Bậc Trung Thiện: Tứ Diệu Đế

A. GIỚI THIỆU : Nguyên nhân và thời kỳ Phật giảng Tứ Diệu Đế lần đầu tiên.

Tứ Diệu Đế là thời Pháp thứ hai ( Thời A Hàm )  của Đức Thích Ca, sau khi Ngài thành đạo tại gốc cây Bồ Đề liền nghĩ đến đem giáo lý mà Ngài vừa chứng được ra truyền bá giác ngộ chúng sanh, nhưng giáo lý mà Ngài chứng thì quá cao siêu thâm diệu còn phần đông chúng sanh căn cơ thấp kém khó có thể giác ngộ nhanh như Ngài; nhưng không vì chúng sanh khó giáo hóa mà Ngài không làm tròn nhiệm vụ hóa độ.

Do đó, Ngài đã quyết định phải tuỳ duyên và phương tiện nói Pháp Tứ Diệu Đế là để chúng sanh dễ nhiếp thọ tu hành. Phật quán sát căn cơ của năm người bạn cùng tu với Ngài trước kia là : Kiều Trần Như, Thập Lịch, Bạc Đề, Ác Bệ và Mahanam Câu Ly có thể khai ngộ diệu Pháp, Đức Phật đi đến Vườn Lộc Uyển là nơi họ đang tu tập nói Pháp Tứ Diệu Đế.

Sau ba phen chuyển Pháp luân Tứ Diệu Đế ( Thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển ) đã phá vỡ được nghi hoặc và thành kiến mê lầm của năm vị này, do đó mà trí tuệ siêu thoát được xuất hiện và năm vị này chứng nhập quả vị La Hán. Kể từ đây danh nghĩa của đoàn thể tăng già được thành lập có đầy đủ ba ngôi báu : Phật – Pháp –  Tăng.

B. NỘI DUNG :

I. ĐỊNH NGHĨA:

– Tứ Diệu Đế là 4 chân lý của nhà Phật, còn gọi là Tứ Thánh đế, Tứ chân đế hay Tứ đế gồm có : Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Vì lý là chân chính nên gọi là Chân đế và là sở kiến của các bậc Thánh giả nên gọi là Thánh đế (*).

– Đế tiếng Palị là Satya; tiếng Phạn là Sacca; có nghĩa là chân thật không hư dối. Đây là 4 chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo chân thật không hư dối. Bốn chân lý nầy là chỗ thấy biết của bậc Thánh nên gọi là Tứ Thánh đế. Về mặt đại thể  Tứ Đế là sự quy nạp thuyết “ Thập nhị duyên khởi ” mà Phật giáo dùng để giải thích các hiện tượng trong vũ trụ, là đại cương của giáo nghĩa nguyên thủy. Tứ đế theo thứ lớp được gọi là Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế, hoặc là Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế, Khổ diệt đạo thánh đế hoặc Khổ đế, Khổ tập đế, khổ tận đế, Khổ xuất yếu đế hoặc Khổ thánh đế, Tập thánh đế, Chân thánh đế, Đạo thánh đế. Trong đó Khổ và Tập biểu thị cho Quả và Nhân trong thế giới mê vọng, còn Diệt và Đạo biểu thị cho  Quả và Nhân trong thế giới chứng ngộ. Tức Quả hữu lậu thế gian là Khổ đế, Nhân hữu lậu thế gian là Tập đế. Quả vô lậu xuất thế là Diệt đế, Nhân vô lậu xuất thế là Đạo đế (**).

II. HÀNH TƯỚNG CỦA TỨ ĐẾ :

1. Khổ Đế (Tiếng Palị là Duhkha-satya; tiếng Phạn là Duhkha-sacca) :

Chỉ chung cho trạng thái thân tâm bị bức bách khổ não, chỉ rõ mọi giả tướng của thế gian đều là khổ, và cuộc đời là một bể khổ mênh mông. Đây chính là chân đế về “ sinh tử quả thật là khổ ” là các sự thật Về các khổ hữu lậu trong 3 cõi.

a. Nhị khổ :

–   Nội khổ : khổ của thân tâm.

–   Ngọai khổ : Khổ do sự tác động từ bên ngoài như giặc cướp, chiến tranh, thiên tai.

b. Tam khổ : Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ.

–   Khổ khổ : Đối với cảnh bất như ý mà cảm thụ sự khổ.

–   Hoại khổ : Đối với sự tan vở, hủy hoại của cái mình yêu mến mà cảm thụ khổ.

–   Hành khổ : Thấy tất cả thế gian đều vô thường mà cảm thụ khổ.

c. Bát khổ : Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Ái biệt ly, Oán tăng hội, Cầu bất đắc và Ngũ ấm xí thạnh khổ.

d. Thập bát khổ : Lão, tử, ưu, bi, khổ, não, đại khổ tụ, vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh.

e. Tam khổ về thân và tâm :

–   Về thân : Lão, bệnh, tử.

–   Về tâm : Tham, sân, si.

Từ Sanh đến Oán tăng hội thuộc về Khổ khổ : là tự tướng của Khổ.

Ái biết ly, Cầu bất đắc thuộc Hoại khổ : là tự tướng của Hoại.

Tất cả những khổ thuộc về năm thủ uẩn thì thuộc hai vô thường: là tướng của Hành.

Từ sinh khổ đến cầu bất đắc khổ là khổ thuộc về Thế tục đế, vì đó là cảnh giới trí thế gian.

Tất cả các khổ thuộc về năm thủ uẩn là khổ thuộc về Thắng nghĩa đế.

2. Tập Đế ( Tiếng Palị là Samudaya-satyatiếng Phạn là Samudaya-ariya sacca ) :

Nguyên nhân sự khổ do tích luỹ từ nhiều đời, nhiều kiếp cũng có và mới tạo tác cũng có, các phiền não ẩn chứa tập họp lại từ nhiều kiếp thì gọi là Tập nhân phiền não. Đây chính là chân đế về sự sinh khởi và nguồn gốc của các khổ mà con người ở thế gian phải chịu.

Sự khổ đã không cùng thì nguyên nhân sinh khổ cũng vô tận. Phân tích và tổng hợp lại không ngoài mười nguyên nhân sau : Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.

Tính chất của các nguyên nhân : Mười nguyên nhân sinh khổ não còn có tên là mười kiết sử. Kiết có nghĩa là trói buộc; sử là sai khiến. Mười phiền não này ( kiết sử ) chúng có mãnh lực trói buộc loài hữu tình không cho thoát ra khỏi ba cõi và sai sử chúng sanh lăn trôi trong sinh tử luân hồi chịu trầm luân khổ ải. Kiết sử có thứ chậm lụt nhưng có gốc lớn sâu dày, khó tu sửa. Có thứ thì ở khơi khơi, thuộc phần ý thức. Thứ gốc rễ sâu dày gọi là độn sử, gồm năm kiết sử đầu. Thứ kiết sử ở phần động của ý thức nên nhanh nhẹn, nhưng nếu được người khai đạo thì nó tự tiêu trừ, gồm năm kiết sử sau, còn gọi là lợi sử.

 –  Mười kiết sử xuất hiện trong Tứ Đế thăng giáng ở ba cõi tạo thành 88 món kiến hoặc và 81 món tự hoặc.

–   Kiến hoặc là những nhận biết sai lầm ý thức, khi được khai phóng tức có thể xả ly đoạn diệt.

–   Tư hoặc thì phải đến bậc Tu Đạo, nghĩa là thứ lớp chứng đắc mới có thể chứng được.

3. Diệt Đế ( Tiếng Palị là Nirodha-satya :

Diệt là tịch diệt, xét rõ sự thật và đoạn trừ cội gốc các khổ cùng ái dục thì được khổ diệt, nhập vào cảnh giới Niết bàn ( diệt ở đây có nghĩa là diệt vô minh, dục vọng, phiền não. Khi diệt xong các loạn tặc ấy, chắc chánh hành giả sẽ vĩnh viễn ly sinh tử luân hồi, được tự tại an vui tịch lạc ). Diệt đế chính là chân đế về sự diệt tận Khổ vả Tập.

a. Thứ lớp đoạn hoặc : Tập nhân phiền não rất phức tạp, có thứ nông cạn dễ dứt trừ, có thứ sâu kín khó dứt. Do vậy có hai thứ lớp đoạn hoặc :

– Kiến đạo sở đoạn hoặc : những mê lầm thuộc 5 kiết sử đầu, khi hành giả tu tập thấy được Chánh Pháp ( ngộ đạo ) thì mới đoạn diệt được.

– Tu đạo sở đoạn hoặc : những mê lầm sâu kín ăn sâu vào gốc rễ của Tâm thức, biến thành thói quen như sự chấp ngã, sự say đắm nhục dục, tham, giận, kiêu mạn v.v… hành giả phải tinh tấn tu hành phát huy trí tuệ, xả ly tham ái thì mới đoạn trừ được 5 Kiết sử sau.

b. Các tầng bậc tu chứng : có bốn bậc tu chứng từ thấp đến cao như sau :

1b.- Tứ Gia Hạnh : Hành giả phải qua bốn gia hạnh sau mới đoạn trừ được 88 món kiến sử hoặc :

– “ Noãn vị ” : Noãn là hơi nóng; vị là địa vị. Người xưa muốn có lửa thì phải dùng hai thanh tre cọ sát cho có sức nóng thì lửa sẽ phát ra. Người tu đạo muốn có lửa trí tuệ cũng phải qua giai đoạn tạo ra hơi nóng. Tuy nhiên hơi nóng lửa trí tuệ chưa đốt cháy được củi phiền não; hành giả cần phải tu tập trải qua giai đoạn “ Noãn vị ”.

– “ Đảnh vị ” : Đảnh là chóp cao; vị là địa vị. Thấy biết được gốc của mê lầm, nhưng chưa giải trừ được. Người tu đã bước lên đến chóp đỉnh cao của mê lầm, nhưng chân chưa rời khỏi chóp núi mê lầm.

– “ Nhẫn vị ” : Các Pháp sanh diệt chạy nhảy lăng xăng, rất nhiều vi tế phiền não nổi lên nhưng ta đều kham nhẫn, giữ được tín tâm, không thối xuất. Trí giác ngộ gần sáng tỏ, tâm giữ được sự tĩnh lặng không dao động chao đảo mặc dù các Pháp ẩn lăng xăng nên gọi là nhẫn.

 “ Thế đệ nhất vị ” : Tu quả vị này là bậc cao quý nhất trong đời, là công phu rất to tát, chỉ còn phá bỏ phần kiến hoặc, cái lầm của Phi phi tưởng thì thoát khỏi Dục giới, được quả Tu Đà Hoàn, quả vị đầu tiên của Thanh Văn Thừa.

2b.-Tu Đà Hoàn : Hán dịch là dự lưu quả ( dự vào dòng Thánh ). Đã đoạn được “ kiến hoặc ”, không còn mê lầm, ý thức đã sáng suốt nhưng thất thức còn chấp ngã, nên phải qua bảy lần sanh lại Dục giới mới gọt sạch các kiết sử phiền não thầm kín, nằm nép trong tâm thức để chứng A La Hán quả.

3b.- Tư Đà Hàm : Hán dịch là Nhất lai, nghĩa là còn một phen sanh lại cõi Dục để tu hành và dứt cho sạch phần mê lầm để đoạn trừ “ tư hoặc ”, mới tiến đến bực A-la-hán.

4b.- A Na Hàm : Hán dịch là Bất Lai nghĩa là không còn sinh tại cõi Dục nữa, mà sinh về cõi trời Ngũ tịnh cư thuộc, tại đây phải tu luyện để dứt sạch “ vi tế hoặc ”mới chứng đắc A La Hán quả.

5b.- A La Hán : Đây là quả vị cao nhất trong hàng Thanh văn. Hán  dịch có ba nghĩa :

 Ứng cúng : Vị nầy có phước đức hoàn toàn, trí tuệ hơn cả, đáng làm phước điền cho chúng sanh cúng dường.

 Phá ác : Vị nầy đã phá tan những phiền não tội ác, không còn bị chúng khuấy phá sai sử trói buộc nữa.

 Bất sanh : Vị nầy không còn xoay vần trong sanh tử luân hồi, vì đã phá trừ được phiền não là yếu tố của sanh tử luân hồi.

A la hán có 2 bực ( tùy theo căn cơ chậm lụt ) :

– Bất hồi tâm độn A la Hán : là vị A la hán trầm không trệ tịch, tự thỏa chí vào địa vị đã chứng, chứ không phát tâm xoay về Đại thừa.

– Hồi tâm đại A la hán : là vị A la hán lợi căn, lợi trí, phát tâm xoay về Đại thừa rộng lớn chứ không tữ mãn ở địa vị đã chứng.

c. Giá trị của Tứ quả Thanh Văn :

Đây là kết quả của công phu tu tập mà quả vị chứng được do việc đoạn trừ mê lầm nhiều hay ít  ngay khi còn sống đã chứng đắc, chứ không phải chết mới chứng đạt. Như ở quả vị Tu Đà Hoàn thì gọi là “ kiến đạo sở đoạn ” nghĩa là ý thức đã đã tương đương với “ Huệ tâm sơ ”, sáng suốt, trực nhận đạo lý một cách rõ ràng. Còn các vị sau, thuộc về “ Tu đạo sở đoạn ”, nghĩa là sau khi gột rửa các chủng tử mê lầm ( tư hoặc ) của thức  A lại da mới chứng được. Tuy thế do sự dứt trừ phiền não sâu hay cạn, mà diệu dụng của mỗi quả vị khác nhau. Vì thế mà ngay ở địa vị “ Kiến đạo sở đoạn ” là đã thành tựu năm phép thần thông. Từ đây chỉ còn chứng Lậu tận thông nữa là vào A La Hán Quả.

4. Đạo Đế ( Tiếng Palị là Mãrga-satya ) :

Con đường chân thật đưa đến cảnh giới diệt khổ, tức là giáo thuyết lý luận và con đường tu tập để vượt qua sự quan hệ nhân quả thế gian “ khổ ”, “ tập ” mà đạt được Niết bàn tịch tĩnh xuất thế gian. Theo kinh A Hàm của Phật giáo Nguyên thủy, Đạo đế chính là  Bát Chánh đạo, nhưng theo Luận Đại Trì độ, luận Thành Thật và luận Tứ Đế thì cho rằng Đạo đế bao gồm 37 phẩm trợ đạo, tóm lược như sau :

a. Tứ niệm xứ :

Bốn lãnh vực quán niệm để nhìn thấy thật tướng của vạn Pháp :    

1. Quán thân bất tịnh.

2. Quán cảm thọ là khổ.

3. Quán tâm vô thường.

4. Quán Pháp vô ngã.

b. Tứ Chánh Cần :

Bốn điều chân chánh mà Phật tử phải siêng năng tu trì :

1. Dứt trừ các điều ác đã phát sinh.

2. Ngăn chặn các điều ác chưa phát sinh.

3. Phát triển những việc thiện đã làm.

4. Cố gắng làm thêm nhiều những việc thiện mới.

c. Tứ như ý túc :

1. Dục như ý túc.

2. Nhất tâm như ý túc.

3. Tinh tấn như ý túc.

4. Quán như ý túc.

d. Ngũ căn :

Năm đức tính căn bản Phật tử phải hành trì tu tập.

1. Tín căn.

2. Tấn căn

3. Niệm căn

4. Định căn

5. Tuệ căn

e. Ngũ lực :

Năm sức mạnh dùng để đối trị với tâm bất định, tâm tán loạn và bất chánh tri, tức sự hiểu biết không đúng chánh Pháp.

1. Tín lực : sức mạnh của đức tin

2. Tấn lực : sức mạnh của tinh tấn

3. Niệm lực : sức mạnh của quán niệm

4. Định lực : sức mạnh của Thiền Định

5. Tuệ lực : sức mạnh của trí tuệ.

f. Thất Bồ Đề phần :

Có sách gọi là Thất giác chi, tức bảy yếu tố giác ngộ.

1. Niệm : Quán niệm

2. Trạch Pháp : Chọn lựa Pháp môn – Quán chiếu vạn Pháp

3. Tinh tấn : Tinh cần, siêng năng, không giải đãi

4. Hỷ lạc : (Hỷ lạc xuất thế) vui vẻ và an lạc

5. Khinh an : Nhẹ nhàng an lạc

6. Định : Thiền định

7. Hành xả : buông bỏ những đối tượng ảo vọng không có thực thể, tức vô nguyên, vô tác.

g. Bát Chánh Đạo :

Con đường tu học chân chánh gồm tám yếu tố :

1. Chánh Kiến : Cái thấy biết chân chánh.

2. Chánh tư duy : Nếp tư duy chân chánh.

3. Chánh ngữ : Lời nói chân chánh.

4. Chánh nghiệp : Hành động, việc làm chân chánh có lợi cho mình và lợi ích cho chúng sanh.

5. Chánh mạng : Nghề nghiệp để sinh sống chánh đáng, lương thiện, không bạo tàn, hèn mạt.

6. Chánh tinh tấn : Chuyên cần trong nẻo chánh.

7. Chánh niệm : Nghĩ nhớ chân chánh để hành sử mọi lẽ và mọi việc lành đúng thiện Pháp.

8. Chánh định : Thiền định đúng chánh Pháp.

C. SUY NGHIỆM :

Với ba lần chuyển thời Tứ Đế :

1- Lần thứ nhất là : THỊ CHUYỂN :

–   Đây là sự khổ phải biết.

–   Đây là nguyên nhân khổ phải trừ.

–   Đây là đạo diệt khổ phải tu.

–   Đây là Niết Bàn phải chứng.

2- Lần thứ hai : KHUYẾN CHUYỂN :

–   Đây là sự khổ nên biết.

–   Đây là nguyên nhân sự khổ nên trừ.

–   Đây là đạo diệt khổ nên tu.

–   Đây là Niết Bàn nên chứng.

3- Lần thứ ba là : CHỨNG CHUYỂN :

–   Đây là sự khổ ta đã diệt.

–   Đây là nguyên nhân sự khổ ta đã trừ.

–   Đây là đạo diệt khổ ta đã tu.

–   Đây là Niết Bàn tịch diệt ta đã chứng.

Tứ Thánh Đế xứng đáng là thời sơ chuyển Pháp luân, vì :

–   Tứ Thánh Đế giải thích cặn kẽ chân thật tánh của các Pháp.

–   Những vấn đề nhân sinh vũ trụ đều được giải thích hết sức rõ ràng khoa học.

–   Lý luận khúc chiết, đường hướng tu tập rõ ràng, dễ nhớ dễ tu. Tiến trình tu tập từ thấp đến cao, dễ dàng áp dụng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Như vậy Tứ Thánh Đế là bài học căn bản mà bất cứ Phật Tử nào cũng phải chiêm nghiệm suy xét để thực hành trong đời sống hàng ngày. Có như vậy thì gọi là tu  để chuyển khổ đau thành an lạc, phiền não thành Bồ Đề.

D. ỨNG DỤNG VÀ TU TẬP :

Để ứng dụng cho bản thân các em vào trong cuộc sống, các em cần học cho thật kỷ, suy nghĩ cho chín chắn và nhất là các em cần phải kiên trì từng bước thực hành theo bài học có như vậy chúng ta mới bỏ ác theo thiện đúng như 5 điều luật của Gia Đình Phật Tử.

 Chú thích :

(*) Theo Tự điển Phật học Hán Việt của Phân viên Nghiên cứu Phật học – NXB. Khoa học xã hội Hà Nội xuất bản năm 1998.

(**) Theo Tự điển Phật học Huệ Quang – Tập 5  – Trang 4772- Nhà XB TP.HCM 2005

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.