Phát hiện gây chấn động về nơi đản sanh Đức Phật

Nơi phát hiện ra cấu trúc gỗ cổ có niên đại từ thế kỷ 6 TCN

 

Ngày 26.11, tờ The New York Times đưa tin giới khảo cổ vừa khai quật một ngôi đền gỗ được cho là vị trí chính xác nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Ngôi đền được phát hiện ở trung tâm khu vực vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) thuộc Nepal.

Lâu nay, giới chuyên gia và các Phật Tử tin rằng Lâm Tỳ Ni là nơi Đức Phật ra đời nhưng chưa thể khẳng định vị trí chính xác.

Theo nhóm khảo cổ do Giáo sư Robin Coningham thuộc Đại học Durham (Anh) dẫn đầu, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngôi đền nói trên được xây để bảo vệ một cái cây cổ đại. Điều này phù hợp với mô tả trong kinh sách rằng Hoàng hậu Maya Devi hạ sinh thái tử Tất-Đạt-Đa dưới một gốc cây ở Lâm Tỳ Ni.

Bên cạnh đó, BBC dẫn lời Giáo sư Coningham cho biết niên đại của ngôi đền vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên và điều này có thể chứng tỏ Đức Phật sống trong giai đoạn sớm hơn khoảng 300 năm so với các ước đoán lâu nay. Ông cũng khẳng định ngôi đền là “di tích Phật Giáo cổ nhất từng được phát hiện từ trước đến nay”. Tuy còn phải được tiếp tục nghiên cứu thêm nhưng Bộ Trưởng Văn Hóa Nepal Ram Kumar Shrestha tuyên bố đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng và chính phủ sẽ “làm mọi cách để bảo tồn ngôi đền” – theo NBC News.

Minh Trung
27/11/2013

 

Phát hiện gây chấn động về Đức Phật

Dân Việt –  27/11/2013 13:06

 

Một cấu trúc gỗ cổ đại từ thế kỷ 6 TCN mới được khai quật ở chùa Maya Devi ở Lumbini Nepal đã hé lộ bằng chứng đầu tiên về thời gian Đức Phật ra đời.

Các nhà khoa học cho rằng, cấu trúc gỗ cổ mới được phát hiện này từ xa xưa thuộc về một ngôi đền được dựng lên, nơi được tin là mẹ của Đức Phật, Hoàng hậu Maya Devi đã sinh ra ngài.

“Rất ít thông tin được biết về cuộc đời của Đức Phật, ngoại trừ thông qua số ít các văn bản và qua truyền miệng. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chuỗi bằng chứng khảo cổ học tại vườn Lâm Tỳ Ni cho thấy một tòa nhà sớm nhất đã được dựng vào thế kỷ 6 TCN”, đồng tác giả Robin Coningham, một nhà khảo cổ học tại Đại Học Durham (Anh) cho biết.

Theo các tư liệu lịch sử, Đức Phật vốn là hoàng tử Siddhartha Gautama nhưng ngài luôn cảm thấy đau khổ về thế gian xung quanh. Sau nhiều năm tu khổ hạnh, cuối cùng ngài đã giác ngộ khi thiền định dưới gốc cây bồ đề.

Nhưng cho đến nay, rất ít tư liệu lịch sử về cuộc sống của Đức Phật được tìm thấy. Trước đó, một cột đá sa thạch có niên đại thế kỷ 3 trước công nguyên tại chùa Maya Devi được tìm thấy và tin rằng là nơi mẹ Đức Phật – Hoàng hậu Maya Devi – đã sinh ra Đức Phật trong khi nắm một cành cây trong vườn Lâm Tỳ Ni. Nhiều người tin rằng Đức Phật được xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 TCN.

Tuy nhiên, các sử gia cho rằng, Đức Phật xuất hiện sớm hơn. Điều đó đã thôi thúc các nhà khảo cổ học tiếp tục khai quật tại ngôi chùa cổ trên. Kết quả họ tìm thấy những tàn tích của một cấu trúc xây dựng bằng gỗ cổ xưa bị chôn vùi phía dưới một loạt các ngôi đền bằng gạch.

Phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu còn thấy có rễ cây tại giữa ngôi đền. Sử dụng phương pháp đo phóng xạ trong các khoáng chất và các chất đồng vị carbon từ than và cát của cấu trúc gỗ, nhóm nghiên cứu kết luận niên đại của nó có từ thế kỷ 6 TCN. Điều này khiến các nhà khoa học tin rằng Đức Phật ra đời từ thế kỷ 6 TCN chứ không phải là thế kỷ thứ 3 TCN như từ trước đến nay tất cả vẫn tưởng.

Phát hiện mới trên đã đem lại bằng chứng hé lộ thời gian chính xác Đức Phật sinh ra. Đồng thời nó cũng tiết lộ sự phát triển của Phật Giáo từ một giáo phái mang tính địa phương trở thành tôn giáo thế giới.


* Quan điểm & nhận định là của cá nhân tác giả và các tài liệu tác giả thu thập được – BBT thuviengdpt.info.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.