Những hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng – Việt Nam nhằm tri ân tử sỉ bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa và tưởng niệm ngày Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm quần đảo này đã bị nhà đương cuộc bãi bỏ. Dưới đây là 2 bản tin của Thông Tấn Xã RFA ngày 18 và 19.1.2014.
Đêm thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa tại Đà Nẵng bị hủy bỏ
Đêm thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa vào tối 18/1/2014 ở Công Viên Biển Đông Đà Nẵng đã chính thức bị hủy bỏ.
Sáng nay, 18 tháng Giêng, một thông báo của Ủy Ban Nhân Dân Huyện Hoàng Sa do Chủ Tịch Đặng Công Ngữ ký cho biết, lễ tổ chức Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa vào lúc 19g00 ngày 18/1/2014 tại Công Viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng đã bị hủy bỏ, lý do đưa ra là do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo.
Từ Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám Đốc Trung Tâm Minh Triết Việt, cho biết:
“Hiện nay là người ta dập nến rồi, không cho đốt nữa. Tức là người ta định là thanh niên, sinh viên đốt nến xếp hình tổ quốc Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, nhưng mà lệnh từ Hà Nội vào là không được đốt nến nữa, không được đốt nến, không được thắp lửa trong lòng người”.
Được hỏi về cuộc mạn đàm trực tuyến về Hoàng Sa trên đài truyền hình địa phương cũng như buổi hội thảo khoa học về Hoàng Sa ở Đà Nẵng chiều ngày 19, ông Nguyễn Khắc Mai nói:
“Vẫn tiến hành bình thường, chỉ có là không được phép mời báo chí thôi, tối nay thì tôi chưa biết, hình như cũng vẫn làm nhưng không được đưa tin”.
Tại Hà Nội, sau khi nguồn tin này được tiết lộ đã dậy lên một làn sóng bất bình từ nhiều giới. Tin cho biết có thể sẽ hình thành một cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào ngày mai tại Bờ Hồ, tuy nhiên sẽ không có quy mô lớn như nhiều người tiên đoán.
Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của chúng tôi nhận được chiều qua 17/1, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã có công văn gửi cho Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM và tất cả các tờ báo, ra lệnh không được nói gì về Hoàng Sa hay Trường Sa vào thời điểm ngày 19 tháng Giêng nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lăng chiếm đoạt.
Hơn thế nữa, công văn này cũng ra lệnh không được đưa tin, kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc tại chiến trường 6 tỉnh phía Bắc.
Được biết trong những ngày trước đây, báo chí truyền thông được rộng cửa đưa nhiều tin, bài, tài liệu về việc 40 năm trước Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa sau trận hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Các báo cũng đề cao 74 chiến sĩ VNCH tử trận trong nỗ lực bảo vệ đất nước trước quân xâm lược.
Nguyen Tan X – Từ Cà Mau, 18.1.2014
— oOo —
Hà Nội: Lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa bị giải tán
Vào khoảng 9 giờ sáng hôm nay, 19 tháng Giêng năm 2014, trong dịp kỷ niệm 40 ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, một số người đã tập trung trước tượng đài Lý Thái Tổ với ý định biểu tình nhằm vinh danh 74 chiến sĩ đã hy sinh, cũng như nêu cao tinh thần chiến đấu của trận hải chiến này.
Lúc 9 giờ 30 chúng tôi được nhà giáo Phạm Toàn một người trong nhóm biểu tình đã đến tượng đài rất sớm, ông cho biết:
Sáng nay nhóm Cánh Buồm có 4 người đi ra tượng đài Lý Thái Tổ đầu tiên, ra từ lúc 8 giờ, lúc ấy chưa có ai đến cả chỉ có an ninh đến thôi. Sau đó thì tập trung nhiều nhưng mình không ước lượng được bao nhiêu người. Có hai mảng, một mảng là người Hà Nội còn mảng thứ hai là dân oan các tỉnh kéo về tham dự hôm nay, trong đó có một chị về từ Bình Phước, có hai mẹ con cùng về. An ninh nó dùng loa nó cứ bảo hôm nay đang thi công rồi sau đó nó dùng những máy khoan chọc lổ cạnh tượng đài; nó chọc ba lổ rồi bỏ đó. Sau đó thì dân oan kéo ra tới Tràng Tiền thì bị nó dùng dùi cui nó đánh nên giải tán sau đó.
Vài ngày trước đây khi nguồn tin về các cuộc meeting sẽ được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Hoàng Sa, một nhóm blogger đã gợi ý về một cuộc tập trung bày tỏ thái độ của người dân đối với sự xâm lược của Trung Quốc khi đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974.
Trước ngày kỷ niệm, một công văn của Ủy Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã yêu cầu chính quyền Tp.HCM và tất cả báo chí không được phổ biến hay tổ chức cho ngày này.
Tại Đà Nẵng, buổi trình diễn về cuộc chiến Hoàng Sa tuy đã được chuẩn bị công phu nhưng cuối cùng cũng bị hủy bỏ.
Hoạt động gần như duy nhất đã được tiến hành đúng như sự chuẩn bị trước đây về kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa là của Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình do nhà nghiên cứu biển đông Nguyễn Đình Đầu đứng ra tổ chức với sự tham gia của nhiều người quan tâm, trong đó một số lớn là các nhân sĩ trí thức có nghiên cứu về vấn đề Biển Đông cũng như trận hải chiến này.
Mặc Lâm – Từ Bangkok, 19.1.2014