Cháy chùa Hội Sơn (Tp.HCM-Việt Nam) hơn 300 năm tuổi

Ngọn lửa bùng lên dữ dội vào tối 17/7/2012 đã thiêu rụi toàn bộ chánh điện chùa Hội Sơn (TP HCM) khiến nhiều tượng phật gỗ hàng trăm năm tuổi, chuông đồng, các pháp khí, kinh kệ… bị cháy theo. Thầy trụ trì chùa đánh giá, thiệt hại từ vụ hỏa hoạn này là vô giá.

Đại đức Thích Thiện Hảo, trụ trì Chùa Hội Sơn (Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở đường Nguyễn Xiển (quận 9, TP HCM) cho biết, 21h30′ đêm 17/7/2012 bị mất điện. Gần một tiếng sau thì nghe nhiều người báo ngôi chánh điện phát hỏa.

Tuy nhiên, do chùa nằm trên đồi cao, lại mất điện nên việc chữa cháy tại chỗ khó khăn. Toàn bộ chánh điện rộng hơn 300m2 bằng gỗ bị lửa nhanh chóng bao trùm.

30 phút sau, 5 xe chữa cháy có mặt. Cảnh sát bơm nước từ sông Đồng Nai nằm sát chùa để dập lửa. Đám cháy được khống chế khi chưa kịp lan sang các khu nhà tổ, nhà khách nằm cạnh đó.

Chùa Hội Sơn tọa lạc trên ngọn đồi cao 15m so với mặt nước biển, do Thiền sư Khánh Long xây dựng vào thế kỷ 18. Trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm như: hoành phi của vua Khải Định tặng, bài vị, bàn thờ, tượng cổ… Năm 1993, chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Không có thiệt hại về người, song toàn bộ ngôi chánh điện bị đổ, hơn 30 tượng Phật lâu đời, 15 bàn thờ, hàng trăm bộ kinh kệ, thùng phước sương, nhiều pháp tự, pháp khí… bị thiêu rụi. Hàng trăm bộ hài cốt của Phật Tử cũng bị vùi lấp trong đống tro tàn. Theo Đại đức Thích Thiện Hảo, thiệt hại từ vụ hỏa hoạn này là vô giá.

Chùa cổ nằm ở vị trí đẹp, có cỏ cây, sông nước hữu tình nên hàng ngày đón rất đông Tăng Ni, Phật Tử và khách thập phương lui tới cúng viếng, hành hương. Sáng 18/7/2012, nhiều Phật Tử bàng hoàng khi thấy cảnh chánh điện của chùa bị cháy rụi.

Cơ quan chức năng đang điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

Thư Viện GĐPT Online biên tập theo nguồn tin từ vnexpress.net – hình ảnh của Cộng Tác Viên tại Saigon.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.