Nói với người trong ảnh

Kính thưa chị.

Nghe tên chị nhưng em chưa một lần gặp chị, để bây giờ nghe nuối tiếc khôn cùng.

Hai mươi hai năm thời gian đã trôi qua như một dòng sông chảy dài, chảy xa bao ký ức.

Tiếng hát của ngày xưa vẫn còn vang vọng, những âm điệu ngọt ngào chan chứa như đã thấm sâu vào bản thể, của từng con người yêu quý tình Lam.

Năm tháng cứ triền miên xuôi mãi, dòng lịch sử đã uốn quanh, cái cảnh biển dâu của cuộc đời, cũng bao nhiêu lần phong ba bão tố, cái tính hồn nhiên của bao tâm hồn trẻ thơ ngày nay đã không còn nữa! Nó đã thay vào đó cái ồn ào, biến động nó đã làm phai mờ một thời vang bóng thưở xưa…

Chị ơi!

Đêm vẫn xuống ngày vẫn lên, từng sát na biến dịch, đã làm thay đổi quá nhiều, vật lý đổi màu, tâm lý thì xơ cứng khô khan. Con đường vẫn còn đó, khói trầm hương vẫn thoang thoảng mỗi khi nắng chiều nghiêng, cái mầm khói hương mà chị đã suốt đời gắn bó, tận tụy ngày đêm, con đường lý tưởng mà chị đã đem hết cuộc đời để cùng dựng xây biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt; cho đến bây giờ đã biến dịch bởi bàn tay vô thức của thế lực cường ma. Hạt giống bồ đề mà chị đã suốt đời đem gieo trồng vào bao mảnh đất tâm, ước mong một ngày sau đâm chồi nảy lộc, đến bây giờ cơn gió nghiệp thổi vào nó đã biến dạng thành cây kiểng để cho ba tuần tạo dáng bonsai. Những cây đại thụ của ngày xưa chỉ còn lại lưa thưa đứng giữa trời để chịu mưa chang, nắng táp, chịu nhiều phong ba bão tố và từ đó những hậu duệ của rừng Lam còn lại ít ỏi, mọc lưa thưa trên đồng cỏ dại. Người Phật tử thì không ai lên tiếng, kẻ vô tri đắp chiếu ngủ ven rừng, số còn lại lo việc cày cuốc, tìm manh áo chén cơm; những hạng người tham lam, thì gác tía lầu cao, vênh váo hung hăng như loài hổ báo.

Cái hàng trọc phú ngày nay, không bao giờ có đạo nên gốc rễ cội nguồn đã cháy như đống than đen. Chị biết không? Trẻ con lớn lên thế hệ hôm nay, nó biết lịch sử thật nực cười chị ạ – Ngài Thích Quảng Đức là vị anh hùng liệt sĩ, chống Mỹ mà phải thiêu thân. Chuyện phi lý ngu ngơ thế mà người ta cũng nói ra cho được. Thực tội tình cho lứa tuổi ấu thơ, không ai dạy bảo cho chúng: đó là vị Bồ Tát đốt ngọn lửa thiêng vị tự do tín ngưỡng để đánh thức lương tri của thời bạo quyền dưới triều Ngô Đình Diệm. Thực đáng thương cho thế hệ hôm nay, lớn lên một chút thì sai lầm một chút. Lớn lên một năm thì sai lạc lối về. Trách nhiệm này phải thuộc về ai? Không biết lương tâm kẻ ấy lệch bằng gì? Có xấu xa không nhỉ hỡi chị?

Kính thưa chị.

Hai mươi hai năm rồi chị đi, cuộc sống ở quê hương mình đã thay đổi vô cùng, đã biến thể, biến chất thật là khủng khiếp. Nền tảng đạo đức của ông cha bị người thời nay chối bỏ. Luân lý của tổ tiên ta ngày nay đã rơi vào cơn thác loạn, vì vật chất lên ngôi đã làm hoen ố, bại hoại tinh thần văn hoá trong sáng của dân tộc Việt Nam ta. Con người đối đãi với nhau không như ngày xưa đâu chị à. Nào là nghi kỵ nhau, ngờ vực nhau, không ai dám tin ai. Những con mắt trí thì nhìn không nói, vì “tai vách mạch rừng”, “bóng đêm” vây kín, “ma quái” hiện diện khắp mọi nơi. Không ai dám hở môi nói lên lời chân thật.

Chị ơi! Lời mẹ ru ngày xưa thật ngọt ngào êm ái, nhưng lời ru ngày nay chỉ toàn là thù hận. Bởi tại con người đục đẻo, trau chuốt vào những từ ngữ để điểm phấn tô son, mà làm gương soi mặt, khi nhìn vào thì thấy mặt mà không thấy trái tim, mắt, mũi, tóc tai cũng đều thấy được nhưng bộ não đã đổi mần có ai thấy được đâu.

Chị ơi! GĐPT ở đầu thế kỷ XXI này lại mọc thêm một cái đầu đeo ở bên vai đặt tên nó là Phân ban quay lại mái Lam xưa mà đánh phá. Em chỉ thương những anh chị tuổi già, là cây cao bóng cả với con tim sắt đá, từ Quảng Trị đến Cà Mau đi giữa bão giông, mà vẫn cười tươi không ngại khó khăn, không ngại gian nguy, vì lý tưởng mà đôi chân không ngừng dấn bước khắp nơi, khơi dậy tình Lam. Cái ý chí đó đã vượt ra ngoài thân thể. Cũng nhờ đó mà còn duy trì tình Lam qua bao thế hệ. Còn giữ màu Lam như gìn giữ trái tim mình. Mai kia dù cảnh đời thay đổi, thế kỷ này thay đổi, thế hệ mai sau lớn lên theo chí nguyện tình Lam như những đoá hoa hồn nhiên nở giữa dòng đời thơm hương, ngọt phấn, vẫn toả ngát chút hương trầm thơm dịu mãi về sau.

Kính thưa chị.

Với hiện tình nhà Lam không được như thưở xưa, dù bị phân hoá chia rẻ khắp mọi nơi những trái tim Lam vẫn còn nhiều kiên định, không xu thời, không sợ hãi. Vẫn giữ gìn truyền thống dù cho phải trả bất cứ giá nào.

Chị ơi!

Ở cả hai miền Trung-Nam, chim bốn phương vẫn còn ca hát, những trở lực gian nan đã biến thành trợ lực, những chướng nạn khó khăn là sự thử thách, đã tạo thành chiếc lò tôluyện nên vàng thau đã thanh lọc rõ ràng.

Chị ơi! Trăng giữa trời vẫn sáng, khi đêm tàn thì ánh nắng sẽ vươn lên, nước của muôn sông cũng xuôi về biển cả. Mà biển cũng chỉ thuần một vị mặn mà thôi. Nên em mãi tin rằng sự thật thì nghìn thu vẫn là sự thật. Mây đen rồi sẽ tan, bão giông rồi cũng lặng. Những tâm hồn của bao nhiêu người chân chính đã chịu đựng sự đoạ đày của những tháng năm dài, nay đã trở thành kim cang bất hoại. Như đoá hoa sen trắng còn mãi hương thơm cho dẫu gió dập, sóng xô nhưng không ô nhiễm thế trần. Chắc chị ở nơi khung trời vạn hạnh cũng sẽ mỉm cười, khi nhìn lại mái Lam yêu đang ở trong kiếp nạn mà hồn Lam vẫn đứng vững kiên cường. Cho dù mặt đất đổi thay, xã hội đổi thay, thời tiết đổi thay nhưng màu Lam không bao giờ thay đổi. Lời ca dao của ngày xưa như suối nguồn mãi truyền lưu bất tận, ai là người con dân Việt không dễ nào quên:

“Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệg vẫn còn trơ trơ”.

Ai làm điều xấu ác tạo nỗi thương đau cho tình đồng loại, thì lịch sử mai sau sẽ ghi đậm dấu hờn, dù một chi tiết nhỏ nhoi cũng sẽ còn mãi mãi. Con cháu ở thế hệ mai sau sẽ lên án, sẽ nguyền rủa, không muốn nhắc tới một thời đại mà con người lạnh cảm vô thức. Mà điều đó là chắc chắn phải không chị?

Chị ơi! Cái buổi hiện nay, con người đa số sống nghiêng về phía lợi danh, vật chất và quyền lực, nên xem mạng sống con người rẻ hơn những đồng tiền giấy. Họ không thấy rõ lý vô thường, hợp để rồi tan, trăng tròn rồi sẽ khuyết, có để rồi không. Sự nghiệp ở thế gian như sương treo đầu ngọn cỏ, có sự sống hôm nay thì có cái chết ở ngày mai. Cho nên những người yêu Lam đạo đâu có gì mà sợ hãi. Thế mà có lắm người sợ hãi, không dám cho GĐPT đến chùa sinh hoạt, sợ mất chức trụ trì, sợ mất quyền lợi, cho nên họ đã làm người mất cả lương tri.

Nhưng mà thôi, Chị ơi! Nói với chị bằng cả lòng thao thức vì trong tất cả trái tim Lam đều có hình ảnh chị. Em không thể nói nhiều với nỗi lòng chân thật, mong chị xót thương gia hộ cho chúng em để vượt qua chặng đường gian khó, để cho tiếng hát với nụ cười của nhà Lam mãi vang vọng đến ngàn sau.

Chị thương kính! Đêm nay đã khuya rồi, em xin kính chào chị! Trong cõi bình yên, mong chị thấu nỗi lòng.

Quảng Hoa _ Phan Thị Hồng Liên
GĐPT Bình Phước

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.