Năm Hợi tản mạn về con Heo trong ca dao tục ngữ Việt Nam

 

Tìm về nguồn gốc xa xưa… các nhà khảo cổ đã tìm thấy các mẫu xương heo, xương chó, xương trâu bò hóa thạch nơi các di chỉ văn hóa Đông Sơn, Đông Dậu, Gò Mun v.v… có thời điểm cách đây từ bốn đến năm ngàn năm. Điều này cho thấy loài heo đã kề cận con người từ thời rất lâu, rất xa… Bởi vậy, con heo có mặt khá nhiều trong kho tàng văn học dân gian Việt là điều dễ hiểu.

Ca dao, tục ngữ mượn hình ảnh con heo không chỉ để truyền đạt những kinh nghiệm lâu đời, từ việc chăn nuôi (heo) đến việc ăn uống nhằm phê phán tệ nạn xôi thịt “đầu gà má lợn”, mà còn nói lên những nhận xét chỉ trích, chê bai thói lười biếng, lối làm việc không suy nghĩ, bất chấp hậu quả v.v… và v.v… Nhưng trước hết, hãy nói về công trạng của heo trong lĩnh vực kinh tế, đời sống dân mình.

Với nhà nông Việt Nam, nếu “con trâu là đầu cơ nghiệp” thì con heo quen thuộc, hiền lành, công năng cũng chẳng kém cạnh gì:

“Muốn giàu, nuôi heo nái,
Muốn lụn bại, nuôi bồ câu.”

Và muốn nuôi heo thành công, thu hoạch nhiều thành quả như mong muốn, ngay từ đầu người chăn nuôi phải chú ý từ việc chọn con giống. Kinh nghiệm này được truyền lại cho cháu con bằng những câu tục ngữ đơn sơ dễ nhớ, dễ thuộc, nay vẫn còn nhiều người chưa quên:

Đốm đầu, đượm đuôi, không nuôi cũng nậy.”
(nậy = lớn – tiếng địa phương Trung Trung Phần).

“Lông thưa, môi thừa, nuôi vừa cũng tốt.”

“Heo đực chuộng phệ,
Heo sề chuộng chỗm.”

Trong phương pháp nuôi heo, cũng có câu:

“Heo ăn xong heo nằm, heo béo.
Heo ăn xong heo réo, heo gầy.”

Đó không phải là câu nói suông mà là lời dặn dò, sự chỉ dẫn rất thực tiễn trong việc nuôi heo, bởi:

“Heo đói một bữa bằng người đói nửa năm…”

Người khéo léo, chăn nuôi quanh năm và thành công, thu được nhiều lợi nhuận thì sẽ nhận được những câu bình phẩm có ý khen tặng:

“Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn,
Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.”

Cũng như các loài khác, nếu nuôi heo nái thì ai ai cũng cố gắng nuôi cho heo mẹ béo mập, hy vọng bầy đẻ ra được thật nhiều con bán lấy tiền trang trải chi phí nuôi sống gia đình, chính vì:

“Giàu lợn nái, lãi gà con.”

Thế nhưng lắm khi đi bán heo nhằm buổi chợ ế ẩm lại cũng nẩy sinh những câu ca dao đùa cợt vô cùng hóm hỉnh:

“Ba bà đi bán lợn sề, bán đi chẳng được chạy về lon ton.
Ba bà đi bán lợn con, bán đi chẳng được lon ton chạy về.”

Nhưng sự hóm hỉnh mà diễn tả được người đàn bà quê Việt Nam đảm đương, giỏi giắn, khó nhọc lo toan gia đình nhưng vẫn tròn bổn phận làm vợ như những câu dưới đây thì mới thật tài tình:

“Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi… tòm tem!
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì… tòm!”

Và không những chỉ nhẫn nại thôi, người phụ nữ Việt rất hy sinh cho chồng con. Đôi khi vì thương chồng, thương con mà phải gánh chịu nhiều cay đắng. Những câu sau đọc lên nghe thật thấm thía, xúc động:

“Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.”

Cảnh mẹ chồng hà khắc với nàng dâu thời phong kiến (và cho đến bây giờ chưa hết) đã làm cho lắm cuộc tình lứa đôi tan vỡ, nhiều cặp vợ chồng lục đục, bất hòa. Dân Việt chúng ta đã lồng hình ảnh này vào phong dao bình dân tuy nhẹ nhàng nhưng rất phong phú qua lối diễn đạt:

“Bố chồng là lông con lợn
Mẹ chồng như tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi.”

Đọc đến đây chúng ta thấy rằng con heo không chỉ được nói đến với tư cách là con vật kinh tế mà thôi; nó còn được ông bà xưa đem vào tục ngữ, ca dao ở nhiều khía cạnh khác: ví von, ta thán, bình phẩm, châm biếm, phê phán; nhất là tán tỉnh, tỏ tình v.v… và thậm chí là cả… giới thiệu, quảng cáo!

Đoạn ca dao dưới đây như một kiểu giới thiệu cách thức sử dụng gia vị tinh tế trong ẩm thực của người Việt, tương tự như trong câu đối “Thịt mỡ dưa hành…” quen thuộc:

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.”

Thay vì nói rõ ra mình muốn khuyên bảo hay nhận định điều gì về hình tướng, nhân cách, ca dao Việt lại thâm thúy hơn, mượn hình ảnh con heo để ví von suy nghĩ đó:

“Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.”

Hay để làm “tiêu chuẩn” chọn cho gia đình một nàng dâu hiền thảo và nhất là có khả năng sinh con đẻ cái để “nối dõi tông đường”, chú heo lại được đem ra làm… ví dụ:

“Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng.”

Đôi khi dùng ca dao nhận xét, bình phẩm về thói lười biếng và đểnh đoảng, hậu đậu hoặc lối sống “vô công rỗi nghề”:

“Heo trong nhà thả ra mà đuổi.”

“Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác
Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư.”
(nhác = lười, làm biếng – tiếng địa phương Trung Trung Phần).

Người Việt mình, một số nữ giới thường mê tín dị đoan, xuân về tết đến thường hay đi xem bói xin quẻ. Để mỉa mai mấy ông thầy bói “dỏm”, ca dao Việt châm biếm không chút nhân nhượng:

“Bói cho một quẻ trong nhà
Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên.”

Cái chuồng heo là nơi không khang trang, sạch sẽ gì; và một con vật có giá trị kinh tế là heo, đều được đưa vào ca dao để cười cợt, phê phán sinh hoạt riêng tư của một thành phần xã hội nào đó về mặt đạo lý.

Trào phúng về một cụ bà “trâu già thích gặm cỏ non”, tính “cưa sừng làm nghé” thì:

“Rung rinh nước chảy qua đèo,
Bà già lật đật mua heo cưới chồng
Cưới về chồng bỏ chồng dông
Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo.”
[1]

Còn để khuyến cáo hay mô tả dí dỏm về các ông chồng không thủy chung, đèo bòng thê thiếp (thời xưa), ngán cơm thèm phở, lập “phòng nhất, phòng nhì” (thời nay):

“Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ xuống chuồng heo mà nằm.”

Nhằm ám chỉ sự giàu có của một ai đó thì lại “ngọt nhạt”:

“Cồng cộc bắt cá dưới bàu,
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo.”

Hay để mô tả sự thiếu thật thà của các “con buôn”, “kẻ chợ” thuộc hạng gian lận, lừa lọc:

“Treo đầu heo, bán thịt chó.”

Hoặc so sánh “miếng mỡ heo nhỏ” với “con lợn to” để mỉa mai thói thiên vị, bao che, không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn là thực tế tiêu cực của đám Hương, Lý “phụ mẫu chi dân” phong kiến hay quan chức có quyền thế ở mọi thời đại:

“Mèo theo miếng mỡ ồn ào
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!”

Hai câu Hán Việt dưới đây lại là cách dùng hình tượng chú heo một cách “bác học” nhằm ví von sự khó khăn về đường giáo dưỡng con cái. Cách dạy con trai hay gái thường khác nhau nên: Nuôi đứa con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa; còn nuôi đứa con gái mà không dạy, thì cũng giống như nuôi một con heo:

“Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư,
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư.” (trư: heo, lợn).

Như trên đã nói, ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, và cũng nhằm vào nhiều mục tiêu đa dạng. Đặc biệt là qua ca dao, tục ngữ, qua câu hò, tiếng hát trong thi ca bình dân, heo được nhắc đến khá thường xuyên để ví von, diễn đạt trong tình yêu và hôn nhân.

Tỏ tình, dù với một chàng trai bạo dạn hay nhút nhát, dù ăn nói táo bạo thẳng tuột hay xa xôi, bóng bẩy, lời lẽ thốt ra vẫn là cả một nghệ thuật. Hãy nghe một anh chàng táo tợn làm quen cô con gái trên đường đi chợ đường xa mà đã đi thẳng ngay vào vấn đề đại sự tương lai:

“Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng.”

Còn dưới đây là một lối tán tỉnh nhưng lời tỏ tình tỏ ra kín đáo; chỉ có điều trong sự kín đáo ấy, anh chàng “dẻo mồm” này ẩn ý tính lo toan luôn không những chỉ heo xôi rượu thịt, cau trầu, nữ trang trong lễ vật “cheo làng cưới họ”, mà còn “dài tay” tính đến cả những vật dụng phòng the của đôi tân lang, tân nương mới cưới ngay khi mới mon men đánh tiếng làm quen:

“Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng, anh đỡ vốn cho
Anh giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Anh giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo
Anh giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.” [2]

Xã hội nào cũng vậy, có kẻ giàu người nghèo. Đáng buồn là người nghèo thì chiếm đa số. Để diễn tả sự chênh lệch giai cấp này trong lĩnh vực “quan, hôn, tang, tế”, người ta lấy heo/lợn biểu trưng cho sự giàu có, sung túc qua các đám đình, lễ hội, hỏi cưới, ma chay… Vì thế thi ca dân gian Việt Nam diễn tả nổi lòng của chàng trai quê “nghèo kiết xác” đang yêu, bày tỏ sự lo toan về việc thách cưới của nhà người yêu thật chân chất và cảm động như những câu dưới đây:

“Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em…” [3]

Khác với trường hợp trên, cô gái trong bài kế đây lại dùng hình ảnh chú heo đến hai lần trong khi sắp đặt chu đáo việc đãi đằng cho tiệc cưới của mình. Không rõ nàng là cô gái lạc quan mà đôn hậu, hiếu khách và khéo tính toán trong cảnh nghèo cùng với anh người yêu hồn nhiên, vô tư khi anh kể về những lễ vật sẽ dẫn cưới (mà buồn cưới là anh chàng chưa hỏi vị hôn thê là bên nhà vợ thách cưới thế nào); hay nàng chanh chua, đanh đá “ăn miếng trả miếng” với một chàng tán gái ba hoa vừa “chảnh”, vừa “ngạo” đang khoác lác, ba hoa “một tấc đến trời”? Hãy nghe nàng tính toán:

“Chàng dẫn thế, em lấy làm sang.
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà.
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
Củ to thì để mời làng.
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.
Bao nhiêu củ rím, củ hà.
Để cho con lợn, con gà nó ăn.” [4]

Đối với cuộc sống của người dân nghèo nông thôn, ai cũng biết con heo đôi khi là cả một tài sản kha khá của người nông dân. Nhưng khổ nổi, con heo đâu chỉ là con vật nuôi để giải quyết kinh tế gia đình hay hóa thân thành những món ăn đạm bạc. Nó đĩnh đạc chiếm vị trí tuy không phải độc tôn nhưng rất quan trọng trong các đình đám, tiệc tùng, ma chay, đặc biệt là cưới hỏi thời xưa. Do vậy, nếu có sự đồng cảm thì hai nhà nghèo với nhau chỉ cần những sính lễ đơn sơ (nhưng thế nào rồi cũng phải có bóng dáng chú heo!) và bằng sự giao cảm chân thật giữa hai con tim đôi trẻ đang yêu, cũng đã hình thành một cuộc hôn nhân và đem lại một cuộc sống thanh bần nhưng chung thủy:

“Người ta giàu thì đầu heo, mâm thịt
Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt, đôi bông.”

Thế nhưng ai dám bảo là tục lệ nộp cheo, thách cưới thời ấy không làm lắm kẻ yêu nhau và những bậc cha mẹ có con trai sắp cưới vợ phải phập phồng lo lắng, thậm chí nhiều khi điêu đứng, chưa biết phải làm sao lo cho đủ lệ làng:

“Nuôi heo thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng.”

Hình thức nộp cheo có nhiều cách, nhưng thông dụng là hình thức nộp heo, gà, những sản phẩm gắn liền với công việc thường nhật của người nông dân. Hủ tục này đôi khi được ca dao diễn tả bằng một ngôn ngữ tuy đượm chất hóm hỉnh nhưng cũng vô cùng chua chát:

“Em về thưa với mẹ cha
Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo
Đầu heo lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình
Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên níu áo ra đình ăn cheo.”

Lệ thách cưới tuy đa số trường hợp là hai bên được ông/bà “mai dong” trung gian dàn xếp để đi đến thỏa thuận và thành công việc hôn nhân, nhưng nếu không may hôn sự với người mình yêu không thành thì đôi trai gái ngày đêm thẩn thờ buồn tủi, canh cánh niềm ước mơ mong mỏi làm sao được đoàn tụ với nhau:

“Yêu nhau chả lấy được nhau
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo, cau già lại non.”

Tệ hại hơn, gặp phải gia đình nhà gái “tham phú phụ bần”, nhà nghèo nhưng muốn con gái mình lấy chồng giàu nên ép duyên con, đưa đến những thảm cảnh đáng buồn khiến người con gái sau khi lấy chồng rồi, lúc hẩm hiu đành chỉ biết mượn lời ca dao để than thân trách phận:

“Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tối về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò.”

Hay:

“Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.”

Nhưng có phải chỉ “phận đàn bà” mới than oán trong những cuộc tình duyên trắc trở hay không? Lệ thách cưới khi bị nhà gái nào đó đẩy lên một mức độ quá quắt thành ra như kiểu “tham tiền mà bán duyên con” cũng khiến chàng trai đi hỏi vợ phải ngậm ngùi thốt ra lời ta thán nghe như một tiếng thở dài:

“U sinh con trai mà chi
Đầu gà má lợn mang đi nhà người.”

Đã thế, dưới chế độ phong kiến, quan niệm “đàn ông năm thê bảy thiếp” được chấp nhận cho nên có trường hợp, dẫu tùy thuận theo tập quán, người vợ không thể sinh cho nhà chồng đứa con thừa tự cũng sẽ phải chấp nhận tình trạng “chồng một vợ đôi”, thế nhưng trong tâm tư sầu muộn của người đàn bà bình dân ấy, lúc nào cũng phảng phất sự ghen tuông, hờn dỗi: “Làm cho cha mẹ vui lòng, đèn lên đôi ngọn, bá tòng xứng đôi.” Và nếu gặp người chồng tệ bạc hơn nữa thì viễn cảnh thật là tái tê, thê thảm:

“Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.”

Hình ảnh con heo trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian cũng như các thể loại thi ca bình dân còn nhiều, nhiều lắm… nhưng tản mạn về chú Hợi như vậy cũng đã là dài.

Là một loài gia súc được con người thuần dưỡng đã rất lâu đời, chú heo hiền lành thường chịu nhiều hình dung từ không đẹp lắm trong ngạn ngữ, thành ngữ, phương ngữ dân gian Việt Nam, vậy mà trong ca dao, tục ngữ lại thường xuyên xuất hiện, “kề vai sát cánh” với con người trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; mọi hoàn cảnh vui, buồn; mọi tâm trạng sướng, khổ… ngẫm cũng là một động vật thân thiết dễ mến; và dù gọi chú là Heo, là Lợn, là Trư hay gì gì đi nữa, “danh tánh và cuộc đời” chú cũng đáng để đem làm đề tài hý luận thú vị trong lúc “trà dư tửu hậu” nhân dịp đầu những năm cầm tinh Chi HỢI của chú dù thuộc Can nào theo Việt lịch./.

 CHÚ THÍCH:

[1] Có dị bản khác ghi là:

“…Cưới rồi ổng bỏ ổng đi
Tiếc công lật đật, tiếc gì con heo”.

[2] Một dị bản của bài “Hôm qua tát nước đầu đình”.

[3] Tuy chỉ trích đoạn trên để phù hợp với một bài viết về con heo, thật ra bài này (dị bản và khuyết danh) còn có một đoạn hóm hỉnh tiếp theo đúng kiểu một anh chàng vừa “trạng”, vừa ngông của thi ca dân gian Việt, xin ghi thêm để bạn đọc cùng cười… “nhâm nhi” ba ngày xuân như sau:

“(…Cầm được đồng bạc để dành cưới em)
Ba hào mua giấy, mua tem
Mời khắp thiên hạ, anh em xa gần
Thiên hạ hàng xứ đồn ầm
Sơn Tây, Hà Nội đồn mình lấy ta
Một hào thì để mua gà
Bảy xu mua rượu, hào ba đi tàu
Sáu xu mua lấy trăm cau
Hào tư mua gói chè tàu uống chơi
Sáu xu gạo nếp thổi xôi
Với một xu mỡ và mười xu dưa
Cưới em đồng bạc cũng vừa
Tính đi tính lại vẫn thừa ba xu.”

[4] Tương tự trong chú thích số 3, sau đây là những câu đầu mà anh chàng trai nghèo ưa sĩ diện “chảnh chọe” dự trù dẫn lễ cho ngày cưới một cách đại ngôn, đúng như câu “đầu voi đuôi chuột”:

“Cưới nàng, anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ Họ máu hàn,
Dẫn bò, sợ Họ nhà nàng co gân.
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
(Chàng dẫn thế, em lấy làm sang…).”

QUANG MAI
Sưu tập và phóng tác từ tài liệu các tác giả: Hà Phương Hoài,
Lê Ngọc Châu, Xuân Hồng và một số nguồn không rõ tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.