Lời Hiệu Triệu “Thống Nhất Phật Giáo” (1951)

TVGĐPT – Vấn đề thống nhất Phật Giáo trong toàn quốc trước giai đoạn hình thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam – khi mà trong nước có đến 3 Tập đoàn Tăng-già và 3 Tập đoàn Cư Sỹ cùng hoạt động, cùng lãnh đạo Phật Giáo Đồ tại 3 phần (Bắc Phần, Trung Phần, Nam Phần) – là mong muốn, là tâm nguyện của hằng vạn Tăng Ni – Tín Đồ Phật Giáo khắp mọi nơi lúc bấy giờ mà ai có tâm huyết, có nhiệt tình với đạo Phật đều nhìn thấy rất rõ rệt.

Trải qua những lần bàn thảo của Chư Tôn Đức và các Đạo hữu Cư sỹ Phật Tử nhiệt thành trong một thời gian ngắn (chỉ chừng hơn một tháng), đại sự nhân duyên đã đến: những dự trù vắn tắt đã được đồng thuận, kế hoạch và chương trình hội tập đã được chuẩn bị sẵn sàng; ba vị Pháp Chủ đại diện cho Phật Giáo tại 3 Phần trong nước liền đưa ra Lời Hiệu Triệu vào ngày 10 tháng 4 năm 1951 với mục đích “chiêu tập cuộc họp Đại Hội Đồng” nhằm hình thành một Hội Phật Giáo thống nhất toàn quốc.

Đáp lời hiệu triệu là sự hưởng ứng nồng nhiệt của các Tập đoàn Phật Giáo 3 Phần (Bắc, Trung, Nam); kết quả là “Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam” toàn quốc được khai mạc ngày 6/5/1951 và bế mạc ngày 10/5/1951[*] tại chùa Từ Đàm, Huế; mà Phật sự viên mãn nhất của Hội Nghị là hình thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, quy tập tất cả các Tập đoàn Phật Giáo trong nước thành một cơ cấu tổ chức duy nhất (cùng những quyết nghị trọng đại khác cho tương lai Phật Giáo Việt Nam – Xem thêm các bài liên quan trên Thư Viện GĐPT). Kỷ niệm 70 năm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (1951-2021), xin được đăng tải lại nguyên văn Lời Hiệu Triệu lịch sử lúc bấy giờ để dòng Phật sử Việt Nam được truyền thừa, tiếp nối cho đến tận ngày nay.

LỜI HIỆU TRIỆU THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO

Ngày 10 tháng 4 năm 1951 –  Phật lịch 2495

ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC VIỆT NAM

Kính gửi các đoàn thể:
– Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt.
– Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt.
– Sơn Môn Tăng Già Trung Việt.
– Hội Phật Học Việt Nam Trung Việt.
– Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
– Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học.

NAM MÔ BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Thời cục hiện đại đã làm cho nhân loại thấy rõ được hạnh phúc chân thật trong đạo Phật nên càng ngày quy ngưỡng càng đông, chính là lúc những nhà có sứ mạng truyền đạo và những Phật Tử chân chính phải cần kíp thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chính pháp của Đức Thích Ca Thế Tôn hầu góp phần xây dựng nền hòa bình an lạc.

Ở nước ta xưa nay tùy duyên mỗi địa phương giáo pháp tổ chức riêng biệt, nhưng với tình thế hiện tại chúng ta không thể rời rạc nhau mà cần phải thống nhất lại thành một đoàn thể lớn mạnh để việc truyền bá chính pháp được nhiều bề thuận lợi.

Vì nhận xét như trên, chúng tôi ký tên sau đây đại diện cho Phật Giáo toàn quốc phát nguyện đứng ra triệu tập các đoàn thể sơn môn Tăng Già Trung Việt, Tăng Già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật Giáo, Hội Việt Nam Phật Học Trung Việt, Hội Phật Học Nam Việt hầu cùng nhau hòa hợp lại thành một lực lượng to lớn thống nhất; và để đi đến sự thống nhất thật sự cần phải có cuộc hội nghị đại biểu của các đoàn thể trên để định đoạt.

Chúng tôi tha thiết yêu cầu các đoàn thể hãy cử các Đại Biểu (đoàn thể Tăng 7 Đại biểu, Cư sĩ 8 Đại biểu, kể theo Kỳ bộ) về họp hội đồng ấy tại chùa Từ Đàm, Huế vào các ngày 1, 2, 3 và 4 tháng 4 âm lịch tức ngày 6, 7, 8 và 9 tháng 5 năm 1951.

Trông mong các đoàn thể hưởng ứng cuộc Hội Nghị này hầu được thực hiện nguyện vọng duy nhất của chúng ta là: Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam.

Chúng tôi gửi theo đây hai biên bản của Hội Nghị Vận Động Thống Nhất Phật Giáo để các đoàn thể hiểu rõ chi tiết trong việc này và chương trình nghị sự của Hội Nghị.

– Đại diện Phật Giáo Nam Việt: Hòa Thượng ĐẠT THANH trụ trì chùa Giác Ngộ.

– Đại diện Phật Giáo Trung Việt: Pháp Chủ TỊNH KHIẾT.

– Đại diện Phật Giáo Bắc Việt: Pháp Chủ MẬT ỨNG.

[*] Rất nhiều tài liệu ghi Hội Nghị khai mạc ngày 6/5/1951, bế mạc ngày 9/5/1951, và cũng có tài liệu ghi rõ Hội Nghị bế mạc vào lúc 18g30′ ngày 9/5/1951; nhưng vì Bản Quyết Nghị công bố khi kết thúc Hội Nghị, trong phần mở đầu đã ghi rằng “…Hội họp tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 4 Phật lịch 2495, tức là ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 5 năm 1951…” nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm ghi theo Bản Quyết Nghị của Hội Nghị trong mọi bài viết của Thư Viện GĐPT [QM – TVGĐPT].

oOo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.