Vụ Video clip Thầy Trò Đường Tông Đi Thỉnh Bao Cao Su: Cư dân mạng sôi sục! Hằng triệu người phẩn nộ!

5

Vụ tai tiếng “Dựng tượng Phật Quan Âm… bồng súng” dư âm còn chưa lắng xuống và không biết nhà đương cục sở tại cũng như cấp hữu quan giải quyết scandal này như thế nào thì tiếp theo là vụ “clip Thầy Trò Đường Toong Đi Thỉnh Bao Cao Su” gây chấn động dư luận cư dân mạng với hàng ngàn bài viết, comment bày tỏ sự phẩn nộ và phê phán kịch liệt trong sự kiện này…

Trước khi theo dõi các phản ứng sôi sục phẩn nộ trên mạng, Phật Tử chúng ta trước hết tìm hiểu sự kiện qua bản video clip đó và bài viết “ca ngợi” nó.

 Thư Viện GĐPT Online không ngần ngại khi đăng tải 2 chứng liệu này vì thiết nghỉ chúng ta cứ phải thấy sự thật thì sẽ dễ có nhận định chính xác hơn.

BBT THƯ VIỆN GĐPT ONLINE

  • Bản video: Thầy trò Đường Toong đi thỉnh… bao cao su!

  •  Bài viết của VTC News : Clip ‘Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… Bao cao su’

Khác với những phiên bản chế đang tràn lan trên mạng internet có nội dung chọc phá, clip này chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về “Người bạn nổi tiếng” – bao cao su.

Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khoẻ sinh sản thuộc Đoàn TNCS HCM.

Với phong cách “chế” hài hước, dí dỏm đậm chất sinh viên, câu chuyện “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… Bao cao su” trở thành một phiên bản hoàn toàn mới lạ của tích “Tây du ký”.

Với lợi thế cốt truyện quen thuộc, các bạn trẻ khéo léo lồng ghép “người bạn tên Su” vào vai nguyên cớ để bốn thầy trò Đường Tông (cách gọi lái đi của nhân vật Đường Tăng) lên đường đi Tây Trúc. Nhờ đó, câu chuyện đi theo lối hài hước, thu hút khán giả trẻ hơn hẳn những tác phẩm khác cùng dự thi.

Sự sáng tạo của các bạn sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền được ban giám khảo đánh giá cao và giành giải xuất sắc của cuộc thi, góp phần không nhỏ vào chiến dịch tuyên truyền về bao cao su tại các trường đại học và cao đẳng.

Nguồn: VTC News

Báo điện tử VTC News. Giấy phép số 993/GP-BTTTT ngày 07/07/2008.
Tổng biên tập: Ngô Văn Hải; Phó tổng biên tập Lê Trường Sơn.
Tòa soạn và Trị sự: Tầng 10 – Tòa nhà 18 Tam Trinh – Hai Bà Trưng – Hà Nội. E-mail: toasoan@vtc.vn

(Chú thích thông tin của Thư Viện GĐPT Online).

oOo

Rất nhiều website, blogs khác hời hợt đăng tin, phổ biến clip này mà bây giờ khi tìm kiếm trên Google, click vào link đều bị hiện tượng gãy liên kết. Có thể do xôn xao trên internet nên họ đã kịp thời gở, xóa bài; khóa các chủ đề này. Và dưới đây, BBT/TV.GĐPT tập hợp một số bài viết theo chiều hướng khác: phản ứng tích cực...

  • Vụ clip “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su”: Ai chịu trách nhiệm? 

Qua sự phản hồi của những người tôn trọng và bảo vệ nền văn hóa cho một xã hội có không ít người làm văn hóa nhưng thiếu văn hóa trầm trọng!

Tựa đề trên phát xuất từ một video clip do sinh viên Học Viện Báo Chí dàn dựng để tuyên truyền cho chương trình “friendly condom” – Trung Tâm Chăm Sóc,  Tư Vấn Sức Khỏe Sinh Sản Vị Thành Niên, Thanh Niên thuộc Trung Tâm Thanh Thiếu Niên Miền Bắc (Trung Ương Ðoàn TNCS HCM) vào đầu tháng 2-2012, vẻ hình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh bao cao su, thế mà được người làm công tác chấm giải nhất.

1/ Thứ nhất, cái gọi là sinh viên học viện báo chí đã nói lên trình độ văn hóa tất yếu phải có. Một văn hóa được trang bị có nghĩa người làm công tác văn hóa phải biết tôn trọng cá nhân kẻ khác, đời tư kẻ khác. Ví dụ, một người bị nhiễm HIV không bao giờ bị nêu tên hay bị phân biệt đối xử trong cộng đồng xã hội. Người làm công tác văn hóa cũng không thể đưa hiện trạng nan y ra đùa cợt trước công chúng hay trên báo chí. Thế thì lấy một truyền tích tôn giáo để quảng bá đùa cợt một cách vô ý thức trên phương tiện truyền thông đại chúng, đó là loại văn hóa gì trong một xã hội gì hiện nay?

2/ Ban giám khảo chấm giải, ít ra cũng phải có một ý thức tối thiểu để đánh giá tác phẩm mà trên nguyên tắc: – không vi phạm tác quyền của người khác, – không xúc phạm danh dự kẻ khác, – không ảnh hưởng an ninh xã hội, – Không vi phạm một loại ngôn ngữ thô tục thiếu văn hóa, – không ảnh hưởng đến bất cứ một loại văn hóa, tín ngưỡng hiện thời…

3/ Báo đài truyền thanh truyền hình khi phát sóng đưa tin, không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn phải biết phân biệt quảng cáo cái gì, quảng cáo cho ai, và nội dung quảng cáo có ảnh hưởng xúc phạm hoặc có thể hiện được tính văn hóa của xã hội? Chẳng lẽ bốn nghìn năm văn hiến của một dân tộc được cô đặc bởi hai chữ lợi nhuận, lợi dụng và mù quáng???

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông thường dùng Phật Giáo là đối tượng để trêu cợt châm biếm, phải chăng đây là chủ trương của các cơ quan truyền thông hay một chính sách ngầm để công kích Phật giáo??? Giới trí thức trong và ngoài nước rất ngạc nhiên xã hội ta hiện nay xuất hiện quá nhiều điều bất ngờ như tội phạm mà không phải do “tàn dư Mỹ Ngụy” để lại: Cướp của giết người, tai nạn giao thông, không an toàn lao động; lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhân dân; bạo lực học đường, hành hạ trẻ con, lạm dụng ấu dâm; thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, kiến thức sinh viên học sinh không tương thích…và…còn quá nhiều hiện tượng tiêu cực không ngờ.

Yêu cầu các cơ quan chức năng hãy trả lời mục quảng cáo trên đây đang được phát tán công khai.

Thiết nghĩ, cho dù xã hội đến chỗ loạn lạc thì nhân cách chẳng lẽ phải đánh mất, ý thức chẳng lẽ không còn cần thiết? Một đất nước bị tàn phá như Nhật trong cơn địa chấn và sóng thần, nguời dân nói chung và trẻ con nói riêng vẫn còn giữ được phong thái từ tốn, lịch sự, thể hiện nét văn hóa có giáo dục, hà tất đất nước ta đang trên đà phát triển và tiến bộ mà cung cách hành xử cũng như sự hiểu biết tối thiểu lại đi ngược trào lưu. Những người làm văn hóa còn thiếu văn hóa như thế hà tất đại chúng thất học làm sao không là tội phạm xã hội?

Ai có trách nhiệm trong vấn đề nầy? Bộ giáo dục đào tạo? Cơ quan truyền thông? Chủ quản chuyên ngành quảng cáo Friendly condom? Học viện báo chí? Hy vọng tất cả đầu óc và lỗ tai đều bình thuờng để nhận biết đâu là văn hóa – vô văn hóa hầu đất nước nầy không bị thêm tai tiếng những điều bất lợi.

Theo Minh Mẫn (12/3/2012) – http://www.chuaphuclam.com

  • Phẫn nộ clip “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su”

Clip hoạt hình giáo dục sức khỏe sinh sản mang tên “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su” phát tán trên Internet đang bị cư dân mạng “ném đá” vì phản cảm. Nội dung clip dài hơn 1,5 phút được xây dựng dựa trên cốt truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong bộ phim dài tập Tây Du Ký. Câu chuyện mở đầu: “Thế kỷ này, ở một vương quốc nọ, nhà vua hết sức lo lắng trước sự bùng nổ của virus HIV và đại dịch AIDS. Bởi vậy vua đã phái thầy trò Đường Tông đi tìm phương thuốc hiệu nghiệm giúp dân tình thoát khỏi đại nạn”.

Vâng lệnh vua, thầy trò Đường Tông lên đường đến đất Phật để tìm thuốc. Trên đường đi gặp nhiều gian nan thử thách và phải chiến đấu với nhiều thế lực xấu nhưng cuối cùng họ cũng đến được Tây Thiên và gặp Phật tổ Như Lai. “Ta sẽ trao cho các con một dụng cụ bảo vệ cho người dân của vương quốc khỏi HIV/AIDS: bao cao su. Các con bằng kiến thức của mình hãy truyền bá, vận động mọi người sử dụng nó. Hãy coi nó như một người bạn”, lời của Phật tổ.

Đoạn phim hoạt hình trên được cho là vừa nhận giải xuất sắc trong một cuộc thi sáng tạo thông điệp tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, bình thường hóa việc sử dụng bao cao su trong cộng đồng. Chương trình do một trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tổ chức.

Clip được đăng tải rộng rãi trên Internet, người đăng clip khẳng định “nó chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về người bạn nổi tiếng – bao cao su”. Trong khi đó nhiều cư dân mạng cảm thấy bất bình và chỉ trích cho rằng nội dung của phim là “sự xúc phạm lớn đến đạo Phật”.

“Sao các bạn có thể đem niềm tin của biết bao nhiêu triệu con người, trong đó có cha mẹ, ông bà tổ tiên các bạn để đem ra làm clip làm trò vui đùa”, thành viên trung1354 nhận xét.

Chung quan điểm này, nick name 101kohi viết: “Dùng hình ảnh Phật Pháp và biểu tượng văn hóa tinh thần của con người mà đem ra nói bậy bạ. Phật mà đưa bao cao su. Thật vô lễ, coi xong clip này người Phật Tử cảm thấy như bị xúc phạm chớ thông điệp ý nghĩa gì”.

Theo Thi Trân – VnExpress 
(Được đăng lại trên nhiều website, Blogs như: An Ninh Thủ Đô, Dân Làm Báo VN…)

@ VnExpress cũng có đăng bài Clip Đường Tông thỉnh bao cao su không đoạt giải vào ngày 14/3/2012 nhưng đã gở xuống 1 ngày sau đó. (Chú thích của Thư Viện GĐPT Online).

  • Clip tuyên truyền sức khỏe sinh sản phản cảm 

Sau khi xuất hiện trên mạng Internet một thời gian ngắn, clip có tên Thầy trò Ðường Tông đi thỉnh… bao cao su đã bị cộng đồng mạng phản ứng, nhiều phản hồi cho rằng clip phản cảm.

Ðây là clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, vừa được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.

Clip dựa trên cốt truyện Tây du ký, theo đó khi một vương quốc bùng nổ đại dịch HIV/AIDS, nhà vua trị vì đã phái thầy trò Ðường Tông lên đường đi tìm phương thuốc đặc trị. Bốn thầy trò đã vượt qua nhiều sóng gió, gian nan rồi gặp được Phật tổ, được người trao cho “dụng cụ bảo vệ” là bao cao su để mang về cứu đại họa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Sỹ Minh – giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ – cho biết cuộc thi trên do CLB Friendly trực thuộc trung tâm tổ chức, trung tâm chỉ đứng ra đảm bảo tư cách pháp nhân và bảo trợ tài chính cho cuộc thi. Thành viên của CLB chủ yếu gồm 25 sinh viên thuộc 10 trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ông Minh cho biết cuộc thi nhằm tìm ra năm thông điệp xóa ngăn cản, kỳ thị, tạo sự tiếp cận và sử dụng bao cao su tích cực.

Thành phần giám khảo là chuyên gia về khoa học vui, đạo diễn phim hoạt hình, chuyên gia làm công tác dân số. “Phụ trách chung trung tâm với rất nhiều mảng nên tôi không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Nếu clip bị độc giả phản ảnh là “phản cảm” thì đó là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn” – ông Minh phân trần.

Ông Vũ Thanh Liêm – giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn), đơn vị quản lý Ngôi nhà Tuổi Trẻ – cho hay qua phản ánh của Tuổi Trẻ mới hay tin về cuộc thi và nội dung của clip. “Nếu nội dung không phù hợp thì ban tổ chức cần phải rút kinh nghiệm” – ông Liêm nói.

Theo Lâm Hoài – Tuổi Trẻ Online 

  • Video clip “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su”: Phản giáo dục

Clip sử dụng hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, bị nhóm thực hiện “chế” thành “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su”!

Ðây là clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, vừa được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.

Thời gian đưa lên mạng chưa bao lâu Clip đã trở thành đề tài chế giễu kể cả những trang mạng chính thống của đài truyền hình, nó không còn tác dụng giáo dục cộng đồng như nhóm sinh viên Báo chí “sáng kiến” nghĩ ra.

Trước đây trái Sầu Riêng cũng một thời gian điêu đứng cũng vì ai đó “sáng kiến” liên hệ giữa những gai nhọn bên ngoài của một loại trái cây thơm ngon bổ dưỡng đồng với bệnh AIDS, sau đó phải đính chính và loại bỏ “sáng kiến” đó.

Một cá nhân nào đó vẫn chấp nhận được, bởi tầm nhìn và giới hạn kiến thức. Đằng này, Clip hoạt hình Đường Tông đi thỉnh bao cao su có cả một tập thể gồm 25 sinh viên thuộc 10 trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Và Trần Sỹ Minh – Giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ cho biết cuộc thi nhằm tìm ra năm thông điệp xóa ngăn cản, kỳ thị, tạo sự tiếp cận và sử dụng bao cao su tích cực. Thành phần giám khảo là chuyên gia về khoa học vui, đạo diễn phim hoạt hình, chuyên gia làm công tác dân số. “Phụ trách chung trung tâm với rất nhiều mảng nên tôi không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Nếu clip bị độc giả phản ảnh là “phản cảm” thì đó là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn” – ông Minh phân trần [Theo báo Tuổi Trẻ].

Qua sự trần tình trên cho thấy clip được cân nhắc chứ không phải nhầm lẫn hay sơ ý mà có cả “chuyên gia khoa học”! Theo định nghĩa Khoa học (trong tiếng Latin scientia, có nghĩa là “kiến thức” hoặc “hiểu biết”) là các nỗ lực thực hiện phát minh, và tăng lượng tri thức hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh. Vậy thì clip đó không ở lĩnh vực phát minh mà chỉ dựa vào cốt truyện Đường Tăng thỉnh kinh đã có từ thời Ngô Thừa Ân khoảng 1368 đến 1644 năm.

Ai cũng biết Đường Tăng là một vị thánh tăng có tên thật là Trần Huyền Trang (chữ Hán: 玄奘; bính âm:Xuán Zàng; 602–?) là một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Nhà sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (zh. fǎxiàngzōng 法相宗), một dạng của Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên nhà sư còn mang danh hiệu là Tam Tạng (pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.

Như vậy lời của ông Trần Sỹ Minh – Giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ khẳng định có “chuyên gia khoa học” tham dự. Chúng tôi đề nghị kiểm tra tính xác thực các vị “chuyên gia khoa học” còn như chỉ mang tính hình thức có thuyết phục không? Hay chỉ để hù dọa cụm từ “chuyên gia khoa học” khi sự việc lỡ dở để khỏa lấp khoảng trống trách nhiệm và kiến thức phổ thông, khi đưa ra một tiểu phẩm không mang tính giáo dục mà trái lại bị phản cảm.

Không biết có phải vì cái vía quá lớn của ông Trần Sỹ Minh – Giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ và Clip đoạt giải nên đồng loạt các trang báo mạng có cả các trang chính thống của đài truyền hình cũng đưa tin như là một thành quả phát minh vĩ đại, mà không cần thẩm định lại quả là đáng buồn cho cái tính xu thế thời thượng ngày nay.

Vào đầu thập niên 90, Trương Quốc Dũng đã hư cấu một Huyền Trang khác trong truyện thật ngắn mang tựa đề “Đường Tăng”. Trong lời bạt của cuốn sách “40 truyện rất ngắn”, nhà phê bình Lê Ngọc Trà nhận định sắc nét: “Truyện Đường Tăng đầy những câu văn ngắn có hồn. Chữ ít nhưng dường như chữ nào cũng sống, cũng có một âm điệu tình cảm, một không gian…”. Sau đó không lâu tờ báo SGGP đã đính chính và tác phẩm bị thu hồi. Những tưởng cách làm cẩu thả đó đã được rút kinh nghiệm, nào ngờ hôm nay lại có một cuộc thi do một cơ quan Trung Ương đứng ra tổ chức, người dự thi lại là giới trí thức trẻ mà lại có nội dung bỡn cợt quá đáng và xúc phạm nặng đến tín ngưỡng tâm linh như vậy thật là đáng thất vọng. Bởi tương lai đất nước do thệ hệ trẻ quản lý mà tư tưởng lại ấu trỉ đến thế là cùng thử hỏi sông núi Việt Nam sẽ đi về đâu?

Theo Lệ Thọ – Đạo Phật Ngày Nay

  • Không thể là chuyện đùa! 

Vừa qua, nhiều độc giả gởi các thông tin về tòa soạn phản ánh về sự thiếu ý thức tôn trọng văn hóa trong clip “chế” được cho là “tác phẩm dự thi tìm kiếm thông điệp cho một dự án của Ngôi nhà Tuổi trẻ – trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM).

Clip sử dụng hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, bị nhóm thực hiện “chế” thành “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su”! Đáng lưu ý hơn là phần nhận xét về “tác phẩm” này:

“Khác với những phiên bản chế đang tràn lan trên mạng internet có nội dung chọc phá, clip này chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về “Người bạn nổi tiếng” – bao cao su.

Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc Đoàn TNCS HCM.

Với phong cách “chế” hài hước, dí dỏm đậm chất sinh viên, câu chuyện “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su” trở thành một phiên bản hoàn toàn mới lạ của tích “Tây du ký”.

Với lợi thế cốt truyện quen thuộc, các bạn trẻ khéo léo lồng ghép “người bạn tên Su” vào vai nguyên cớ để bốn thầy trò Đường Tông (cách gọi lái đi của nhân vật Đường Tăng) lên đường đi Tây Trúc. Nhờ đó, câu chuyện đi theo lối hài hước, thu hút khán giả trẻ hơn hẳn những tác phẩm khác cùng dự thi”. (Theo Nhã Phong – Cười vỡ bụng clip ‘Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su’ – Infonet, Báo điện tử của Bộ Thông Tin và Truyền Thông).

Rõ ràng, nhóm thực hiện “tác phẩm dự thi” cũng như những người đánh giá, nhận xét “chất lượng” của nó thuộc vào loại “xuất sắc” đều biết nguồn gốc của “ý tưởng” được gọi là “sáng tạo” này. Nhiều độc giả tỏ ra bức xúc, không hiểu nhóm “tác giả” này đã nghĩ sao khi xây dựng hình ảnh một danh nhân đã đi vào văn học, nhất là có đã “chế” những ngôn ngữ phản cảm và vô ý thức trong cuộc đối thoại giữa nhân vật trước Phật Tổ, có “sáng tạo” kỳ quặc là được Phật tổ trao… bao cao su cho 4 thầy trò “Đường Tông” sau khi họ vượt qua bao chướng ngại để đến Tây Trúc?!

Vậy mà sự vô ý thức văn hóa, phản cảm đó lại được những người có trách nhiệm “chấm” là “sáng tạo”, “xuất sắc”! Điều quá đáng tiếc, như thông tin được dẫn, sự việc đó lại thuộc một dự án của Đoàn TNCS HCM. Điều đáng tiếc nữa là, sau khi công bố kết quả trên, mặc dù dư luận người dân đã lên tiếng phản đối qua một số báo chí, nhưng những người chịu trách nhiệm trong tổ chức Đoàn vẫn chưa hề có phản hồi gì. Và hiện nay, những nhận xét, clip kia vẫn lan truyền trên các trang mạng, cả ở những trang thông tin của các cơ quan nhà nước, các báo điện tử chính thống.

Có những điều không thể đem ra đùa giỡn. Sự coi thường văn hóa chính là hành động tự báng bổ lấy mình. Tuổi trẻ đôi khi có thể có những suy nghĩ thái quá, nhưng những người được giao trách nhiệm ở một cuộc thi thuộc một tổ chức chính trị của tuổi trẻ như Đoàn TNCS HCM không thể có những ‘đánh giá nhầm’ như thế! Càng không thể dùng cách đó nhằm để “thu hút khán giả trẻ” được.

Theo Hoàng Độ – Giác Ngộ  Online 

  • Clip Thầy trò Đường Tông khiến cư dân mạng nổi giận

Những ngày qua, clip Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su lan truyền trên mạng internet đã gặp không ít sự phản ứng dữ dội từ các bạn trẻ.

Đây là tác phẩm của sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ thuộc Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khoẻ sinh sản.

Ngay sau khi được lan truyền trên mạng, bên cạnh một số ít lời khen clip… sáng tạo, ý tưởng hay, phần lớn đều cho rằng tác phẩm trên quá phản cảm, xúc phạm đến tôn giáo, báng bổ cả một tác phẩm lớn của một tác giả lớn là Ngô Thừa Ân.

Trên Youtube, bạn đọc có nickname Trung1354 bình luận: Tôi không thể hiểu tại sao người ta có thể nghĩ ra những trò kì quái như thế này. Những kẻ này còn không biết nhận thức thế nào là đúng hay sao?

Bạn G91 thẳng thắn: Đừng đem tôn giáo ra làm trò đùa vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Ngay cả Tổng thống Mỹ còn phải xin lỗi người Hồi giáo vì scandal đốt kinh Koran đấy.

Theo Thúy Hằng – Thanh Niên Online

  • Vụ clip “Đường Tông đi thỉnh bao cao su”: VTC đưa tin vịt hay thói trốn trách nhiệm?

Trong vụ clip ‘Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… Bao cao su’, thay vì lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi bạn đọc về lối làm việc tắc trách, lấy lợi ích tài trợ của công ty sản xuất bao cao su làm mục đích chính, ông Trần Sỹ Minh, Giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ giải thích bằng thói vô trách nhiệm…

14 giờ 48 phút, ngày 27/02/2012, VTC News đăng tải clip ‘Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… Bao cao su’ với lời giới thiệu trang trọng: “Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khoẻ sinh sản thuộc Đoàn TNCS HCM.”

Để cho bạn đọc cảm nhận được “sự sáng tạo của các bạn sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền” trong clip này, qua đó “được ban giám khảo đánh giá cao và giành giải xuất sắc của cuộc thi, góp phần không nhỏ vào chiến dịch tuyên truyền về bao cao su tại các trường đại học và cao đẳng”, VTC News phân tích:

“Với phong cách “chế” hài hước, dí dỏm đậm chất sinh viên, câu chuyện “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… Bao cao su” trở thành một phiên bản hoàn toàn mới lạ của tích “Tây du ký”.

Với lợi thế cốt truyện quen thuộc, các bạn trẻ khéo léo lồng ghép “người bạn tên Su” vào vai nguyên cớ để bốn thầy trò Đường Tông (cách gọi lái đi của nhân vật Đường Tăng) lên đường đi Tây Trúc. Nhờ đó, câu chuyện đi theo lối hài hước, thu hút khán giả trẻ hơn hẳn những tác phẩm khác cùng dự thi.”

Bênh cạnh việc chỉ ra sự sáng tạo cũng như ưu điểm để clip này xứng đáng “được ban giám khảo đánh giá cao và giành giải xuất sắc của cuộc thi”, VTC News còn cho độc giả biết 02 tác phẩm còn lại cùng có giải với clip này là clip mang tên ‘Love Dairy’ do các sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện và tác phẩm cuối ở dạng truyện, mang tên ‘Truyện cho Lành’.

Tuy nhiên, sau khi đăng tải trên mạng, kèm theo chú thích đây là tác phẩm vừa đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi trên, clip đã bị không ít cư dân mạng đả kích vì cho rằng nội dung phản cảm. Nhiều người bày tỏ bức xúc vì ban tổ chức đã đánh giá cao một tác phẩm “đem cả Phật ra làm trò đùa” như vậy.

Các báo: Tuổi trẻ, VnExpress, Giác ngộ, kienthuc.net.vn, An ninh thủ đô và các trang tin Phật giáo trong nước đồng loạt đưa tin về sự phản ứng của độc giả đối với clip vừa phản cảm, vừa phi văn hóa, vừa báng bổ đạo Phật này.

Nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, có thể gây phẫn nộ hàng triệu tăng, ni, phật tử trong ngoài nước, trong 2 ngày, 12 và 13/3, lên tiếng trả lời báo kienthuc.net.vn và VnExpress, ông Nguyễn Đắc Xuân, điều phối dự án “Friendly Condom” – đơn vị tổ chức cuộc thi bác bỏ tác phẩm “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su” của nhóm sinh viên nói trên đoạt giải, khẳng định 3 bài thi đoạt giải là: “Hành trình của Su” (ĐH Xây dựng Hà Nội), “Love Diary” (ĐH Kinh Tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) và “Câu chuyện cô Lành” (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Việc ông Xuân bác tác phẩm “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su” đoạt giải đặt ra 2 vấn đề: hoặc là VTC News đưa “tin vịt”, hoặc là ban tổ chức cuộc thi muốn trốn trách nhiệm, và xoa dịu dư luận, nhất là giới Phật giáo.

Nhưng điều đáng tiếc nhất là thay vì lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi bạn đọc về lối làm việc tắc trách, lấy lợi ích tài trợ của công ty sản xuất bao cao su làm mục đích chính, ông Trần Sỹ Minh, Giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ giải thích bằng thói trốn trách nhiệm: “Tôi phụ trách chung nhiều mảng nên không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Việc một tác phẩm dự thi bị độc giả phản ảnh là ‘phản cảm’ là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn và chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”.

Đọc lời phân trần của ông Trần Sỹ Minh trên VnExpress, không ai không cảm thấy đây là lối “nói lấy được” để phủi trách nhiệm cá nhân của một số quan chức ngày nay mỗi khi gặp sự cố. Hơn nữa, nó còn bộc lộ cho thiên hạ thấy trình độ năng lực lãnh đạo có giới hạn – nếu không muốn nói là quá yếu kém – của ông ta.

Là lãnh đạo cao nhất của một cơ quan, trưởng ban tổ chức cuộc thi mà ông lại “không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi”, không biết bài thi nào “được ban giám khảo đánh giá cao và giành giải xuất sắc của cuộc thi” thì quả là điều kỳ quặc.

Nếu có một thế lực thù địch nào đó lợi dụng “diễn biến hòa bình”, lợi dụng cuộc thi, lồng ghép vào bài thi nội dung tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam thì ông cũng lại giải trình, rằng vì “phụ trách chung nhiều mảng”, rằng “là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn” và rằng “sẽ rút kinh nghiệm” à?

Mỗi khi gặp sự cố đáng tiếc nào đó, quan chức nào cũng “đá quả bóng trách nhiệm” như ông thì dân chúng biết tin vào ai và tương lai đất nước đi về đâu?

Thiết nghĩ, cơ quan trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải kiểm tra, xem xét trách nhiệm của ban tổ chức, ban giám khảo và các cá nhân liên quan đến cuộc thi này.

Riêng đối với nhóm tác giả clip “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su”, ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết: hiện họ rất căng thẳng trước những lời bàn luận gay gắt và không muốn giải thích gì thêm về nội dung “đứa con tinh thần” của mình.”

Xin mượn ý kiến của một độc giả trên VnExpress để nói với nhóm tác giả này: “Tôi nghĩ rằng các bạn khi bắt tay làm clip này có lẽ là nông nổi nên người đọc có thể tha thứ.

Nhưng cách làm đúng nhất là nhóm hay đại diện nhóm hãy gửi lời xin lỗi tới độc giả. Ít hay nhiều các bạn cũng đã xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của rất nhiều người.

Cũng may là đạo Phật từ bi, nếu các bạn mà làm clip về các tôn giáo cực đoan khác thì chắc khó mà sống được.

Đừng vô trách nhiệm bằng việc im lặng.”

Theo Quần Anh – http://nguoiphattu.com

Còn các comment (ý kiến phản hồi) bày tỏ sự phẩn nộ, lên án… trên mạng lưới điện toán toàn cầu thì.. vô thiên lũng! Quý bạn đọc chỉ cần lên mạng, vào gõ vào một vài chữ thích hợp. Chúng tôi chỉ cung cấp cho Quý bạn đọc vài bài viết tiêu biểu trên đây, và để kết thúc bài này, chúng ta hãy đọc bài tổng hợp những sự kiện “không giống ai” xãy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn mới đây. (TV.GĐPT ONLINE) 

  • Văn hóa “gây sốc”: Tiến Sĩ chửi thề, clip thỉnh bao cao su và “thú hóa” người tham gia giao thông

1. TS Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng được nhà trường cho rằng bài giảng nhiều thông tin “bổ ích” và “tung” lên website để chia sẻ kinh nghiệm; clip của sinh viên trường báo chí “Đường Tông thỉnh bao cao su” báng bổ đạo Phật được trao giải thưởng suất sắc; các nghệ sỹ nhà hát Tuổi trẻ “thú hóa” người tham gia giao thông thành lợn, chó, thỏ, chim…được lãnh đạo ngành GTVT khen là cách tiếp cận sáng tạo trong tuyên truyền văn hóa giao thông…

Phải chăng văn hóa “gây sốc”, phản cảm, kỳ quặc đang được một bộ phận công chúng tung hô và ung dung chọn cho mình một “chỗ đứng” giữa “chốn đông người”?

1. “Vợ tôi nấu cho nồi canh cá ngon 7 điểm, chỉ khen mức 7 thôi. Hồi tôi học quản trị về tôi khen 10 cho mẹ phê luôn. Mà cái đàn bà VIệt Nam nó chiều chồng các anh chị ơi. Nó thấy thằng chồng khen ngon mẹ nó cho ăn một tuần canh cá. Cá nó lòi ra mũi, cái tội khen láo… và khen đúng lúc xảy ra sự việc. Vậy thì nó nấu cho nồi canh cá phải khen tại mâm cơm ấy. Cái thằng đàn ông Việt Nam không thể chấp nhận được, gia trưởng, ăn xong trợn mắt trợn mũi phi mẹ lên giường ngủ. 12h đêm chợt tỉnh giấc chợt nhớ đến nồi canh đạp con vợ: “dậy, chính thức khen em canh chiều ngon”. Mẹ! nó lấy gối nó nhét vào mồm mày”.

“Thế tối chồng nó hoàn thành nhiệm vụ thì phải khen nó sao? Good, good, good. Gặp cái thằng chồng dễ thương ngồi bắt đầu thực hiện đúng 4 bước cho đàng hoàng. Bắt đầu vào trận cái là khởi động, xong đến vượt chướng ngại vật, tăng tốc rồi mới về đích. Mẹ! tôi nói thật, nữ thì nó tát vào mặt. Mẹ mày chứ, bà mày đang muốn về đích mà cứ khởi động…”.

Đó chỉ là một trích ngắn những phát ngôn tục tĩu làm “nóng” các diễn đàn cộng đồng mạng tuần qua của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Một bài giảng kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ mà hầu như mỗi câu nói của Tiến sĩ đều có từ chửi thề, lấy quan hệ vợ chồng để làm ví dụ một cách thiếu tế nhị đã nhận được những phản ứng không tốt từ dư luận.

Thế nhưng trong khi nhiều nhà giáo uy tín, nhiều giáo sư có học hàm học vị và cộng đồng dư luận bày tỏ ý kiến về sự phản cảm quá đà của TS Dương trên bục giảng thì những người có trách nhiệm – như Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB – Đại học FPT, nơi TS Dương được mời giảng và có những phát ngôn “gây sốc” lại cho rằng TS Lê Thẩm Dương nói đùa cợt liên quan đến phụ nữ là để dẫn dắt câu chuyện để sau đó chốt lại vấn đề mà thầy đề cập đến.

Vị đại diện cho đơn vị này còn nhấn mạnh rằng những phát ngôn đó “nếu như đặt ở bối cảnh trong bục giảng Sinh viên Đại học chắc các em sẽ bị sốc, bởi lẽ các em chưa thể thẩm thấu được nhưng nếu đặt bối cảnh những học viên ở đây là doanh nghiệp thì sẽ thấy rất bình thường, thậm chí là… hay”!!!

2. Clip hoạt hình giáo dục sức khỏe sinh sản mang tên “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh… bao cao su” phát tán trên Internet cũng đang khiến cư dân mạng “sôi sùng sục” vì phản cảm. Nội dung clip dài hơn 1,5 phút clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, được xây dựng dựa trên cốt truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong bộ phim dài tập Tây Du Ký.

Cư dân mạng ào ạt comment bày tỏ bức xúc: Không hiểu nhóm “tác giả” này đã nghĩ sao khi xây dựng hình ảnh một danh nhân đã đi vào văn học, nhất là có đã “chế” những ngôn ngữ phản cảm và vô ý thức trong cuộc đối thoại giữa nhân vật trước Phật Tổ, có “sáng tạo” kỳ quặc là được Phật tổ trao… bao cao su cho 4 thầy trò “Đường Tông” sau khi họ vượt qua bao chướng ngại để đến Tây Trúc?!

Cư dân mạng cho rằng clip thể hiện sự vô ý thức văn hóa, phản cảm, thậm chí báng bổ, xúc phạm đạo Phật. Thế nhưng clip này lại được Ban tổ chức cuộc thi “tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012 đánh giá cao.

3. Gây sốc không kém là hình ảnh lợn, chó, thỏ, chim…được đưa lên sân khấu nhà hát Âu Cơ chủ nhật vừa qua để tham gia giao thông với ngụ ý : Nếu tham gia giao thông không theo luật thì chưa đủ…tính người.

Quá quắt hơn, vị đạo diễn “ngoa ngôn” còn hùng hồn phát biểu trên báo rằng: “Người ta hơn con vật ở chỗ có ý thức. Người không có ý thức thì không hơn con vật là bao. Tuy nhiên, những con vật trong tiểu phẩm đều rất đáng yêu. Tôi tin rằng có người khi xem tiểu phẩm của chúng tôi không thấy buồn cười nhưng vài hôm sau lại vỗ đùi ha hả mà tự bảo: Hôm qua mình đi đúng y như con lợn”.

Cũng giống như “mục đích” của cuộc thi mà clip Đường Tông thỉnh… bao cao su đặt ra, chương trình “sân khấu hóa văn hóa giao thông” cũng được “khoác” lên mình những “thông điệp” lớn lao.

Và dường như vì thông điệp lớn lao ấy, người ta dễ dàng “đánh bùn sang ao” để khen ngợi cả những tư duy sáng tạo một cách kỳ quặc, phản cảm, không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” và nếp nghĩ của đại bộ phận những người tôn trọng văn hóa.

Điểm lại 3 “sự vụ” “gây sốc” tuần qua, xin mượn lời của đồng nghiệp báo bạn để nhấn mạnh rằng: Đúng là có những điều không thể đem ra đùa giỡn. Sự coi thường văn hóa chính là hành động tự báng bổ lấy mình. Những người được giao trách nhiệm ở một cuộc thi lớn (như cuộc thi mà clip thỉnh bao cao su đoạt giải), hay Ban tổ chức một chương trình lớn như “văn hóa giao thông”, hay người có trách nhiệm trong vụ mời TS chửi bậy trên bục giảng… Không thể có những ‘đánh giá nhầm’ như thế!

Càng không thể dùng cách đó nhằm để “thu hút” bất cứ một “mục tiêu” gì, thật sẽ tai hại lắm thay!

Theo Ngô Lâm – Pháp Luật Việt Nam

 


Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.