I. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA :
Sổ Dũng dành cho Thiếu nam, sổ Hạnh dành cho Thiếu nữ. Đó là sổ tay đoàn sinh, là cẩm nang của mỗi em. Đây không là sổ tay tu học, sổ chuyên môn… nhưng nó sẽ lưu giữ tất cả tinh hoa của quá trình sinh hoạt và kinh nghiệm tích luỹ của đoàn sinh.
II. HÌNH THỨC THỰC HIỆN VÀ NỘI DUNG SỔ TAY :
Sổ nên trình bày thành 3 phần chính : lí lịch, sưu tầm, sáng tác.
1. Lý lịch :
Sau trang trình bày tên sổ, nên dành 2 trang ghi một số chi tiết về bản thân :
– Họ tên
– Năm sinh
– Ngày quy y
– Pháp danh
– Bổn sư truyền giới
– Ngày phát nguyện
– Các bậc đã học, ngày trúng cách
– Quá trình sinh hoạt
–
…
2. Sưu tầm :
Ghi lại lời Phật dạy, lời hay, ý đẹp, những điều mình tâm đắc, lựa chọn làm kim chỉ nam cho mình trong cuộc sống, những kinh nghiệm thu nhặt được qua thực tế, sách báo, cần thiết cho đời sống hàng ngày.
Nên chia phần sưu tầm ra thành từng phần riêng, dành độ mươi trang cho mỗi phần để ghi dần.
Trước mắt có thể sưu tầm các phần sau :
– Lời vàng ( ngắn gọn, ở dạng kinh Pháp Cú hoặc lời hay, ý đẹp ).
– Mẹo vặt.
– Các món chay giản dị ( làm nhanh, ngon, rẽ)
– Thủ công( khéo tay hay làm)
– Địa chỉ các bệnh viện lớn, chuyên khoa…
– Vài cách cắm hoa nhanh, đẹpđể trang trí
– …
Phần sưu tầm nên ngắn gọn, chắc lọc những gì thật cần thiết cho đời sống, không nên ôm đồm, biến sổ tay thành cuốn Tự điển bách khoa.
3. Phần sáng tác :
a. Phần tự viết theo ngày, tuần, ghi trung thực theo trọng tâm chuyên đề gia đình hay đoàn phát động. Nội dung ghi lại những cảm nghĩ cũa mình về sinh hoạt của Đoàn, của Gia đình, về những ngày lễ vía…, ghi lại những việc đã làm ( tốt hoặc chưa tốt) và hướng phấn đấu cho những ngày tới. Ví dụ:
– Với chuyên đề Dũng : Hãy nhìn lại những việc đã làm trong ngày, xem như thế đã “ dũng” chưa, phải khắc phục ra sao ?
– Với chuyên đề Hạnh : Hãy nhìn lại những việc đã làm trong ngày, xem như thế đã “ hạnh” chưa, phải khắc phục ra sao ?
– Với chuyên đề Hiếu : Kiểm điểm lại quan hệ của mình với ba mẹ, xem thế đã phải đạo làm con chưa, cần sửa đổi những gì ?
– …
b. Phần ghi bất ngờ những ý kiến, suy nghĩ của mình từ một việc làm, một sự kiện quan trọng, một buổi lễ… tác động mạnh đến mình.
III. KẾT LUẬN :
Các phần ghi trong Sổ Dũng, Sổ Hạnh ngoài giá trị nhắc nhở, tác động bản thân còn là những tư liệu có thể trích đoạn hay ghi lại thành những bài văn, bài thơ… góp phần vào tờ báo hay Đặc san gia đình.
Phần thực hiện này nên tuỳ theo sở thích, khả năng, sáng kiến từng em, tránh việc sao chép cho lấy có nhằm đối phó trước sự kiểm tra của trưởng, làm mất đi ý nghĩa tự soi rọi chính mình.