TRƯƠNG VIÊN VÀ TÁC PHẨM BỨC TRANH NGHIÊNG
Khai bút đầu năm Kỹ Hợi – 2019.
Năm Mậu Tuất đã tàn, thiền viện tổng vệ sinh để mừng xuân Kỹ Hợi sang. Thầy Quản Chúng đưa tôi cuốn sách BỨC TRANH NGHIÊNG của Nguyên Dung TRƯƠNG VIÊN và nói tác giả đã tặng thầy.
Nghe tiếng Nguyên Dung thì cũng đã lâu, nhưng có lẽ gần nhau hơn là khi tôi điều hành cuộc lễ tấn phong thân phụ của anh là Huynh Trưởng Trương Quả lên hàng cấp Dũng GĐPTVN trên giường bệnh ở Bệnh Viện Đa Khoa Thừa Thiên; người Huynh Trưởng được Lam Viên GĐPT trong nước và trên thế giới kính yêu. Chắc có lẽ chúng tôi đều là Huynh Trưởng nên sự “cảm ứng đạo giao” thật “bất khả tư nghì”. Ở đó anh thấy rõ, tôi thấy rõ, mọi người cùng thấy rõ: Bối cảnh Việt Nam quê hương tôi đang chao nghiêng hơn lúc nào hết trong chiều dài lịch sử gần năm ngàn năm văn hiến.
Là Phật Tử nào ai không biết rõ: Cuộc đời là duyên hợp giả có, chấp cho là thật, nên trầm luân trong nghiệp thức nhân quả duyên sanh. Trên khuôn mặt, cái miệng, hàm răng, nụ cười duyên dáng, tiếng nói dịu hiền, ca hát thì luyến láy, thét gào thì quỷ khiếp thần kinh; những chiếc răng – nhất là ở “hàng tiền đạo” – sống thuận hòa với nhau che chắn bầu thịt xương chẳng chút thanh tịnh, chẳng chút thơm tho, biết đoàn kết, xấu che tốt khoe là biết tàm biết quý, là DỰNG LẠI BỨC TRANH ĐỜI KHÔNG ĐỂ CHAO NGHIÊNG.
Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, không sát hại mọi loài, không dập vùi cỏ cây, không đốt rừng, lấp suối là nét đẹp văn hóa nặng đức hiếu sinh, là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
Rừng là lá phổi của đất nước, rừng là đầu nguồn sự sống của muôn vạn sinh linh. Rừng là bài học sinh tồn bác ái xẻ chia để cùng tồn tại, không bao giờ sát hại, tiêu diệt lẫn nhau nên người tu thường vào rừng quán chiếu; kẻ hiền nhân, người chánh khí thường vào rừng để hàm dưỡng trui rèn. Kẻ hủy hoại rừng người ta bảo là “phá sơn lâm”, kẻ làm ô nhiễm nguồn nước sông biển người ta bảo là kẻ “đâm hà bá”, thân tâm tật bệnh, sự nghiệp tan tành. Bảo vệ rừng, bảo vệ biển là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
Là nhà ngôn ngữ học, Trương Viên trích văn thật nhẹ nhàng: ”Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời”…, “Đây giếng nước lũy tre, đây mái ấm trưa hè, mẹ ầu-ơ cánh võng, lời ru hòa tiếng ve”…, hay “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học”. Biết được nhiều ngoại ngữ là quý, nhưng nhớ đừng quên mất chữ nước nhà là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
Chiếc xe đạp, tà áo dài, chiếc nón bài bài thơ, mái tóc thề che tỏa bờ vai và che bớt một phần ngực mình với sự phụ trợ của chiếc cặp là nét đẹp kín đáo mang năng lực quyến rũ, khiến người khác phải ngắm nhìn đắm đuối. Ấy là nét đan thanh, xuyên qua cành lá, điểm xuyết ánh nắng bất kể sớm chiều của xứ Huế mộng mơ là dựng lại bức tranh đời mang chất Huế không để chao nghiêng.
Nhà giáo nhiều chất thơ đã vận dụng thể lục bát phá cách, dứt vần cách điệu một cách tài ba, khiến cho nàng đi xe đạp phía trước chùn chân để cho chàng tiến lên và… “bằng lòng em nói một lời, mĩm cười em để trọn đời tôi theo”, và đó cũng là cách dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
Nhận thức như thế, các thế hệ nhà giáo nơi đất Thần Kinh an trú trong cuộc sống thanh bần, cần cù cày xới mạnh đất Tâm trao truyền qua bao thế hệ, giữ cho Huế nét thanh tao là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng mà còn có thể tự hào.
Hiền lương là phẩm chất cao ngất trong tiêu chí làm người, nhất nghệ tinh – nhất thân vinh, giá trị tuyệt vời của sự cần lao mà anh rất đổi tự hào về giòng máu ngành nghề truyền thống đang tuôn trào trong trái tim anh; và nghề giáo là bàn tay nối dài để hoàn thành sứ mệnh khế lý hợp tình với tố chất trong anh. Và đó là cách dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng của riêng anh: “Bôn ba xuôi ngược muôn nơi, Hiền Lương đất tổ người ơi nhớ về”.
Trăng qua biểu tượng chị Hằng là cái đẹp dịu hiền khiêm hạ, luôn tùy thuận mon men theo thế nhân, nhưng chưa từng theo ai cả; và “Hương Sen” ngọt ngào lan tỏa, nhưng chưa từng áp đảo các mùi hương vị khác, mà vươn lên với phong cách tuyệt vời. Hãy xem sự phối trí giữa trăng-hương-nước, cảnh chưa từng che khuất nhau. Hãy như thế, là dựng nên bức tranh đời không để chao nghiêng.
Hãy giữ cho trái tim không bao giờ thương tật, luôn ảnh hiện trong nhau là bạn hiền, là thiện trí, là đi trong mưa sương, tuy không ướt áo nhưng ấm lạnh tự biết, khiến đôi tay biết ấp ủ cho nhau và vượt lên trên phiền não thương đau để dựng nên bức tranh đời không để chao nghiêng.
Ngài Quan Thế Âm còn có tên gọi là Quán Tự Tại, vượt qua không – thời, thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, tự tại vô ngại. Trước 1954, hình ảnh Ngài Quán Thế luôn ngồi trên tòa sen; sau 1954, Quan Thế Âm bước xuống tòa ra khỏi chùa, băng rừng lội suối, qua biển qua sông, khai triển ngàn mắt thấy khắp nhân gian, xử dụng ngàn tay cứu vớt giúp đỡ. Thờ kính lễ lạy Ngài là phát nguyện nhập triền, là làm việc thiện nguyện, là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
May mắn thay anh hữu duyên hành hương Sri Lanka cùng phái đoàn Hòa Thượng Thái Hòa, thăm cây Bồ-đề chiết từ cây chính ở Bồ Đề Đạo Tràng, và sau nầy từ Ấn Độ người ta qua đây chiết lại đem về Bồ Đề Đạo Tràng mà hiện tại đang còn, để gợi nhớ Bồ-đề ai cũng có, đó là bảo sở, là vô sư trí, là trí tự nhiên, là dựng lại bức tranh đời không để chao nghiêng.
Trương Viên có đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện, rõ xứng đáng đứng vào hàng Tam Hiền cần phát tâm hồi hướng thì ngã tướng tiêu trừ, là nhập vào hàng Thánh tuy còn năm bảy lần sanh, nhưng sẽ đến vô sanh, lúc ấy BỨC TRANH ĐỜI MIÊN VIỄN KHÔNG CHAO NGHIÊNG BỒ TÁT HÀNH Viên-Dung ơi!.
THẠNH KHÔNG