TVGĐPT – Do những sự kiện ngày càng “nóng lên” trên Đông Hải trong “vấn đề chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, nhiều bạn đọc sau khi nghiên cứu bài Tìm hình hài đất mẹ qua những bức dư đồ cổ và bài Biên cương nước Việt trong chuyên mục Địa Linh Việt trên Thư Viện GĐPT Online đã gởi email nhờ cung cấp thêm tư liệu của tấm bản đồ cổ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có từ triều Nguyễn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử nước nhà xuất phát từ lòng yêu nước, Ban Biên Tập đăng tải thêm một số thông tin sau để quý bạn đọc thân mến của Thư Viện GĐPT Online tham khảo, nghiên cứu và không phải nhọc công chờ đợi trả lời e mail.
Xuất xứ của
ĐẠI NAM NHẤT THỐNG TOÀN ĐỒ
Trong kho tàng bản đồ cổ Việt Nam, Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đã được viện dẫn để minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng bản đồ đó được trích từ cuốn sách nào, cho đến nay vẫn là vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Trong cuốn “sách Trắng” về Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa công bố trước 30/4/1975, có đề cập tấm bản đồ này và nói là bản đồ của Phan Huy Chú xuất bản vào khoảng năm 1838.
Nghĩa là theo lời chú thích đó, người đọc hiểu là bản đồ này vốn đính kèm trong sách Hoàng Việt Địa Dư Chí của Phan Huy Chú, khắc in năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Sách trắng của chính quyền V.N.C.H nói xuất xứ của tấm bản đồ như trên có thể là căn cứ vào lời chú thích tấm bản đồ này trong cuốn A. Propos des Iles Paracels của P.A. Lapicque, xuất bản tại Sài Gòn năm 1929. Bên dưới bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đăng trong cuốn sách này, tác giả chú thích: “Carte de l’Inđochine – Extrait de la Géographie de Hoang – Viet – Đia – Du ée de Minh – Mạng” (Bản đồ Đông Dương – Trích từ sách địa lý Hoàng Việt Địa Dư, năm Minh Mệnh thứ 14).
Xét về lý, ai cũng thấy bản đồ không thể đính kèm trong Hoàng Việt Địa Dư Chí của Phan Huy Chú khắc in năm Minh Mệnh thứ 14, vì quốc hiệu Đại Nam chỉ được ban hành và áp dụng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bản đồ với tên gọi Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, mang quốc hiệu “Đại Nam” không thể xuất hiện trước năm 1838. Còn về văn bản, thì Hoàng Việt Địa Dư Chí khắc in năm Minh Mệnh thứ 14 lưu trữ tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (ký hiệu A.1074. VHv.1653) và Thư Viện Quốc Gia (ký hiệu R.926) đều không thấy bất kỳ bản đồ nào kèm sách này.
Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ do P.A. Lapicque đăng trong tác phẩm của ông có thể lấy từ một cuốn sách nào đó mà ông lầm là Hoàng Việt Địa Dư Chí.
Ngày nay trong kho tàng sách Hán-Nôm người ta có thể tìm thấy tấm bản đồ đồng dạng cũng mang tên “Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ” trong tập bản đồ có tiêu đề “Nam Bắc Kỳ Hội Đồ” lưu trữ tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (ký hiệu A.95).
Tấm bản đồ này không khác gì Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đã được P.A. Lapicque công bố năm 1929. Trên vùng biển ngoài khơi Trung Việt cũng vẽ ký hiệu quần đảo, ngang tầm với đèo Hải Vân và vịnh Cam Ranh, chạy song song với bờ biển miền Trung Việt Nam. Ký hiệu quần đảo đó ghi hai chữ Hoàng Sa ở phía Bắc, Vạn Lý Trường Sa ở phía Nam (Phụ lục II).
Niên đại của tấm bản đồ này gắn liền với niên đại tập bản đồ. Căn cứ vào địa danh đơn vị hành chánh thể hiện trên tập bản đồ, có thể đoán định được niên đại của tập bản đồ. Trên tập bản đồ này có các địa danh tỉnh Bình Thuận có huyện Tuy Lý thuộc phủ Hàm Thuận, được đổi tên từ huyện Tuy Định năm Tự Đức thứ 7 (1854); và các đạo Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên được thành lập năm Tự Đức thứ 6 (1853) vẫn tồn tại, trước khi được đổi thành tỉnh năm Tự Đức thứ 28 (1875).
Như vậy, Nam Bắc Kỳ Hội Đồ có niên đại trong khoảng từ sau năm 1854 đến trước năm 1875. Đó cũng là niên đại của Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ trong tập bản đồ này.
Sự tồn tại của tập Nam Bắc Kỳ Hội Đồ, trong đó có Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ chứng minh sự xuất hiện và tồn tại của Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ do Lapicque công bố năm 1929. Chỉ có vấn đề là bản đồ đó được trích từ cuốn sách nào, tập bản đồ nào.
Sự phát hiện Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ trong tập Nam Bắc Kỳ Hội Đồ chứng minh giá trị của Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đã được công bố năm 1929. Cả hai bản đồ này đều là bản đồ nước Việt Nam thống nhất, thời nhà Nguyễn được soạn vào đời vua Tự Đức.