“Thi vương” Thơ Say viết về Phật Đản – Pháp Nạn

Lịch sử luôn trao tận tay từng số phận thuận nghịch của duyên trần (biệt nghiệp) để từ đó hòa mình vào vận mạng chung của cộng nghiệp. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương là một trong rất nhiều thí dụ điển hình đó mà bài thơ Lửa Từ Bi là điểm son sáng chói nhất.

Bài thơ ấy đã  đốt cháy những trang sách ố vàng của định kiến hẹp hòi khiến bóng đen, mặt tối của những tư tưởng tù túng, của những ngòi bút cong  phài dần lùi xa, và cũng chính bài thơ làm nóng  nhiều thế hệ  văn đàn, để tất cả đều có chung cảm giác… ngơ ngác!

Vũ Hoàng Chương vốn từng có biệt danh Nhà Thơ Say mà! Say bất kể giờ giấc, ở đâu và trong trường hợp nào. Công thức hành say của nhà thơ này là 24/7/30. Đó không không phải là ngày tháng năm đâu, mà là say 24 giờ một ngày, uống 7 ngày trong tuần và uống 30 ngày trong một tháng! (theo: Bloger choichoi81-Tamtay.vn).

Về một mặt khác, chính sự kiện Pháp nạn 2507 đã kéo nhà thơ Vũ Hoàng Chương từ văn đàn xa xôi bay bổng bên bàn rượu về thâm nhập với thực tại bằng nỗi đau chung của Phật Giáo Việt Nam. Và khi đã hòa vào vận mệnh chung của Pháp Nạn thì tầm vóc thi ca của nhà thơ bổng rực sáng hơn nhờ vào tinh thần dấn thân vô úy đó, dù lúc nào bên mình cũng có bầu rượu cay đắng của thế nhân.

Các tác phẩm mang dấu ấn thời gian đó có thể tạm liệt kê sau: Thơ Say (1940), Mây (1943), Trương Chi, Vân Muội, Hồng Điệp (1944), Thơ Lừa (1948), Rừng Phong (1954), Hoa Đăng (1959), Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm (1970), Đời Vắng Em Rối Say với Ai (1971), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973) v.v… Như vậy Thơ Say đứng đầu và mở ra cho ông một nét chuyên biệt trong sự nghiệp thơ ca. Biệt danh Nhà Thơ Say từ đó được ra đời.

Ruợu và thơ luôn gắn liền nhau mà Lý Bạch xưa kia từng triết lý “Ba Chén Thông Đạo Lớn / Một Hồ Hợp Tự Nhiên”. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương của chúng ta cũng xác định “Em Ơi Lửa Tắt Bình Khô Rượu / Đời Vắng Em Rồi Say Với ai” (bài Đời Vắng Em Rồi). Đó là biệt nghiệp đời ông vậy.

Nhà thơ từng tốt nghiệp trường Albert Sarraut, từng theo học Đại Học Luật Hà Nội, từng theo học môn toán và từng đại diện văn đàn thi nhân Việt Nam dự các hội nghị, liên hoan nước ngoài nhiều lần. Điều này có nghĩa là ông thuộc giới Tây học theo cách gọi thời bấy giờ và có đầy đủ điều kiện thuận lợi để bước vào cuộc sống Tây như thói thường thời mất nước. Ông lại đi ngược con đường ồn ào đó để rồi rẽ ngoặc, dùng kiến thức ấy dàn trải những nỗi niềm nhân thế qua ngòi bút thơ ca.

Năm 1964 – Phật lịch 2508, Giáo Hội long trọng tổ chức kỷ niệm Đệ Nhất Chu Niên Pháp Nạn với nhiều chương trình có nội dung phong phú, và điểm nhấn chính là lễ đài Phật Đản hoành tráng nhất chưa từng có ở Bến Bạch Đằng – Sài Gòn. Sự kiện này nhà thơ say Vũ Hoàng Chương sau Lửa Từ Bi đã thả tâm tư mình vào sự kiện muôn thưở ấy bằng một bài thơ dài có tựa đề Trường Ca Ngày Phật Đản. Bài thơ này như một hồi ức toàn cảnh về những tháng ngày đau thương và kiên cường của Phật Giáo Việt Nam, trong đó còn có tám em Đoàn Sinh Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử của sự kiện Đài phát thanh Huế. Bài thơ cũng còn là một bài “Văn tế” cho thế lực u minh mà Bồ Tát Quảng Đức đã có lời phát nguyện dùng thân mình làm đuốc soi sáng (Xem nội dung toàn bài thơ >>> TRƯỜNG CA PHẬT ĐẢN).

Ngày Đệ Nhất Chu Niên Pháp Nạn ấy là cả một khoảng trời cao rộng cho hàng triệu tấm lòng người con Phật rủ bỏ bao phiền muộn để từ đó vươn lên kiến tạo thêm nhiều trang sử mới. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương tuy cũng chỉ là một chủng tử bên hàng triệu triệu chủng tử mang hạt giống từ bi khác, nhưng bằng thơ ca, ông đã tạo nên điểm nhấn cho từng thời, từng sự kiện khác nhau giữa thời thế và với Phật Giáo.

Vì vậy, trong những năm đất nước còn trong khói lửa chiến tranh và Phật Giáo vẫn còn phải đương đầu với nhiều nghịch duyên mới, mỗi mùa Phật Đản khi ấy với người con Phật luôn là dịp để gởi gắm những tâm tình của mình tung lên khắp ba cõi.

Phật Đản PL.2516 (1972), nhà thơ say Vũ Hoàng Chương đã gởi gắm những tâm tình đó trong bài thơ Mừng Phật Đản 2516 như sau:

Hoa Nghiêm chợt tỉnh kiếp nào xưa
Cho tấm lòng xuân đẹp mấy bờ
Chuông khánh Hàn San, đêm nhiệt đới
Thuyền vào… tay ngọc rắc như mưa
Cây bên sông đứng hai hàng chữ
In xuống thời gian nghĩa bất ngờ
Vành vạnh trăng lên từ đáy nước
Hải triều vang dội hướng mây đưa.
Mây phong nếp áo ngàn xưa
Mở tung hương sắc hội mưa hoa này
Tròn duyên Thiên Nữ chắp tay
Chúng sinh bao kiếp đọa đày sạch trơn.  

Năm 1976 nhà thơ say Vũ Hoàng Chương của chúng ta đã lặng lẽ từ giã thế gian này giữa lúc bộn bề lo toan cơm áo, bỏ lại sau lưng nhiều luyến tiếc, bởi nếu ông còn sống có lẽ hôm nay Kỷ Niệm 50 Năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam  có sự đóng góp tiếng nói của chính mình vào đại cuộc, để thế hệ Phật Tử kế thừa không ngỡ ngàng với một nhà thơ say mà sao mặn mòi đến Phật Giáo, đến Phật Đản hằng năm như vậy.

Bài viết này xin được kết thành một vòng hoa, thành kính tưởng niệm hương linh nhà thơ Vũ Hoàng Chương, hương linh nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam.

Những người làm văn hóa văn nghệ Phật Giáo khi sống biết làm “nóng” thi đàn, biết dậy màu hoa đạo nhưng khi ra đi lại lặng lẽ… không ngờ!

Thành kính!

Giác Đạo DƯƠNG KINH THÀNH

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.