Chưa năm nào chứng kiến nhiều phóng viên thiệt mạng như năm nay. Năm 2012, thế giới có tổng cộng 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thiệt mạng, cụ thể, có 88 nhà báo chuyên nghiệp, 47 “nhà báo công dân”.
Theo một báo cáo thường niên của tổ chức “Phóng Viên Không Biên Giới”, năm 2012 là năm đẫm máu nhất đối với các phóng viên trên chiến trường kể từ khi các số liệu hàng năm được ghi lại đầu tiên từ cách đây 17 năm. Con số 88 nhà báo chuyên nghiệp bị thiệt mạng chứng kiến sự gia tăng đáng sợ – hơn 1/3 (tăng 36%) so với năm ngoái.
Báo cáo ra ngày 19/12/2012 này cho biết, hầu hết nhà báo đã thiệt mạng khi tác nghiệp giữa các cuộc chiến và các vụ đánh bom; hoặc bị giết hại bởi các chính phủ tham nhũng, các tổ chức tội phạm có liên quan đến buôn bán ma túy; và bởi các tay súng Hồi Giáo cực đoan.
“Nguyên nhân số phóng viên bị sát hại trong năm 2012 ở mức kỷ lục, chủ yếu là cuộc chiến ở Syria, hỗn loạn ở Somalia và bạo lực do Taliban gây ra ở Pakistan. Những người hành hung, gây thiệt mạng những nhà báo, phóng viên ảnh và quay phim hoạt động ngoài chiến trường thường không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào vì vậy tình hình càng tồi tệ hơn” – lời ông Christophe Deloire, Tổng Thư Ký tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.

Ở những nước như Syria, nơi binh lính trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã chiến đấu chống lực lượng đối lập trong 21 tháng qua, các phóng viên chuyên nghiệp đã đối mặt với khó khăn và ngược đãi khi đưa tin. Một phần đáng kể thông tin quan trọng được các phóng viên nghiệp dư dùng camera của điện thoại di động và đăng tin trên Twitter, Facebook… kể lại những câu chuyện ở những vùng xung đột với thế giới, giúp thế giới được chứng kiến sự việc bằng con mắt của người trong cuộc.
Những đoạn băng, hình ghi được dù không chuyên nghiệp và chỉ sử dụng những thiết bị đơn giản như điện thoại di động về cảnh hỗn chiến trên phố, người bị thương chờ được cấp cứu tại bệnh viện hay những thiệt hại bị gây ra bởi những cuộc đánh bom đã giúp những hãng thông tấn có thể khắc hoạ chân dung cuộc sống ở những khu vực bất ổn và nguy hiểm nhất.
“Nếu không có sự tham gia của họ, những thế lực phong toả thông tin có thể đã gây ra những hậu quả khôn lường. Nhờ những phóng viên này mà thế giới có thể thực hiện những hành động kịp thời để giúp trấn áp những thế lực nguy hiểm.”
Những thông tin giám sát chi tiết của lực lượng an ninh mạng đã cho phép các chính phủ có thể theo dõi ai là người đã đưa thông tin này lên mạng và họ hiện đang ở đâu. Từ đó, những hành động quân sự có thể kịp thời được thực hiện và can thiệp nếu cần thiết. Nhưng nếu sự an toàn của những người này bị đe doạ, họ thường không được hỗ trợ kịp thời để có thể qua nước khác lánh nạn.

Càng ngày, báo chí càng biết tới những “phóng viên công dân” này nhiều hơn. Họ có thể không phải là phóng viên chiến trường chuyên nghiệp nhưng bằng những cách của mình, bằng sự thông thạo tình hình của mình, họ tìm mọi cách để ghi lại những bất ổn, xung đột đang diễn ra tại đất nước mình, và nhiều khi họ bị đàn áp thẳng tay.
Theo báo cáo trên, chúng ta thấy có tới 47 người được gọi là các “nhà báo công dân” bị sát hại trong năm 2012, so với 5 người trong năm 2011. Tính riêng ở Syria, ít nhất 17 phóng viên, 44 nhà báo công dân và 4 nhân viên hỗ trợ truyền thông đã phải bỏ mạng.
Sau Syria, Somalia là nơi nguy hiểm thứ hai đối với các nhà báo với 18 người bị giết trong năm 2012. Tiếp đó là Pakistan, nơi đẫm máu nhất cho các phóng viên báo chí trong năm 2009 và 2011 với 10 người thiệt mạng.
Các tổ chức tội phạm, buôn bán ma túy và nạn tham nhũng chính phủ đã dẫn tới cái chết của 6 phóng viên ở Mexico và 5 ở Brazil – theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.
Ngoài ra, theo con số thống kê của CNN, năm 2012 còn có 879 nhà báo bị bắt giam, 38 nhà báo bị bắt cóc, 73 nhà báo phải tỵ nạn lưu vong ở nước khác.

Theo các nguồn: CNN; Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới; Huff Post
Quang Mai tổng hợp – minh họa hình ảnh (từ internet)