Khóa Lộc Uyển, A Duc, Huyền Trang và Vạn Hạnh.
- Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN từ năm 1954 – 1995.
- Chủ Tịch Hội Đồng Cấp Tấn GĐPTVN tại Úc Đại Lợi từ năm 2004.
- Cố Vấn Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới từ năm 2004.
- Thọ Cấp Dũng (ngày 22.5.2005 – Phật Đản PL.2549).
[Huynh Trưởng Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục đã từ bỏ xác thân tứ đại vào ngày 24 tháng 4 Âm lịch Đinh Hợi (nhằm ngày 6.6.2007) tại bệnh viện Braeside, Fairfield, NSW, Australia. Hưởng thọ 81 tuổi. Linh cữu anh được quàn tại Nhà quàn Vạn Thọ (Số 121 The Cressent, Fairfield, NSW) và sau đó đưa hỏa táng tại Nghĩa trang Rookwood, Lidcombe, NSW, Australia hồi 11 giờ 30’ ngày 13.6.2007.](1)
Công hạnh của anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục đóng góp cho tổ chức to lớn vô cùng. Anh là Huynh Trưởng thâm niên và cao niên đã trực tiếp đóng góp công sức của mình cho sự tồn tại và lớn mạnh của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
— oOo —
NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
– Chấp bút: Vạn Thắng
– Nguồn: GĐPTVN tại Hải Ngoại
(1) Phần trong dấu ngoặc vuông [ ] do Huynh Trưởng Quảng Mẫn – Nguyễn Quang Mai bổ sung vào từ nguồn thông tin: Ái Hửu GĐPT Vĩnh Nghiêm tại Hải Ngoại.