Tiểu sử Thánh Tử Đạo Diệu Nghiêm QUÁCH THỊ TRANG

0

TIỂU SỬ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM
DIỆU NGHIÊM – QUÁCH TRỊ TRANG
1948 – 1963

Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Đoàn Viên Học Sinh 
Phật Tử Việt Nam

Quách Thị Trang – Pháp danh Diệu Nghiêm, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1948 tại làng Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Trang là con ông Quách Văn Bội và bà Hà Thị Vân và là con thứ tư trong một gia đình có 6 người con gồm 4 trai 2 gái. Anh cả là Liên, anh thứ là Choát, đến chị Nhung, rồi đến Trang và hai em trai.

Năm 1954, trong cuộc di cư vào Nam, 6 anh em Trang cùng mẹ vào ở vùng Chí Hòa (Sài Gòn), riêng cha Trang bị kẹt ở lại và khoảng 3 tháng sau, thì được tin ông đã lìa trần trên đất Bắc.

Gặp gia cảnh khó, nhưng được sống quần tụ trong niềm hòa thuận và trong nguồn tin Chánh pháp, lại nhờ người mẹ siêng năng tảo tần mua bán, anh chị em Trang đều được tiếp tục việc học hành.

Riêng Trang từ nhỏ đã tỏ ra một đứa con hiếu thuận. Trang luôn luôn nghỉ đến mẹ và làm vừa lòng mẹ. Còn đối với anh chị và các em, Trang vẫn luôn trên kính dưới nhường.

Từ thuở bé, Trang đã là một Đoàn Sinh của Gia Đình Phật Tử Minh Tâm. Chị được vào học lớp Đệ II.B Trường tư thục Trường Sơn ở đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Trang gia nhập Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử hồi đầu tháng 8/1963, đồng thời sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Minh Tâm.

Một bức di ảnh Quách Thị Trang thuở thiếu thời.

Năm 1963, chị tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống chế độ và chính sách thiên vị tôn giáo của nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Ngày ngọn cờ 5 sắc thân yêu bị triệt hạ, Trang bỏ ăn, bỏ học và khóc mãi! Trang nói với chị em: “Phật Giáo mà chết thì tôi cũng chết”. Rồi liền sau đó, hằng ngày Trang đến chùa Xá Lợi, Ấn Quang để nghe các thầy giảng và nhận các bản tin tức đem phổ biến cho đồng bào. Rồi Trang cũng tuyệt thực, cũng cầu nguyện… Tóm lại, với sức nhỏ bé, có thể làm tất cả những gì được thì Trang đã làm hết lòng cho Phật Giáo. Trang thường nói: ”Nếu có chết vì đạo thì Trang cũng đành”.

Đêm 20.8.1963, các chùa bị tổng tấn công, Tăng Ni và Phật Tử có mặt tại chùa đều bị bắt hết, Trang đã khóc rất nhiều. Trang nghĩ: “Quý Thầy đã chết, đã chết hết rồi!”. Cơn đau khổ và tuyệt vọng cực độ đã làm cho Trang như mất hồn. Trước mắt Trang, đất trời như sụp đổ cùng với sự sụp đổ của những ngôi chùa, những tượng Phật, những bàn hương. Người ta tính tiêu diệt niềm tin Dân Tộc! Người ta tính tiêu diệt nước Việt Nam! Vô lý quá rồi, oan ức quá rồi! Trang nhìn một vài bộ mặt điềm nhiên bên đường, mà nghe tức tối trong lòng.

Đến ngày 24 thì Trang và Yến nhận được tin cho hay: Sáng mai sẽ có một cuộc biểu tình ở chợ Bến Thành để tranh đấu cho quý Thầy. Hai người bạn thấy phấn chấn hẳn lên. Họ thấy giữa sự nguy hiểm của hành động và sự đau khổ của bất lực, thà chọn cái thứ nhất có ý nghĩa hơn, và có lợi ích hơn.

Tối lại, Trang đến nhà Yến vừa khóc vừa mừng chung với Yến. Trang nói: “Ngày mai tụi mình đi biểu tình. Nhưng không cho mẹ Trang biết, vì sợ mẹ sẽ ngăn cản. Trang chỉ cho chị Nhung biết thôi”.

Suốt đêm ấy, Trang gần như không ngủ. Trang thao thức bên niềm mừng vui là sắp được góp một chút gì cho Đạo thân yêu của Trang.

Sáng ngày 25, Trang dậy thật sớm, ăn mặc xong rồi xin phép mẹ đến nhà bạn chơi và rủ Yến cùng đi. Hai chị em đến nơi hẹn với Yến, rồi cùng nhau đi taxi đến chợ Bến Thành.

Trong khi đang đứng chờ đợi, thì từ cửa hông chợ, một đám người ùa ra như nước chảy. Những người đi đầu cầm biểu ngữ: “Hãy giết chúng tôi đi! Vì chúng tôi là con Phật!”. 3 thiếu nữ nghe lòng bừng dậy như sóng cả. Họ nhìn nhau 3 cặp mắt sáng ngời rồi cầm tay nhau chạy vào hàng ngũ.

Và rồi Quách Thị Trang đã có mặt trong số hơn 5.000 Sinh viên, học sinh biểu tình trước Công Trường Diên Hồng ngay trước cổng chính chợ Bến Thành (Sài Gòn). Cuộc biểu tình này do Ủy Ban Chỉ Đạo Học Sinh Liên Trường tổ chức nhằm chống lại lệnh “Thiết quân luật” của Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Được lệnh cấp trên, đông đảo những Cảnh Sát Dã Chiến đã dàn quân và dùng loa yêu cầu đoàn biểu tình giải tán. Bất chấp những lời kêu gọi, tốp nữ học sinh đi đầu vẫn tiến lên… Đoàn biểu tình vẫn đi tới… Vượt qua khỏi mặt tiền chợ Bến Thành… Trong lúc đó, bóng dáng các hung thần Cảnh Sát Chiến Đấu hiện ra chận lối trước mặt họ.

Bất ngờ, Cảnh sát nổ súng thẳng vào đoàn biểu tình. Chợt nghe hai tiếng súng nổ, Yến quay lại nhìn thấy: Trang mặc áo ngắn đã ngã gục trên đường nhựa. Bên Trang là một cảnh sát, tay cầm khẩu súng mới vừa giết người xong. Lúc ấy là sáng ngày 25.8.1963 (nhằm ngày 7-7 Quý Mão), Quách Thị Trang khi ấy mới 15 tuổi. Người cảnh sát bắn chết Trang là Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng Chi thuộc “boót” cảnh sát Lê Văn Ken (nằm trên đường Lê Lợi, cạnh Bệnh Viện Sài Gòn).

Đây là hình ảnh cuối cùng của Quách Thị Trang hy sinh đời mình cho Dân tộc và Đạo pháp. Và hình ảnh đó, trong lòng Dân tộc sẽ còn sống mãi nghìn thu!

Bức di ảnh mới nhất thời kỳ Quách Thị Trang bị thảm sát
(Số tuổi ghi trên ảnh đã có sự nhầm lẫn).

Sau khi bị bắn chết, Cảnh sát đã đem thi hài Trang về chôn trong nghĩa trang Tổng Tham Mưu vì muốn giấu kín cái chết này. Tuy nhiên, danh tính của chị được xác nhận và các Sinh viên Học sinh cùng đông đảo người dân ở Sài Gòn đã tổ chức một đám tang lớn cho chị nhằm phản đối hành động này của chính quyền.

oOo

Bùng binh Quách Thị Trang; Công trường Quách Thị Trang; Công viên Quách Thị Trang:

Một ngày sau khi Trang ngã xuống, Ngày 26 tháng 8 năm 1963, Hội Thanh Niên Thế Giới – trụ sở tại Brussel, Bỉ – đã đánh điện tín để phản đối việc chính phủ Ngô Ðình Diệm đã tước bỏ quyền tự do dân chủ của Thanh niên – Sinh viên – Học sinh Việt Nam với nội dung:

Kính gởi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn.

Hội Thanh Niên Thế Giới phản đối sự kỳ thị đáng ghét đối với đồng bào Phật Giáo của ông và việc đóng cửa các trường đại học cùng đàn áp hung bạo đối với Thanh niên, Sinh viên cũng như bắt bớ và gây tang tóc cho bao người. Chúng tôi đòi hỏi ông phải trả lại quyền lợi cho mọi người công dân và tôn trọng tự do dân chủ.

HỘI THANH NIÊN THẾ GIỚI

Ngay sau cuộc đảo chính 1/11/1963 tại Nam Việt Nam lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dân Sài Gòn đã bắt đầu gọi nơi đây là “Bùng binh Quách Thị Trang”; “Công viên Quách Thị Trang” để tôn vinh Trang thay cho tên gọi chính thức trước đó là “Công trường Diên Hồng”.

Bìa bản nhạc Em Là Vì Sao Sáng nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết sau ngày người học sinh áo trắng tên Trang ngả xuống.

Đầu tháng 8 năm 1964, để tưởng nhớ Quách Thị Trang, Đoàn Thanh Niên Liên Giáo của Hội Sinh Viên Học Sinh đã lập một “Ủy Ban Kiến Tạo Đài Kỷ Niệm Quách Thị Trang” do sinh viên Vũ Quang Hùng làm Trưởng ban, hai sinh viên Thanh Hùng (Đoàn Sinh Viên Phật Tử) và Đào Đức Long (Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Công Giáo) làm phó ban, đã tổ chức quyên góp để tạc tượng Trang. Tượng được điêu khắc trong khoảng một tháng thì hoàn thành và được cất giấu kỷ chờ ngày thực hiện kế hoạch dựng lên ngay gần nơi Trang gục ngã.

Ngày 25.8.1964 – đúng một năm ngày Trang bị giết – vào ngày lễ Tiểu Tường của Quách Thị Trang, nhân trong cuộc biểu tình của sinh viên phản đối “Hiến chương Vũng Tàu” của Chính phủ Trung tướng Nguyễn Khánh, đoàn diễn hành của sinh viên từ Dinh Gia Long kéo về dừng lại trước chợ Bến Thành để tưởng niệm Trang; bức tượng bán thân Quách Thị Trang giấu trong túi xách cùng dụng cụ xây dựng được anh em sinh viên lấy ra, ciment, gạch, cát trên một chiếc xe Land-Rover từ một hướng khác tới được đem xuống, anh em sinh viên hối hả xây ngay trụ bệ tượng thật nhanh và thật chắc chắn rồi chớp nhoáng đặt lên bức tượng ở ngay gần nơi Trang ngả xuống, tức là tại bùng binh trước cửa chính chợ Bến Thành, thủ đô Sài Gòn. Mọi việc diễn ra nhanh đến nỗi nhiều người chưa kịp hiểu đoàn biểu tình dừng lại để làm gì thì tượng đã được đặt xong. Khi đoàn biểu tình giải tán rời khỏi khu vực này thì tượng Quách Thị Trang đã sừng sững vững chắc giữa Công trường Diên Hồng như một câu chuyện thần thoại.

Đài kỷ niệm Quách Thị Trang đầu tiên tại Công trường Diên Hồng
(Ảnh chụp năm 1965, một thời gian ngắn sau khi kiến tạo).

Tượng dựng xong vài hôm sau cũng có một số người quá khích muốn đập phá, nhưng hết sức bất ngờ, các anh em “giang hồ anh chị” chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh lúc bấy giờ ngày đêm mang theo gậy gộc, dao mác tới bảo vệ bức tượng nên rốt cuộc tượng đài Quách Thị Trang vẫn được tồn tại, kể cả cảnh sát cũng không động tới. Từ đó bức tượng nhỏ nhắn của Trang kế bên tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn (được kiến tạo trong năm 1965) tại nơi mà dân chúng đô thành thân thương gọi là Công viên Quách Thị Trang đã trở thành quen thuộc với người Sài Gòn cũng như cư dân các tỉnh thành khác và du khách ngoại quốc đến Sài Gòn.

.

Cũng trong năm này (1964), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đặt tên Quách Thị Trang cho một cô nhi viện lớn, nuôi hơn 7.000 trẻ em mồ côi, tọa lạc phía sau Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1965, được sự đồng ý của Chính Phủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Thượng Tọa Thích Mãn Giác đã cho đặt một tấm biển đồng đề “Liệt Nữ Quách Thị Trang” tại bệ tượng.

Đài tưởng niệm Liệt nữ Thánh Tử Đạo Quách Thị Trang bên cạnh tượng đài Danh tướng Trần Nguyên Hãn tại Công viên Quách Thị Trang.

Năm 1966, phần mộ của Trang đã được gia đình và một số Phật Tử cải táng đưa về chùa Phổ Quang (nay thuộc quận Tân Bình, Sài Gòn) cho đến ngày nay.

Sau 1975, chính phủ CHXHCN Việt Nam cũng phong Quách Thị Trang là “Liệt sĩ” và nơi Trang gục ngã được đặt tên là Quảng trường Quách Thị Trang./.

Mộ chí và bia ký Thánh Tử Đạo Diệu Nghiêm QUÁCH THỊ TRANG.

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
– 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam – Sa-môn Thích Thiện Hoa.
– Báo Hải Triều Âm số 19.
– Bách khoa toàn thư Wikipedia.
Sưu tập – Hiệu chỉnh – Trình bày: Quảng Mẫn.

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:

Một bài báo sinh viên lưu niệm cạnh phần mộ Quách Thị Trang.

>>> Xem thêm: TIỂU SỬ CHƯ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.