SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN
(Bài kỷ yếu Trại Vạn Hạnh V)
Tác giả: Nguyên Từ
oOo
A. DẪN NHẬP:
Suốt quá trình huấn luyện, từ khi bước chân vào làm Huynh Trưởng rồi qua các trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, chúng ta chỉ mới được nhắc nhở đến bổn phận, đến trách nhiệm của người Huynh Trưởng theo từng cấp độ (“Người Đoàn Phó” trong trại Lộc Uyển, “Người Đoàn Trưởng” trong trại A Dục, “Người Liên Đoàn Trưởng” trong trại Huyền Trang). Đến hôm nay, khi tham dự trại Vạn Hạnh, trại huấn luyện cao nhất của GĐPTVN mới đặt vấn đề “ Sứ mệnh của người Huynh Trưởng”. Đúng vậy, đã là “ Sứ mệnh “ thì phải đặt đúng tầm cỡ.
Sứ mệnh khác xa với bổn phận và cũng khác xa với trách nhiệm.
B. NỘI DUNG:
I. Thế nào là sứ mệnh?
Để xác định rõ thế nào là “Sứ mệnh”, thiết nghĩ chúng ta cũng cần trở lại định danh trình tự các từ: ”bổn phận” và”trách nhiệm”.
* Bổn phận (obligation): Phận sự của từng cá nhân mình, có tính cách luân lý (Từ điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí và Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học VN 1992).
Như vậy, khi nói đến bổn phận là có sự tương quan đối đãi và mang tính chất luân lý trong từng phạm vi.
- Bổn phận con <=> cha, mẹ.
- Bổn phận trò <=> thầy.
- Bổn phận vợ <=> chồng.
- Bổn phận chủ nhân <=> người làm công v.v…
Khi có sự tương hệ cùng một lúc với nhiều đối tượng thì chỉ cần nêu một chủ thể, như bổn phận người công dân, bổn phận người Đoàn Trưởng v.v… (đương nhiên cũng phải hiểu ra nhiều mối tương hệ).
* Trách nhiệm (Responsibility): Nhiệm vụ người khác giao, mình phải làm tròn và gánh chịu hậu quả nếu không đạt (Từ điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí và Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam 1992).
Như vậy, trách nhiệm là có tính cách giao phó, khẳng định cụ thể, như: Huynh Trưởng cấp Tín có trách nhiệm về sự thịnh suy của một đơn vị GĐPT, Huynh Trưởng cấp Tấn có trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT trong một tỉnh v.v…
* Sứ mệnh (Embassy): Tầm nguyên = mệnh lệnh của của quốc gia trao cho sứ giả (Từ điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí).
– Nhiệm vụ quan trọng có tính cách thiêng liêng (Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học VN 1992).
– Ngày xưa khi nhận lệnh của triều đình để đi sứ, là Sứ Giả đã nhận lãnh sứ mệnh mà tổ quốc giao phó. Sự mất còn, thịnh suy của tổ quốc là do ở tài của Sứ Giả này.
Vậy sứ mệnh cũng là trách nhiệm nhưng có tính cách cao cả và thiêng liêng.
II. Sứ mệnh của Huynh Trưởng GĐPTVN:
1. Ai là người nhận lãnh sứ mệnh GĐPTVN?
Người Đoàn Phó thì mới nói đến bổn phận, chưa đặt nặng vấn đề trách nhiệm, người Đoàn Trưởng bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm của một Đoàn, người Liên Đoàn Trưởng thì nhận lãnh trách nhiệm của một Liên Đoàn, của một Gia Đình. Ban Hướng Dẫn tỉnh, (đứng đầu là anh Trưởng Ban Hướng Dẫn) chịu trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị tỉnh, Ban Hướng Dẫn Trung Ương (đứng đầu là anh Trưởng Ban) chịu trách nhiệm lãnh đạo GĐPT toàn quốc. Nhưng đã là toàn quốc, có tầm cỡ vĩ đại nên trách nhiệm ấy gắn liền với sứ mệnh. Nói thế, không có thể là chỉ giao phó sứ mệnh cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương, mà tất cả những Huynh Trưởng cấp Dũng cũng như những Huynh Trưởng đã có lý tưởng vững chắc, những Huynh Trưởng đã gắn liền đời mình với bề dày lịch sử của GĐPTVN, những Huynh Trưởng đã từng chịu bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu hy sinh, đều phải nhận lãnh sứ mệnh này. Trong tương lai người nhận lãnh sứ mệnh này là anh chị em – Trại sinh Vạn Hạnh V hôm nay – nên ngay từ bây giờ các anh chị em phải chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị tư tưởng để nhận lãnh sứ mệnh cao cả mà GĐPTVN giao phó.
2. Sứ mệnh GĐPTVN:
Nói đến sứ mệnh của Huynh Trưởng GĐPTVN tức là nói đến sứ mệnh mà tổ chức GĐPTVN đang gánh vác. Sứ mệnh này, các bậc tiền bối khai sáng GĐPT (tiền thân là Đoàn Phật Học Đức Dục và Gia Đình Phật Hóa Phổ) đã tự đề ra cho mình hơn 60 năm qua, khi đất nước đang bị điêu đứng bởi nạn ngoại xâm, nền đạo đức cổ truyền bị bứng gốc, nền văn hóa dân tộc bị lung lay bởi luồng văn hóa nô dịch tha hóa Tây phương (cần nghiên cứu thêm SỨ MỆNH GĐPT của Người Áo Lam). 60 năm qua, các thế hệ Huynh Trưởng đàn anh chúng ta đã tiếp nối sứ mệnh một cách trung kiên dũng mãnh. Giờ này thì trọng trách ấy, đang đặt cả vào các Huynh Trưởng tầm cỡ như đã nói ở trên, trong đó có cả anh chị em Trại sinh Vạn Hạnh này.
Sứ mệnh này có thể triển khai trên hai lãnh vực:
a) Phổ quát: trên lãnh vực phổ quát thì đó là:
– Sứ mệnh phụng sự đạo pháp và lý tưởng GĐPT.
– Sứ mệnh phụng sự dân tộc.
– Sứ mệnh phụng sự Hòa bình.
* Sứ mệnh phụng sự đạo pháp và lý tưởng GĐPT:
Tổ chức GĐPT được thoát thai trong lòng đạo pháp; lại nữa, đã là Huynh Trưởng thì cũng xác quyết là một Phật Tử chân chánh (theo mục đích của GĐPT) mà: một Huynh Trưởng đã qua quá trình trưởng thành trong tổ chức cho đến ngày đặt chân lên trại Vạn Hạnh, chắc hẳn phải là một Huynh Trưởng trung kiên. Một Phật Tử chân chánh, trung kiên ắt hẳn phải nhận lãnh sứ mệnh phụng sự đạo pháp.
Phụng sự đạo pháp là bảo tồn đạo pháp, xiển dương chánh pháp và làm cho đạo pháp mỗi ngày một tăng huy.
Bảo tồn đạo pháp là gìn giữ sự trong sáng của đạo pháp, đánh đổ những mê tín dị đoan, bài trừ những phần tử ma quái núp bóng Giáo Hội để lợi dụng phục vụ cho những ý đồ đen tối của mình hoặc phá hoại sự hòa hợp Tăng, hỗ trợ Chư Tăng trong vấn đề hoằng dương chánh pháp. Xiển dương chánh pháp là đem chánh pháp phổ cập trong quần chúng, hướng dẫn những người chung quanh mình tu tập để tiến dần đến an lạc giải thoát. Đối với Huynh Trưởng thì môi trường xiển dương chánh pháp chính là đàn em của chúng ta. Phải dạy các em hiểu đúng chánh pháp, hướng dẫn các em thực hành đúng chánh pháp. Chỉ thực hiện tốt những điều ấy thì đồng thời chúng ta đã làm cho đạo pháp càng ngày càng tăng huy rồi.
Nói đến lý tưởng GĐPT thì đối với trại Vạn Hạnh ắt hẳn từ lâu đã chọn GĐPT làm lý tưởng của mình để “Chỉ hướng cho thuyền đời – Nở hoa cho cuộc sống”, dĩ nhiên chúng ta phải phụng sự lý tưởng ấy. Cho nên, với người Huynh Trưởng, khi nói đến phụng sự đạo pháp thì chúng ta cùng lúc phụng sự lý tưởng của Gia Đình Phật Tử. Nếu một Phật Tử chân chánh, trung kiên thường nêu câu “thà giữ đạo mà chết, không thà bỏ đạo để được sống”, thì người Huynh Trưởng chúng ta, ngoài câu ấy ra còn phải nói thêm: “Thà chết vì lý tưởng GĐPT còn hơn sống không có lý tưởng”.
Phụng sự đạo pháp và lý tưởng Gia Đình Phật Tử đã nâng lên hàng sứ mệnh thì chúng ta còn phải dũng cảm cương quyết chống những tuyên truyền xuyên tạc cố ý làm mất giá trị, làm sai lạc ý nghĩa của giáo lý; chống lại những hình thức mô phỏng xâm nhập, cố ý làm sai lạc tôn chỉ và truyền thống của GĐPT đã có bề dày lịch sử 60 năm; chống những hình thức chắp vá gượng gạo làm mất những nét đặc thù Phật Giáo trong mọi lãnh vực: Nghệ thuật, văn chương, nghi lễ… và phải biết đem đạo Phật đi vào cuộc sống.
* Sứ mệnh phụng sự dân tộc:
Một Huynh Trưởng GĐPT cũng là một công dân, một công dân phải biết yêu thương quê hương xứ sở, đồng bào dân tộc, huống chi là một Phật Tử lòng từ bi trải rộng, yêu tất cả mọi người và mọi loài thì sao ta lại không yêu quê hương, không yêu dân tộc. Ở đây không còn là nói đến bổn phận đối với dân tộc, đối với đất nước (đã nói nhiều ở các bậc học và các trại huấn luyện trước đây rồi). Tầm cỡ Trại sinh Vạn Hạnh (nâng lên hàng sứ mệnh), chúng ta phải nhận lãnh sứ mệnh thiêng liêng này.
Chúng ta phải góp phần vào việc bảo toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, danh dự tổ quốc. Giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần bất khuất. Chúng ta không cục bộ, không thủ cựu, biết cải tiến, biết lựa chọn để đồng hóa những văn minh du nhập làm giàu cho văn hóa dân tộc nhưng không vọng ngoại. Chống chủ nghĩa phi nhân chà đạp lên tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng, nhu cầu tín ngưỡng của chúng ta là nhu cầu một đời sống an lạc trong tinh thần Phật Giáo. Vấn đề này đã được đề cập đến ngay khi anh chị em chúng ta bước chân vào trại huấn luyện đầu tiên trong cuộc đời làm Huynh Trưởng: Trại Lộc Uyển. Anh chị em chúng ta, chắc hẳn đã tư duy ít nhất là 12 năm rồi, bây giờ chính là lúc cần khắc sâu để nhận lãnh sứ mệnh.
* Sứ mệnh phụng sự hòa bình:
Trong chương trình bậc Lực (năm thứ II) chúng ta đã có dịp đề cập đến “Phật Giáo với sứ mệnh hòa bình”. Bây giờ là lúc anh chị em chúng ta nhận lãnh sứ mệnh đó. Những năm đầu của thập niên 70 đã từng có những Thông Điệp Hòa Bình của Đức Tăng Thống GHPGVNTN trong những kỳ đại lễ Phật Đản. Cũng trong thời điểm đó phong trào đòi hỏi hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh bộc phát mạnh khắp nơi trên thế giới. Cho đến hôm nay, chiến tranh như đã dừng lại ở vùng Đông Nam Á thì lại trổi dậy ở vùng Trung Đông, và những vụ khủng bố lớn lao xảy ra trong nhiều nước từ Âu sang Á khởi đầu bằng vụ Bin Laden ở Mỹ. Cuộc chiến Iraq mới đây tuy đã chấm dứt trên các trận chiến tàn khốc thì lại thế chiến đột kích, du kích, gây thảm họa chết chóc hằng ngày. Các nước trên thế giới, nhất là những cường quốc đang phập phồng lo âu trước tình trạng đe dọa của chiến tranh hạt nhân… Hòa bình theo quan niệm của Phật Giáo, như chúng ta đã biết, không phải là một phong trào, một chiêu bài, một kế hoạch mà là một tâm niệm phát xuất từ trí tuệ và từ bi. Chúng ta đã khẳng định: Đạo Phật là đạo hòa bình vì đạo Phật tôn trọng sự sống của muôn loài trên hết. Nguồn gốc của chiến tranh, xét cho cùng tột là do tham, sân, si mà đạo Phật là đạo diệt tham, sân, si. Phong trào đòi hỏi hòa bình của Phật Giáo tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60 vào đầu thập niên 70 cũng đã có ảnh hưởng lớn, đã được các nước trên thế giới hưởng ứng và phong trào đó đã lan rộng khắp nhiều nước. Cuối cùng thì các phe lâm chiến cũng đã chịu ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp hòa bình. Nhưng đây chỉ là thứ hòa bình chủ nghĩa, chỉ có tính cách giai đoạn không phải là thứ hòa bình vĩnh cửu. Nên như đã nói trên, phong trào hòa bình cũng chỉ là giai đoạn. Vì vậy, hòa bình Phật Giáo không dừng ở dạng phong trào mà đã đạt thành SỨ MỆNH.
Ba mươi năm qua các nhà lãnh đạo tinh thần có uy tín, có năng lượng tâm linh tha thiết với nền hòa bình nhân loại đã không ngừng đeo đuổi sứ mệnh của mình, đã có kết quả bước đầu tuy nhỏ bé nhưng rất phấn khởi:
– Năm 1998, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ký quyết nghị A/RES/53/25 lấy năm 2000 làm “Năm Quốc Tế Của Sự Tu Tập Hòa Bình” (International Year For the Culture of Peace) và lấy thập niên 2001 – 2010 làm “Thập Niên Quốc Tế Xiển Dương Việc Tu Tập Bất Bạo Động Và Hòa Bình Để Làm Lợi Lạc Cho Tất Cả Trẻ Em Trên Thế Giới.” (International Decade For a Culture of Peace and Non Violence For the Children in the World).
– Tổ chức UNESCO (United Nations Educational, Scientific anh Cultural Organisation) tức là tổ chức Giáo Dục – Khoa Học Và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc xúc tiến tu tập, xiển dương chủ trương này.
– UNESCO đã ra tuyên cáo 2000 gồm 6 điểm rút từ nội dung 5 giới của Phật Giáo nhưng trình bày vắn tắt và tránh dùng từ ngữ Phật Giáo để đại đa số quần chúng trên thế giới thuộc nhiều truyền thống tâm linh khác nhau có thể hiểu và tiếp nhận một cách dễ dàng. Bản tuyên cáo này đã được hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới ký đồng tình (trong đó có Việt Nam).
– Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ Về Hòa Bình Thế Giới Của Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo Và Tâm Linh (The Millennium World Peace Summit of Religions and Spiritual Leaders) đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào những ngày cuối tháng 8 năm 2000, quy tụ đến cả 1.000 đại biểu, những vị lãnh đạo lớn của các tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Trong bài tựa của chương trình, ông Bawa Jain, Tổng Thư Ký của Hội Nghị Thượng Đỉnh có nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử 55 năm của tổ chức Liên Hiệp Quốc, những vị lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tập họp tại đây. Trong thời gian chúng ta đến với nhau sẽ tìm ra phương cách để các tổ chức tôn giáo và chính trị có thể hợp tác với nhau để bảo vệ nền hòa bình chung, lấy lại sự toàn vẹn môi sinh và chấm dứt sự tuyệt vọng của nghèo đói” (Vâng, ngày hôm nay nói đến hoà bình không phải chỉ đề cập đến vấn đề giải quyết chiến tranh mà còn phải đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề nghèo đói bệnh tật). Chủ đề được đặt ra cho hội nghị là “Từ đối thoại đến hành động” (From Dialogue to Action) và gồm 4 đề tài chính được thảo luận sôi nổi, rốt ráo suốt trong 4 ngày hội nghị là:
– Chuyển hóa xung đột (Conflict Transformation).
– Bao dung và hóa giải (Forgiveness and Reconeiliation).
– Xóa bỏ nghèo đói (The Elimination of Poverty).
– Bảo vệ và khôi phục môi sinh (Environmental Preservation and Restoration).
Chắc chắn anh chị em chúng ta không khỏi băn khoăn:
Vậy thì sứ mệnh bảo vệ hòa bình phải dành cho những chính trị gia lỗi lạc, những nhà lãnh đạo tôn giáo và tâm linh có tiếng tăm trên thế giới chứ đâu phải ở tầm tay thấp bé của chúng ta? Quan niệm như vậy là hạn hẹp rồi đấy. Bài diễn văn trong buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh này, ông Tổng Thư Kỳ Liên Hiệp Quốc đã nói: “… Chúng ta (Liên Hiệp Quốc) đã cố gắng thực hiện hòa bình trên trái đất này, nhưng chúng ta đã thất bại đau đớn. Trừ khi có cuộc phục hưng của tâm linh…”. Mà nói đến khả năng phục hưng tâm linh thì Phật Giáo là ưu việt và Phật Giáo chính là đạo hòa bình như chúng ta đã phân tích ở trên. Dĩ nhiên phải có sự chỉ đạo của Chư Tôn Túc, của những vị hướng dẫn tinh thần ưu tú, của những vị dồi dào năng lượng chuyển hóa, nhưng phải có lớp người hậu thuẫn, có lớp người hỗ trợ chứ? Lớp người đó là ai nếu không phải là những Phật Tử chân chính, trung kiên như chúng ta? Vậy sứ mệnh ấy há không phải chúng ta có phần chia sẽ gánh vác đó sao?
b) Trong vai trò phục vụ tổ chức: Ở lãnh vực này chúng ta thấy hai sứ mệnh rõ rệt là: Giáo dục và duy trì, phát triển tổ chức.
* Sứ mệnh giáo dục: Tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi đặt trên nền tảng Phật Giáo. Đó là một tổ chức giáo dục thì sứ mệnh của chúng ta phải khẳng định là sứ mệnh giáo dục. Giáo dục nhắm đến mục đích: “Đào luyện Thanh Thiếu Đồng Niên thành Phật Tử chân chánh. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Dạy cho các em một bài hát, bày cho các em một trò chơi, chỉ cho các em thắt một cái gút, dạy cho các em một bài giáo lý, hướng dẫn các em làm những việc thiện v.v… đều là giáo dục cả đấy. Những trò chơi, bài hát, cái gút, con chim giấy (thủ công)… đều là phương tiện chuyển tải giáo lý, đưa giáo lý đi vào tâm hồn các em, dựa theo tâm sinh lý lứa tuổi. Nhưng phải thấy cho được: rốt ráo, ta đào luyện các em trở thành con người như thế nào? (dĩ nhiên là người Phật Tử chân chính rồi, và người Phật Tử chân chính là người như thế nào thì tùy theo cấp độ, Huynh Trưởng chúng ta đã được giải thích rồi không phải là lúc dài dòng về từ ngữ ở đây nữa, mà chúng ta phải nêu những nét cụ thể của tác phẩm mà chúng ta đào tạo): Các em của chúng ta sau này phải là:
– Trong cuộc sống, nắm vững căn bản giáo lý, dựa theo giáo lý để thực tập, tu dưỡng chuyển hóa bản thân, phục vụ đạo pháp.
– Một thành viên tốt trong gia đình, biết xây dựng hạnh phúc gia đình đúng tinh thần Phật Giáo.
– Một công dân mẫu mực, luôn luôn trau dồi nghề nghiệp, đóng góp xây dựng làm phồn vinh cho đất nước; trau dồi Ngũ Minh Pháp, giúp ích cho xã hội; biết yêu thương quê hương dân tộc.
– Biết gìn giữ những di sản quý giá của cha ông; biết bảo tồn nền đạo đức văn hóa dân tộc, không vọng ngoại, không vọng bản.
Thực hiện cho được sứ mệnh này cũng là vô vàn khó khăn đấy phải không? Vì giáo dục còn do môi trường gia đình, học đường, xã hội. Mỗi tuần các em chỉ đến với Đoàn một buổi chiều chủ nhật thôi. Xã hội thì ra sao? Thực tế ta trông thấy hằng ngày, tin tức trên báo chí, trên đài truyền thanh truyền hình v.v… đã làm cho bậc Phụ Huynh nào cũng nớp nớp lo sợ, xì-ke ma túy, HIV, ẩu đã, cướp bóc xảy ra nhan nhãn, từ những vụ nhỏ ở phường, ở phố, ở tỉnh cho đến cả vụ có tầm cỡ quốc gia mà dính líu đến cả một số cán bộ cao cấp như vụ Năm Cam.
Gia đình thì may mắn hơn, phần đông các em được sinh trưởng trong gia đình nề nếp, các bậc Phụ Huynh phần đông cũng là Đạo Hữu thuần thành, nhưng không phải là 100%. Học đường? Cũng có đề cập đến vấn đề đạo đức nhưng dĩ nhiên việc truyền trao kiến thức văn hóa là chính. Tuy mấy năm sau này đã thấy trở lại câu cách ngôn ngày xưa ở trước cổng trường, ở hành lang: “Tiên học lễ – Hậu học văn” nhưng quý Thầy, Cô cũng khó khăn lắm, như anh em mình, vì vậy làm sao giáo viên có thể thường xuyên theo dõi học sinh mình để chăm sóc vấn đề đạo đức? Ra khỏi cổng trường là hết rồi! Thành tích đạo đức của học sinh được ghi trong học bạ cũng chỉ là đạo đức trong khuôn viên nhà trường thôi, còn ngoài đường, chưởi thề, đánh lộn, cờ bạc… thì ai biết được! Ngay chỉ việc giáo dục văn hóa thôi, lúc này các Thầy, Cô (và cả Phụ Huynh nữa) cũng nhọc nhằn vất vả lắm. Bây giờ là thời đại văn minh, những phương tiện giải trí cho các em càng nhiều nhưng hỗ trợ cho vấn đề giáo dục đạo đức thì ít mà đầu độc tinh thần các em thì đâu phải nhỏ! Trên TV thiếu gì những phim bạo lực, những phim xã hội đen, những phim tình cảm lăng nhăng không trong sáng, lối ăn mặc nhiều ca sĩ, diễn viên lại diêm dúa, hở hang. Nhạc thì lúc này hầu như phần lớn theo đòi Tây phương quay tít cuồng loạn, còn những nét nhạc, hồn nhạc dân tộc lại hiếm hoi(1). Ai có ít nhiều ưu tư cho thế hệ thanh niên Việt Nam ngày mai, ai có chút ít lo lắng cho tiền đồ dân tộc cũng phải giật mình, huống nữa là những người mang sứ mệnh giáo dục như chúng ta.
Cách đây 3 năm các nhà có trách nhiệm giáo dục thanh niên cũng đã đánh giá tình trạng đạo đức thanh niên càng ngày càng đi xuống. 3 năm trở lại đây (2003) thì có khá hơn tức là ở mức tụt dốc ấy chứ không tụt thêm nữa (ở mức ấy cũng đã nguy rồi, nếu tụt nữa thì lại tụt đến đâu?). Tưởng cũng cần dài dòng 1 chút ở vấn đề này để chúng ta có một nhận định rõ, để rồi mới thấy được phải làm gì trước sứ mệnh giáo dục của chúng ta. Trong 20 năm đất nước chia đôi, chiến tranh dai dẳng, tại miền Nam đã lấy Việt ngữ làm chủ yếu trong việc giảng dạy học tập từ trung học cho đến đại học nhưng chưa thoát khỏi cái vỏ vay mượn của thực dân Pháp. Hơn nữa, đã âm mưu lồng vào trong đó cái nhồi sọ từ chương khoa cử để lủng đoạn chí khí thanh niên. Miền Bắc thì đã thoát xác cái nền giáo dục nô dịch ấy và chủ trương nâng cao dân trí, nhưng khổ nổi tầng lớp trí thức trong xã hội lại bị dìm xuống. Tiếp theo là chiến tranh càng ngày càng leo thang, tất cả đều ưu tiên cho chiến trường, ngay cả chương trình học văn hóa cũng phải rút ngắn lại. Còn từ sau 1975 đến nay, nền giáo dục thật là bấp bênh, cứ sửa đổi cải cách, cải cách sửa đổi, xem như là để thử nghiệm(2). Ngay cả chương trình và thể thức truyền thụ lớp 1 thôi mà cũng đã thay đi đổi lại không biết bao nhiêu lần, đến nỗi Phụ Huynh không biết đường nào mà hướng dẫn cho con em ở nhà, bài vở thì quá tải, rồi cái nạn phải đi học thêm ngoài giờ chính khóa ở trường. Học sinh tiểu học mà phải đi học thêm cả ngày chủ nhật nữa chứ nói gì học sinh cấp 2, cấp 3. Thật là quá nhồi nhét và hình như chỉ là lo nhồi nhét kiến thức mà quên đi vấn đề giáo dục đạo đức!
Chúng ta không có tham vọng gì về việc góp ý xây dựng một nền giáo dục. Chính những bậc lão thành trong ngành giáo dục, những người trí thức tầm cỡ của quốc gia và có trách nhiệm liên đới đến văn hóa – giáo dục (như Hội Đồng Khoa Học Xã Hội Tp.HCM) đã từng phê phán, góp ý xây dựng cho việc phát triển văn hóa giáo dục và đào tạo từ tháng 2 năm 2001, nhưng lần cải cách này vẫn chưa thấy có gì cải tiến hơn.
Chất lượng văn hóa cũng mỗi ngày mỗi sút giảm nhưng rồi cứ chạy theo chỉ tiêu, chạy theo kế hoạch cho nên nói tắt lại, ở lớp 12 và nhất là tỷ lệ tốt nghiệp đại học chính quy còn quá thấp. Để giải quyết cấp thời tình trạng này, những đại học bán công đã có mở ra đấy mà chưa có cơ chế (2002). Vậy thì chúng ta đã thấy rõ rồi, vấn đề đạo đức của đàn em chúng ta, đặt tất cả vào tay chúng ta, nếu chúng ta không làm tròn sứ mệnh này là chúng ta có tội với Phụ Huynh của các em (vì đã tin tưởng tuyệt đối về tổ chức GĐPT)(3), có tội với các bậc tiền bối GĐPT và có tội với Giáo Hội đấy! (Có lẽ những người đang mang sứ mệnh giáo dục này phải ngồi lại một ngày rất gần đây, không nên để quá muộn, để chúng ta bàn thảo sâu hơn, tìm một phương thức khả thi đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về vấn đề giáo dục GĐPT trong giai đoạn cấp thiết này. Và chắc chắn cũng cấp thiết đối với GĐPTVN tại Hải Ngoại).
* Sứ mệnh duy trì và phát triển tổ chức:
Trong vai trò phục vụ tổ chức thì ắt hẳn không thể nào không nghĩ đến, không lo đến việc duy trì và phát triển tổ chức GĐPT. Không phải bây giờ GĐPTVN mới gặp khó khăn về mọi mặt, mà trong lịch sử GĐPTVN, chúng ta đã thấy thời kỳ hanh thông thì ít mà thời kỳ gặp sóng gió lại nhiều. Nhìn cho thật kỹ thì chẳng lúc nào là lúc không gặp sóng gió, chỉ có khác nhau về mức độ đó thôi, có lúc sóng gió đã trở thành bão táp (Nghiên cứu lại: Lược sử GĐPTVN, và: Những Huynh Trưởng, Đoàn Sinh hy sinh vì đạo pháp (chương trình Lộc Uyển).
Thời Pháp thuộc người ta đã quả quyết rằng: “Đó là một đoàn thể của Việt Minh, chúng cứng đầu lắm không ủng hộ ai cả”, có người lại bảo của chính phủ bù nhìn giả vờ trung lập để câu thanh niên…, thậm chí cũng có người bảo là của Tây và giải thích “Nếu không phải là của Tây thì làm sao hoạt động được trong vùng chiếm đóng”. Và bây giờ, ngay những năm sau hòa bình, vẫn có người ngây ngô, ấu trĩ, cho rằng đó là tổ chức liên quan đến “Ngụy quyền”, hoặc tráo trở hơn, có kẻ lại bảo “được bọn phản động nước ngoài tiếp tay”!
Ôi! không biết bao nhiêu chiếc mũ chụp lên đầu GĐPT không những đã làm cho GĐPT chịu điêu đứng, chịu khó khăn, có khi phải ngưng trệ, mà lại còn là những khổ lụy, hoạn nạn nguy khốn đến với Huynh Trưởng. Biết bao nhiêu người đã bị tù đày, có người đã bị thủ tiêu, có người đã hy sinh cho đạo pháp trong mùa Pháp Nạn 1963 – 1966. Từng lớp, từng lớp Huynh Trưởng vì sự tồn vong của GĐPT vẫn âm thầm nhẫn nại, kiên trì chịu đựng mà không biện bạch không phản đối oan ức… “Oan ức không cần biện bạch vì biện bạch là hèn nhát” (Luận Bảo Vương Tam Muội). Chính sự kiên trì ấy, chính sự hy sinh ấy, chịu đựng khổ nguy ấy mà tổ chức GĐPT duy trì và phát triển từ 60 năm nay. Ngay cả những giai đoạn cực kỳ khó khăn, tưởng chừng không có cách nào sinh hoạt được, thế mà vẫn duy trì dưới hình thức này hay hình thức khác. Cho đến ngày hôm nay dù đang trong cơn sóng gió vẫn phục hoạt mạnh mẽ. Trước năm 1975 trên toàn quốc chúng ta có trên 1.000 đơn vị GĐPT, hơn 10.000 Huynh Trưởng và vượt mức 100.000 Đoàn Sinh, thì đến nay ta cũng đã có được… đơn vị GĐ, … Huynh trưởng và… Đoàn Sinh (có một số tỉnh đang gặp nhiều chướng duyên chưa phục hồi mạnh mẽ). Đến hôm nay, nhìn lại tổ chức GĐPTVN, sự thật như thế nào? Trắng đen, xanh đỏ thì ai cũng đã rõ.
Sứ mệnh duy trì và phát triển GĐPT là thế đấy. Nhưng muốn phát triển thì trước hết phải vững mạnh. Mà có duy trì được thì mới nói đến chuyện vững mạnh chứ! Để duy trì thì trước hết phải có kỷ cương; phải thực hiện đúng Nội Quy; xây dựng, hun đúc đức tin cho Huynh Trưởng (tin Tam Bảo, tin tổ chức GĐPT và tin chính ở bản thân mình). Vấn đề chỉ đạo, phải tin ở Ban Hướng Dẫn Trung Ương duy nhất trên đất nước này, không thể có một Ban Hướng Dẫn nào khác có thể hình thành ngoài Nội Quy GĐPTVN; phải có lập trường vững chắc. Để vững mạnh thì phải đào luyện đội ngũ Huynh Trưởng; chú trọng thực chất tu học. Tác phong của Huynh Trưởng cũng là quyết định vấn đề mạnh yếu của đơn vị Gia Đình. Để phát triển, phải chú ý đến vấn đề huấn luyện. Các trại huấn luyện phải tổ chức nghiêm túc, phù hợp với tình hình và mục đích đào tạo của từng trại. Những người mang sứ mệnh duy trì phát triển tổ chức luôn luôn nghiên cứu kỹ tình hình từng địa phương, nguồn nhân sự (Huynh Trưởng tương lai), có phương án cụ thể, biết tùy nhân, tùy duyên và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhưng phải tuần tự, bình tĩnh, đừng nôn nóng. Chú trọng về phẩm hơn về lượng (một đơn vị mạnh không phải là có số lượng đông mà đủ, còn phải xem nề nếp sinh hoạt ra sao? Tác phong đạo đức của Huynh Trưởng và Đoàn Sinh như thế nào? Vấn đề tu học chuyển hóa bản thân Huynh Trưởng đến mức nào? v.v…).
Huynh Trưởng gánh vác sứ mệnh này mà thiếu nhẫn nại, thiếu sáng suốt, thiếu bình tĩnh, đức tin chưa vững mạnh, đức vô úy còn yếu, lòng quả cảm chưa cao thì khó mà hoàn thành được.
III. Để hoàn thành được sứ mệnh người Huynh Trưởng phải làm thế nào?
Tổ chức GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên – suy cho kỹ thì cũng giáo dục cho tuổi già nữa. Giáo dục của GĐPT rất đặc thù, chủ thể giáo dục cũng là khách thể. Người Huynh Trưởng đang làm nhiệm vụ giáo dục đàn em của mình thì chính mình cũng là người đang được giáo dục trong GĐPT. Để có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình thì trước hết người Huynh Trưởng luôn luôn phải rèn luyện khả năng chuyên môn, trau dồi tác phong, đạo hạnh, phải tinh tấn trong việc tu học. Có học phải có tu, tức là thực hành giáo lý đã học vào cuộc sống hằng ngày của mình. Biết tĩnh tâm, biết quán chiếu để được thanh thản, an lạc tăng trưởng trí tuệ và từ bi. Hằng ngày phải biết “Hồi quan phản tỉnh” nhìn kỹ lại mình, thấy cho được những cái tiến bộ để phát huy và cũng phải thấy cho rõ cái chưa tốt để chuyển hóa.
Trong gia đình riêng của mình thì chính mình là thành viên xây dựng hạnh phúc cho gia đình làm tròn trách nhiệm của người con, người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, biết Phật hóa gia đình.
Ngoài xã hội, là một công dân gương mẫu, luôn luôn rèn luyện nâng cao nghề nghiệp để góp phần trong sự phồn vinh của đất nước; trau dồi Ngũ Minh Pháp để phục vụ xã hội; vận dụng nhuần nhuyễn Tứ Nhiếp Pháp để cảm hóa mọi người.
Trong sứ mệnh giáo dục luôn luôn đặt trên nền tảng Bi – Trí – Dũng, phải biết trang bị cho các em lòng yêu thương quê hương dân tộc; huân tập cho các em tinh thần phụng sự đạo pháp và làm thế nào để các em có thể gắn chặt đời mình với tổ chức GĐPT. Tất cả những điều này không phải là có những bài học lý thuyết giấy trắng mực đen, mà lại được thổi lồng trong tất cả mỗi bài hát, mỗi trò chơi, mỗi mẫu chuyện và cả trong nhưng lúc tỉ tê trò chuyện với các em… Nói tóm lại, tất cả chúng ta phải giáo dục cho các em nhận chân đúng cái hay cái đẹp và có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, không đua đòi vọng ngoại. Nhưng trước mắt phải đào tạo các em thành những người có đạo đức, thứ đạo đức Phật Giáo.
Như đã phân tích ở trên, vấn đề giáo dục đạo đức cho các em là chính ở anh chị Trưởng chứ không thể ở đâu khác.
C. PHẦN KẾT:
Tư lương là đây, kiểm lại đi!
Nhưng tinh thần đã vững chãi chưa? Sự trung kiên, quả cảm, sức chịu đựng xông pha và đức vô úy đang ở mức độ nào? Nhìn lại thật kỹ đi để nhận lãnh sứ mệnh! Chuẩn bị lên đường!
———=oOo=———
Chú thích:
(1) Đó là chưa nói đến những cái lố bịch: Những lúc trên màn hình TV cũng có những nội dung tốt, kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng những người truyền đạt nội dụng ấy lại phục sức phản tác dụng. Ví dụ:
1. Ngày thứ 6 07/12/2001 trên kênh 7 Đài Truyền Hình Tp.HCM (HTV7) lúc 11 giờ có buổi ca nhạc do Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi tổ chức ủng hộ gây quỹ cứu trợ miền Tây, nhóm Nhạc Việt Q.1 có bài hát nội dung ca tụng chiếc áo dài Việt Nam, trong đó có câu “Áo dài vui, áo dài cười, áo dài đem hạnh phúc đến cho mọi người” nhưng người biểu diễn lại mặc áo dây (áo cánh), không những hở cả đôi cánh tay mà còn “khoe” cả vai, cả nách, cả ngực, và khi hát thì nhảy như điên!
2. Ngày 15/11/2001 cũng thông báo trên TV, Liên Hoan Ban Nhạc và Bạn Trẻ của Đài Truyền Hình Tp.HCM: Các ban nhạc trẻ đăng ký từ 15/11 đến 15/12/2001. Trong những điều kiện dự thi có điều kiện: Trang phục phù hợp với nội dung bản nhạc (dự thi) và thể hiện tính văn hóa. Nhưng phát ngôn viên đọc thông báo lại mặc chiếc áo dây để hở cả nách, cả vai, cả ngực!?
Những trường hợp này xảy ra thường xuyên trên màn ảnh truyền hình.
(2) Cuộc thảo luận của Quốc Hội ngày 14/11/2002 tiếp tục xoáy vào những vấn đề nóng, đặc biệt là chuyện giáo dục. Bài của nhóm phóng viên Hà Nội đăng tin trên báo Tuổi Trẻ thứ sáu 15/11/2002 có đoạn: Dân Biểu Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tp.HCM đã nói “Đầu tư hàng triệu USD cho dự án cải cách giáo dục nhưng tình hình ngày càng tệ, nếu không muốn nói là phản tác dụng”.
(3) Sự tin tưởng của Phụ Huynh đã đành, mà tầng lớp trí thức Phật Tử cũng đang nhìn thẳng vào và đặt cả kỳ vọng ở Gia Đình Phật Tử, chúng tôi xin trích ra đây một đoạn trong bài tham luận với nhan đề: “VÀI NÉT VỀ PHẬT GIÁO TÂY PHƯƠNG để suy nghĩ về MƯỜI VẤN ĐỀ CẤP THIẾT CỦA GHPGVN” của Hồng Quang (Phật Tử hải ngoại), có liên đới đến GĐPT, một cách khách quan để anh chị em Trại sinh thấy rõ (chỉ nói đến phần liên đới đến GĐPT mà thôi).
* Bài này Nguyên Từ viết cho tập tài liệu TRẠI VẠN HẠNH V. Xin được đăng lại, mong đón nhận tôn ý các anh chị Huynh Trưởng đàn anh lão thành và tất cả các Huynh Trưởng bốn phương để có được một tài liệu hoàn chỉnh trong tương lai.
NGUYÊN TỪ