BA CÂU HỎI KHÓ
“Ba câu hỏi” là tên một truyện ngắn của Lev Tolstoy – nhà văn Nga – được xuất bản lần đầu vào năm 1885 trong tuyển tập “Con người sống bằng gì?” và các truyện khác. Câu chuyện được viết theo lối ngụ ngôn kể về một vị vua muốn tìm câu trả lời cho ba câu hỏi mà ông xem là quan trọng nhất trong cuộc đời.
Tác phẩm được Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Ba câu hỏi khó của nhà vua” trong phần “Ba câu trả lời mầu nhiệm” của cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức”.
Có một vị vua, một hôm chợt nghĩ rằng: Giá mà trả lời được ba câu hỏi quan trọng mà ông hằng băn khoăn thì ông sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:
- Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
- Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
- Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?
Nghĩ vậy vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó. Đã rất nhiều bậc hiền tài tìm đến thử sức nhưng không câu trả lời nào làm vua thỏa mãn. Vua quyết tâm đi tìm hỏi một vị Đạo Sĩ thông thái tu trên núi.
Nhà vua cải trang làm thường dân, khi đi đến chân núi vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình trèo lên am của ông đạo. Vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am. Ông đạo đã già, dáng vẻ tỏ ra mỏi mệt. Nhà vua tới gần ông đạo nói: “Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp ba câu hỏi: Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả? Và, công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước?”
Ông đạo lắng nghe nhưng không trả lời, vẫn tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói: “Ông đạo mệt lắm rồi, thôi để tôi cuốc một lát.” Cuốc xong hai vòng đất, vua ngừng tay và lặp lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời và lại đòi cuốc đất nhưng nhà vua thay vì trao cuốc, lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất.
Mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông đạo: “Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà.”
Chợt lúc đó, ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa!”
Đó là một người đàn ông đang bị thương nặng ở bụng. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động, miệng rên rỉ. Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo rồi đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy. Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống.
Khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự hỗ trợ của ông đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi.
Vua ngủ ngon đến nỗi khi thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng.
Người kia thấy vua tỉnh giấc thì cất giọng rất yếu: “Xin bệ hạ tha tội cho thần!” Vua đáp: “Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha?” Ông ta nói tiếp: “Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần đã oán thù bệ hạ từ lâu. Hôm nay quyết lên đây để giết bệ hạ; rình dưới núi mãi không thấy bệ hạ xuống, định mò lên núi tìm giết bệ hạ thì bị các vệ sĩ đâm trọng thương. Nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết. Hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống được thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời.”
Thấy tình cờ mình lại hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gửi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.
Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lập lại lần cuối ba câu hỏi của mình. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp:
“Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà. Hôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo.
Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hòa giải với ông ấy, cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất.
Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: Chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Còn công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.”