Điểm các sự kiện đặc biệt của thế giới năm 2011

Năm 2011 đã khép lại với những biến cố chưa từng chứng kiến trong lịch sử nhân loại: làn sóng biểu tình quy mô lớn và dữ dội tràn lan khắp các lục địa; một cơn địa chấn kèm sóng thần rung chuyển địa cầu, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất trong gần 30 năm qua; những thiên tai hung hãn và nghiệt ngã… những cuộc nội chiến, khủng bố, thảm sát đẩm máu… những biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội… để lại những tác động nghiêm trọng đến nhiều quốc gia cũng như làm thay đổi bàn cờ chính trị, kinh tế thế giới. Dưới đây là những sự kiện thế giới tiêu biểu và nổi bật nhất trong năm mà Thư Viện GĐPT Online chọn lọc lại từ nhiều nguồn bình chọn rất khác nhau như lệ thường vốn có trong lĩnh vực thông tin: 

1. Động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản:

Trưa ngày 11/3/2011, một cơn động đất mạnh 9 độ Richter thình lình tấn công miền đông bắc Nhật Bản. Khi dân chúng đang còn hoảng loạn chạy tìm đường thoát thân thì những cột nước đen ngòm sầm sập từ biển đổ vào, cuốn phăng người, nhà cửa, xe cộ, đường sá. Máy bay bị xô đẩy như những bao diêm, tàu thủy bay lên nóc nhà, lửa khói ngùn ngụt bốc lên từ các nhà máy. Sức hủy diệt của sóng thần trùm tấm chăn tan hoang lên ba tỉnh đông bắc Nhật. Hơn 20.000 người chết hoặc mất tích trong khoảnh khắc.

Cơn địa chấn mạnh nhất trong vòng một thế kỷ qua còn gây nổ tại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 1986. Nỗi lo vì phóng xạ nguyên tử còn dai dẳng và lan xa đến tận Tokyo và thậm chí các nước láng giềng. Sẽ phải mất đến 40 năm nữa để vô hiệu hóa hoàn toàn những nguy cơ chết người từ các lò phản ứng.

Các nhà khoa học tính toán rằng trận động đất mạnh nhất trong vòng 140 năm này kèm theo sóng thần đã dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản khoảng 2,4m và làm trục trái đất chệch đi ít nhất 8cm. Thảm họa kép trên khiến phát sinh tai ương rò rỉ phóng xạ và làm bùng phát cơn khủng hoảng nguyên tử lớn nhất kể từ thảm họa Chernobyl.

Xe hơi bị hất tung khi sóng thần tràn qua thành phố Miyako, tỉnh Iwate hôm 11/3/2011. Ảnh: AP.

2. Mùa xuân Arab:

Vụ tự thiêu của một thanh niên bán hàng rong tại Tunisia ngày 17/12 năm ngoái đã thổi bùng lên “Mùa xuân Arab” – làn sóng biểu tình và nổi dậy với mức độ và quy mô lớn chưa từng thấy. Người dân biểu tình để phản đối tình trạng tham nhũng, thất nghiệp, suy thoái kinh tế, vi phạm nhân quyền, giá lương thực tăng vọt và nghèo đói tràn lan. Biểu tình nhanh chóng lan sang Ai Cập, Libya, Bahrain Yemen, Jordan và nhiều nước khác. Nó cuốn phăng nhiều chính phủ lâu đời ở Trung Đông và Bắc Phi, dẫn đến cuộc chiến tranh khốc liệt, đưa nhiều chính phủ đến bên bờ vực của sự sụp đổ.

Mùa xuân Arab là sự kiện độc nhất vô nhị trong thế giới Arab. Nét đặc trưng của phong trào này là người dân sử dụng biện pháp chống đối dân sự – biểu tình, đình công, tuần hành và truyền thông xã hội – để tổ chức các hoạt động chống đối, liên lạc với nhau và thu hút sự chú ý của dư luận. Người sử dụng mạng xã hội đi tiên phong trong tất cả các diễn tiến của Mùa xuân.

Tawakel Karman, người được trao giải Nobel Hòa bình năm nay, là một trong những thủ lĩnh nổi bật trong phong trào Mùa xuân Arab. Danh hiệu “Nhân vật của năm” cũng dành cho người biểu tình. Mùa xuân Arab được dự đoán là sẽ còn duy trì ảnh hưởng lâu dài, lan sang các châu lục khác.

Hàng nghìn người tập trung tại quảng trường Tự do ở thủ đô Cairo của Ai Cập hôm 10/2/2011 để tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ. Ảnh: AFP.

3. Cuộc chiến Libya và cái chết thảm khốc của Gadhafi:

Được tiếp lửa từ Mùa xuân Arab, những cuộc biểu tình phản đối chế độ của đại tá Moammar Gadhafi nhanh chóng biến thành xung đột vũ trang với quân chính phủ, làm nhiều người thiệt mạng. Tòa án Công Lý Quốc Tế ra lệnh truy nã cha con Gadhafi, trong khi ông này thề quyết tử trên đất quê hương. Pháp, Anh, Mỹ tố cáo Tripoli tiêu diệt người biểu tình và với quyết nghị của Hội Đồng Bảo An liên Hiệp Quốc trong tay, liên quân NATO đêm 19/3/2011 khởi động những cuộc oanh kích ồ ạt nhằm tiêu diệt toàn bộ sức kháng cự phòng không cũng như quân lực của viên đại tá.

Thủ đô Tripoli thất thủ trước cuộc phản công của phe đối lập được NATO hậu thuẫn. Cuối tháng 10, ông Gadhafi bị bắt khi đang trên đường trốn khỏi thành phố quê nhà. Người đàn ông 69 tuổi này sau đó chết một cách bi thảm trong tay những thanh niên nổi dậy, và thi thể bị phơi ra cho những con mắt tò mò.

Biểu tình bạo động biến thành xung đột vũ trang tại Libya

Cuộc nổi dậy ở Libya được coi là triệt để nhất trong “Mùa xuân Arab” do toàn bộ chế độ cũ ở nước này cùng người lãnh đạo cấp cao nhất (ông Gadhafi) bị loại bỏ. Nhưng cái chết đó không ngay lập tức đưa đến ổn định và đoàn kết cho người Libya, họ sẽ còn phải vật lộn để khắc phục hậu quả cuộc chiến đẫm máu và hòa giải dân tộc. Cuộc chiến Libya cũng cho thấy sức mạnh chính trị và quân sự của phương Tây trong việc can dự vào những cuộc khủng hoảng.

Binh sĩ phe đối lập ở Libya bắn những quả tên lửa Grad tại mặt trận phía tây của thành phố Misrata hôm 20/6/2011. Ảnh: AP

4. Thảm sát tại Na Uy:

Trong khi các thế lực Hồi giáo nổi lên ở Trung Đông, Bắc Phi, thì bóng ma của tư tưởng bài Hồi và cực hữu đang tìm lại lý do tái xuất ở châu Âu. Na Uy, đất nước vốn nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và đa văn hóa, chấn động bởi vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ thế chiến II. Anders Behring Breivik, một kẻ cực hữu, đã đánh bom tòa nhà chính phủ ở Oslo và khi số thương vong không nhiều như ý muốn, y đến một nơi cắm trại của các thanh thiếu niên do Công Đảng cầm quyền tổ chức trên đảo Utoyea, xả đạn giết chết thêm gần 70 người. Y tỏ thái độ bình thản, và nói rằng việc đánh bom và bắn giết là cần thiết để phản đối đạo Hồi và xã hội đa văn hóa.

Cấp cứu nạn nhân vụ thảm sát đẫm máu

Con số 77 (có báo loan tin là 92) người chết và 115 người bị thương vì ý muốn điên rồ của một kẻ cực hữu chính là lời cảnh báo không chỉ với Na Uy mà cả châu Âu. Mối lo ngại này ngày càng gia tăng trong bối cảnh cuộc sống của người châu Âu bị phủ bóng đen bởi suy thoái kinh tế, thất nghiệp và khủng hoảng nợ công. Chủ nghĩa cực hữu sẽ là trọng tâm mới mà các cơ quan tình báo và an ninh trên khắp châu Âu phải quan tâm.

Cấp cứu nạn nhân vụ thảm sát

5. “Chiếm phố Wall” lan ra toàn cầu:

Sự ưu ái quá mức của chính phủ Mỹ đối với giới ngân hàng; tình trạng thất nghiệp dai dẳng… là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình mang tên “Chiếm Phố Wall”. Phong trào bắt đầu từ giữa tháng 9 tại thành phố New York, Hoa Kỳ với sự tham gia của những người thuộc 99% nghèo phản đối 1% quá giàu. Quy mô của cuộc biểu tình tăng lên rất nhanh chóng, phong trào lan rộng ra hàng trăm thành phố của Mỹ.

Một cuộc biểu tình của phong trào "Chiếm phố Wall"

“Chiếm phố Wall” New York đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình tại châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Vào thời điểm cao trào, các nhà tổ chức tuyên bố biểu tình sẽ nổ ra tại 951 thành phố thuộc 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh hưởng của “Chiếm phố Wall” bên ngoài nước Mỹ thể hiện rõ rệt nhất ở châu Âu, lục địa đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng.

Internet và các trang xã hội, cũng như trong Mùa xuân Arab, trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động tập hợp lực lượng của phong trào “Chiếm phố Wall”. Người ta đưa phong trào lên các mạng xã hội hàng đầu như Facebook, Twitter thu hút sự chú ý của dư luận. Hàng trăm trang web liên quan tới “Chiếm phố Wall” đã ra đời.

Hai người tham gia cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" diễn kịch tại quảng trường Duarte ở thành phố New York, Mỹ hôm 17/12/2011. Ảnh: AFP.

6. Thủ lĩnh khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt:

Gần ngày kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cả thế giới bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tin trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt. Y mất mạng trong một chiến dịch đặc biệt và cực kỳ bí mật do biệt kích Mỹ tiến hành trong lãnh thổ Pakistan. Hầu như tất cả báo chí thế giới ngày 1 và 2/5/2011 đều đăng trang nhất tin bin Laden bị tiêu diệt với các các phản ứng khác nhau. Sau gần một thập kỷ của cuộc chiến chống khủng bố, điệp vụ trừ khử Bin Laden mới hoàn thành.

Hình & tin trùm khủng bố Al-Qaeda bị tiêu diệt được đăng tải trên hầu hết báo chí thế giới

Mặc dù vậy, cái chết của Bin Laden không đương nhiên dẫn tới sự sụp đổ của Al-Qaeda hay tình trạng thoái trào của chủ nghĩa khủng bố. Ý thức hệ của Al-Qaeda không phải là một con người cụ thể, mà là một trường phái tư tưởng được nhiều người ủng hộ. Trên thực tế, việc truy lùng các thủ lĩnh khủng bố khác vẫn tiếp tục, và sự tan biến của y khỏi cõi đời cũng chưa thực sự dẫn đến sự chấm hết các cuộc khủng bố liên miên ở khắp các châu lục.

Tổng thống Hoa Kỳ và các nhân vật quan trọng tại Tòa Bạch Ốc theo dõi diễn tiến vây bắt Osama Bin Laden qua hệ thống GSM truyền trực tiếp từ vệ tinh

7. Bất ổn an ninh hàng hải & tranh chấp Biển Đông:

An ninh hàng hải trong năm 2011 đang là điểm nóng trên các bàn hội nghị bởi một loạt tranh chấp trên biển dẫn tới những đụng độ không đáng có giữa các tàu thuyền. Cụ thể là ở khu vực biển Đông, tàu đánh cá và tàu hải giám Trung Quốc đã có nhiều hành vi vi phạm chủ quyền biển, thậm chí là đe dọa tàu thuyền của một số quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines…

Tại eo biển Hormuz, nơi hải quân Iran tiến hành cuộc tập trận lớn, tàu sân bay của Mỹ cũng bị phát hiện là đi vào vùng biển Iran bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các vụ chìm tàu một cách bí ẩn cũng gây xôn xao dư luật mà mới đây nhất là vụ chìm tàu chở quặng Vinalines Queens trên vùng biển của Philippines.

Ngoài ra, trong năm 2011, về lĩnh vực quân sự, nhiều quốc gia cũng đã chú trọng hơn tới việc cung cấp trang thiết bị cho lực lượng hải quân. Điển hình là hợp đồng mua tàu ngầm của Philippines và việc Trung Quốc liên tục thực hiện 3 cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay đầu tiên của họ: chiếc Shi Lang.

Sau khi chính thức xác nhận việc nâng cấp tàu sân bay Shi Lang được mua từ Ukraina năm 1998, Trung Quốc hoàn tất việc hoán cải hàng không mẫu hạm đầu tiên vào tháng 8 và liên tục thực hiện 3 cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu chiến này. Trung Quốc cũng tích cực thử nghiệm J-20, máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5. Những hình ảnh chụp lại các chuyến bay thử nghiệm của J-20 liên tiếp được tung lên các trang mạng của Trung Quốc khiến dư luận hình dung một cách rõ ràng một trong những vũ khí chủ lực của cường quốc phương Đông này trong tương lai.

Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận gần bán đảo Sơn Đông. Ảnh: AP.

Việc Trung Quốc sắp đưa Shi Lang vào hoạt động thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Mỹ và Nhật Bản từng công khai yêu cầu Trung Quốc giải thích về mục đích sở hữu tàu sân bay này. Máy bay J-20 cũng là một đề tài được bàn tán nhiều trong năm 2011. Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc khiến các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ hay khối ASEAN quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động.

Biển Đông trở thành chủ đề nóng nhất trong Hội nghị của ASEAN và Đông Á, nơi có sự hiện diện lần đầu của Tổng thống Mỹ. Bất chấp sự không hài lòng của Trung Quốc, đại diện của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ và ASEAN đều đã đề cập việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trong các diễn đàn đa phương. Thành tựu đáng chú ý nhất trong nỗ lực lâu dài về Biển Đông là các bên đã ra được Bản hướng dẫn thực thi Tuyên Bố Về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (D.O.C) sau gần 9 năm. Những vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam và lực lượng của Philippines trên Biển Đông trong các tháng 3, 5 và 6 khiến khu vực này đột nhiên nóng trên báo chí quốc tế. Nhiều tuyên bố qua lại của các chính phủ, nhiều hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông, đến các thương vụ mua sắm khí tài hải quân, đã đưa khu vực này “vào radar quốc tế”, như lời đánh giá của một học giả của Việt Nam.

Việc Mỹ tuyên bố điều động 2.500 quân đến bắc Australia; Ấn Độ nhấn mạnh chiến lược hướng Đông; Nhật Bản ra nhiều tuyên bố quan tâm đến an ninh Biển Đông cũng như các động thái của những quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp, cho thấy vấn đề này đang ngày càng được quốc tế quan tâm hợp lý và theo hướng có lợi cho hòa bình ổn định khu vực.

Căng thẳng tranh chấp vùng Đông Hải

8. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời:

Bán đảo Triều Tiên – nơi còn tồn tại cuộc chiến tranh dai dẳng từ những năm 1950 – nay đang ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm và có thể sắp chuyển sang một giai đoạn mới. Bối cảnh này được tạo ra từ cái chết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Ông qua đời ngày 17/12 do đau tim.
Ông Kim Jong-il

Ông Kim lãnh đạo Triều Tiên 17 năm qua. Trong thời gian đó quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các láng giềng và phương Tây phần nhiều là căng thẳng bởi nước này phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, tập trung ưu tiên quân sự. Điểm sáng nhất trong các mối quan hệ chằng chéo ở bán đảo Triều Tiên là cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần thứ nhất năm 2000. Giờ, cả hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp đó đều đã sang thế giới bên kia.

Sự ra đi đột ngột của ông Kim gây nên những tác động đối với tình hình khu vực và thế giới. Đàm phán phi hạt nhân hóa đang dang dở. Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân và tiềm lực quân sự lớn, các cường quốc Mỹ, Nga, Trung và láng giềng Nhật, Hàn đều quan tâm sát sao đến các diễn biến trong quá trình chuyển giao quyền lực ở điểm nóng này.

9. Iran “bắt sống” máy bay do thám Mỹ:

“Quái vật Kandahar” RQ-170 Sentinel, chiếc máy bay thám thính không người lái bí mật nhất của quân đội Mỹ đã bị các kỹ sư Iran “lừa” và “bắt sống” hồi tháng 12. Chiến thuật này của quân đội Iran đã cho thấy những bước tiến vượt bậc về công nghệ điện tử của quốc gia Hồi giáo vốn đang phải chịu nhiều áp lực về cấm vận từ Liên Hiệp Quốc và các quốc gia phương Tây. Bất chấp những đe dọa từ Mỹ và các đồng minh, Iran vẫn khẳng định theo đuổi chương trình hạt nhân của mình mà theo họ là vì mục đích dân sự.

Với kế hoạch “đảo ngược công nghệ”, Iran đang hy vọng sẽ khám phá được hết các bí mật công nghệ trong chiếc máy bay do thám RQ-170 Sentinel và sản xuất những chiếc tương tự để đối phó với “chiến tranh do thám” mà Mỹ và Israel đang thực hiện nhằm vào quốc gia này.

Iran hy vọng sẽ khám phá được hết các bí mật công nghệ và sản xuất những chiếc tương tự

10. Khủng hoảng nợ công lan rộng tại châu Âu và Bắc Mỹ:

Năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp đã có những diễn biến ngày càng khó lường, đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung Châu Âu, khiến chính trường nhiều nước trong khu vực chao đảo và tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh vị thế đồng USD và euro ngày càng lung lay, nhiều nhà đầu tư đã coi vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Hệ quả là, giá kim loại hiếm này liên tục nhảy vọt. Từ khoảng 1.400 USD/ounce đầu năm lên tới 1.923 USD/ ounce trong tháng 9 – mức giá cao nhất mọi thời đại. Dù hiện tại, giá kim loại quý này đã lùi về quanh ngưỡng 1.700 USD/ ounce, tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kinh tế dự đoán, vàng có thể lên trên mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2012.

Khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) lan rộng làm nhiều chính phủ bị đổ và đẩy đồng Euro cận kề bờ vực sụp đổ. Mỹ đánh mất xếp hạng tín dụng cao nhất “AAA” cũng do nợ công vượt 100% GDP. Nhật Bản với mức nợ công vượt 200% GDP kèm triển vọng ảm đạm, để tuột vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khủng hoảng nợ công ở nhiều nước đe dọa kéo kinh tế thế giới vào vòng xoáy suy thoái mới.

11.  Mỹ triệt thoái quân đội, chấm dứt 10 năm tham chiến tại Iraq:

Quân đội Mỹ đã chính thức chấm dứt cuộc chiến tại Iraq vào ngày 15/12/2011 trong buổi lễ hạ cờ trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta tại Baghdad sau gần 10 năm cầm đầu chiến dịch lật đổ chính quyền Cố Tổng Thống Saddam Hussein gây nhiều tranh cãi.

Quân đội Mỹ làm lễ hạ kỳ

Cùng với quyết định chấm dứt sứ mệnh quân sự tại Iraq, Tổng thống Mỹ Barack khẳng định đã làm tròn trách nhiệm đối với cử tri với tuyên bố trong thời gian vận động tranh cử 2008 và khi lên cầm quyền năm 2009 rằng, ông sẽ tìm cách kết thúc sớm cuộc chiến tranh Iraq, đồng thời, coi đây là giây phút lịch sử mở đầu một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Iraq. Ông Obama cho hay, đã có hơn 1,5 triệu binh sĩ Mỹ phục vụ tại Iraq. Cuộc chiến “hao người tốn của” tại Iraq đã khiến hơn 30.000 người Mỹ bị thương và gần 4.500 người tử trận. Cuộc chiến này cũng tiêu tốn khoản ngân sách trị giá 1.000 tỷ USD của nước Mỹ. Về phía Iraq, đã có ít nhất 60.000 người thiệt mạng. Những người lính Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi quốc gia Trung Đông này trước ngày 31/12/2011.

Binh sĩ Mỹ trên đường hồi hương

12. Nga chính thức gia nhập W.T.O sau 18 năm đàm phán gay go:

Ngày 16/12/2011, Nga đã chính thức ký văn kiện tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO sau 18 năm ròng rã đàm phán. Việc Nga chính thức trở thành thành viên thứ 154 của WTO đã xóa bỏ một nghịch lý tồn tại từ lâu trong tổ chức này: Một nền kinh tế lớn trị giá hơn 1,9 nghìn tỉ USD, nằm trong nhóm G20, tập hợp 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh, một quốc gia có kho vũ khí lớn thứ hai thế giới nhưng lại phải đứng bên ngoài WTO!

Sự gia nhập WTO của Nga đã thiết lập một kỷ lục mới. Chưa một quốc gia nào có tiến trình gia nhập WTO lâu như “gã khổng lồ” này. Trước đây, quốc gia phải chờ lâu nhất là Trung Hoa cũng chỉ có 15 năm đàm phán. Tổng thống Nga Dimitry Medvedev tuyên bố, việc Nga gia nhập WTO là một sự kiện có lợi cho Nga và cho cả các đối tác thương mại tương lai của Nga. Tổng thống Nga cũng cho rằng, cần phải phát triển một hệ thống thương mại công bằng, hiệu quả và tăng cường các thể chế đa phương quốc tế. Ông Medvedev khẳng định, Nga sẵn sàng đóng góp với khả năng có thể vào công việc này.

13. Palestine trở thành Thành viên của UNESCO

Ngày 31-10-2011, Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Tổ Chức Giáo Dục – Khoa Học & Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) sau khi đạt được 107 phiếu thuận (14 phiếu chống và 52 phiếu trắng) trong cuộc bỏ phiếu tại khóa họp thường niên Đại hội đồng UNESCO ở Paris, Pháp. Đây là thành công hiếm hoi trong nỗ lực của Tổng thống Mahmoud Abbas và nhân dân Palestine về một Nhà nước Palestine độc lập. Trước đó, hồi tháng 9-2011, nhân kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông M. Abbas đã đệ đơn xin công nhận nhà nước Palestine, tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành hiện thực trong vài tháng sau đó.

14. Lá chắn tên lửa, lá chắn cách biệt Nga – Mỹ – NATO:

Khoảng thời gian “trăng mật” ngọt ngào trong quan hệ Nga-Mỹ đã dần biến mất, thay vào đó là những tranh cãi không dứt về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Chính quyền Moskva không ít lần thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng từ bỏ Hiệp ước START mới được Tổng thống hai nước ký kết hồi tháng 4 năm ngoái nếu Mỹ vẫn đơn phương thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, Nga và NATO cũng có những mâu thuẫn chưa thể giải quyết được xung quanh tấm lá chắn tên lửa của NATO. Tổng Thư ký NATO đã kêu gọi cả Nga và NATO xây dựng hai tấm lá chắn riêng biệt… Sự cách biệt trong nhận thức giữa Nga, Mỹ và NATO về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu có thể sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới và tạo nên những “lỗ hổng” trong nền an ninh thế giới.

15. Scandal bê bối tình dục của cựu Tổng Giám đốc I.M.F:

Khi chưa bị đẩy vào scandal này, ông Straussk-Kahn, cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (International Monetary Fund – IMF) đang là ứng cử viên số 1 của Đảng Xã Hội cho việc tranh cử Tổng thống Pháp và là người có uy tín lớn trong các kế hoạch của IMF nhằm giải cứu nền kinh tế thế giới cùng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Nhưng, chỉ trong vài phút, những vầng hào quang đó đã biến mất, thay vào là hình ảnh một chính trị gia lão luyện, nổi tiếng thế giới bị cảnh sát Mỹ còng tay và dẫn giải từ sân bay quốc tế về đồn cảnh sát. Bị chối từ đặc quyền của nhà ngoại giao quốc tế, ông Strauss-Kahn đã bị buộc ngồi tù vài ngày trước khi được phép bảo lãnh với số tiền bảo lãnh và bảo đảm trị giá tới 5 triệu USD.

Sau này, vụ kiện của ông bị bãi bỏ do nhân chứng và nạn nhân (cô hầu phòng đã tố cáo ông Strauss-Kahn lạm dụng tình dục trong một khách sạn tại New York) bị tuyên bố là nói dối, khai man, nhưng ông Strauss-Kahn, dù được trở về Pháp, được khẳng định trắng án, nhưng cũng tiêu tan sự nghiệp khi ông đã bỏ lỡ cơ hội tranh cử Tổng thống Pháp và mất luôn chiếc ghế đầy quyền lực ở IMF.

16. Dân số thế giới đạt mức 7 tỷ người:

Ngày 31/10, dân số thế giới đạt mức 7 tỷ với sự ra đời của một bé gái ở Philippines. Như vậy chỉ sau 12 năm, số người trên hành tinh tăng thêm một tỷ. Đây là niềm vui cho nhân loại bởi nó chứng tỏ rằng điều kiện y tế và chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện, và tuổi thọ trung bình của loài người ngày càng tăng. Dân đông thì lực lượng lao động cũng đông, tạo động lực cho kinh tế thế giới.

Bé Danica May Camacho ở Philippines, được xem là công dân thứ 7 tỷ của thế giới. Ảnh: Buzzhunt.com

Nhưng 7 tỷ người cũng là một gánh nặng gia tăng sức ép lên trái đất và môi trường sống của chúng ta. Người đông, xe đông, tiêu thụ tài nguyên nhiều, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cùng những vấn đề xã hội như thất nghiệp và tệ nạn gia tăng sẽ là những điểm xấu mà nhân loại phải đối mặt khi dân số tăng.

Đến nay, bà mẹ trái đất vẫn còn chịu đựng được 7 tỷ đứa con. Nhưng đến cuối thế kỷ này, dự báo sẽ có 10 tỷ người và khi đó trái đất sẽ phải phình to ra 2,8 lần so với hiện nay mới cáng đáng được sứ mệnh – và điều đó là viễn tưởng. Vì vậy vấn đề bảo tồn và xử dụng hiệu quả tài nguyên để cải thiện chất lượng cuộc sống đang được những người tiến bộ quan tâm hàng đầu.

Một cuộc hội họp mừng đón sự kiện ra đời công dân thứ 7 tỷ của thế giới

QuangMai – Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.