Tiểu sử Thánh Tử Đạo Không Gian NGUYỄN THỊ VÂN

 

TIỂU SỬ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

KHÔNG GIAN – NGUYỄN THỊ VÂN

1949 – 1966

ĐOÀN SINH THIẾU NỮ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Thiếu Nữ Phật Tử Nguyễn Thị Vân, Pháp danh Không Gian, sinh ngày 12.4.1949 tại Thành Nội Huế. Thân sinh Nguyễn Thị Vân là Ông Nguyễn Văn Khả và Bà Nguyễn Thị Minh.

Năm 1956, Vân được thân sinh cho vào Gia Đình Phật Tử Thành Nội, sinh hoạt với Đoàn Oanh Vũ Nữ. Với bản tính hiền hòa dễ mến, siêng năng ngoan ngoãn, luôn vâng lời anh chị Trưởng, vì vậy Vân được anh chị và các bạn tặng danh hiệu “Đoàn Sinh Gương Mẫu”.

Năm lên 10, Vân được giữ chức vụ Đàn Phó, rồi lên Đàn Trưởng. Và đến năm 14 tuổi, Vân lên Thiếu Nữ. Vẫn đức tính đoan trang hiền dịu của một Thiếu Nữ xinh tươi, Vân đã tỏ ra xứng đáng là một Phật Tử ngoan đạo. Vào lúc này Vân đã dự các kỳ thi vượt bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện và Trung Thiện. Dù được trúng cách với số điểm khá cao, Vân không bao giờ tỏ ra kiêu hãnh tự cao; bao giờ Vân cũng cố gắng tìm tòi học hỏi thêm.

Khí thế tranh đấu năm 1966 sôi sục dâng cao, các vị chân tu nhiều người tự thiêu để phản đối. Tại Huế, ngày 26/5/1966 (9.4.ÂL), Ni Sư Thích Nữ Thanh Quang đã tự thiêu tại chùa Diệu Đế.

Ngày 12 tháng 4 âm lịch năm Bính Ngọ (31/5/1966) Nguyễn Thị Vân đã noi gương Ni Sư Thanh Quang tự thiêu để phản đối những áp bức, những bạo tàn, những đàn áp… vào lúc 3 giờ sáng, để lại cha già với đàn em còn thơ dại.

Vân ra đi đang giữa lúc tuổi đời đang còn nhiều mơ mộng, tương lai tươi sáng đang chờ đón Vân. Một mình thầm lặng điềm tọa trước hiên chùa Khuôn Giáo Hội Thành Nội, tự tay châm lửa thiêu thân, nhưng do thiếu xăng khiến nhục thể Vân không tiêu tan trọn vẹn… lửa đã tắt mà Vân chưa tắt thở với thân xác rươm rướm máu, miệng vẫn thầm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Can đảm hơn nữa, kiên hùng hơn nữa, khi Vân biết mình còn sống vì thiếu xăng, nên môi Vân mấp máy qua hơi thở đứt đoạn “Xin… quý… Ngài… cho… con… thêm xăng… để… con… thiêu… thân… cho tròn ý nguyện…”

Lúc này mọi người đã đổ xô đến. Bạn bè, thân thuộc, quý Thượng Tọa, ký giả báo chí đều có mặt nhưng không một ai đủ nghị lực để thỏa mãn lời yêu cầu của Vân. Thế là Vân được đưa vào bệnh viện Huế và… ý nguyện Vân đã thành! Vào lúc 7 giờ 30 phút, Vân đã vĩnh viễn ra đi, để lại sự tiếc thương cho bao nhiêu người mến Vân, thương Vân, và trong niềm xúc cảm chân thành đó, còn có một niềm hãnh diện.

Điều cần nhắc đến là trước khi tự thiêu, Vân đã để lại chiếc áo lam đồng phục với đầy đủ huy hiệu, cấp hiệu Gia Đình Phật Tử dưới chân cột cờ.

Về di ngôn để lại hiện có 2 luồng tài liệu không giống nhau:

1) Vân để lại 3 bức thư:
– 1 gởi thân quyến.
– 1 gởi chính quyền đương thời.
– 1 gởi Tổng Thống Hoa Kỳ.

2) Vân để lại 4 bức thư:
– 1 dâng lên Hòa Thượng Tăng Thống.
– 1 dâng lên Ngài Viện Trưởng Viện Hóa-Đạo.
– 1 gởi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
– 1 gởi Quốc Hội Mỹ.

— oOo —

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:

Chấp bút:

  • Sa Môn Thích Thiện Hoa – 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam (1920-1970).
  • Tài liệu huấn luyện Huynh Trưởng (Lộc Uyển) GĐPTVN.

Sưu tập – Hiệu chỉnh – Trình bày: Quảng Mẫn.

>>> Xem thêm: TIỂU SỬ CHƯ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

1 thoughts on “Tiểu sử Thánh Tử Đạo Không Gian NGUYỄN THỊ VÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.