Nhân mạng xã hội Facebook đang “ì đùng” với vụ “phát hiện” ra loại “gia cầm” là… “chim… lạc đà”: LOÀI CHIM LỚN NHẤT THẾ GIỚI LÀ LẠC ĐÀ / LÔNG CÁNH VÀ LÔNG ĐUÔI CỦA LẠC ĐÀ CHÂU PHI ĐỂU MÀU TRẮNG / TRỨNG CỦA NÓ RẤT TO, THÔNG THƯỜNG DÀI 15-18cm, ĐƯỜNG KÍNH KHOẢNG 14cm, MỖI QUẢ NẶNG CHỪNG 800-1.300gr v.v… trong một cuốn sách có lẽ với mục đích để trau dồi và phát triển kiến thức khoa học mang tựa là “Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao?” của nhà xuất bản Dân Trí; chúng tôi tuy không chủ trương “thọc gậy bánh xe”, nhưng cũng không thể không trợn tròn mắt kinh ngạc trước sự thể ngày càng nhiều những thông tin chệch choạc được đường đường chính chính xuất hiện trên quầy sách, trong hiệu sách, thậm chí được giảng dạy trong trường học và “ngon lành” hơn, còn nằm chểm chệ trên kệ sách trong Thư Viện Quốc Gia. Xin mời quý bạn đọc bỏ chút thời gian tham khảo 2 bài viết chuyển tải khá nhiều thông tin của trang mạng daikynguyenvn.com dưới đây:
oOo
Cư dân mạng xôn xao với sách in: Lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới
Cộng đồng mạng Việt Nam được một phen hoang mang khi một quyển sách ghi: Loài chim lớn nhất thế giới là lạc đà. Câu chuyện được nick Facebook T.C chia sẻ, nhanh chóng nhận được nhiều bình luận của cư dân mạng.
Trong quyển sách này, tác giả đã trả lời cho câu hỏi “Loài chim lớn nhất trên thế giới là loài nào?” là “Lạc đà”.
“Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh. Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hóa rồi”. (1)

(Ảnh: Facebook T.C).
Qua tìm hiểu, đây là lỗi sai trong quyển sách “Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao?” của một NXB khá uy tín là Dân Trí với các Dịch giả: Nguyễn Bá Cao, Hồng Lân, Bích Liễu, Cao Dung.

(Ảnh qua vitalk.vn).

(Ảnh qua tinnhanh.vn).
Hiện câu chuyện trên đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với nhiều bình luận khá hài hước.
Nick V.N: Có lẽ đây là khám phá mới của nền giáo dục Việt Nam, lạc đà là chim, mà còn chạy nhanh nữa chứ. Thiệt là bó tay.
Nick G.L.N: Chống gậy đi học từ vỡ lòng Gặp THẦY kiểu này chắc không biết ông trăng, ông mặt giời (trời) khác nhau chỗ nào!
…
Ngoài ra, có một số lỗi nghiêm trọng được các bậc phụ huynh phát hiện trong sách giáo khoa trước đó.

Chuẩn Bị Cho Bé Vào Lớp 1: Làm Quen Với Chữ Cái do NXB Mỹ Thuật in ấn.
(Ảnh qua vitalk.vn).

(Ảnh qua vitalk.vn).
Ngoài ra, Daikynguyenvn cũng đã phản ánh nhiều trường hợp sai phạm có phần “khó hiểu” của các nhà xuất bản. Xem chi tiết trong bài dưới đây.
THIÊN NHẪN tổng hợp
Hàng loạt sai phạm ngô nghê của các nhà xuất bản
Mấy năm gần đây, dư luận và truyền thông cả nước liên tục phản ánh về những sai phạm của các nhà xuất bản (NXB) trong việc in ấn, dùng từ ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi, với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; thậm chí là viết sai lịch sử hay tái bản khác xa so với bản gốc.
Dưới đây là những sự việc tiêu biểu mà chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua:
NXB Giáo Dục Việt Nam gây sốc với sách lịch sử có nội dung và hình ảnh phản cảm:
Cuốn sách “Trưng Nữ Vương Khởi Nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo Dục Việt Nam phát hành vào năm 2009 đã làm cho nhiều em học sinh và phụ huynh phải giật mình với tình tiết quân sĩ của Mã Viện…. “cởi truồng đánh nhau”!

(Ảnh: baodatviet).
Trang 30 và 31 của cuốn sách lịch sử này có viết: “Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sỹ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của Hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, Mã Viện thúc quân xông lên làm cho quân Hai Bà phải thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc). Lực lượng quân Mã Viện quá lớn, lại giở trò quỷ quyệt khiến các đội nữ binh phải bỏ chạy. Mã Viện thừa thế xua quân truy đuổi ráo riết…”.
Thậm chí, trong hình vẽ ở trang 30 còn có hình ảnh quân của Mã Viện hùng hổ giơ gươm kiếm lên nhưng phần ở dưới thì lại… không mặc quần, khiến cho các binh sỹ nữ của Hai Bà Trưng phải che mặt vì xấu hổ.

(Ảnh: phununews).
Theo thông tin của NXB Giáo Dục, cuốn sách này được xuất bản từ kết quả cuộc thi “Biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành”.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước những tình tiết hư cấu này. Thử hỏi liệu sách lịch sử nào viết như thế? Đã vậy còn xuất bản cho rất nhiều các em học sinh đọc để hiểu rõ thêm về lịch sử?
Ngoài ra, trong cuốn sách này còn vẽ những tấm hình kỳ dị, minh họa Hai Bà Trưng với cảnh ra trận trên lưng voi cùng chiếc… yếm đào, váy đụp, đi chân đất, tóc Hai Bà đều búi gọn lỏn một chấm đen phía trước, hai bên chẳng có sợi tóc nào, sau và trước cũng gần như… trọc lóc, nên thoạt nhìn, có người còn lầm tưởng Hai Bà là… đàn ông, hoặc đại diện cho một bộ lạc thượng cổ nào đó ở Trung Quốc. Ở nhà Hai Bà lúc tập võ hay bắn cung cũng đều vận chiếc yếm đào hở lưng, váy xòe, đi chân không, mặt mày dữ tợn… Người đọc xem mà cảm thấy giật mình.
Trên VnExpress, PGS Sử học Lê Mậu Hãn khẳng định rằng chuyện Mã Viện cho quân cởi truồng khi giao chiến với quân Hai Bà Trưng chỉ là xuyên tạc, không có tài liệu lịch sử cổ đại nào ghi chép như thế.
Trước dư luận, đại diện truyền thông của NXB Giáo Dục Việt Nam cho biết khi nhận thấy có một vài chi tiết chưa thực sự chính xác, hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi nên đã ngừng xuất bản cuốn sách và nghiêm túc kiểm điểm các biên tập viên liên quan.
NXB Giáo Dục Việt Nam và những “hạt sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1:
Mở cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 ra, chắc hẳn ai cũng nhận ra một điều rằng nội dung từ bài 1 đến bài 27 đều không viết hoa đầu câu và tên người.
Lý giải cho vấn đề này, NXB Giáo Dục nói rằng do ở độ tuổi này các em không biết viết hoa, chưa có khái niệm đó, nếu viết hoa thì sợ các em… không đọc được???
Tuy nhiên, từ bài 28 trở đi thì việc viết hoa lại không nhất quán. Ví dụ trang 87 có câu: “Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ ra bờ suối. Nó thấy bầy hươu nai đã ở đấy rồi”… NXB giải thích rằng, người biên soạn căn cứ vào từng trường hợp để viết hoa cho hợp lý. Ở trường hợp trên, cừu là số ít, được hiểu là tên một nhân vật nên được viết hoa. Còn hươu nai ở trong trường hợp này là số nhiều, “bầy hươu nai” có nghĩa chỉ giống loài, nên không viết hoa???

(Ảnh: motthegioi).
Còn trong bài thơ “Quê Hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, thì chữ “Tuổi thơ” lại bị thay thành “Chiều chiều” để cho… phù hợp với bài thơ, theo lý giải của NXB.
Nhà xuất bản Lao Động – Xã Hội với cuốn sách luật in hình… diễn viên hài Công Lý:
Vào tháng 11/2014, nhiều người dân rất bức xúc khi bìa cuốn sách có tên “Bộ Luật Dân Sự và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014″ được in màu đỏ, hình nền là một người đàn ông lực lưỡng mặc chiếc quần con đứng trên một quả cầu lửa và dang 2 tay tạo thế đòn cân. Điều đáng chú ý là khuôn mặt người này lại là của… diễn viên hài Công Lý.

(Ảnh:petrotimes).
Ngay sau khi bị dư luận lên án, NXB Lao Động – Xã Hội quyết định thu hồi toàn bộ sách đã in và phát hành với số lượng in thực tế là 500 cuốn. Diễn viên Công Lý cũng tỏ ra bức xúc với hình ảnh trên.
Giám đốc NXB Lao Động – Xã Hội cho biết, sự việc là hết sức đáng tiếc và gây phản cảm. NXB sẽ gặp trực tiếp diễn viên Công Lý để xin lỗi. Điều này đã làm mất hình ảnh của Công Lý và cũng ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của NXB.
Sau vụ việc này, NXB Lao Động – Xã Hội đã bị phạt 250 triệu đồng.
NXB Trẻ với cuốn “từ điển nhảm nhí” của Vũ Chất nằm trong kệ sách của Thư Viện Quốc Gia:
Tháng 10/2014, dư luận được một phen xôn xao khi một người chia sẻ trên facebook của mình hình ảnh của cuốn Từ Điển Tiếng Việt với định nghĩa “bồ bịch” là “bạn bè thân thích”.

(Ảnh: motthegioi).
Được biết, cuốn Từ Điển Tiếng Việt Dành Cho Học Sinh này của tác giả Vũ Chất, do NXB Trẻ phát hành năm 2001. Thư Viện Quốc Gia hiện có 1 cuốn từ điển này.

(Ảnh: infornet).
Ngoài ra, khi tìm hiểu thì thấy trong này còn giải thích rất nhiều từ ngây ngô đến mức nhảm nhí; khiến nhiều người tưởng rằng đây là một trò đùa. Lấy một vài ví dụ:
- Đồn trưởng là trưởng đồn.
- Lâu đài là lầu và đền đài.
- Thơ ngây là ngây thơ.
- Cào cấu: vừa cào vừa cấu.
- Nắn bóp: nắn và bóp.
- Bế mạc: hết dứt buổi hát.
- Bản sắc: màu tự nhiên.
- Bóng đèn: bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện.
- Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả.
- Bồ bịch là bạn bè thân thích.
- Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào.

(Ảnh: danviet).
Cuốn từ điển của Vũ Chất giống hệt với nội dung của NXB Hồng Đức. Không những thế nó còn được NXB Thanh Niên tái bản tháng 12/2011.
Ngay sau đó, Phòng Quản Lý Xuất Bản – Cục Xuất Bản, In và Phát Hành (Bộ Thông Tin và Truyền Thông) đã ra quyết định tiêu hủy cuốn từ điển sai phạm này.
Không thua kém NXB Trẻ, các cuốn Từ Điển Tiếng Việt Dành Cho Học Sinh lớp 1, 2, 3 được cho là của NXB Đồng Nai cấp ngày 25/4/2014 cũng có những nội dung ngô nghê, không chính xác như:
- Bắc thang (đgt): Xúi giục, giúp đỡ. Bắc thang cho con leo.
- Bắc thuộc (dt): Thời kỳ nước Việt Nam thuộc nước Tàu.
- Bắt rể (đgt): Đem rể về nuôi tại nhà.
- Cào cấu (đgt): Cào và cấu.
- Cổ kính (tt): Rất cổ với vẻ y nghi. Tòa nhà cổ kính.
- Dờn (tt): Có màu xanh mét. Nước da xanh dờn.
- Dằng co (đt): Lôi kéo dây dưa không dứt.
- Đền (dt): Chỗ vua ở, chỗ thờ phụng lớn. Đền đài.
- Ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon. Chụp ếch.
NXB Kim Đồng với cuốn Truyện Cổ Tích Việt Nam – Thạch Sanh… không có quần mặc:
Gần đây nhất, NXB Kim Đồng đã khiến không ít độc giả ngỡ ngàng với tình tiết “mẹ nhường quần cho con trước khi chết” trong câu truyện cổ tích Thạch Sanh. Câu chuyện này bị phát hiện mang một dị bản lạ, đồng thời có những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

(Ảnh: nld).
Đọc câu chuyện Thạch Sanh “phiên bản cởi truồng” này, không ít người liên tưởng đến tình tiết “cởi truồng” của quân Mã Viện trong cuốn sách lịch sử “Trưng Nữ Vương Khởi Nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo Dục phát hành đã bị ngừng xuất bản trước đó.
Tình tiết “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi” trong truyện được cho là quá bạo lực, không phù hợp với các em thiếu nhi.
Ngoài ra, bộ truyện tranh Thần Thoại Hy Lạp của NXB Kim Đồng cũng bị phát hiện có những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi bởi hình vẽ một pho tượng “khỏa thân” – minh họa cho chi tiết Pygmalion (một nhà điêu khắc tài ba trong thần thoại Hy Lạp) – tiến tới hôn pho tượng.
NXB Kim Đồng cho biết hiện họ đã cho tạm dừng phát hành cuốn Truyện Cổ Tích Việt Nam để rà soát, biên tập lại nội dung.
Bên trên chỉ là những vụ việc tiêu biểu trong số 400 vụ vi phạm lớn nhỏ đã bị Cục Xuất Bản xử lý trong năm 2014.
Tình trạng sai phạm tràn lan của ngành sách trong những năm qua đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo: Liệu những gì chúng ta được học trong sách có đúng hoàn toàn là sự thật?
BẠCH LIÊN tổng hợp;
(1) Cập nhật thêm, ngày 11/4/2016:
Chúng tôi vừa mới “nhặt” được trên Facebook thêm 1 trang cũng trong cuốn sách trên (Mười Vạn Câu Hỏi Vì Sao?), cho ong là loài CHIM nhỏ nhất thế giới, (có lẽ là để so với lạc đà là loài chim lớn nhất cho đủ… bi hài!). Xin bổ sung vào bài để bạn đọc… mản nhãn: