Con xin nguyện trọn đời giữ giới không sát sanh – nghĩa là con sẽ không tự mình giết người bằng mọi cách, không sai bảo kẻ khác giết người, không vui thích thấy nghe kẻ khác giết người, cho đến những con vật lớn, nhỏ con cũng không nhẫn tâm giết hại mà hằng bảo vệ sinh mạng tất cả chúng sinh.
(Giới thứ nhất trong Phật Giáo).
Một vụ giết người kỳ lạ
Câu chuyện này xảy ra năm 2014 tại một thành phố nhỏ Hafizabad, tỉnh Punjab bên nước Pakistan.
Có một cô gái 19 tuổi tên là Saba. Cô đã yêu một chàng trai. Hai người muốn thành vợ chồng, nhưng gia đình cô không bằng lòng. Tình yêu đã khiến cô bỏ nhà đến với chàng trai. Hai người tổ chức một đám cưới linh đình. Tất nhiên là gia đình cô, nhất là cha cô, mẹ cô và người chú không ai tham dự đám cưới đó.
Vài giờ sau, chiều đến, cha cô mới tới cùng với ông em (mà cô phải gọi bằng chú). Cha cô gọi con gái ra. Hai người thuyết phục được Saba lên xe của họ để nói chuyện.
Thế là một thảm cảnh bắt đầu!
Họ đưa cô đến bờ sông. Trước hết họ đánh đập cô vì đã không chịu nghe lời gia đình, cha mẹ, anh em, dòng họ mà nhất định lấy người bạn trai một dòng họ khác. Làm như vậy là cô đã đốn nhục gia phong, làm mất danh dự gia đình, một tội đáng chết.
Ông chú giữ chặt cô cháu để cha cô ta rút ra một khẩu súng, nhằm đầu con gái mà bóp cò! Saba ngã xuống, máu trên đầu chảy lênh láng. Hai anh em ông bỏ xác con gái vào một cái túi vải mang theo sẵn rồi ném xuống sông.
Không ngờ là cô Saba ngất đi nhưng vẫn còn sống. Lúc ấy, khi súng vừa nổ thì cô nghiêng mặt sang một bên, viên đạn xuyên qua bên trái khuôn mặt, nhưng không gây tử thương. Nước lạnh của dòng sông làm cô tỉnh lại. Cô bèn cố sức ngoi ra khỏi túi vải rồi bò vào bờ. Cô lảo đảo đi về một trạm xăng gần đó. Tại đây người ta giúp cô trở về nhà. Thế là mọi người đều biết chuyện này mà cha cô muốn dấu.
Cảnh sát đến nhà bắt người cha (tên là Maqsood) và ông chú (tên là Muhammad) mặc dầu cả hai kêu oan vì họ cho rằng, họ giết Saba là việc làm đúng.
Giết con gái mình mà cho là đúng?
Bởi vì ở xã hội Pakistan, người dân rất coi trọng danh dự gia đình. Con cái làm mất mặt người chủ gia đình, chạm đến danh dự người cha là một chuyện lớn, không tha thứ được. Nhiều khi đưa tới tử hình.
Một án mạng như vậy được người dân Pakistan gọi là “xử tử vì danh dự” (honor killing).
Kẻ giết người được tha bổng
Người ta đã tính cứ mỗi 90 phút, ở đâu đó trên thế giới lại có một cuộc “xử tử vì danh dự”. Phần lớn xảy ra trong những quốc gia theo đạo Islam. Chỉ riêng tại Pakistan, hằng năm có trên 1.000 vụ, trong đó kẻ giết người được tha bổng.
Maqsood ngồi trong tù, lớn tiếng nói: “Saba con tôi đã làm mất danh dự gia đình chúng tôi. Chẳng khác gì một khi anh nhỏ một giọt nước tiểu vào một bình sữa, cả bình đâu còn uống được nữa! Vì thế tôi quyết định: Thế là không được! Chính tôi phải giết nó”.
Maqsood kể lại, sau khi giết xong Saba, ông về nhà bảo vợ: “Tôi vừa giết con gái bà xong”; và ông ta kể tiếp: “Bà ấy khóc quá. Nhưng bà ấy làm gì được? Tôi là người chồng, chủ gia đình, bà ấy chỉ là vợ tôi thôi”.
Cô Saba tuy vẫn được cứu sống, nhưng bị rất nhiều áp lực từ họ hàng, cộng đồng nơi cô ở, là cô phải tha thứ cha và chú của cô. Ngay cả người anh cả trong gia đình chồng – người chủ gia đình bên chồng cô – cũng nói rằng cô nên tha thứ cho họ, để rồi tiếp tục sống, Ông nói: “Không có cách nào khác hơn. Chúng ta phải sống hòa bình trong cái cộng đồng nhỏ bé này”.
Cô Saba đành phải nghe lời mọi người. Thế là Maqsood và Muhammad được ra khỏi tù. Maqsood còn tỏ ra rất hãnh diện vì việc làm của mình. Ông ta nói: “Sau chuyện này, mọi người tỏ ra kính trọng tôi hơn. Tôi có thể nói là từ nay về sau, các con cháu thế hệ sau không người nào sẽ làm điếm nhục gia phong như con Saba đã làm. Chẳng những thế mà hai đứa con gái nhỏ của tôi đã được nhiều người xin cưới hỏi cho con trai họ, bởi vì họ đã kính trọng tôi hơn vì việc tôi đã làm”.
Người ta đã thấy mỗi năm có cả trăm, nếu không muốn nói cả ngàn phụ nữ đã bị “xử tử vì danh dự” bởi chính tay gia đình họ. Hiện nay rất khó có những thống kê chính xác số “xử tử vì danh dự” bởi vì nạn nhân nhiều khi không nói ra, kẻ sát nhân không bị tù tội và quan niệm “danh dự gia đình” trong nhiều quốc gia, dân tộc được đề cao. Những quốc gia, dân tộc này phần lớn là những nước theo đạo Islam như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Egypt, Morocco, Jordan, Turkey…
Một cái nhìn khác…
“Xử tử vì danh dự” tại những nơi theo đạo Islam được chú ý đến vì lý do tín ngưỡng; nhưng nhiều người cho rằng vấn đề này thực ra bắt nguồn từ (do đó phải được xem như) một nan đề rộng lớn hơn: “Không tôn trọng phụ nữ“. Nhiều nơi, phụ nữ bị coi là một tài sản riêng của người đàn ông.
Thí dụ như tại Ấn Độ, hằng năm có tới 5.000 cô dâu về nhà chồng đã chết chỉ vì của hồi môn bị coi là không đủ. Nhiều phụ nữ cùng trong một đại gia đình (mẹ, con gái, con dâu, chị em họ…) lại là những kẻ đồng lõa với người nam, coi đàn bà con gái về nhà chồng là một thứ tài sản riêng của chồng. Bởi vậy giải quyết vấn đề bất công đối với đàn bà là chuyện của gia đình, không phải là một vấn đề pháp lý hay xã hội! Người đàn ông – với tư cách là sở hữu chủ – có quyền định đoạt số phận người đàn bà, có thể đem đi mua, bán hay đổi chác! Một người đàn bà không trung thành với chồng, hoặc đã tằng tịu với người đàn ông khác trước khi lấy chồng, hoặc thấy có tình ý với người khác, kể cả việc không kịp dọn cơm cho chồng đúng giờ, có thể bị coi là làm mất danh dự của chồng, mà hậu quả không lường trước được.
Trong những năm thập niên 1970, Pakistan bắt dầu cho áp dụng Luật Hồi Giáo Sharia. Trong luật Sharia người ta đưa vào quan niệm“Tha thứ và đền bù”. Theo luật Sharia, nạn nhân có thể tha thứ kẻ là đã làm hại mình; đổi lại là được đền bù bằng hiện kim. Nếu nạn nhân qua đời vì kẻ sát nhân, gia đình nạn nhân có “quyền” tha thứ kẻ gây tội để được đền bù bằng hiện kim.
Quan niệm này của Luật Hồi Giáo Sharia đã khiến cho kẻ gây tội không bị trừng phạt; chính quyền không được can thiệp. Thành ra mọi quyết định nằm trong tay gia đình nạn nhân. Chuyện tréo cẳng ngỗng là khi kẻ gây tội (giết người) lại là người nhà nạn nhân (như trường hợp cô Saba), thì người trong gia đình có thể “tha thứ” và mọi chuyện êm ru như không có gì xảy ra. Đáng sợ hơn, là khi có người phụ nữ bị nghi hay bị vu cáo có tình ý với người khác. Điều đó có nghĩa là cô ta có thể bị giết “nhân danh danh dự” gia đình, để rồi kẻ giết người được tha thứ!
Năm 2004, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharraf ban hành đạo Luật Hình Sự (bổ túc). Đạo luật này không những làm chặt chẽ thêm sự trừng phạt “kẻ sát nhân vì danh dự”, mà còn thêm án tử hình cho kẻ sát nhân nữa.
Thêm vào đó, tháng trước, Tối Cao Pháp Viện Pakistan còn cho phép người phụ nữ Pakistan được lập gia đình không cần phải được bố mẹ cho phép. Hai quyết nghị trên là hai đạo luật tiến bộ rất quan trọng mà mọi người dân Pakistan chờ đợi từ lâu.
Ấy thế mà hai đạo luật này không sao lấp được cái lỗ hổng gây ra bởi Luật Hồi Giáo Sharia: Tha thứ và đền bù. Phải chờ đến năm 2014, Thượng Nghị Sĩ Sughra Imam đưa ra dự luật “Anti Honnor Killing” (Chống Tử Hình Vì Danh Dự) cốt bảo vệ nạn nhân bị xử từ vì danh dự bằng cách định nghĩa tội ác tử hình vì danh dự thành một “tội ác không thể điều đình được”, do đó không thể tha thứ được.
Dự luật này được Thượng Viện chấp thuận, nhưng khi xuống đến Hạ Viện, dự luật bị “ngâm tôm” một chỗ. Cho đến nay dự luật này vẫn chưa thành luật.
Vì vậy, cho nên năm 2014, một người đàn bà Pakistan đã bị giết rất dã man giữa ban ngày ngay trước Tối Cao Pháp Viện ở thành phố Lahore. Dân chúng tỏ ra hết sức bất bình trước thái độ yếu hèn của chính quyền trước những tội ác tày trời như vậy.
Người đàn bà nạn nhận – cô Farzana Parveen – đang có thai, đã bị cả chục thành viên trong gia đình cô – kể cả người cha và anh em cô – ném đá cho đến chết chỉ vì cô đã thành hôn với một người đàn ông không được gia đình cô chấp nhận. Vụ giết người này trở thành lớn chuyện vì đã xảy ra ngay trước một dinh thự to lớn tượng trưng cho quyền uy cả nước Pakistan, trong khi cảnh sát đứng ngay đó nhìn gia đình cô Parveen dùng gạch đá giết cô đến chết không can thiệp, coi đó là một chuyện tự nhiên bình thường(!).
Sự can thiệp của một người đàn bà
Quốc gia Pakistan chỉ có mặt trên thế giới từ năm 1947 sau khi tách rời ra khỏi Ấn Độ (vì lý do chủng tộc và tôn giáo). Nước Pakistan với danh xưng chính thức là The Islamic Republic of Pakistan, là một quốc gia theo Hồi Giáo(1), trong đó dân chúng sinh sống tự ngàn xưa với những tập tục riêng biệt, bám chắc vào một xã hội vừa tân tiến vừa cổ hủ.
Tân tiến? Pakistan có nhiều đại học danh tiếng như Pakistan Institute of Engineering and Applied Sciences (PIEAS), Punjab University, U.A.F and U.E.T Lahore là những đại học trong số 300 đại học có tiếng ở Á Châu. Pakistan đã có nhiều khoa học gia đoạt giải Nobel. Pakistan là quốc gia dân chúng biết nói tiếng Anh nhiều nhất thế giới. Và… Pakistan là một quốc gia có bom nguyên tử.
Tuy nhiên, Pakistan có nhiều nét rất cổ hủ. Tỷ số dân chúng biết đọc – biết viết (tiếng Urdu) rất thấp. Phụ nữ Pakistan tại những vùng quê hẻo lánh, ít học, bị khinh thường, bắt nạt, đôi khi bị tử vong vì những chuyện không đâu. Ngược lại, Pakistan cũng có những phụ nữ giỏi giang, rất khác thường, nổi danh trên thế giới. Ở đây chúng ta chỉ xét đến một phụ nữ có liên quan đến chuyện cô Saba Qaiser. Đó là bà Sharmeen Obaid Chinoy.
Bà Sharmeen Obaid Chinoy sinh năm 1978 trong một gia đình trí thức. Bà đã tốt nghiệp Smith College ở Massachussett năm 2002, rồi học cao học tại trường Stanford, California. Là một phụ nữ Pakistan, Shaemeen Obaid Chinoy thấy rõ số phận hẩm hiu của họ, cho nên bà đã trở thành một nhà báo, một nhà làm phim ảnh, một đạo diễn chuyên về những bất công xã hội. Ngay khi còn học cao học tại Stanford, cô sinh viên Sharmeen đã làm việc với tờ nhật báo NewYork Times, viết báo, làm phim như: Terror’s Children, Children of the Taliban, The Lost Generation..
Trở về Pakistan, bà rất quan tâm đến phụ nữ Pakistan bị sát hại vì danh dự gia đình. Bà nói: “Đã từ lâu, tôi muốn làm một cuốn phim về ‘giết người vì danh dự’. Một hôm đọc báo địa phương, tôi mới biết trường hợp nạn nhân Saba Qaiser. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Saba thoát chết, bởi vì theo chỗ tôi biết, không một ai sống sót trong một vụ giết người vì danh dự cả”.
Thế là bà quyết định tìm gặp Saba. Bà gọi điện thoại đến nhà thương nơi cô Saba Qaiser đang nằm dưỡng thương. Ngày hôm sau bà đến nhà thương và bắt đầu làm việc ngay với Saba. Hai người đàn bà nói chuyện tâm tình. Cô Saba kể hết mọi chuyện, vừa kể vừa khóc.
Đó là căn bản của cuốn phim “A Girl in the River: The Price of Forgiveness” của bà. Bà bắt đầu làm cuốn phim này từ năm 2014. Cuốn phim chỉ được chính thức công chiếu ngày 1/8/2015.
Cuốn phim của bà Obaid-Chinoy được rất nhiều người tán thưởng. Cùng với 74 phim tài liệu khác đưa ra để tranh giải Academy lần thứ 88, loại phim tài liệu, cuốn phim này đã thắng giải đó. Ngày 28/2/2016, cuốn phim tài liệu này cũng thắng giải Oscar tại Holywood, Hoa Kỳ. Tưởng cũng nên nhắc lại, bà Obaid-Chinoy đã từng thắng giải Academy Award năm 2012 với bộ phim “Saving Face”, một bộ phim về những người phụ nữ bị những người đàn ông khinh phụ nữ tạt acit vào mặt.
Thủ Tướng Pakistan – ông Nawaz Sharif – tỏ ra rất quan tâm đến cái tập tục “giết người vì danh dự” này. Sau khi xem cuốn phim của bà Obaid-Chinoy, Thủ Tướng đã nói cần phải sửa đổi luật lệ trong nước. Ông tuyên bố: “Trong Islam, tôn giáo của chúng ta chẳng có cái gì là giết người nhân danh danh dự”. Ông nói thêm là chính phủ của ông đang duyệt lại luật lệ trong nước nhằm mục đích ngăn chặn hành động bất công và bất nhân đối với phụ nữ, nhân danh danh dự hão huyền. Ông muốn kẻ sát nhân phải đền tội dù được tha thứ.
Dự luật này sẽ được trình Quốc Hội duyệt y vào tháng 3 tới. Ông Sharif còn nói thêm: “Phụ nữ như bà Obaid-Chinoy không những chỉ là niềm hãnh diện của nước Pakistan; bà còn đóng góp nhiều vào sự tiến bộ của nền văn minh thế giới”.
Kết cuộc của câu chuyện
Nhờ có sự can thiệp của bà Sharmeen Obaid-Chinoy, câu chuyện giết người này trở thành một chuyện có hậu tốt đẹp. Bà Obaid-Chinoy giúp cô gây quỹ, nhờ bộ phim. Vợ chồng Saba Qaiser đã xây được nhà mới. Bà cũng giúp cô có giấy khai sinh mà cô chưa bao giờ có sau khi đã sống 19 năm, lớn lên, có chồng tại một tỉnh nhỏ vùng Punjab nước Pakistan. Hơn thế nữa, hiện nay cô Saba Qaiser đã có một cậu con trai. Cậu này cũng có một giấy khai sinh mới toanh.
Sau cùng, còn gì sung sướng hơn được ôm cậu con trai đầu lòng trong lòng?
ooo oOo ooo
CHÚ THÍCH:
(1) Người Trung Hoa gọi một số dân tộc ở miền Tây Bắc Trung Quốc theo đạo Islam là “Hồi”, hay “Hồi Hồi”. Sau đó họ gọi đạo này là đạo Hồi và tất cả những ai theo đạo này là người Hồi. Cho cả đến nuớc Pakistan mà quốc giáo là Islam, cũng được gọi là Hồi Quốc mặc dầu trên nước này chẳng có một người Hồi chính gốc nào.
Bởi vậy, những người Việt Nam theo đạo Islam, không muốn được gọi là người Hồi, mà phải gọi họ là Muslim, theo đạo Islam.
Đạo Islam được đưa vào Trung Hoa rất sớm, từ năm 652, qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Những người Hoa Muslim sống rải rác phần đông tại các tỉnh miền Tây Bắc Trung Hoa như Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương.
oOo
SO SÁNH PAKISTAN VỚI VIỆT NAM
(Tài liệu của C.I.A / F.B.I Hoa Kỳ – 2015)
PAKISTAN | VIỆT NAM | |
Diện tích | 790.000km2 | 331.000km2 |
Dân số | 200 triệu | 95 triệu |
GDP (dollar Mỹ) | $930 tỷ | $551 tỷ |
GDP / đầu người | $4,900 | $6,100 |
Biết đọc – biết viết | 58% | 95% |
Trẻ con tử vong | 56/1.000 | 19/1.000 |
Tỷ lệ thất nghiệp | 6,5% | 3% |
Tỷ lệ dưới mức nghèo đói | 11,3% | 11,3% |
Tháng Tư, 2016
ĐÀO VIÊN