Cảnh báo Oanh Vũ GĐPT: Lồng đèn Trung Quốc và bánh Trung Thu nhiễm độc tố!

Tết Trung Thu sắp đến rồi, và lồng đèn trung thu cũng như bánh trung thu là 2 thứ mà hầu hết các đơn vị GĐPT dù khó khăn đến cỡ nào cũng đều phải cố gắng lo cho có cho các em của chúng ta. Đó là chưa nói đến những đơn vị còn có kế hoạch làm công tác xã hội, phát bánh, lồng đèn cho các em nhỏ nghèo trong cộng đồng. Thế nhưng cả 2 món “đặc sản Trung Thu” này hiện đang là con dao 2 lưỡi rất nguy hiểm! Thư Viện GĐPT Online cùng phụ trợ với anh chị em Huynh Trưởng một tay để lo tết Trung Thu cho các em được an lành nhé!

Trước hết xin chuyển đến các em Oanh Vũ mến thương, thứ nữa là quý anh chị Huynh Trưởng, đặc biệt là các anh chị Đoàn Trưởng, Đoàn Phó Oanh Vũ Nam, Oanh Vũ Nữ – riêng quý anh chị Ủy Viên Oanh Vũ Nam/Nữ của các cấp Ban Hướng Dẫn chúng tôi không dám nhắc ở đây vì chắc chắn các anh chị luôn lưu tâm và đã có văn thư cảnh báo rồi – những thông tin về sức khỏe:

1/ Lồng đèn nhựa Trung Quốc có độc tố gây ung thư!

Tin của MỸ DUNG – TTO

Kết quả phân tích mới nhất cho thấy mẫu lồng đèn nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất cadimi (Cd) cao hơn 123 lần mức cho phép. Cd có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi…

Đây là một trong ba kim loại (hai loại còn lại là chì và thủy ngân) độc hại nhất với cơ thể người.

Thật sặc sở, đẹp & bắt mắt! Loại nào không có chất độc nguy hiểm???

Độc tố cao gấp 123 lần mức cho phép

Để tìm hiểu độ an toàn của lồng đèn, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên hai chiếc lồng đèn nhìn khá đáng yêu, một mua ở siêu thị và một ở tiệm bán lồng đèn trên phố. Mẫu thứ nhất là một chú chuồn chuồn có đôi cánh màu xanh, điểm vài bông hoa màu xanh da trời với đôi mắt xanh biếc. Khi lắp pin vào, lồng đèn chuồn chuồn đưa đôi cánh lên xuống nhịp nhàng. Mẫu thứ hai là một lồng đèn nhựa hình con chim vừa biết vỗ cánh lại biết chạy nhảy tung tăng nếu lắp pin vào sử dụng. Đẹp, giá không rẻ (từ 65.000-75.000 đồng/chiếc), lại được ghi xuất xứ rõ ràng, có nhà nhập khẩu hẳn hoi… là những lý do khiến nhiều ông bố, bà mẹ vô tư “rinh” về nhà những chiếc lồng đèn nhựa như trên.

Hai mẫu lồng đèn này được đưa đến Viện Khoa Học Vật Liệu Ứng Dụng và Viện Công Nghệ Hóa Học kiểm tra. Theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần nhựa trong hai mẫu lồng đèn nói trên không độc hại. “Dù sản phẩm của hai nhà phân phối khác nhau, của hai địa chỉ sản xuất khác nhau nhưng đều có chung một nguyên liệu sản xuất là nhựa APS (nhựa tái chế) và PE” – TS Trần Ngọc Quyển, Phó trưởng phòng Vật Liệu – Hóa Dược Viện Khoa Học Vật Liệu Ứng Dụng, cho biết. Tuy nhiên, nhà phân phối chỉ ghi chung chung hoặc ghi không đúng thành phần như kết quả kiểm nghiệm. Lồng đèn con chuồn chuồn chỉ được ghi chung chung về thành phần là “nhựa”, còn lồng đèn con chim thì ghi sai thành phần gồm nhựa PP, PE mà không phải là APS và PE.

Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm nói trên ở mẫu lồng đèn con chuồn chuồn cho thấy hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Lượng Cd này gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa Học – Công Nghệ ban hành ngày 4-5-2011. Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung Tâm Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng 3 cho biết: “Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, nếu trên 7.000 là quá cao”.

Lồng đèn nhựa Trung Quốc tràn ngập đường phố – Ảnh: Nguyễn Khánh.

Gây ung thư, dị tật thai nhi…

TS Quyển cho biết Cd là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân). Cd gây ngộ độc do cạnh tranh với một số kim loại (canxi, kẽm, sắt…) là thành phần chính của nhiều vi chất và men sinh hóa có tác dụng sinh học trong cơ thể. Quá trình tranh chấp – trao đổi của Cd với các kim loại khác có thể gây đảo lộn nhiều quá trình sinh học trong cơ thể và là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thiếu máu và tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi (đối với phụ nữ có thai). Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho phép ngưỡng tối đa đối với người lớn là từ 20-40 microgram/ngày (lượng Cd trong nước uống, thực phẩm khoảng 10 microgram/ngày/người lớn), nhưng chỉ có 5-10% trong số đó thật sự vào cơ thể.

Nguy hiểm nhất của đồ chơi, lồng đèn nhiễm Cd với hàm lượng quá cao là Cd tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc. “Màu sắc trong mấy cái lồng đèn nhựa này rất dễ bong tróc, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm là trẻ dễ bị nhiễm Cd rồi. Nguy hiểm nhất là ở chỗ đó chứ không phải chỉ khi trẻ cắn, ngậm lồng đèn mới bị tác hại” – TS Quyển cảnh báo. Ngoài vấn đề có kim loại độc hại, các loại lồng đèn nhựa nói trên còn có cả pin, rất độc nếu trẻ nhỏ chơi, cắn, ngậm và nhựa cũng khó phân hủy, ảnh hưởng cho môi trường.

Mẫu lồng đèn này xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép – Ảnh: Mỹ Dung.

 

2/ Nguy cơ ăn bánh Trung Thu, “xơi” luôn hóa chất độc hại!

Theo Tri Thức Trẻ

Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi sắp tới một dịp lễ lớn nào đó là khu vực chợ Kim Biên và chợ Bình Tây (Quận 6, Tp.HCM) lại đông nghịt khách đổ về nhập hàng. Người đến đây chủ yếu là khách mua sỉ ở các tỉnh lân cận tới nhập nguyên liệu để “phù phép” bánh. Nếu như ngày trước để làm được một chiếc bánh trung thu, phải trả qua đủ các công đoạn như: lựa lá, lựa gạo, đỗ (đậu), gia vị… rồi ngâm, xay, lọc… Thế nhưng giờ đây, với sự trợ giúp của hóa chất phụ gia và nguyên liệu làm sẵn, công đoạn cho bánh ra lò đã trở nên vô cùng đơn giản.Theo “mách nước” của nhiều cửa hàng làm bánh trung thu tại Tp. HCM, nếu có nhu cầu làm bánh mùi thơm, màu đẹp thì có thể mua hóa chất tạo hương liệu tại chợ Kim Biên. Còn nếu muốn có nguyên liệu thơm ngon, để “cả tháng không hỏng” thì ra chợ Bình Tây. Có lẽ công đoạn phải tốn nhiều thời gian công sức nhất đó chính là việc đóng gói bao bì, vỏ bọc để làm sao tấm bánh phải bắt mắt nhất, “lộng lẫy” nhất.

Nhân bánh đóng gói nylon, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại chợ Bình Tây – Ảnh: Sa Châu

Tại chợ Bình Tây, sau một hồi hỏi thăm về nhân bánh trung thu, chúng tôi được chỉ đến khu vực bán mứt. Vì bánh trung thu là mặt hàng thời vụ nên những chủ sạp mứt chỉ nhập chủ yếu vào dịp này.

Tại sạp ở vị trí ngay đầu dãy hàng mứt, thấy chúng tôi hỏi về nhân bánh trung thu làm sẵn, bà chủ sạp chui vào trong quầy lục một hồi rồi mang ra hơn chục gói nhựa bên trong có chất lỏng sền sệt đủ màu xanh, vàng, tím, đen… giới thiệu là nhân bánh trung thu làm sẵn đủ loại hạt sen, đậu xanh, sầu riêng, khoai môn, lá dứa, trà xanh, cả các loại nhân cà phê, ca cao, mè đen…

Dù bà chủ khẳng định “là hàng công ty đàng hoàng”, thế nhưng tất cả nhãn mác đều được in rất sơ sài. Với một số nhãn có ghi số điện thoại thì khi gọi thử đều thuộc diện “không liên lạc được”. Còn lại hầu hết những gói ở đây đều in chữ: AB Mauri Vietnam cùng số điện thoại và số fax.

Ở góc bên phải có chữ: Sample for testing only (Mẫu dùng để kiểm nghiệm). Điều đáng nói là trên nhãn mác của những loại nhân bánh làm sẵn này đều không ghi thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Cũng tuyệt nhiên không có một dòng nào về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các sản phẩm này.

Những gói chủ sạp đưa cho chúng tôi được giới thiệu là “hàng mẫu”. Sau khi xem xong nếu đồng ý mua thì phải mua ít nhất 3kg/1 loại thì mới bán chứ không bán lẻ. Theo đó, có hai loại là “nhân thường” và “nhân ngon”, giá chênh nhau khoảng 5.000-10.000đ/kg (tùy loại). Nhân đậu xanh 50.000-55.000đ/kg, nhân hạt sen 80.000-85.000đ/kg.

Dù được giới thiệu với đủ loại sản phẩm như: nhân đậu xanh, khoai môn, ca cao, hạt sen, mè đen… thế nhưng tìm mãi chúng tôi cũng không thấy dấu vết của những loại thực phẩm trên. Tất cả chỉ có giống ở màu và mùi, 2 thứ dễ được phù phép bằng hóa chất công nghiệp nhất.

Nhân đậu xanh để làm bánh trung thu được mua tại chợ Bình Tây – Ảnh: Sa Châu

Cầm túi nhân bánh người bán hàng giới thiệu là nhân đậu xanh, nhìn kỹ thì đó là một thứ bột lỏng được xay nhuyễn, không thể nhận ra thành phần của nó gồm những gì. Dù là hàng mẫu, thế nhưng nhìn kỹ trong gói chất lỏng đó sẽ phát hiện ra một số tạp chất lấm tấm màu đen.

Hỏi người bán hàng thì nhận được câu trả lời một cách rất nhanh gọn: “Thành phần thế nào thì lên công ty mà hỏi. Cả nước ăn bánh trung thu đó đã có ai… chết đâu”.

Thấy có một bịch bị thủng chảy ra ngoài, chúng tôi đưa tay quệt thử, ngửi thấy mùi hương đậu xanh thoang thoảng. Nếm vào miệng có vị ngọt gắt. Thấy tôi nhăn mặt, bà chủ trấn an: “Chắc lúc vận chuyển bị thủng thôi. Loại này từ sáng đến giờ tôi bán được mấy trăm ký rồi”.

Chỉ vào mấy bịch nhân bánh, chủ cửa hàng cho biết: hiện nay nếu cứ nhập nguyên liệu thô rồi tự làm từ A đến Z thì chỉ có cầm chắc phần… lỗ. Tính ra một ký nhân bánh làm sẵn giá chỉ vài chục nghìn đồng lại đỡ được bao nhiêu là công đoạn. Thế nhưng nếu tự làm thì giá có thể gấp rưỡi, gấp đôi.

Sau một hồi trao đổi thân quen, bà chủ tiết lộ: “Thực ra ngay chính công ty sản xuất cũng phải tính toán. Thành phần chủ yếu là hương liệu hóa học và nhiều “chất độn” khác nữa, chứ cứ “ăn thật làm thật” thì không có cái giá mấy chục ngàn một ký thế này đâu. Mấy năm trước, thứ nguyên liệu này chỉ có Trung Quốc sản xuất, thế nhưng vài năm trở lại đây thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều có cả”.

Trao đổi với chúng tôi, BS Trần Văn Ký – Hội Khoa Học Kỹ Thuật An Toàn Thực Phẩm Việt Nam (Văn phòng phía Nam) đưa ra cảnh báo: “Hiện nay, nhân bánh làm sẵn đóng gói rất dễ bị hư nên cơ sở sản xuất thường cho vào nhiều phụ gia, hóa chất bảo quản. Ngoài ra vì hám lợi, nhiều cơ sở kinh doanh còn sử dụng các phụ gia thực phẩm độc hại đã bị cấm dùng trong thực phẩm.

Ngay cả với hóa chất thực phẩm nhưng nếu cho quá nhiều hay quá liều lượng thì độ độc hại cũng tương tự hóa chất công nghiệp. Người ăn bánh trung thu làm từ các loại nhân này, đặc biệt là trẻ em, sẽ có nguy cơ bị hóa chất làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa, thần kinh, gan thận… về lâu dài có thể dẫn đến ung thư”.

Những người có thẩm quyền, trách nhiệm nói gì?

Thư Viện GĐPT Online sẽ không cần đưa ra lời bình luận nào nữa! Chỉ xin chuyển tải thêm đến anh chị em một thông tin của PV. Trần Đại Nghĩa đăng trong bài “Hãi hùng nhân bánh Trung Thu làm sẵn” đăng trên VietNamNet:

TS. Nguyễn Đăng Diệp, Phó giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học Nông Nghiệp, nguyên Giám đốc Viện Dinh Dưỡng Quân Đội, lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi đưa cho ông xem 3 mẫu nhân bánh trung thu mua được từ chợ Bình Tây.

Theo ông, qua nhãn mác dán trên bao bì thì đây là mẫu dùng để kiểm nghiệm, chưa có được kết luận về an toàn thực phẩm, càng không được phép bày bán. Bằng con mắt nhà nghề, ông cho biết thêm bên trong chỉ là một hỗn hợp bột, phẩm màu và hương liệu, có thể chứa một số hóa chất bảo quản chống mốc. Những loại hóa chất này đều có độc tính rất cao, hấu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc và được bày bán công khai. Hiện chưa thể khẳng định xuất xứ của các loại nhân bánh bày bán ở chợ Bình Tây có nguồn gốc từ đâu…

…Với người tiêu dùng, TS. Diệp khuyến cáo: “Nên sử dụng những sản phẩm của các thương hiệu đã qua đăng ký, đã kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành”.

Dòng chữ trên những gói sản phẩm nhân bánh trung thu

Ông Hai Tánh, ngoài 70 tuổi, là thợ làm bánh Trung Thu cho hãng Thuận Xương trước năm 1975 hồi tưởng: “Ngày trước, chúng tôi làm bánh Trung Thu bằng phương pháp thủ công. Người thợ làm bánh phải hoàn thiện trước công đoạn làm nhân. Thị trường không hề bán nhân làm sẵn như bây giờ.

Sau khi bột đã nhồi xong, được ngắt ra từng viên nhỏ. Người thợ chỉ cần cho nhân vào bên trong lớp bột sau đó nhét vào khuôn gỗ vỗ ra thành chiếc bánh rồi đưa vào lò nướng đốt bằng than củi. Bây giờ, công nghệ làm bánh theo dây chuyền. Những hãng lớn thường cho ra lò những mẻ bánh với số lượng lớn”.

Dĩ nhiên, để bảo vệ thương hiệu, không ai dại gì dùng những loại hóa chất độc hại. Song, hiện một số lò bánh tư nhân nhỏ vẫn đang tồn tại trong các gia đình, khu dân cư mà không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Để đỡ công đoạn làm nhân, họ thường lấy nhân làm sẵn đem về chế biến ra bánh Trung Thu rồi giao cho các hàng quán bán lẻ. Vì lợi nhuận, có thể họ không biết hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ. Số bánh này được tiêu thụ nhiều nhất ở ngoại thành và các vùng nông thôn. Người mua chỉ cần nhắm vào giá rẻ, có biết đâu trong có chứa nhiều chất độc hại.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.