(Học dưới hình thức hội thảo)
A. VÀO VẤN ĐỀ
(Giảng viên là chủ trì buổi hội thảo)
Trong chương trình bậc Trì chúng ta đã có dịp tìm hiểu về “ Tứ Nhiếp Pháp ”. Trong phạm vi bài nầy, chúng ta không dành nhiều thì giờ để phân tích từng phương pháp và bàn vấn đề ứng dụng chung chung nữa mà chúng ta đi ngay vào thực tế : Các anh, chị đã từng áp dụng với tha nhân như thế nào ? Cụ thể nhất là đối với đoàn sinh của anh chị. Có những kết quả như thế nào ? Có những gì khó khăn không vận dụng được ?
B. ĐI VÀO THẢO LUẬN :
- Cho các Huynh trưởng trại sinh nhắc lại định nghĩa của Tứ Nhiếp Pháp và nội dung từng pháp.
- Chủ trì đúc kết lại và khắc sâu (tóm tắt) :
Tứ Nhiếp Pháp là bốn phương pháp nhiếp hóa chúng sanh. Cảm hóa những người chưa tốt trở thành tốt. Đưa những người chưa hay biết giáo pháp để trở về với chánh pháp.
Gồm có : Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp,lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.
1. Bố thí nhiếp :
Có ba là tài thí, pháp thí và vô úy thí.
– Tài thí : tức đem tiền của tài sản, sức lực . . . giúp đở kẻ khác.
Bố thí những thứ thuộc sở hữu của mình nhưng không nằm trong tài sản, như : sức lực, trí óc và cả máu của chúng ta nữa cũng là tài thí.
Ví dụ : Chúng ta không có tiền giúp một gia đình vừa bị bão lụt, nhưng có thể đem công sức của mình giúp đở người ấy dựng lại căn nhà. Ta không thể giúp người bạn trong cơn túng quẩn nhưng ta có thể dùng trí óc nghĩ ra kế hoạch giúp bạn làm ăn. Một bệnh nhân cận tử nhất sanh cần chuyền thêm máu, ta có thể cho ngay máu của mình để cứu sống bệnh nhân. . .
– Pháp thí : Dùng giáo lý giảng giải cho người khác hiểu để họ biết dựa vào giáo lý tu tập giải thoát.
– Vô úy thí : Tức giúp đở con ngưòi trong cơn sợ hãi trở lại bình tĩnh, không còn khiếp đãm nữa (nêu lại những ví dụ trong bài Tứ Nhiếp Pháp ở bậc Trì).
2. Ái ngữ nhiếp :
Dùng lời lẽ dịu dàng hòa ái để khuyên răn nhiếp hóa.
3. Lợi hành nhiếp :
Giúp người khác những ý kiến, kế hoạch để có nhiều lợi lạc trong việc làm của họ (Kế hoạch xây dựng một xí nghiệp, kỹ thuật trồng mía . . )
4. Đồng sự nhiếp :
Cùng làm một công việc, ở cùng trong một hoàn cảnh để nhiếp hóa (phương pháp nầy có hiệu quả cao nhất).
- Các anh chị đã thực hiện với đoàn sinh của mình như thế nào ? Về bốn phương pháp nhiếp hóa ấy (mỗi Huynh trưởng trại sinh nêu kinh nghiệm thực tế của mình để tất cả cùng học tập).
Cuối cùng chủ trì dựa vào những thực tế Huynh trưởng trại sinh đã nêu để phân tích cho tất cả nhận thấy :
Muốn thực hiện Tứ Nhiếp Pháp với đoàn sinh của mình, người Đoàn trưởng cần phải ra công tìm hiểu hoàn cảnh một cách cặn kẻ. Tìm hiểu cả công việc làm ăn sinh sống của phụ huynh đoàn sinh và cần nhất là tâm tính của từng đoàn sinh mình. Có hiểu thấu đáo những điều ấy chúng ta mới có thể áp dụng một cách phù hợp Tứ Nhiếp Pháp. Nếu ngược lại thì nhiều khi thành “lố bịch”.
Ví dụ : Phụ huynh em A trồng mía rất có kỹ thuật, nhưng vụ mùa vừa qua chỉ vì không đủ tiền để bón phân đúng liều lượng cho nên thu hoạch kém, thế mà ta lại “ba hoa” bày vẻ về kỹ thuật cho bác ấy thì có phải là “lố bịch” không ?
Vì vụ mùa thất thu nên năm nay mức sống gia đình sút giảm, em A do đó việc học hành cũng sút kém. Nếu anh Đoàn trưởng hiểu rõ việc nầy, tìm cách hổ trợ cho em A về vật chất để em có phương tiện học tập, có phải tốt hơn không ? Nếu giúp đở em A đúng cách sẽ gây được thiện cảm và tin tưởng, không phải chỉ riêng em A mà cả phụ huynh của em và chắc chắn phụ huynh sẽ hiểu về Gia Đình Phật Tử nhiều hơn. Lâu nay phụ huynh em A chưa nhiệt tình lắm trong việc cho em A đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử.
Một đoàn sinh hay nói dối, anh Đoàn trưởng đã nhiều lần giảng giải cho em về giới nói dối (em nầy là đoàn sinh mới chưa quy y) trình bày những tác hại của nói dối nhưng chẳng có kết quả gì. Về sau mới khám phá ra : Cha mẹ em nầy lâu nay làm ăn sa sút nhưng muốn giữ vẻ hào nhoáng ở hình thức để dễ vay vốn xoay xở phương kế khác vì vậy mà em đoàn sinh ấy cũng ảnh hưởng theo. Đi học mỗi ngày em mặc một sắc áo, khoe với bạn bè là áo mới ba má may, nhưng thật ra em mượn áo của các bạn thân của em, khi mượn của người nầy, khi mượn của người khác. Nói dối cả với anh Đoàn trưởng, khi anh hỏi thăm về cha mẹ của em. Em bảo là ba bận đi Sài gòn nhận một công trình lớn về v.v. và v. v. . . Pháp thí trong trường hợp nầy có lơi gì đâu !.
Đấy, chúng ta thấy rõ : muốn thực hiện tốt Tứ Nhiếp Pháp đối với đoàn sinh, người Đoàn trưởng cần phải theo dõi điều nghiên chính xác về hoàn cảnh, tính tình của đoàn sinh. Tìm rõ những nguyên nhân đưa đến tính xấu của đoàn sinh để ứng dụng Tứ Nhiếp Pháp phù hợp từng đối tượng mới có kết quả, chứ không thể áp dụng một cách máy móc.
Trong trường hợp đặc biệt, dùng hết phương cách mà không cảm hóa đuợc một em đoàn sinh. Người Đoàn trưởng có thể áp dụng phương pháp “ Đồng sự nhiếp ”.
Ví dụ : Một em đoàn sinh rượu chè say sưa, đã khuyên giải nhiều lần nhưng không sữa đổi được, anh Đoàn trưởng có thể cùng đi chơi với em, rồi cùng uống rượu với em, đến lúc em say, vẫn vui vẻ dìu em về nhà cha mẹ em và lo tìm cách giải say. Đến lúc em tỉnh mới chuyện trò tâm tình với em cùng phụ huynh, chỉ cho em thấy khi say ngã nghiêng, mữa ói mất cả tư cách, phẩm giá con người. Khi say trí tuệ không còn minh mẫn, nói xàm, nói bậy. Uống rượu đã tốn tiền, hại sức khỏe, mất tư cách phẩm giá, bị mọi người khinh rẻ, rõ quá ngu dại và còn biết bao nhiêu tai hại khác. (Lúc nầy mới dùng pháp thí) nêu lên những tai hại của uống rượu như đức Phật đã dạy… Nhưng áp dụng phương pháp nầy người Đoàn trưởng phải có bản lãnh và vận dụng một cách tự nhiên nếu lúng túng sẽ nhận ra vẻ “ đóng kịch ” thì cũng hóa ra thành lố bịch.
C. KẾTLUẬN
Thực hiện Tứ Nhiếp Pháp là thực hiện tinh thần lợi tha của người Phật tử. Đối với người Đoàn trưởng trước hết chúng ta phải biết nhiếp phục đoàn sinh của mình. Những đoàn sinh của mình mà không nhiếp phục được thì còn nói gì nhiếp phục người khác. Nhưng điều nghiên kỹ để áp dụng thế nào cho thích hợp : và áp dụng phương pháp nào thì cũngphải dùng kèm với “ ái ngữ nhiếp ”.