Chuyện một bài Học Thuộc Lòng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư

“Đi chợ tính tiền” là một bài ca dao lục bát. Bài đã được in làm bài “Học Thuộc Lòng” cho học sinh lớp “sơ đẳng” (tức lớp 3) trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư năm 1948. Bài thơ kể chuyện một người phụ nữ đi chợ về, phải trình bày minh bạch, rõ ràng việc chi tiêu với chồng.

Ngày xưa khi học bài này thầy giáo chỉ nêu đại ý như rứa, đồng thời nêu bật tính đảm đang, khéo vén của người phụ nữ xưa… sau đó yêu cầu học sinh học thuộc. Thầy không giảng về bài toán ẩn trong bài thơ, có lẽ vì thời thế đã khác (Khoảng năm 1958, chưa được vào trường công lập, người viết học với ông giáo ở khoảng giữa cầu An Cựu và lăng Vạn Vạn, không biết có phải là thân sinh của nhà văn Hải Triều không?) đồng tiền cũng đã đổi thay, hoặc giải bài toán chắc chi những học trò nhỏ hiểu được.

Đã hơn năm mươi năm, bây giờ người học trò xưa đang ngồi ôm tóc trắng… Một ngày mưa ngồi buồn chợt nhớ thầy đồ nơi xóm cũ ngày xưa chừ không còn, nhưng bài thơ vẫn còn đọng mãi trong đầu của bài Học Thuộc Lòng thuở ấy. Bèn tìm giấy giải thử…

Ngay câu thơ đầu tiên đã gặp ngay vấn nạn.”Một quan tiền tốt mang đi”.Một quan là bao nhiêu? Quan là đồng tiền cổ, nhưng những người muôn năm cũ giờ không còn, biết hỏi ai đây? Chợt nghe vang vang trong đầu một bài nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng:

Một quan là sáu trăm đồng.
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
(Thơ Nguyễn Bính).

Vận dụng cả 4 phép tính cộng trừ nhân chia, đảo xuôi ngược, lên xuống… mãi vẫn không đủ 600 đồng cho một quan tiền!

Lại phải đi tìm trong lịch sử. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng. Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình, thì năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt. Từ đó tiếp đến những triều đại sau đều theo.

Đơn vị để tính tiền xưa gồm có: quan, tiền, đồng. Mỗi quan có giá trị là 10 tiền, mỗi tiền bằng bao nhiêu đồng tùy theo quy định của mỗi thời đại. Theo sử sách giá trị đồng tiền các thời đại như sau:

1/ Năm 1225, vua Trần Thái Tông định phép dùng tiền, 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 70 đồng.
2/ Năm 1428, vua Lê Thái Tổ cho đúc tiền Thuận Thiên, 1 quan bằng 10 tiền. 1 tiền bằng 50 đồng.
3/ Năm 1439, vua Lê Thái Tông quy định 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng.

Như vậy 1 quan = 10 tiền = 600 đồng.

Từ đó các triều đại về sau, mỗi khi đúc một loại tiền mới đều theo tỷ lệ này, cho đến cuối triều Nguyễn năm 1945. Chỉ có tên đồng tiền là thay đổi theo tên hiệu.

Năm 1905, chính quyền bảo hộ Bắc Kỳ cho phát hành loại tiền đúc bằng hợp kim kẽm. Loại tiền này mặt trước in chữ Pháp, mặt sau ghi chữ Hán, có giá trị tương đương các loại tiền đồng như Gia Long Thông Bảo, Minh Mệnh Thông Bảo, Thiệu Trị Thông Bảo và Tự Đức Thông Bảo. Trong những đời vua sau của nhà Nguyễn còn có thêm hai đồng tiền khác là Khải Định Thông Bảo và Bảo Đại Thông Bảo, hai loại tiền này không đúc như những đồng tiền xưa mà được dập bằng máy dập nhập từ nước Pháp.

Đến đây chắc chắn là bài toán ẩn bên trong bài ca dao đã giải được. Ghi lại như sau, bên phải là các phép tính đã giải.

ĐI CHỢ TÍNH TIỀN

Một quan tiền tốt mang đi, 600
Nàng mua những gì chàng tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà, 3 x 60 = 180
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu. 60 + 30 + 3 = 93
Trở lại mua sáu đồng cau, = 6
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng. (1,5×60) + 10 = 100
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi. 60 + 30 + 6 = 96
Ba mươi đồng rượu chàng ơi, = 30
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng. 30 + 20 = 50
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi. 2 x 7 = 14
Hăm mốt (21) đồng bột nấu chè, = 21
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan. = 10

CỘNG = 600

Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bên dưới bài học thuộc lòng này có 3 từ giải nghĩa, ghi nguyên văn như sau:

GIẢI NGHĨA:

– Tiền tốt: tiền tiêu được.
– Vàng: đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi.
– Hồ nghi: ngờ vực, không biết rõ.

Những giải nghĩa này chỉ để giải thích cho lớp học trò tóc còn để chỏm, dễ hiểu, dễ nhớ. Đi chợ tất phải đem theo tiền, tiền phải có giá trị trong mua bán… là chuyện đương nhiên. Nhưng sao gọi là tiền tốt? Một bài ca dao được lưu truyền, được in trong sách giáo khoa từ lúc ra đời (Bản in đầu tiên năm 1927) đến lúc cải tiến thay đổi, không lẽ vì bí vần mà viết vụng thế sao? Thế là người viết đi tìm tiếp.

Có một giai thoại trong văn học về Bà Chúa Thơ Nôm. Chuyện kể rằng Hồ Xuân Hương thiếu tiền bèn hỏi mượn của Chiêu Hổ 5 quan để tiêu tạm. Chiêu Hổ gởi tiền đến, đếm hoài vẫn chỉ thấy có 3 quan. Nữ sĩ bèn làm bài thơ trách người cho mượn tiền:

Sao nói rằng năm chỉ có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

Chiêu Hổ bèn họa lại:

Rằng gián thì năm, quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Trong bài họa của Chiêu Hổ có chữ “gián” và chữ “quý”. Đây là cơ sở dẫn người viết đi tìm tiếp. Đã “có công tất chồng không phụ”, kết quả đã tìm được:

Khoảng thế kỷ XVIII, dưới triều vua Minh Mạng có hai loại tiền lưu hành. Đó là tiền Quý và tiền Gián, tỷ lệ như sau: 1 quan quý = 600 đồng. 1 quan gián chỉ bằng 360 đồng.

Khi hỏi mượn tiền, Hồ Xuân Hương chỉ nói mượn 5 quan, không nói là quan gì. Gặp lúc Chiêu Hổ chắc cũng đang thiếu nên chỉ cho mượn số tiền thấp xuống, nhưng vẫn đủ 5 quan:

– Quan quý: 3 x 600 =1800 đồng.
– 1800 : 360 = 5 quan gián.

Giá trị của các loại tiền xưa như thế nào? Đây là những số liệu về lương tiền dưới triều vua Minh Mạng:

– Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục (tức tiền áo quần).
– Quan Chánh Ngũ Phẩm, hàng Tri Phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.
– Lính, Thơ Lại, Phục Dịch… lương mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Đồng quan ngày xưa nó to thế. Chẳng trách người ta bỏ… quan ra để mua phẩm hàm, chức tước, để được làm quan! Chẳng trách người phụ nữ “thời xưa” quên cả thanh xuân, gác tạm những ẩn ức, dồn nén để một ngày chồng vinh quy về làng, cùng nhau… trãi trọn trong một đêm trăng! (tên khác của bài thơ trên là Trăng Sáng Vườn Chè).

Qua những số liệu vừa tìm được, ta có thể thấy rõ bài ca dao “Đi chợ tính tiền” xuất hiện sớm nhất phải từ thời Minh Mạng. Bởi từ lúc này mới có “Một quan tiền TỐT” mang đi. Tiền tốt chính là tiền quý, phân biệt với tiền gián có giá trị thấp hơn. Cũng thấy được, người phụ nữ trong một buổi chợ quê đã tiêu số tiền bằng lương tháng một người lính. Nhà nàng chắc phải có chuyện quan hôn, kỵ giỗ chi đây!

Thật thú vị, để giải bài toán ẩn bên trong bài ca dao, đã phải đi loanh quanh, lòng vòng. Gặp những bài thơ hay, giai thoại đẹp, biết thêm vài điều về lịch sử… Nếu không có internet chắc gì người viết đã giải được bài toán ẩn bên trong bài ca dao cổ? Chỉ nghĩ đến kho sách phải lục tìm, những thư viện phải đi đến… đã thấy “chồn chân chẳng muốn trèo”!

NGUYỄN VĂN CHO

(Xin cảm ơn CHT Hồ Thanh Danh đã chuyển bài – QM)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.