I. VĂN :
Tự tin là tin ở chính mình. Tự tín là một đức tính không thể thiếu được, vì thiếu tự tín sẽ trở thành thiếu tự chủ, luôn ỷ lại, không biết vận dụng hiệu quả khả năng của tự thân để giải quyết và xây dựng bản thân. Vì vậy, thiếu tự tín sẽ đưa đến tự ti và hậu quả sẽ chuốc lấy nhiều sầu muộn.
Tự chủ là làm chủ được bản thân mình. Tuy chỉ nói gọn trong hai chữ Tự Chủ, nhưng làm chủ bản thân là điều tối cần thiết mà ai cũng ước mong đạt được. Tự chủ là tự mình thoát ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ nghiệt ngã nhất chính là những đục vọng của mình.
Do đó, một người tự chủ sẽ sống lợi ích cho bản thân và cho xã hội, sẽ vì hạnh phúc của xã hội (trong đó có hạnh phúc của bản thân) đập vỡ mọi trói buộc bên trong và bên ngoài.
Một học sinh tự chủ được các bạn yêu mến vì luôn luôn kềm chế mọi sự nóng giận của mình, luôn dịu dàng, kiên nhẫn với bạn bè, không ồn ào khoe khoang, thù vặt… Tất cả những đức tính có được là nhờ học sinh ấy có đức tự chủ. Một thầy giáo cô giáo, Huynh trưởng… có tự chủ không hề nóng giận, la mắng nạt nộ người dưới dù người ấy lỡ lầm, mà sẽ ôn hòa giảng dạy điều phải. Dù đời sống khó khăn, không trút hết giận hờn lên người dưới, dù của cải vật chất đem đến trước mặt để mua chuộc cũng không nao núng, không để vàng bạc mua được tư cách, danh dự mình.
Tất cả những người ấy đã tự chủ, đã chiến thắng sân si, tham lam của chính mình để giữ trọn lòng thanh bạch.
Một quốc gia tự chủ là tập hợp nhiều công dân tự chủ. Thực vậy, vì chính là sự đoàn kết của toàn dân, sự trong sạch của bộ máy hành chánh … mới là những đảm bảo bền vững nhất cho nền tự chủ của dân tộc. Sự mất đoàn kết dẫn đến cảnh ly tán là chuyện thường tình xảy ra.
Tinh thần khoa học là tinh thần yêu mến sự thật, sự chính xác. Không dễ cảm tình, sự mê tín dị đoan, những hủ tục … làm cho mờ sự phán đoán của mình. Người có tinh thần khoa học có cái nhìn trung thực và trong sáng không bị méo mó bởi bất cứ lý do nào. Tinh thần khoa học là kim chỉ nam hướng dẫn ta không lao vào tà kiến hay thiên vị lệch lạc… tránh các phiền não gây ra do thành kiến và thiếu hiểu biết. Có khoa học mới biết phân tích sự việc một cách có hệ thông để đặt lòng tin vững chắc.
II. TƯ :
Lòng tự tín tự chủ và tinh thẫn khoa học không thể thiếu ở một đoàn sinh GĐPT. Không tin ở người khác thì có thể sống được, chứ không tin ở mình thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghiã. Là Phật tử, phải làm chủ mình. Đức Phật dạy “Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” nên Phật tử phải làm chủ mình, chiến thắng mình hàng ngày từ từng lời nói ý nghĩ và hành động; phải luôn trau dồi trí tuệ để đánh giá sự việc một cách khá chính xác và khách quan.
Tu là sửa, từ những điều nghe và suy nghĩ ở trên dẫn em đến việc tự tu, tức là tự sửa mình. Gắng rèn luyện cho mình có những đức tính tự tín, tự chủ và có tinh thần khoa học. Muốn vậy, không được ỷ lại vào cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè… Phải luôn luôn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ và việc làm (nếu trong tập thể phải tuân thủ theo ý kiến của đa số). Em luôn luôn dùng lý trí để xét đoán sự việc, dùng công tâm để phê phán không thành kiến, không thiên vị, không theo đuôi.
Ngoại ra, phải luôn luôn trau dồi trí tuệ, tinh tấn làm các việc lành, tích cực diệt trừ tham sân si. Đó là ba thứ giặc đáng sợ nhất của tự tín, tự chủ và khoa học.
III. TU :
Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, hãy luôn nhớ lại những việc làm trong ngày, những lời đã nói trong ngày, rồi tự soi rọi lại mình. Mỗi sáng, trước khi ra khỏi phòng ngủ, tâm nguyện sống đúng tinh thần tự chủ, tự tín và khoa học mà đã được biết qua bài này. Em hãy tập hát bài hát:
“Mỗi sáng nghĩ điều lành,
Mỗi trưa làm việc lành,
Mỗi tối mộng điều lành,
Ta có một ngày vui,
Ta có một đời vui
Ta sẽ có Niết Bàn trong chính cuộc đời này,
Ta sẽ có Niết Bàn trong chính trái tìm ta”
IV. CÂU HỎI :
- Phân biệt tinh thần tự tín tự chủ và tự cao tự đại?
- Độc lập suy nghĩ có phải là không tuân theo kỷ luật không? Cho ví dụ?
- Trong giao tiếp hàng ngày em còn gặp những mê tín dị đoan nào? Kể những hậu quả tai hại của chúng?
————– oOo ————–
Nguồn: Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Sơ Thiện – BHD Trung Ương GĐPTVN tu chỉnh năm 2006.