Cổ tích Việt Nam:
Ngày xửa ngày xưa… Ngọc Hoàng tạo nên trái đất (trần gian) để cho loài người và muông thú chung sống với nhau. Ngọc Hoàng hài lòng vì các loài đã sống cùng nhau rất hòa hợp.
Để tạo ra thức ăn cho trần gian, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống để gieo trồng ngũ cốc, lương thực. Vua bỏ các loại hạt giống ngũ cốc dành cho loài người trong một chiếc túi bằng vàng và dặn vị thần nọ gieo chúng dọc theo quả đất. Ngài cũng đưa cho vị thần một chiếc túi khác có chứa hạt cỏ dại dành cho các loài thú và dặn gieo vào những nơi nào mà hạt giống của loài người không nảy mầm. Ngọc Hoàng hy vọng rằng loài người cũng như muông thú từ đây sẽ có đầy đù thức ăn để sống.
Tuân lệnh Ngọc Hoàng, vị thần mang hai chiếc túi xuống trần gian làm nhiệm vụ. Vị thần này tính tình nhân hậu và trung thành, nhưng bản chất hơi lười biếng. Xuống trần, vị thần gieo hạt giống ở một vùng rộng lớn. Ông ta nghĩ là nên hoàn thành công việc nhanh chóng để sớm trở về thiên giới. Nhưng thật kỳ lạ! Cỏ dại nhanh chóng mọc lên ở những nơi ông định gieo hạt giống ngũ cốc. Tức thì ông nhận ra mình đã lấy nhầm túi hạt; nhưng rồi ngay lập tức ông lấy túi hạt giống ngũ cốc rải xuống. Trong lúc vội vàng, vị thần vô tình lại làm vỡ ra những hạt giống ngũ cốc mà Ngọc Hoàng đã chủ ý tạo ra to hơn để cây lớn nhanh hơn và to tốt hơn; và vậy là ông ta gieo các hạt giống vỡ nhỏ kia xuống vùng đất mà cỏ dại đang mọc lên.
Quá muộn để sửa chữa lỗi lầm! Cỏ dại mọc nhanh hơn ngũ cốc và chẳng còn cách nào khắc phục, vị thần bèn trở về trời, nhưng ông không trình báo lại với Ngọc Hoàng về những gì mình đã làm.
Ít lâu sau, loài người bắt đầu kêu ca về nạn đói và nêu thắc mắc với Ngọc Hoàng tại sao loài vật có vùng cỏ rộng lớn trong khi loài người chỉ có một số ít ngũ cốc. Loài người cũng phàn nàn rằng những hạt giống quá nhỏ, việc gieo trồng vô cùng khó khăn. Ngọc Hoàng bấy giờ cho gọi vị thần và truy hỏi. Vốn tính thật thà, không quen dối trá, vị thần bẩm báo lại những sai sót của ông trong lúc rải các hạt giống xuống trần gian.
Ngọc Hoàng nổi giận quở trách vị thần và trừng phạt ông ta biến thành con trâu với lý do: “Sai lầm của ngươi làm cỏ dại mọc nhanh hơn và tốt hơn ngũ cốc. Để sửa sai, ngươi phải ở dưới trần gian mãi mãi để ăn hết cỏ dại và phải chịu cực nhọc giúp nông dân cày cấy trên đồng.”
Cổ tích các sắc tộc thiểu số Việt Nam:
Ngày xưa, Trời có một con trâu cái nhưng thấy nuôi trâu thì không có lợi, mà dùng trâu vào việc cày bừa thì Trời lại không biết làm ruộng. Trời bèn nghĩ ra một cách là cho loài người mượn trâu. Trong khi ấy, bác nông dân biết làm ruộng nhưng lại không có trâu. Bác đánh bạo leo dốc lên hỏi thuê trâu của Trời. Trời bảo:
– Ta cho anh thuê trâu, anh phải trả hoa màu cho ta.
Không còn cách nào hơn, bác nông dân nhận lời và dắt trâu về. Từ đó, hàng ngày, bác ra sức cùng trâu cày bừa. Người và vật đổ mồ hôi thấm đẫm cả luống cày mà đến mùa gặt hái Trời lại dâng nước lên lấy hoa màu đem đi hết.
Không chịu được cảnh lấy “tô” trâu của Trời, bác nông dân nhiều lần xin Trời nới tay cho, nhưng lần nào Trời cũng nói:
– Còn thuê trâu của ta, ta còn lấy hoa màu. Bao giờ trả trâu cho ta thì hết nợ.
Càng làm lụng vất vả, bác nông dân càng đói khát. Một hôm, sau khi bàn bạc cẩn thận với dân bản, bác quyết đem trâu đi trả Trời. Đường lên Trời đã dốc cao lại lắm bùn, bác và trâu khó nhọc lắm mới đi được đến nơi. Đến cửa nhà Trời, bác lên tiếng:
– Tôi đem trâu lên trả cho Trời. Từ nay tôi chẳng còn vay mượn gì của Trời. Trời đừng đến lấy thóc lúa của tôi nữa.
Trời cười đáp:
– Để trâu đó cho ta. Anh không thuê thì có người khác thuê.
Bác nông dân nghĩ đến thóc lúa của mình làm ra trong bao nhiêu năm đã bị Trời ngồi không mà cướp cả. Bác cho rằng phải lấy con trâu của Trời để bù thiệt hại cho mình, bèn nắm lấy đuôi trâu mà đi giật lùi xuống dốc. Cứ như vậy, bác kéo được trâu về đến nhà mà Trời không hay biết.
Chiều hôm đó không thấy trâu đâu, Trời vội vã đi tìm. Đến nhà bác nông dân, nhìn thấy con trâu đang ăn cỏ ở trước cổng nhà, Trời hỏi:
– Anh đã trả trâu cho ta sao lại dắt trở về?
Bác nông dân tỉnh queo đáp:
– Tôi đem trâu trả cho Trời, Trời đã nhận rồi. Còn trâu này tôi chịu khó cày bừa dành dụm mãi mới mua được đó chứ.
Trời không chịu tin, cứ nằng nặc đòi lấy lại trâu. Bác nông dân bèn dắt Trời đi ngược lên dốc. Vừa đi, bác vừa chỉ xuống bùn:
– Trời nhìn đi! Chỉ có dấu chân trâu đi lên nhà Trời, làm gì có dấu chân đi xuống nhà tôi mà Trời lại nói tôi dắt trâu của Trời?
Không cải được, Trời đành hậm hực quay về. Từ đó, không ai phải thuê trâu của Trời, và cái cảnh Trời dâng nước cướp hoa màu lấy “tô” trâu ở miền núi cũng không còn nữa.