Cuộc đấu tranh âm thầm mà quyết liệt, bất khuất của Giáo Chức Đại Học năm 1963

0

Cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt, bất khuất
của Giáo chức Đại học năm 1963

Mới đó mà đã 50 năm, nửa thế kỷ! Câu nói tưởng như nói đùa, nhưng là thực. 50 năm trôi vèo qua như gió thổi, nếu không có nhiều người nhắc nhở, tưởng chừng như chưa bao giờ những ngày sôi động 1963 đã xa vời đến 50 năm!!! Thời gian, đúng là bóng câu qua cửa sổ. Có lẽ một phần vì những kỷ niệm xưa cũ như hằn sâu trong trí óc, khiến những người trong cuộc tưởng như những hình ảnh ngày xưa đó vẫn thoáng hiện đâu đây, gần, rất gần…

Tôi còn nhớ buổi chiều 7-5-1963, tôi rời trường Đại Học Văn Khoa sau 4 giờ thi mỏi mệt. Tôi cũng không nhớ rõ là hôm đó thi chứng chỉ Sử Đông Nam Á hay là chứng chỉ Lịch sử Triết học, chứng chỉ cuối cùng để được công nhận cấp bằng Cử nhân Giáo khoa Văn chương. Ra phố nghe tin Cảnh sát hạ cờ Phật Giáo và có tin Thượng Tọa Trí Quang đang có mặt ở Tòa Tỉnh Trưởng để phản đối lịnh cấm treo cờ trong ngày lễ Phật Đản.

Khi tôi tới nơi thì thấy đồng bào tụ tập rất đông trước sân tòa tỉnh. Mọi người đang chờ kết quả cuộc gặp mặt giữa Thượng Tọa Trí Quang với ông Tỉnh trưởng, và sau đó hai vị xuất hiện, ông Tỉnh trưởng nói mấy lời trấn an cũng như hứa hẹn sẽ giải quyết vụ cảnh sát hạ cờ. Tôi yên tâm ra về.

Sáng ngày 8-5-1963, tôi đến chùa Diệu Đế rất sớm và theo đoàn rước Phật lên chùa Từ Đàm. Tại đây không khí buổi lễ cũng diễn ra trang nghiêm như mọi năm, nhưng ở phần sau, Thượng Tọa Trí Quang với giọng nói hùng hồn, thuyết phục; với những lý lẽ sắc bén, đã giải thích ý nghĩa các biểu ngữ trước đại diện của các cấp chính quyền địa phương. Không khí rất là căng thẳng.

Tối 8-5-1963, chúng tôi kéo đến đài phát thanh để nghe chương trình đặc biệt tường thuật về đại lễ Phật Đản sáng hôm ấy. Nhưng, không có phát thanh, và cuộc đàn áp đẫm máu đã xảy ra . Rất nhiều sách vở, báo chí đã nói đến đầy đủ biến cố vô cùng nghiêm trọng này. Xin cho tôi miễn kể lại chi tiết ở đây.

Đêm hôm đó cùng với hàng ngàn Phật Tử khác, tôi đã dẫm lên giày, guốc, dép, đồ dùng, xe cộ… để chạy bán mạng khi đoàn xe tăng đề tên Ngô Đình Khôi do Thiếu tá Đặng Sĩ chỉ huy bắt đầu xịt nước, và tiếp theo là súng, lựu đạn nổ… Tôi chạy qua ngã trường Đại Học Khoa Học (trường Morin cũ) và lấy xe gắn máy chạy thẳng lên chùa Từ Đàm. Đêm hôm đó tôi nằm ngủ dưới chân tượng Phật của chánh điện, lòng hoang mang lo lắng bao nỗi. Đến khuya, hình như Thượng Tọa Trí Quang và nhiều anh em Phật Tử hầu hết cũng đã về đến chùa. Trời nóng bức, chúng tôi tất cả cởi trần nằm giữa nền xi măng mát lạnh nhưng vẫn không ngủ được. Tôi bước ra sân. Trên hành lang của ngôi nhà khách đèn vẫn sáng choang. Đại Đức Chánh Trực, anh Nguyễn Khắc Từ và một vài Huynh Trưởng, Sinh Viên Phật Tử đang lúi húi viết biểu ngữ. Thượng Tọa Trí Quang thì cứ đi lui đi lại mãi, hình như Ngài đang suy nghĩ về những gì phải đối phó ngày mai.

Và suốt một ngày 9-5-1963 là một ngày Thượng tọa Trí Quang cùng ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng phải vất vả đi thuyết phục các cuộc biểu tình khắp trong thành phố. Thượng Tọa đã hết lời khuyên can, yêu cầu các Phật Tử hãy giải tán và chờ sự giải quyết của chính quyền. Cái hình ảnh Thượng Tọa đội chiếc nón lá cùng ông Tỉnh trưởng đứng trên xe của Phòng Thông Tin Huế chạy khắp thành phố để phủ dụ, trấn an và khuyên giải Phật Tử hãy bình tĩnh, về nhà chờ đợi mà quý vị thấy trong các sách vở hay trên những trang báo, đúng là cái hình ảnh của ngày lịch sử đáng ghi nhớ đó, một trong những hình ảnh mà mãi mãi suốt đời tôi không bao giờ quên!

Rồi cuộc biểu tình quy mô sáng ngày 10-5-1963 với Bản Tuyên Ngôn lịch sử đòi hỏi 5 nguyện vọng của Phật Giáo. Chính anh Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Phan Văn Gái lúc đó là một đại úy trong quân đội đã cầm tay Bản Tuyên Ngôn này vào đưa tận tay Thượng Tọa Tâm Châu, và kể lại các biến cố đẫm máu ở Huế. Thượng Tọa Tâm Châu nghẹn ngào xúc động và Ngài đã quyết tâm phát khởi cuộc tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo ngay tại thủ đô Sài Gòn.

Đầu tháng 6, chúng tôi được lệnh của Viện Đại Học Huế phải lên đường tập trung về suối Lồ Ồ để học tập quốc sách Ấp Chiến Lược. Chúng tôi đáp máy bay vào Sài Gòn và được đưa lên trại học tập tại suối Lồ Ồ, Biên Hòa. Nơi đây đã có sẵn những lán trại giống như ở các quân trường. Chúng tôi được chia đội và nằm ngủ trên những lán tre dài. Rồi các buổi học tập, các buổi thảo luận với các thuyết trình viên nặng ký, bởi vì đây là một “Trại hè học tập” lần đầu tiên quy tụ hầu hết các giáo sư đại học của các trường đại học tại miền Nam: Sài Gòn, Huế, Đà Lạt và Cần Thơ. Chúng tôi phải nghe những bài thuyết trình dài lê thê, chán ngắt về chủ thuyết Cần Lao Nhân Vị, lý thuyết Quốc sách Ấp Chiến Lược v.v… của các nhân vật cao cấp thuộc các ngành quan trọng như An ninh tình báo, Thông tin tuyên truyền, những nhân vật khét tiếng đang cầm đầu các Bộ, Tổng Nha đến thuyết giảng.

Trong khi đó tình hình Huế vẫn nóng như lửa cháy. Biểu tình, đàn áp, lựu đạn cay, vòi xịt nước, chó berger, chùa chiền bị phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập v.v… Tin tức từ Huế vẫn nóng hơn lò lửa bay vào hằng ngày. Rồi một hôm cuối tuần Ban lãnh đạo đưa ra một Bản Tuyên Bố lên án những hành động biểu tình gây mất an ninh trật tự của sinh viên Huế và yêu cầu tất cả các giáo sư đại học ký vào. Thế là một trận chiến quyết liệt xảy ra suốt ngày hôm đó. Cần mở một dấu ngoặc để nói ngay, nhìn chung tinh thần của các giáo sư đại học, tầng lớp được xem như là hàng ngũ trí thức cao cấp trong xã hội thời bấy giờ, có vẻ tiêu cực trước tất cả mọi vấn đề thời cuộc. Họ là những người tương đối được trọng vọng và khá ưu đãi trong xã hội. Họ sống có vẻ cách xa quần chúng và ít khi bày tỏ thái độ về các vấn đề chính trị, thời sự nóng bỏng. Cũng có thể nói, một số đông cầu an, một thiểu số ngã theo chính quyền và một số khác thì im lặng. Không ngờ khi “cuộc chiến” xảy ra, tôi không nghĩ lại quyết liệt và hào hứng, sôi động từng giây, từng phút và căng thẳng tột độ đến thế.

Thế mạnh của phe chánh quyền là một Chủ tọa đoàn và Thuyết trình đoàn rất nặng ký: Giáo sư Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn Nguyễn Văn Thới, Giáo sư Khoa trưởng Luật Khoa Vũ Quốc Thúc, Giáo sư Viện trưởng Viện Quốc Gia Hành Chánh Vũ Quốc Thông, Giáo sư Bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Trương Công Cừu, ông Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu và nhiều nhân vật lãnh đạo hàng Tổng bộ trưởng, toàn là những khuôn mặt bậc thầy và là lãnh đạo chóp bu trong giới Đại học.

Phe chống đối chủ trương không ra tuyên bố, quyết nghị gì hết thì binh vực các sinh viên. Họ cho rằng sinh viên có quyền bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Phe chống đối xin lên phát biểu ý kiến không nhiều, dĩ nhiên họ chỉ là Hội thảo viên “thấp cổ bé miệng”, là giáo sư các cấp, không phải là hàng chức sắc trong giới Đại Học. Họ thay nhau lên phát biểu chống lại với những lập luận của các nhà luật học, bậc thầy đầy quyền uy đang ngồi trên Chủ tọa đoàn. Tôi xin lỗi không nhớ hết những ai đã phát biểu chống đối ngày hôm ấy, tôi chỉ còn nhớ vài người và một trong những người ấy là Giáo sư hay Kỹ sư Lê Viết Ngạc. Chính Giáo sư Ngạc là người nhiều lần lên diễn đàn bày tỏ sự phản đối quyết liệt nhất, không chấp nhận bản tuyên bố kết án sinh viên Huế. Một người nữa là Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, người đã có những lập luận và thái độ chống đối khoan thai bình tĩnh với phong độ của một triết gia! Rồi còn, còn một số vị nữa, tôi nhớ một vài giáo sư trẻ như Giáo sư Cao Huy Thuần cũng đã từng tham dự cuộc tranh luận. Nhưng cuộc chiến kéo dài suốt ngày bất phân thắng bại, vì áp lực của chính quyền càng lúc càng đè nặng lên hội trường. Lâu lâu Chủ tọa đoàn ngừng lại đôi giây phút để họ đọc và bàn bạc những lịnh mới được một ai đó vừa đưa lên. Dù phe chống đối quyết liệt thế nào thì Chủ tọa đoàn vẫn khẳng định là phải có quyết nghị lên án sinh viện Huế trước khi ông Cố vấn Ngô Đình Nhu lên thuyết trình vào đầu tuần. Nhưng phe “thấp cổ bé miệng” vẫn dai dẳng cương quyết chống lại những áp lực đó, và người hăng hái nhất, giữ vững tinh thần cho anh em “phản loạn” vẫn là Giáo sư Lê Viết Ngạc. Không khí căng thẳng đến nỗi cuộc thảo luận về bản tuyên bố hay quyết nghị kéo dài đến đêm khuya sau một vài lần nghỉ giải lao. Chung cuộc, vào lúc hơn 10 giờ đêm, tôi là người xin lên phát biểu cuối cùng.

Xin quý vị nhớ cho, lúc đó tôi chỉ là một Phụ-giảng-viên vừa mới ra trường và được bổ nhiệm trở lại Phân khoa Đại Học Sư Phạm Huế, tôi chỉ là một nhân viên giảng huấn cấp thấp nhất ở Đại Học, vừa là học trò của nhiều vị thầy đáng kính có mặt trong hội trường. Còn đối với các vị chức sắc quyền cao chức trọng trên bàn chủ tọa tôi chỉ là một nhân viên vô danh tiểu tốt. Nói tóm lại, tôi chỉ như là một sinh viên của các thầy không hơn không kém. Nhưng hình như tôi đã quên vị trí của mình là ai, tôi chỉ biết mình là một thanh niên vừa mới lớn, vừa mới ra trường nhận lãnh một sứ mạng giáo dục. Đối với tôi lý tưởng công bằng, tự do, dân chủ phải là những hình ảnh đẹp đẽ nhất mà mình phải tôn thờ. Do đó tôi không còn phải là tôi mà tôi đang nói cho tuổi trẻ, cho những chàng trai xứ Huế rất đa tình, lãng mạn, nhưng vẫn nồng cháy lý tưởng xây đắp một xã hội tốt đẹp ngày mai. Tôi đã nói thật dài, thật hùng hồn, thật tha thiết và đã làm xúc động toàn thể hội trường. Tôi cũng không ngờ mình đã làm một bài “thuyết trình lịch sử” ngắn nhất mà thành công nhất tối hôm đó. Tôi kể lại những gì tôi đã chứng kiến tận mắt ở Huế. Tôi đã thấy máu chảy, thịt rơi; những giọt nước mắt, những nỗi khổ đau tận cùng của các bà mẹ già, những người chị… (Cũng cần mở một ngoặc đơn ở đây, một trong 8 Thánh Tử Đạo là em ruột của một nữ sinh viên Ban Việt Văn – Đại Học Sư Phạm Huế, hai chị em đều có một khuôn mặt trái soan, có đôi mắt to sáng long lanh rất đẹp. Phải chăng khi tôi nói, tôi tưởng như đang đứng trước cảnh đau thương của đêm kinh hoàng tại Đài phát thanh Huế và những đôi mắt sáng long lanh đó đang nhìn tôi…). Tôi không nhớ hết những lời phát biểu tha thiết hùng hồn tối hôm đó, nhưng tôi đã nói với nỗi xúc động nghẹn ngào, những uất nghẹn của người thanh niên, sinh viên, học sinh, những lớp người trẻ ở Huế đang đội nắng, dầm mưa, xông pha trước họng súng, lưỡi lê đầy hăm dọa mà đi biểu tình v.v… và v.v… Tất cả đã im lặng ngồi nghe tôi kể, tất cả hội trường im phăng phắc và sau đó là những tràng pháo tay vang dội trong đêm khuya.

Sau những tràng pháo tay ấy, biết là khó kéo dài cuộc tranh cãi, Chủ tọa đoàn đề nghị bỏ phiếu lấy quyết định chung. Và mọi người đều hô to: Bầu phiếu kín. Vậy là cuộc bỏ phiếu hào hứng bắt đầu. Sau khi đã gom hết phiếu, hai người được cử lên ghi bảng, một người bốc phiếu và một người đọc lên. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục là người đọc phiếu hôm đó. Tôi còn nhớ những giây phút hồi hộp tối hôm ấy, phải nói là nín thở. Cái giọng khinh bạc của một vị Giáo sư Triết học Đông Phương già như của Giáo sư Thục, hai chữ “có”, âm Bắc nghe như “quá” và “không” rõ ràng minh bạch, cứ nối đuôi nhau; 1 có, thì 1 không. Mấy trăm phiếu trong hội trường cứ như thế tiếp diễn… Điều đó cũng chứng minh sự hăm dọa, áp bức đè nặng lên vai những giáo sư chỉ biết đi dạy chứ chẳng hề tham gia chính trị, chính em gì. Vì sao? Bởi vì những tràng pháo tay đều khắp hội trường như vậy. Lẽ ra phiếu “không” nghĩa là không chấp nhận có bản tuyên bố hay quyết nghị phải áp đảo từ đầu. Nhưng không, cho đến 3 lá phiếu cuối cùng, vẫn 1 có và 1 không. Rồi lá phiếu chót, khi nghe Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đọc lên chữ “KHÔNG”, những tràng pháo tay vang dội lại tiếp diễn. Vậy là phe chống đối chỉ hơn một phiếu, nhưng kết quả vẫn là một thắng lợi to lớn: Giáo sư đại học miền Nam đứng về phía các sinh viên tranh đấu, hay nói cách khác họ đang đứng về phía Phật Giáo đang đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tín ngưỡng! Nhưng cái hình ảnh đã làm chúng tôi xúc động và không bao giờ quên được, chính là cái hình ảnh cuối cùng. Ngay khi vừa đọc xong chữ “không” cuối cùng và kết quả đã được công nhận, Giáo sư Thục gom hết các phiếu cầm tay và nhờ một giáo sư khác bật hộp quẹt đốt cháy. Giáo sư cầm cái đuốc phiếu ấy, giơ cao lên đi từ trên phía bàn chủ tọa dọc xuống hết hội trường giữa tiếng vỗ tay vang dội của các Hội thảo viên. Tôi xúc động mừng vui. Chưa hết, khi vừa ra khỏi hội trường, người đầu tiên xông đến bắt tay tôi là anh Cao Huy Thuần. Anh nói nhanh: “Felicitation Bằng, Félicitation…” và bắt tay thật chặt. Rồi các giáo sư lạ ở Sài Gòn, Kỹ sư Lê Viết Ngạc, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, còn nhiều vị khác nữa đều đến bắt tay tôi nói mấy lời ngợi khen. Quả thật đêm hôm đó tôi thật hạnh phúc, sung sướng.

Có lẽ niềm vui đó kéo dài mãi cho đến sáng hôm sau (sáng chủ nhật) khi tôi về nghỉ phép tại Sài Gòn và “hiên ngang” đi vào chùa Ấn Quang tìm thăm Thượng Tọa Thiện Minh, Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái, giữa những toán Công an đứng dày đặc trên đường Sư Vạn Hạnh và ngay trước cổng, trong sân chùa… Sở dĩ nói hiên ngang, vì tôi là khách từ phương xa đến, chẳng biết ai lại ai. Vả lại tuổi trẻ, chưa từng dầu dãi kinh nghiệm bị chế độ hành hạ như người lớn tuổi, nên tôi nghĩ mình đi chùa, thăm thầy thì có gian dối gì mà phải sợ, chứ thật ra cư dân, nhất là Phật Tử quanh vùng, ai cũng dè chừng những đám công an, mật vụ, những đôi mắt cú vọ canh chùa suốt ngày đêm.

Tôi lên thẳng phòng Thầy Thiện Minh ở cuối một dãy phòng dài (sau này Thượng Tọa Trí Quang cũng đã cư ngụ tại căn phòng đó nhiều năm). Thượng Tọa Thiện Minh đang tiếp khách và ngồi trước một chiếc bàn nhỏ vì căn phòng này rất hẹp. Thầy thấy tôi và kêu tên, chỉ ghế mời ngồi. Mấy người khách lui ra và tôi bắt đầu kể chuyện cuộc tranh đấu âm thầm nhưng quyết liệt và bất khuất của tập thể Giáo chức Đại học tại suối Lồ Ồ. Thầy có vẻ vui và chăm chú lắng nghe. Mục đích của tôi cũng chỉ mong chừng đó, làm sao đem lại cho quý Thầy một số tin tức đấu tranh bên ngoài trong khi các thầy đang bị công an, cảnh sát canh trong, canh ngoài rất kỹ. Câu chuyện đang còn hào hứng thì bỗng cửa phòng xịch mở, một vị Thượng Tọa theo sau một vài thanh niên Tăng đang bước vào phòng.

Bỗng vị Thượng Toạ quỳ xuống hai tay nâng một tờ giấy trắng cuộn tròn lên trán. Tôi vội vàng đứng dậy và né qua một bên. Hóa ra đó là Thượng Tọa Quảng Đức đang vào quỳ tác bạch xin tự thiêu. Có lẽ đây là lần cuối Ngài đưa thư xin tự thiêu vì hôm đó là chủ nhật 9-6-1963 – cũng chính ngày này cách đây 50 năm. Tôi nghe Thượng Tọa Thiện Minh nói mấy lời ủy lạo Thượng Tọa Quảng Đức và mời Thầy ngồi. Sau đó thấy Thượng Tọa Thiện Minh đang bận Phật sự quá quan trọng, tôi cúi chào xin phép lui ra. Đó là lần gặp gỡ Ngài Thích Quảng Đức lần đầu tiên và cũng là lần cuối của tôi. Hai hôm sau tôi nghe tin về cuộc tự thiêu không tiền khoáng hậu của Bồ Tát Quảng Đức tại ngã tư Lê văn Duyệt – Phan Đình Phùng, cuộc tự thiêu đã làm rung rinh chế độ gia đình trị và góp phần giải trừ Pháp Nạn cho Phật Giáo Việt Nam!

50 năm trôi qua, hình ảnh cuộc đấu tranh lịch sử của Phật Giáo vẫn như còn rõ mồn một trước mắt. Tôi xin kể sơ lược vài nét về chuyện một tuần trong cuộc đấu tranh 6 tháng gian khổ và trường kỳ đó. Xin hẹn có dịp sẽ kể nhiều hơn về những sự hy sinh vô bờ bến để bảo vệ Đạo Pháp của Phật Tử Việt Nam.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe và xin chào quý liệt vị.

NGUYÊN TRUNG
Kỷ niệm mùa Pháp Nạn 1963
San Jose 9-6-2013

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
QUANG MAI sưu tập & trình bày.

Thông tin thêm về tác giả: NGUYÊN TRUNG danh tính là Ngô Văn Bằng, nguyên là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử An Hòa, Thừa Thiên – Huế, Việt Nam. (QM).

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.