“BẢO VỆ CHÁNH PHÁP”
Tư duy đúng đắn & sai lầm
Các con lớn lên trong thời đại thanh bình,
nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng.
Quê hương và Đạo pháp là những mỹ từ
thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng.
Các bậc Cao tăng Thạc đức một thời
đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tàn,
đã giữ vững con thuyền Đạo pháp trong lòng Dân tộc,
nay chỉ còn lại bóng mờ và quên lãng…
[Thích Tuệ Sỹ]
oOo
Đừng nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong
“…Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực.
Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết.
Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho ma vương. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức.
Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, Chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu, của các bậc Thánh đệ tử được gói gọn trong thanh quy: “Sa môn bất kính vương giả”.
Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng…”
(Trích “Thư gởi Tăng Sinh Thừa Thiên Huế” – Thích Tuệ Sỹ, 2013).
oOo
Mình phải trong sạch thì bảo vệ Chánh pháp mới trong sạch
“…Khi chưa tu thì tham sân ít, tu riết càng mê Phật, cho rằng mình hiểu Phật rồi thì tham sân càng nhiều. “Vì tôi bảo vệ Chánh pháp cho nên người nào phá hoại Phật Pháp thì tôi giết nó, tôi nói láo, tôi nói dóc, tôi làm mọi cái để triệt hạ nó”. Điều đó là hoàn toàn sai!
Không bao giờ vì hại một người, dùng mưu mô thủ đoạn mà biện minh là bảo vệ Chánh pháp. Không thể đem bàn tay dơ bốc cơm ăn mà cho rằng như vậy là đang bảo vệ nồi cơm đó được. Không thể đem cái dơ mà bảo vệ cái sạch, cái thanh tịnh được.
Mình phải trong sạch trước, tâm tư này phải trong sạch thì bảo vệ Chánh pháp mới trong sạch. Tâm tư hại người, Chánh pháp không thể trong sạch được.
Chánh pháp của Phật là làm ích lợi cho mọi người, với kẻ ăn cướp mình cũng hóa độ nó, cũng dạy nó, cũng cải đạo nó; thấy ăn cướp đang rớt xuống địa ngục thì mình cũng phải tìm cách chặn lại, nếu nó đã rớt xuống địa ngục mà mình xuống được như Ngài Địa Tạng thì mình cũng cùng xuống, còn không xuống được thì thôi, không ai bắt ép; chứ không phải nói ăn cướp xuống địa ngục rồi xô cho nó xuống luôn. Thành ra ta vì bảo vệ Chánh pháp mà đẩy mọi người xuống địa ngục, như vậy là rất sai!
Bảo vệ Chánh pháp là ích lợi cho cả con kiến, con sâu, con bò… chứ không phải ích lợi cho phe nhóm của mình, cho bản ngã mình hay cho cái đạo của mình; hay chỉ ích lợi cho những người theo mình. Như vậy không phải ích lợi, đó là ích kỷ, thành ra cái đó là tẩu hỏa nhập ma. Yêu Phật quá, mê Phật quá, mê đến độ chỉ thấy Phật, không thấy người khác. Phật không cần cái mê đó, Phật không cần ai bảo vệ kiểu ấu trĩ đó.
Chánh pháp Như Lai là kim cang bất hoại thân”. Phật Pháp không cần ai bảo vệ, chúng ta là phàm phu, với thân hữu lậu chịu quy luật sanh diệt khổ não, như đem thân 30-40kg mà đòi đi bảo vệ ông đại lực sĩ, ai cũng cười, vì không thể bảo vệ được, đó là xảo ngôn.
Chúng ta là những con người hữu lậu, tâm tư hữu lậu, sanh diệt trong từng sát-na mà bảo vệ Chánh pháp vô lậu bất sinh bất diệt, đem cái hữu lậu bảo vệ cái vô lậu, đem sự ngu si, ngu muội để bảo vệ cái thanh tịnh cao siêu của đại trí, thì không ai có thể nói cho đúng được.
Cần chọn cái mình thực hành thế nào cho đúng, ích lợi cho mình, ích lợi cho nhiều người, cho số đông, đó chính là bảo vệ Phật Pháp. Phật Pháp tồn tại vì ích lợi cho mọi người chứ không phải tồn tại để khống chế mọi người, cho nên chúng ta học Kinh thường đi đến chỗ mê Phật, mê tới chỗ mê muội luôn thì không còn Chánh pháp nào nữa, mà gọi đó là tẩu hỏa nhập ma vậy!…”
oOo
Sống làm sao cho đến lúc chết không có sai lầm, không có gì hối hận
“…Sống, tuy có danh nhưng không cần, không bám vào nó. Sống an nhiên với tâm niệm rồi đây thân và danh này cũng mục nát với cỏ cây. Nếu có tài, gặp cơ duyên thích hợp thì đem ra phụ giúp cho đời, đem khả năng của mình ra để phục vụ nhân sinh. Hợp thời thế thì làm, bằng không thì cũng chẳng buồn bã chi. “Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo”, có bạn đồng hành để xây dựng xã hội thì mình đi vào, không thì sống với triết lý riêng của mình. Sống với thiên nhiên, với vũ trụ của mình. Cái triết lý sống này rất đẹp, nó gián tiếp tạo nên một cái trật tự xã hội, tạo nên một sự cần thiết.
Chúng ta sống làm sao cho đến lúc chết không có gì hối hận, không có gì sai lầm. Đối với bạn bè không có sự lường gạt. Giao tiếp với mọi người không có sự gian dối. Cho tới khi mình chết, mình an tâm, an toàn. Chết đi về đâu, không cần biết. Chỉ cần biết mình đã làm những điều chân chánh, hợp đạo lý thì khi chết nhất định sẽ đến những chỗ an toàn…”
(Trích “Kim Cang Giảng Giải ” – HT. Tuệ Sỹ, 2008-2012).