HIỆP SĨ NĂM NÀO…
Tờ mờ tinh sương, vào Tổ đường bái vọng sư phụ, chàng trai trẻ khoác lên mình tay nải, lủi thủi khép nhẹ cửa gió, thong dong bước xuống núi…
Cỏ cây còn ngậm sương khuya gởi theo chân chàng trên hai ống quần đẫm ướt. Trăng hạ tuần mờ nhạt lối đi. Con đường quen thuộc bổng lạ lùng từng nhánh cây hoang dại; chàng vạch từng bụi rậm đưa bàn chân nhẹ nhàng như sợ dẫm phải côn trùng vô tội. Xuống đến chân núi, tia sáng đầu ngày le lói trên đỉnh Côn Lôn.
Lần đầu tiên xa núi rừng, xa thầy tổ, tuổi vừa tròn trăng mang theo bao hoài bảo, ước vọng chấn hưng đạo đức, phục dựng văn hóa dân tộc đang bị mai một, chàng biết rằng sẽ đối diện nhiều khó khăn nơi thị tứ. Sẽ lạ lẫm lối trang phục của tuổi trẻ đang trộn lẫn với nếp sống ông cha nhiều đời; nhưng không, cái quan tâm của chàng mang dòng máu hiệp sĩ là loại văn hóa ngoại lai đang bào mòn hồn thiêng sông núi; cái niềm tin tâm linh bị thay thế bằng niềm tin xa lạ, và đạn bom đang cày xới băm nát quê hương. Chàng tự hỏi: phải làm gì với đôi tay trắng và khối óc trong sáng mang nhiều lý tưởng – tưởng chừng không tưởng. Co tay đấm mạnh vào không gian như tự nhủ không hề sờn lòng.
Luồng gió mới thổi từ phương Tây trộn lẫn trong xã hội như món chợ trời đẹp có, xấu có, thật có, giả có khó phân. Nhưng những cái mới lạ luôn là điều hấp dẫn lôi cuốn. Chàng lẩm nhẩm cố phân biệt giá trị từng món lạ lẫm, hy vọng bồi đắp cho nền văn hóa cổ.
Chàng tiếp nhận kiến thức tân thời một cách phấn kích để hòa nhập với cộng đồng. Như cánh diều lộng gió, chẳng bao lâu, chàng mạnh dạn tung cánh vào trời Tây, bỏ lại sau lưng những giằng xé chiến tranh đang chôn vùi bao lớp trẻ một cách vô vọng. Phải làm gì giữa chốn xa lạ? Đất khách quê người, không thân quyến, không bạn bè, chàng can đảm tiếp nhận nền văn hóa tân tiến, len chân vào đất nước có nhiều cơ hội. Cơ hội đó đã đưa chàng lên đỉnh vinh quang. Bắt đầu có tiếng nói nhân quyền, hy vọng đóng góp cho quê hương một hòa bình thật sự. Chàng không còn đơn độc khi có những con người đồng chí hướng tuy khác màu da. Chàng trở thành đối tượng cho nhiều phe phái không thích; chàng đã phải chọn đất khách làm quê hương dung thân suốt những năm tháng chịu kiếp lưu đày. Trong tâm luôn đau đáu cho quê hương.
Không thể phí uổng thời gian cho vận mệnh đất nước do những thế lực đen tối chi phối. Chợt lóe tia sáng một lối rẽ, một lối rẽ không còn chông gai gập ghềnh như thuở thiếu thời bồng bột. Trở lại phục hưng con đường đạo học dân tộc cưu mang qua bao thế hệ. Con đường chàng “hiệp sĩ” nở hoa, đã được tôn vinh như những nhân vật được tôn vinh “danh nhân văn hóa”. Chàng là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà giáo dục, một thiền sư… nhưng vẫn là một nghệ sĩ đúng nghĩa. Bản chất nghệ sĩ đã dung hóa giữa đạo và đời, giữa hai nền văn minh dân tộc và thời đại. Trên đất khách vẫn tồn tại màu đất sét quê hương nơi tấm áo; chiếc nón lá rộng vành trở thành thời trang trên vùng trời Âu Mỹ. Một đoàn người gồm nhiều chủng tộc đầu tròn áo vuông chậm bước trên đất nước công nghiệp, tâm thái từ tốn giữa xã hội sôi động. Nếp sống xa lạ đã chinh phục được bao trái tim không phân biệt màu da, tín ngưỡng. “Hiện pháp lạc trú” đã thay đổi hơi thở trong nhiều tầng lớp xã hội. Phương Tây đã tiếp nhận một cách nhẹ nhàng như hơi thở vào ra.
Rồi quê hương sau bao năm chấm dứt chiến tranh, kinh tế dần phục hồi, nhưng đạo đức là mối lo canh cánh của chàng “hiệp sĩ”. Trên bốn mươi năm tha hương, đoàn người vừa quen vừa lạ đặt chân lên quê mẹ như đoàn con thân thương trở về xóm cũ với tâm hồ hởi; nhưng rồi, chàng “hiệp si” năm xưa vẫn là kẻ xa lạ trên chính quê hương mình.
Bóng chiều chếch về Tây, hoàng hôn sắp phủ cảnh vật, chàng “hiệp sĩ” năm nào vẫn men về lối cũ, leo lên dốc đá mệt mỏi, nhìn lại chốn xưa, cổng tam quan hé mở, chàng ngã mình bên tháp cổ, nhìn cảnh vật hoang sơ như thuở ra đi. Một giấc mộng mấy mươi năm để rồi vẫn là quê hương ta đó. Sự nghiệp, danh vọng chỉ còn áng mây lưng trời. Công lao vạch lối cho một thế hệ tiếp bước hy vọng thay đổi tầm nhìn mà lâu nay bị cô đọng trong biên kiến ngã chấp.
Sao Mai vừa mọc, lại một cánh sao lìa trần, chàng hiệp sĩ năm xưa ra đi lúc nước nhà đang chinh chiến, nay trở về cát bụi là lúc quê hương dính phải dịch ôn. Sứ mạng lịch sử nhân loại bia đề, nhưng sâu đậm vẫn là hạt lệ nặng lòng của bao con người thương tiếc tiễn đưa.
Chàng “hiệp sĩ” năm xưa nay là một “nghệ sĩ” trên nền trời văn hóa tâm linh của thế hệ đương thời.
MINH MẪN