I. NGUỒN GỐC :
Ngàn xưa, loài người đang ở trong tình trạng bán khai, sống từng bộ lạc, khi mới tìm ra ngọn lửa, sung suớng vô cùng Họ đốt lên để lưu giữ, vừa ngăn ngừa thú dữ và để cảnh núi rừng bớt rùng rợn khi về đêm.
Đến khi con người biết sống thành gia đình, ngọn lửa vẫn được là nguồn vui của gia đình. Tối đến, nhất là về mùa mưa, cả nhà làm việc quanh ngọn lửa hoặc là chuyện trò với nhau.
Những thợ rừng, từng đoàn thám hiểm hay dân sơn cước ban đêm muốn tránh thú dữ, muốn giải trí chung vui, cũng bắt chước người xưa đốt lửa.
Ngày nay, các đoàn thể thanh niên, mỗi khi đi cắm trại, buổi tối cũng họp vui quanh lửa sau một ngày hoạt động.
II. Ý NGHĨA :
1. Lửa trại là một cuộc họp vui, thân mật có hiệu lực gây thiện cảm giữa mọi người, tạo những kỷ niệm khó xóa mờ trong đời.
2. Lưả trại là một cuộc tiểu khiển thanh cao, giúp đoàn viên phát triển những tính tốt đẹp, kích động lòng ngưỡng mộ tôn kính Phật đà.
III. MỤC ĐÍCH :
1. Mục đích huấn luyện :
– Gây ý thức đạo hạnh thiết tha với lý tưởng.
– Gây tinh thần yêu nước.
– Sửa đổi tánh xấu, tạo đức tính tốt cho Đoàn sinh : Ai nhút nhát ít nói cho đóng vai hoạt động nói nhiều, người nào nhu nhược, ươn hèn cho đóng vai anh hùng hiệp sĩ.
2. Về tinh thần :
Lửa trại làm cho trại sinh tháo vát, tập suy nghĩ nhanh, có sáng kiến, dạn dĩ. . .
3. Mục đích giải trí :
Làm cho trại sinh ham thích những cuộc giải trí trong sạch, thân mật, không tốn tiền, có óc tổ chức.
IV. CÁC LOẠI LỬA TRẠI :
Lửa trại khác văn nghệ sân khấu ở điểm quan trọng là diễn viên khán giả là một. Lửa trại là cuộc vui quanh lửa của những người đồng đội vào buổi tối sau một ngày hoạt động. Lửa trại phải bộc lộ được tinh thần của trại, của tổ chức. Lửa trại phải diễn ở ngoài trời, nhưng cần tránh nơi đông đúc, nơi quá rộng, cần tạo sự thân mật ấm cúng để trại sinh tự do phát lộ tình cảm hay tỏ bày ý kiến. Ta có thể có các loại lửa trại sau dây :
1. Lửa trại kết thân :
Dành cho những người mới đến chưa quen biết nhau có tính cách kết thân mọi người vui chung, chơi chung, hát chung. Phải gây không khí hứng khởi ngay từ ban đầu và kêu gọi mọi người tham gia và tạo cơ hội cho mọi người được cơ hội làm quen với nhau.
2. Lửa sinh hoạt :
Một hình thức họp vui quanh lửa, các đơn vị dự chơi hợp tác với Quản trò đóng góp vào chương trình vui chung. Các trò chơi, bài hát, vở kịch được chọn thứ tư trình diễn theo nhịp độ ánh sáng của lửa.
3. Lửa chủ đề :
Lửa nầy công phu hơn, đòi hỏi người dự chơi một trình độ cao hơn. Ban Quản trại chọn các đề tài, tất cả các mục trình diễn đều phải hướng về chủ điểm đề tài ấy.
4. Lửa kết trại :
Tổ chức vào đêm cuối của trại, nhắc nhở lại những sinh hoạt suốt kỳ trại. Trại sinh có thể diễn lại những điều đã ghi nhận được về những ngày trại bằng một vở kịch có tính cách vui để ghi sâu đậm thêm kỹ niệm của những ngày sinh hoạt chung.
5. Lửa tĩnh tâm :
Tổ chức cho những đoàn viên lớn tuổi (từ Ngành Thiếu trở lên) vào cuối những ngày làm việc nặng nhọc, cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Loại nầy không Quản trò, không Quản lửa, Huynh trưởng hướng dẫn tất cả suy tưởng về một vấn đề hay kể cho nhau nghe những kinh nghiệm, những cảm xúc trong cuộc đời sinh hoạt của mình, cùng hát cho nhau nghe những bài hát êm, nhẹ, ca ngợi lý tưởng, tình yêu xóm làng, tình thương đoàn thể.
6. Thanh đàm :
Buổi Thanh đàm hay giờ Tĩnh túc được bắt đầu sau một ngày làm việc. Thanh Đàm là một hình thức nói chuyện mà đề tài là những vấn đề bao quát, lý tưởng. Thanh đàm lại không phải là một buổi hội thảo để tìm một kết luận mà là yên tĩnh suy nghĩ lắng đọng tâm hồn, gạt bỏ mọi cố chấp, mặc cảm tự tôn, là lời tâm sự thành thật, là tiếng nói của những tâm hồn thanh cao. Người dự cần phải thành thật nhìn thẳng vào lòng mình tự xét, không mang những lời nói giả tạo. Người nói thật chậm rãi vừa đủ người khác nghe, không bình phẩm khen chê. Chấm dứt lời nói trong yên lặng, không vỗ tay và người khác tiếp tục nói.
V. CÁCH TỔ CHỨC LỬA TRẠI :
1. Ban Quản Trại :
Phát họa chương trình, chọn loại lửa trại.
– Chọn sân lửa thích hợp
– Loan báo cho các đơn vị dự chơi đề tài và tiêu chuẩn của buổi lửa trước, ít nhất là một buổi.
2. Công việc của các đơn vị dự chơi :
Đội, Chúng trưởng phải tìm đề mục phù hợp trình bày và nhờ các Đoàn sinh góp ý kiến, tập tành chuẩn bị dụng cụ thực hiện. Phân công thật đều để tất cả cùng tham gia mới có kết quả.
3. Công việc trại sinh :
Suy nghĩ về vai trò của mình sắp đóng, tìm tòi những nét độc đáo đễ diễn tả. Góp ý về cách thức diễn đạt của mình với người khác. Tìm vật liệu đơn giản để hóa trang.
* Ghi chú :
a. Kịch :
Nên chọn những vở kịch nào, giáo dục, lịch sử. Hài kịch cần tránh những vở ăn cướp, nói láo, lường gạt hay ngớ ngẩn đến độ ngốc nghếch.
b. Bài hát :
Bắt buộc trước hết phải là bài hát Đạo, bài hát Gia Đình Phật Tử, kế đến là những bài hát có tính cách lành mạnh hợp với tuổi trẻ. Tránh những bài hát bằng tiếng dân tộc, tiếng Tàu có vẻ ngớ ngẩn đến trơ trẻn không nói được gì và chẳng có tác dụng nào.
4. Công việc của Đội Quản lửa :
– Dự bị số củi đủ dùng với thời gian dự định. Dầu lửa một ít, nếu có thể sắm bột màu để đốt lúc cần đến ánh sáng để phụ họa. Đội Quản lửa cũng không quên 2 thùng nước để giảm bớt ngọn lửa khi cần.
– Xếp đặt sân lửa : Cho đốt lửa một hay hai bếp tùy theo số lượng người tham dự. Chỗ làm trò tránh chiều khói đến. Chỗ khách ngồi tránh khói.
VI. ĐIỀU KHIỂN MỘT BUỔI LỬA TRẠI :
1. Quản trò :
– Thâu nhận những đề tài, tiết mục của các đơn vị dự chơi.
– Lập chương trình, chú ý cách sắp xếp các tiết mục.
– Giới thiệu cho duyên dáng, gãy gọn.
– Cần nhanh trí để khéo lấp những chỗ nhạt nhẽo trân tráo, vụng về của diễn viên.
– Sau mỗi trò vui nên cho tiếng reo, bài hát thích hợp.
– Một quản ca giúp quản trò trong phần bắt những bài hát cho thích hợp, sống động, vui tươi . . .
2. Quản lửa :
Quản lử thường là một Đội do một Huynh trưởng phụ trách, thay phiên nhau theo dõi và điều khiển lửa. Nhiều nhất trên sân lửa là 2 người, không ngồi thường trực một chỗ mà di động khéo léo để không vướng mắt người xem, không làm loãng tiết mục trình diễn. Người quản lửa phải biết điều khiển ngọn lửa, ánh lửa, màu lửa cho phù hợp với các tiết mục trình diễn.
– Muốn có lửa lớn, có thể thêm dầu hay cỏ khô.
– Với bột diêm sinh màu lửa có thể trở nên màu vàng.
– Cho bột khói đèn vào để có lửa màu xám (có thể dùng bột trong các trái khói màu).
– Thêm cỏ ướt cho ánh sáng có khói lam
– Nước lạnh hay cát có thể làm lửa lắng xuống như ý.
Người quản lửa phải ước định thời gian buổi lửa để lúc củi tàn, chương trình vừa hoàn tất.
VII. NGHI THỨC MỘT BUỔI LỬA TRẠI :
1. Phần Khai lửa :
– Tiếp đón các đơn vị dự chơi và thân khách .
– Vài lời về buổi lửa (mục đích, tinh thần, cảm tạ ân nhân).
– Châm lửa và hát bài LỬA THIÊNG hoặc một bài tương tự với tinh thần, kích thích lôi kéo mọi người nhập cuộc, nhắc nhở tinh thần các vị Bồ tát, thánh tử đạo bằng ngọn lửa thiêng đi vào lòng Phật giáo.
– Quản trò ra mắt, và các trò vui bắt đầu.
2. Phần trình diễn :
Do quản trò điều khiển theo những tiết mục.
3. Phần lửa tàn :
– Phần khai lửa và lửa tàn do một người điều khiển khác với người quản trò.
– Trại trả người quản trò về.
– Yên lặng một lúc hát bài ca lửa tàn.
– Câu chuyện lửa tàn ( nhắc nhở và nhận xét những diễn xuất đã trình diễn. . . )
– Niệm Phật – yên tĩnh về lều.
– Đội quản lửa thu dọn.
VIII. KẾT LUẬN :
Một lần họp mặt mà không có cuộc vui quanh lửa, kể như thiếu đi một nửa ý nghĩa. Những buổi lửa có kết quả hay không là do Ban Quản Trại biết chuẩn bị, thúc đẩy, quản trò khéo léo nhất là ở câu chuyện lửa tàn.