Những văn kiện, quy định của Việt Nam gây tranh cãi nhất trong năm 2012

Đậy là bài viết tôi “bê nguyên xi” – không sửa chữ nào luôn – từ VnExpress (được đăng tải vào Thứ ba, 18/12/2012, 15:04 GMT+7) để phục vụ quý bạn đọc loạt bài cuối năm DL.

Tại bận quá, nếu không sẽ bổ sung thêm “một mớ kha khá” nửa để quý bạn đọc đọc cho hết mấy ngày tết, đỡ kiếm chổ bài bạc, nhậu nhẹt… chính chủ! Thôi thì xin quý bạn đọc thông cảm dùm vậy.

Cảm ơn TrucLam đã chia sẻ liên kết trên FB.

QUANG MAI.
(Hình ảnh minh họa của Thư Viện GĐPT st)

Những quy định gây tranh cãi năm 2012

Xe chính chủ, chứng minh thư ghi tên bố mẹ, tổ chức tiệc cưới không quá 300 người, phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại ở cây xăng, chỉ bán thịt sau 8 giờ giết mổ… là những quy định gây nhiều tranh cãi nhất năm 2012.

Xe chính chủ

Theo Nghị định 71, từ ngày 10/11, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định này khiến hàng trăm nghìn người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ. Nhiều người lo lắng liệu có phải mang hộ khẩu khi tham gia giao thông để chứng minh xe mượn chứ không phải “xe không chính chủ”.

Trước phản ứng của dư luận, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an sớm soạn thông tư hướng dẫn và trong lúc chờ thông tư, lực lượng chức năng chưa phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ. Các bộ ngành cũng đang nghiên cứu giảm mức phí sang tên đổi chủ xuống 1%.Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, nghị định này “sai luật và không khả thi”; mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước. Còn Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, nên hoãn thi hành nghị định 6 tháng đến 1 năm, đồng thời giảm mức phí sang tên đổi chủ.

Chó mèo cũng phải “chính chủ”

Theo kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cấp chính quyền và ngành thú y phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi, số hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn; thành lập các đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông. Số chó, mèo bị bắt này sẽ được theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Sau 72 giờ, nếu không có người đến nhận sẽ tiến hành tiêu hủy.

Trong khi một số người cho rằng, chó mèo cũng nên có “chứng minh thư” để dễ quản lý thì nhiều ý kiến cho rằng quy định này là phiền phức và không khả thi. Ví dụ một gia đình nuôi 2 con chó và 7 con mèo (cả số vừa sinh) thì phải đưa toàn bộ số chó, mèo này đến UBND huyện để đăng ký và xin số.

Theo một cán bộ thú y, do nằm trong khuôn khổ một chương trình quốc gia nên quyết định mới của Bộ Nông nghiệp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu (nâng cao nhận thức của người dân và chất lượng giám sát của ngành thú y, chính quyền các cấp về bệnh dại) chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc. Quyết định mới vì thế cũng không quy định chế tài, chẳng hạn như phạt tiền chủ vật nuôi trong trường hợp không đăng ký với UBND xã, phường về chó, mèo của hộ mình.

Giấy chứng minh nhân dân ghi tên bố mẹ

Mẫu chứng minh nhân dân mới được cấp ngày 21/9 ở Hà Nội. Ảnh: Hà Anh.

Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7. Theo đó, CMND mới là thẻ nhựa, mặt trước sẽ có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú. Mặt sau có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.

Nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn

Khi thông tư bắt đầu được triển khai đã gây rất nhiều tranh cãi, thậm chí có ý kiến phản đối từ chính những cơ quan pháp luật. Vụ trưởng Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất cho rằng: “Quản bằng vân tay như hiện nay là cao nhất rồi, giờ thêm tên cha mẹ vào không giúp gì hơn cho quản lý, lại tạo ra phản cảm cho dân, vi phạm quyền con người”.

Đầu tháng 12, Sở VHTT&DL TP HCM đã họp lấy ý kiến đóng góp của hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tổ chức tiệc cưới tại các quận nội thành về cách tổ chức “thực hiện các tiêu chuẩn công nhận cơ sở, nhà hàng tiệc cưới văn hóa 2012 – 2015”. Trong tiêu chuẩn về văn minh – lành mạnh – tiết kiệm có nội dung “cơ sở, nhà hàng chỉ tiến hành tổ chức tiệc cưới khi có giấy chứng nhận kết hôn”.

“Tiêu chuẩn” này ngay sau đó đã bị rất nhiều người cho là không phù hợp với thực tế vì “cưới là cưới mà kết hôn là kết hôn”. Còn các doanh nghiệp thì cho rằng “nhà hàng chỉ là nơi để tổ chức tiệc cưới, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền yêu cầu khách hàng phải trình giấy chứng nhận kết hôn”.

Theo một cán bộ Sở VHTT&DL TP HCM, việc tổ chức một đám cưới đúng pháp luật là cần thiết. Nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận một vài điều kiện để được tổ chức tại các nhà hàng có đầy đủ các yếu tố văn minh, lịch sự, tiết kiệm, có văn hóa. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đặt ra là mang tính tự nguyện, không bắt buộc các nhà hàng đăng ký tham gia.

Công chức thủ đô tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm

Tháng 10 năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành quy định về văn minh việc cưới. Theo đó, khách mời không quá 300 người (tương đương 50 mâm cỗ), nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì không quá 600 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. Thành ủy cũng yêu cầu không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của dân cư và cán bộ công chức (khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…).

Quy định này đã nhận được những ý kiến trái chiều. Những ý kiến ủng hộ cho rằng đây là quy định nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm. Luồng ý kiến phản đối cho rằng, quy định này đã can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân, việc đếm người, đếm mâm đám cưới là không khả thi.

Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ

Theo thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 3/9, các sản phẩm thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Ngay sau khi ban hành thông tư, dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã quyết định dừng thực hiện thông tư này.

“Về mặt khoa học, tiêu chuẩn quốc tế thì quy định này có thể phù hợp, nhưng điều kiện thực tế ở Việt Nam chưa cho phép; nên cân nhắc để vừa đảm bảo tính thực thi, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại di động ở cây xăng

Mức phạt này được ghi trong Nghị định 52 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ 5/8. Theo đó, việc sử dụng điện thoại di dộng tại các trạm bán xăng sẽ bị cấm và phạt 2-5 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với quy định trước đây. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ thực hiện việc bắt “quả tang”, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

Dù cho rằng việc xử phạt là cần thiết, song quy định này bị nhiều người nghi ngờ về tính khả thi khi thực hiện bởi nhiều người vẫn vô tư vi phạm sau khi nghị định có hiệu lực nhưng không bị xử phạt. Ngay sau khi quy định có hiệu lực, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp đề nghị xem xét lại tính hợp lý và khả thi của quy định.

Nguồn: Hữu Nguyên – www.vnexpress.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.