Điện thư của Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama)
Tôi rất buồn khi biết tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một người bạn, một người anh em trong đạo của tôi đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn của tôi đến các đệ tử của Ngài ở Việt Nam và trên khắp thế giới.
Thiền sư đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Ngài đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những phương tiện ôn hòa, ủng hộ nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, cũng như nỗ lực hết sức để giúp cho mọi người thấy nếp sống chánh niệm và từ bi không những góp phần đem lại sự bình an nội tại cho từng cá nhân, mà còn đóng góp vào nền hòa bình cho thế giới.
Tôi tin chắc rằng cách tưởng niệm tốt nhất đối với Thiền sư là tiếp tục nỗ lực của Ngài trong việc mang lại hòa bình cho thế giới.
Dalai Lama
Ngày 22/1/2022.
oOo
CỘNG ĐỒNG TĂNG-GIÀ QUỐC TẾ
TƯỞNG NIỆM THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
TẠI BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG – ẤN ĐỘ
(Bodh Gaya / Bodhgaya – India)
Vào ngày 24 tháng 1 năm 2022, tại thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng – Ấn Độ, cộng đồng Chư Tăng quốc tế cử hành Lễ Tưởng Niệm Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
International Maha Sangha joins Merit Sharing Ceremony to offer tribute to Zen Master Thich Nhat Hanh in Bodhgaya, India.
oOo
Điện thư của Đức Pháp Vương thứ 17 dòng Gyalwa Karmapa
New Delhi, 22 tháng 01 năm 2022
Các Pháp hữu thân mến.
Một trong những người thầy Phật Giáo tôn kính nhất của thời đại chúng ta, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vừa từ bỏ thân xác của Ngài.
Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn của mình đến những người đệ tử của Ngài ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới; nhưng đồng thời, tôi cũng muốn khuyến tấn tất cả chúng ta hãy cảm thấy hân hoan trước hành trạng siêu việt không gian và di sản siêu việt thời gian của Ngài.
Sự kiện Ngài giã từ cuộc đời này không có nghĩa Ngài đã đi mất. Như tự thân Ngài đã tuyên bố: “Chỉ vì ngộ nhận mà chúng ta cho rằng người chúng ta yêu thương đã không còn hiện hữu nữa sau khi họ ‘qua đời.’ Đó là vì chúng ta bị kẹt vào các tướng, bị kẹt vào một trong những phần biểu hiện của người đó… Người thương của chúng ta vẫn còn đó, vẫn ở quanh chúng ta, ở trong chúng ta và đang mỉm cười với chúng ta.”
Dòng truyền thừa Karma Kagyu của chúng ta đã có mối lương duyên tâm linh rất đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì chính nhờ lòng từ bi của Ngài mà Ni chúng của chúng ta từ Dhagno Kundrol Ling đã được thọ trì Cụ Túc giới Tỳ-kheo-ni tại Làng Mai vào năm 1994.
Khi sự thực tập giới luật trở thành nền tảng cho tất cả công đức và trí tuệ thì không có món quà nào to lớn hơn đối với sự truyền thừa của Phật Pháp.
Tôi cảm nhận được đóng góp quan trọng nhất của Ngài đối với thế giới này là sự thực tập tâm linh chân thành mà không có ranh giới và giới hạn.
Nền tâm linh không-biên-giới này không chỉ là những bài pháp đơn thuần, cũng không có nghĩa ta phải hòa quyện nhiều tôn giáo và truyền thống tâm linh khác nhau, để rồi tất cả đều đánh mất bản sắc của mình.
Nhưng thật ra, chính vì không tạo nên bất kỳ mâu thuẫn nào cho các tôn giáo và truyền thống mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng nỗ lực chỉ rõ, soi chiếu vào bản chất của mọi niềm tin và tín điều mà người khác đang gìn giữ; vì thế, tất cả đều cảm thấy được tôn trọng, được hiểu và chấp nhận nét đặc thù và khác biệt trong truyền thống của họ. Chính sự tôn trọng và bao dung này, tinh thần “hãy là chính mình” này đã cho phép mọi người cùng đến với nhau và hiểu rằng, trong sự thật cứu cánh, chúng ta đều bình đẳng.
Bằng cái nhìn này, tất cả mâu thuẫn sẽ lắng xuống và được chuyển hóa, con người sẽ có cơ hội thấy được “chân lý”, với bất cứ tên gọi nào mà chúng ta muốn.
Tất cả sự đối thoại và cái thấy trên được giới Phật Tử xem là Phật Pháp.
Không có bất cứ điều gì chư vị Bồ-tát không dấn thân và học hỏi để làm vơi đi khổ đau của người khác, như Ngũ Minh hay bất kỳ phương tiện xã hội nào, thậm chí là chính trị.
Đó là tất cả những những gì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm. Phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta.
Thaye Dorje
Pháp Vương thứ 17 Dòng Truyền Thừa Gyalwa Karmapa.
oOo
Điện thư của Đức Thủ Ngôi dòng Drikung Kagyu (Tây Tạng)
Hôm nay, cộng đồng Phật Giáo thế giới đã mất đi một trong những vị thầy vĩ đại nhất của chúng ta, người đã vượt qua tất cả mọi giới hạn tôn giáo và giúp ích cho hàng ngàn người trong suốt cuộc đời của Ngài, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ tác động đến các cộng đồng Phật Tử. Thầy đã giúp đỡ cho rất nhiều người tìm được bình an, tình thương và trí tuệ trong cuộc đời của họ. Những hoạt động Bồ Tát Đạo trong cuộc đời của Thầy vô cùng rộng lớn và cao cả. Dù đã bỏ xác thân vật lý nhưng chúng ta tin rằng Thầy vẫn sẽ luôn tiếp tục phổ độ chúng sanh ở bất cứ nơi đâu mà Thầy đang có mặt.
Tôi xin được gởi niềm cảm thương phân ưu đến tất cả những người đệ tử của Thầy trên toàn thế giới và cầu nguyện cho niềm đau thương này sẽ sớm được an tịnh bởi giáo pháp và hạnh nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với Phật Pháp và thế giới là Thầy đã nhấn mạnh đến giáo lý chánh niệm và sự thực tập cụ thể của giáo lý đó nơi hơi thở. Nhờ Thầy mà thế giới biết đến sự thực tập hơi thở chánh niệm, dù là người Phật Tử hay không Phật Tử, dù là người tín đồ hay vô thần. Bây giờ đây, cách hay nhất để cầu nguyện và vinh danh Thầy là trở về với hơi thở, nương tựa con đường chánh niệm của Đức Phật. Làm như thế, chúng ta sẽ không bao giờ rời xa Thầy dù rằng Thầy đã từ bỏ báo thân của Người. Bằng sự thực tập này, nguyện cầu cho di sản và giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục dìu dắt chúng sanh vượt qua khổ nạn.
Nhất tâm cầu nguyện.
Ngày 22 tháng 01 năm 2022.
Drikung Kyabgon Tinle Lhundup
Thủ Ngôi dòng truyền thừa Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng.
oOo
CHƯ TĂNG TÂY TẠNG THẮP 1.000 NGỌN NẾN TRONG 3 NGÀY
TƯỞNG NIỆM THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
Vào ngày 22/1/2022, Chư Tăng dòng Truyền Thừa Drukpa trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) cùng thắp lên 1.000 ngọn nến liên tục trong 3 ngày để tưởng niệm Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (xem video bên dưới).
oOo
Điện thư của Hội Đồng Chư Tăng Bhutan
Ngày 24 tháng 1 năm 2022.
Hội Đồng Chư Tăng của Vương Quốc Hoàng Gia Bhutan xin được cùng với cộng đồng Phật Giáo quốc tế thọ tang Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH. Những đóng góp của Thầy đối với Phật Giáo qua sự nghiệp trước tác và giảng dạy sẽ luôn được thế giới khắc ghi và trân trọng.
Thiền sư là tác giả của hơn 85 quyển sách về Phật Giáo và đã dành cả một đời nỗ lực cho sự thực tập chế tác bình an, lòng từ bi, chánh niệm và sự hòa giải. Thiền sư đã gây cảm hứng cho rất nhiều người bước theo những dấu chân của Đức Phật và đã thành lập Trường Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn.
Chúng tôi xin gởi lời cầu nguyện và phân ưu sâu sắc nhất đến cộng động tang quyến, đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chính quyền và người dân Việt Nam.
Om Ami Dewa Hri!
Đại diện Hội Đồng Chư Tăng Bhutan
Sangay Dorji
Karma Acharya of CMB.
oOo
Điện thư của Chủ tịch Tông phái Tào Khê, Hàn Quốc
Tôi xin thay mặt Phật Tử Hàn Quốc và tứ chúng Tông phái Tào Khê (Jogye) bày tỏ lòng tiếc thương và chia buồn sâu sắc nhất trước sự qua đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hành trạng suốt cuộc đời của Thiền sư là sự thể hiện của một vị Bồ-tát vì sự bình yên trong tâm hồn mọi người trên thế giới và sự hòa giải, chữa lành của cộng đồng.
Sự thực hành tuyệt vời của Đại sư sẽ trở thành tiêu chuẩn mẫu mực của cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.
Nguyện cầu Đại sư với đại nguyện độ sanh lớn cùng trí tuệ của Đức Phật sớm hội nhập Ta Bà, hóa độ chúng sinh.
22.1. 2022 – Phật Lịch 2566.
Hòa Thượng Wonhaeng.
Chủ tịch Tông phái Tào Khê – Phật Giáo Hàn Quốc.
oOo
Điện thư của chùa Thiếu Lâm – Trung Quốc
Kính gởi tứ chúng Tăng thân Làng Mai.
Tôi rất buồn khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã an nhiên thị tịch vào ngày 22 tháng 1 năm 2022. Tứ chúng Phật Tử vô cùng đau buồn, tất cả chúng sanh cũng như Long Thần Hộ Pháp cũng đều tiếc thương cho sự ra đi này.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một vị thầy Phật Giáo nổi tiếng khắp thế giới, Ngài còn là một nhà thơ, nhà văn hóa và là nhà vận động hòa bình. Đại diện cho Chư Tăng tại Thiếu Lâm Tự, tôi xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến Tăng thân Làng Mai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia từ khi còn rất trẻ. Trong suốt cuộc đời của mình, Ngài đã cống hiến hết mình để giới thiệu Đạo Bụt Ứng Dụng – một sự tu tập phù hợp với cuộc sống của con người thời hiện đại, cũng như chia sẻ về nghệ thuật sống chánh niệm bất bạo động.
Trong 30 năm cuối đời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thiết lập rất nhiều trung tâm thực tập chánh niệm tại châu Âu, Bắc Mỹ cũng như tại nhiều nước khác. Ngài đã nỗ lực suốt đời để mang đến một nếp sống tâm linh soi sáng cho các vị tu sĩ Phật Giáo, giới cư sĩ và cả cho trẻ em. Sách của Ngài đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự thực tập đạo Phật tại phương Tây.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống trọn vẹn cuộc đời của một vị tu sĩ và từ bỏ thế giới này đúng theo nguyên lý duyên khởi. Tôi cung kính cầu nguyện cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh được ngồi tòa sen quý và sớm trở lại cuộc đời để hóa độ chúng sanh.
Pháp lữ kính ghi.
Shi Yongxin (Thích Vĩnh Tín)
Trụ trì Thiếu Lâm Tự.
oOo
Điện thư của Hiệu trưởng Trường MCU – Thái Lan
Tôi vô cùng xúc động khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập pháp môn Làng Mai tại Pháp và nhiều trung tập thiền tập Phật Giáo trên thế giới như Mỹ, Đức và Thái Lan đã viên tịch bình an vào ngày 22 tháng 1 năm 2022, hưởng thọ 95 tuổi. Tôi xin được bày tỏ niềm cảm thông chân thành về sự ra đi của Thiền sư.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có đóng góp phi thường trong việc truyền bá Phật Giáo, những công tác xã hội từ thiện và góp phần vào sự hòa bình của xã hội.
Đây là một sự mất mát vô cùng to lớn đối những người Phật Tử trên toàn thế giới. Thiền sư là một trong những người đi đầu trong việc hoằng pháp và hợp tác giữa Trường Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya University (MCU) và Tăng thân Làng Mai, lễ ký kết (MOU) đã được đôi bên thực hiện vào năm 2011. Trường Đại Học MCU cũng đã hân hạnh trao bằng tiến sĩ danh sự đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những nghiên cứu của Thiền sư về chuyên ngành Tâm Lý Học Phật Giáo vào năm 2011.
Tôi ý thức rằng Thiền sư đã sống một cuộc đời đạo hạnh và tôi tin rằng Ngài chắc chắn sẽ chứng quả bồ đề.
Hiệu trưởng Trường Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU)
Pháp lữ Ven. Prof. Dr. Phra Dhamvajrabundit
oOo
Điện thư của Phó hiệu trưởng Trường MCU – Thái Lan
Tôi rất buồn khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập pháp môn Làng Mai tại Pháp và nhiều trung tâm thiền tập chánh niệm Phật Giáo tại nhiều quốc gia như Mỹ, Đức và Thái Lan đã thâu thần viên tịch tại chùa Từ Hiếu – Huế, miền Trung Việt Nam vào ngày chủ nhật 22.1.2022 vừa qua, hưởng thọ 95 tuổi. Đây là một sự mất mát quá lớn đối với Tăng đoàn Việt Nam và cộng đồng Phật Tử trên toàn thế giới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được vinh danh như là một bậc thầy tâm linh đã không ngừng nỗ lực để phát triển và truyền bá Phật Giáo bằng cách đổi mới sự học hỏi và thiền tập Phật Giáo không chỉ tại Thái Lan mà còn nhiều nước trên thế giới. Thiền sư đã dấn thân với rất nhiều hoạt động Phật Giáo với sự hỗ trợ của rất nhiều đoàn thể Phật Giáo trên toàn thế giới. Ngài là tác giả của hơn 100 quyển sách, đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển, hợp tác cũng như duy trì mối liên hệ sâu sắc trong cộng đồng Phật Tử và đặc biệt là sự đóng góp vĩ đại đối với Phật Giáo và các nền xã hội.
Thông điệp của Thiền sư nhắc nhở chúng ta rằng dù Ngài đã rời bỏ cuộc đời nhưng Ngài luôn luôn có mặt một cách sống động trong tâm thức của mỗi chúng ta; Ngài có mặt sống động qua từng lời pháp nhũ trao truyền cho chúng ta; Ngài có mặt sống động qua từng hành động chăm sóc, từng bài học dạy dỗ và sống động như cái cách Ngài đã sống với chúng ta.
Tôi ý thức rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống một cuộc đời vô cùng đức hạnh và tôi cũng tin rằng Ngài sẽ tái sinh vào cảnh giới an lành cao nhất.
Xin cho tôi được gởi lời chia buồn đối với sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những tư tưởng của Ngài sẽ còn mãi với chúng ta.
Pháp lữ kính ghi.
Praha Sophonvachirabhorn: Sawai Chotiko. Dr.
———=oOo=———