Triết lý Phật Giáo và những thông điệp trong bài nói chuyện của Steve Jobs tại Đại Học Standford

TVGĐPT: Ngay sau khi tin Steve Jobs (1955-2011) từ giã cõi đời (ngày 5 tháng 10 năm 2011) ở tuổi 56 lan truyền khắp thế giới qua Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác, nhiều người đã hồi tưởng lại những phát biểu chuyển tải đầy tính triết lý sống của ông lúc sinh thời, trong đó có bài phát biểu của Steve Jobs tại Đại Học Standford – là nơi tràn đầy kỷ niệm trong ông – vào năm 2005. Thật vậy, những thông điệp trong bài nói chuyện rất cảm động này của ông  thực sự đã “chạm vào trái tim” nhiều người với những triết lý sống “rất Phật” đến bất ngờ của người sáng lập Apple (chữ dùng của tác giả).

Đồng cảm với những người ái mộ, thương mến người Phật Tử Steve Jobs (là người sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng ông sống đơn giản, thiểu dục tri túc, thực hành thiền định từ thuở thanh niên và ăn chay; đã từng đến Ấn Độ để tìm kiếm sự khai sáng tâm hồn và rồi trở về như một tín đồ Phật Giáo thuần thành, đầu cạo trọc, mặc y phục truyền thống Ấn Độ. Steve Jobs từng bộc bạch: Tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo), Thư Viện GĐPT trích đăng lại 1 trong 3 câu chuyện ở bài “3 câu chuyện về triết lý sống của Steve Jobs” đầy cảm xúc của Khải Thiên (tức Thầy Thích Tâm Thiện, Florida, Hoa Kỳ) nhân đọc bài phát biểu của Steve Jobs tại Standford University được đăng trên website của ABC News ngày 08/10/2011 (http://abcnews.go.com/blogs/technology/2011/10/steve-jobs-talked-about-death-in-2005-stanford-commencement-speech-2/)…

Câu chuyện cũng thật là cảm động. Nó nói rõ về ý nghĩa của tình yêu và sự mất mát

Trong căn nhà đậu xe của ba mẹ nuôi, Steve Jobs và người bạn đã lần đầu tiên thành lập Hãng Apple. Lúc ấy ông chỉ vừa 20 tuổi. Đến 10 năm sau, Công Ty Apple trong căn nhà để xe của ông đã phát triển thành một đại công ty với tổng trị giá hai tỷ dollar’s và hơn 4.000 nhân viên làm việc. Nhưng rồi, trong lúc đang ở đỉnh cao của sự thành đạt, lúc ông vừa 30 tuổi, ông đã bị buộc thôi việc vì bất đồng quan điểm về tầm nhìn tương lai với người mà trước đó ông đã thuê làm điều hành. Ông phải ra đi vì toàn Ban Điều Hành đứng về phía người ấy.

Ông đã thực sự đau khổ vì thất bại này. Nhưng từ trong đáy thẳm của con tim, ông ta đã nhận ra một phép lạ, đó là ông vẫn chưa mất tình yêu đối với công việc của mình. Thế là ông đã khởi sự thành lập một công ty mới là NeXT và tiếp sau đó là Công Ty Pixar, gắn liền với người phụ nữ mà sau này trở thành vợ của ông. Điều lý thú là chẳng bao lâu sau sự thành đạt của NeXT, chính Apple đã mua lại Công Ty NeXT, một công ty đã tạo ra những sản phẩm then chốt cho sự phục hưng của Apple như hiện nay. Thế là Steve Jobs đã trở lại với Apple.

Về sau ông đã phát biểu rằng, “Bị thôi việc ở một công ty do chính mình sáng lập quả là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi. Cái nặng nhọc của thành công được thay thế bằng cái nhẹ nhàng trong trạng thái của người mới khởi sự, ít có bám chắc vào bất cứ cái gì. Nó đã cởi trói cho tôi đi vào một giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”. (Getting fired from Apple was the best thing that could have ever happened to me. The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything. It freed me to enter one of the most creative periods of my life).

Những gì Steve Jobs nói quả thật là chẳng khác gì giọng điệu của một Thiền Sư chính thống. Vâng, ông đã nói với chúng ta bằng sự kiện, chứ không phải bằng ngôn ngữ rằng: thất bại không phải là điều đáng sợ mà đánh mất tình yêu vào cuộc sống mới là điều đáng sợ! Trong những lúc thất bại và não nề như thế, ông đã bám lấy tình yêu, vào công việc thay vì sống với phiền muộn khổ đau hay tự đồng hóa mình với những cảm giác buồn vui, thương ghét… Là một người Phật Tử, Steve Jobs đã rất tinh tế khi sống với lời Đức Phật dạy bằng cách cố vượt ra khỏi sự bức bách của 8 nhân duyên ám ảnh trần thế: được – mất, vui – buồn, khen – chê, danh vọng và không danh vọng, để khơi dậy tình yêu và lý tưởng của mình (xem Kinh Anguttara NikayaAN 8.6).

Nếu bạn cứ tiếp tục chạy theo 8 nhân duyên này, cho dù bạn được phép sống thêm một trăm năm nữa thì bạn vẫn mải miết trong phập phồng, đau khổ. Vì chân lý của cuộc sống là sự thay đổi không ngừng. Chỉ có cách, hãy tự mình vượt lên trên các nhân duyên đối đãi này và an trú sâu xa trong tĩnh lặng, bạn mới có thể sáng tạo và làm mới cuộc sống của chính mình. Sống như Steve Jobs, tĩnh tâm trước thành hay bại, chắc chắn bạn sẽ được an bình, hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.