Từ một nhà khoa học đến một Tỳ-kheo

Lời nói đầu:

Matthieu Ricard, là một nhà khoa học trẻ tuổi, người Pháp, sinh năm 1946, học Trung học tại Lycée Janson-de-Sailly. Lên đại học, Matthieu theo đuổi ngành Sinh Vật Phân Tử Học (Molecular Biology). Làm việc tại Institut Pasteur với những giáo sư nổi tiếng trong ngành như Francois Jacob (giải Nobel Sinh Vật Học). Sau 5 năm khảo cứu, năm 1972 Ricard đã trình luận án tiến sĩ và được cấp bằng Tiến Sĩ Sinh Vật Học của Đại Học Đường Sorbonne. Cũng chính năm ấy, mới 26 tuổi, chàng báo cho cha (là một giáo sư triết học đã từng dạy Triết bậc Đại Học), mẹ (một họa sĩ), cho các thầy, và các bạn bè quyết định sẽ bỏ sự nghiệp khảo cứu khoa học, bỏ học bổng sang Hoa Kỳ nghiên cứu thêm về Sinh Vật học, bỏ tương lai trở thành một nhà khoa học có hạng, để xuống tóc đi tu, làm một Tỳ-kheo học đạo với một nhà sư Phật Giáo Tây Tạng. Điều này đã gây ra một sự ngạc nhiên rất lớn cho mọi người, nhất là cho các bậc sinh thành đã đặt biết bao kỳ vọng vào cậu con trai tài ba này.

Một bước từ một nhà khoa học đến một vị Tỳ-kheo là một bước lớn, mấy ai đã làm, đã muốn làm hay đã làm được. Hẳn phải có một động lực kỳ lạ nào đó. Năm 1996, nhân một cuộc gặp gỡ tại Hatiban của hai cha con bên sườn núi trên cao Kathmandu, Nepal, ông bố mới có dịp hỏi ông con, bấy giờ đã 50 tuổi, tại sao đã có quyết định ấy.

Sự giải thích một truyền thống tôn giáo/triết học Đông phương của một Tỳ-kheo thuộc truyền thống ấy, và đã từng là một nhà khoa học Tây phương, cho một triết gia Tây phương hiểu, hẳn là một chuyện kỳ thú. Xin mời các bạn theo dõi cuộc nói chuyện lý thú này, được ghi lại trong phần mở đầu cuốn sách Le Moine et le Philosophe, xuất bản năm 1998, lược dịch dưới đây.

Tỳ Kheo Mathieu Ricard với Ngài Dalai Lama

Jean Francois: Con có ý định đi tu tự bao giờ và tại sao con lại có quyết địmh ấy?

Matthieu: Con đã theo đuổi Khoa học là vì con thích khảo cứu. Nhưng rồi con thấy khảo cứu khoa học có hay đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của con người. Con đã thấy làm khảo cứu là miên man đi sâu vào mọi chi tiết, mà riêng con, con thấy không thể làm mãi như thế được. Trong khi đó, con đã lại để ý đến đời sống tâm linh..Mới đầu, không có gì là rõ rệt.. Hồi mới lớn lên, con tìm đọc vài cuốn sách về tôn giáo, về Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, nhưng kỳ thay, không đọc Phật giáo. Hồi đó sách về Phật giáo, khảo cứu hay dịch thuật, rất ít, được viết dưới nhãn quan của người Tây phương hiểu sai Phật giáo là một triết học hư vô (nihilism) không màng đến trần thế.

Jean Francois: Hồi ấy con bao nhiêu tuổi?

Matthieu: Khoảng 15 tuổi. Con cũng được đọc mấy bài phỏng vấn đạo sĩ Ramana Maharshi, người Ấn độ, là người mà người ta cho rằng đã đạt tới chánh đẳng chánh giác, bất nhị rồi. Nhưng thực ra con để tâm vào đạo Phật là vào năm 1966..,Vâng khi đó được 20 tuổi, còn ở đại học , sắp vào Institut Pasteur, con được xem một bộ phim của một người bạn là Arnaud Desjardins, về những vị Lạt Ma Tây Tạng đã phải di cư sang Bhutan khi Trung Cộng tiến chiếm xứ này. Cũng khoảng thời gian đó, con được nói chuyện với một người bạn khác, Tiến sĩ Frederick Leboyer, mới ở Darjeeling về, kể lại có gặp mấy vị Lạt Ma đó. Chính những hình ảnh của Arnaud, của Frederick và chuyện họ kể lại đã gặp các vị Lạt ma đó, đã giúp con có quyết định phải sang Hy Mã Lạp Sơn. Hồi đó, con vừa song một học kỳ, được nghỉ 6 tháng trước khi sang một học kỳ mới. Hồi đó có phong trào hippy. Nhiều bọn trẻ tuổi tìm cách sang Ấn độ bằng đường bộ, vẫy xe đi nhờ (hitchiking) qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, nhưng con đã thấy là con phải đi Hy Mã Lạp Sơn.

Jean Francois: Thế là những cuốn phim của Arnaud Desjardins đã để lại một ấn tượng mạnh vào tâm tư con. Tại sao vậy?

Matthieu: Vì con có cảm tưởng con đã thấy ở các vị Lạt Ma đó hình ảnh của chính những điều họ giậy dỗ khuyên răn mọi người. Con không hiểu rõ tại sao, chỉ thấy là họ đúng là nhưng bậc thánh nhân, toàn hảo, những nhà hiền triết mà bây giờ, ở Tây phương rất khó kiếm thấy. Muốn gặp các ngài Socrates hay Plato hay ngồi dưới chân thánh Francis d’Assisi thì làm sao được? Nhưng sẵn đây chính các ngài là hiện thân của những bậc thánh hiền. Con tự nhủ: “Nếu có ai đạt được đến sự toàn thiện, toàn hảo thì phải là các vị này”.

Ông Jean Francois Revel

Jean Francois: Ngày xưa, thời của các vị hiền triết cổ điển Hy Lạp, triết học không phải chỉ là lý thuyết suông, mà chính là một lối sống. Những điều các ngài giậy dỗ cũng được thầy trò áp dụng ngay vào cuộc sống của họ. Hình ảnh các vị sư Tây Tạng đã gây một ấn tượng lên con, thực ra đã có nguồn gốc tự Tây Âu. Điều này đã giải thích tại sao, thời đó, các nhà hiền triết đó đã giữ vai trò dạy dỗ, khuyên bảo, giúp đỡ về tinh thần cho nhiều nhân vật quan trọng, cho đến tận cuối triều đại Đế Quốc La Mã, đặc biệt triều đại Marc Aurelius. Vậy thì căn bản, không có khác biệt gì lắm giữa Đông và Tây.

Matthieu: Thưa đúng. Có điều khác biệt là, các vị đại sư này không có ý định khai triển ra một lý thuyết triết học gì mới, mà họ chỉ sống trung thành với một truyền thống tâm linh có tự ngàn xưa. Đối với con, con đã rất mừng khi thấy một truyền thống chính thống của một lối sống, vẫn còn đây, cho những ai muốn biết mà hỏi tới, như là những cổ vật đẹp đẽ trình bày ra cho mọi người xem vậy.

Jean Francois: Những cổ vật đó là những cái gì? Phải có một giá trị nào đó chứ?

Matthieu: Hồi đó con có một ý niệm rất mơ hồ về Phật giáo, nhưng chỉ nhìn thấy các nhà tu hành đó, dầu chỉ là hình ảnh trong phim nhựa, con đã cảm thấy một cái gì toàn thiện rồi. Sống với bố mẹ con đã có dịp gặp nhiều triết gia, tư tưởng gia, nghệ sĩ, văn sĩ như André Breton, Maurice Bejart, Pierre Soulages, cả những nhà thám hiểm, bạn của cậu Le Toumelin, và cả nhiều nhà khoa học quen với thầy Francois Jacob, đến diễn thuyết tại Institut Pasteur. Họ toàn là những người hay tuyệt, những thiên tài trong lãnh vực trí thức hay nghệ thuật của họ, nhưng không chắc có là những con người hiền lương tử tế. Nhà thi sĩ có thể rất ‘ba que xỏ lá’, ông khoa học gia rất khổ sở, nhà nghệ sĩ thì có thể kiêu ngạo đầy mình. Tóm lại, có thể là đủ thứ… Vâng, con cũng có dịp gặp cả nhạc sĩ Igor Stravinsky và nhiều nghệ sĩ tài hoa khác của thế giới Tây Âu. Con tự hỏi : “Mình có thật muốn được như vậy không, muốn giống như họ không?”. Mặc dầu con rất ngưỡng mộ họ, con vẫn thấy có cái gì thiếu sót, như lòng vị tha, lòng nhân từ, lòng thành thực chẳng hạn. Trong khi đó, con đã thấy ở các vị thầy Tây Tạng có cái gì khác hẳn.

Jean Francois: Thế là con đi kiếm họ?

Matthieu: Vâng. Con đã lấy vé một chuyến bay rẻ tiền sang Ấn Độ. Con đi sang mà không nói được tiếng Anh, vì ở Trung học con đã chỉ học tiếng Đức cùng Hy Lạp và La Tinh. Sang đến New Delhi, với một cuốn từ điển bỏ túi, khó khăn lắm con mới kiếm được vé lửa đi Darjeeling. Lên đến nơi, ngay sát với đỉnh tuyết phủ trắng xóa của ngọn Hy Mã Lạp Sơn, con có trong người địa chỉ của một ông cha Jesuite, mà Leboyer trước đây đã trao lại cho ít tiền để giúp một vị đại sư Lạt Ma tên là Kangyur Rinpoché. Mới sang Ấn độ vài năm, đại sư sống một cách rất đơn giản trong một cái nhà gỗ nhỏ với gia đình và rất nhiều kinh sách mang từ Tây Tạng sang. Hôm con đến thì con đại sư cũng mới về, và anh ta dẫn con đến gặp bố anh ấy. Con ở đấy 3 tuần với đại sư, và không bao giờ con quên được. Kangyur Rinpoché là môt ông già khoảng 70 tuổi đầy lòng nhân ái và từ bi. Con ngồi suốt ngày đối diện với thầy, không học gì được bao nhiêu, có thể nói là không học được gì hết. Người con của thầy, Tulku Pema Wangyal, nói được tiếng Anh, nhưng con cũng chẳng hiểu gì. Gần hết ngày nghỉ thì con đi về, qua ngả Kashmir, bị sốt thương hàn ở Ấn độ, rồi cũng về đến Damascus (Syria), Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ). Về đến Paris thì mệt nhoài nhưng con thấy trong lòng chguyến đi đó là một mặc khải (revelation) đã chi phối ý nghĩa và hướng đi của đời con, mà con không biết nói ra thế nào. Sau khi ở Ấn độ về, học năm đầu tại Institut Pasteur con mới thấy rõ là phải gặp lại thầy con là một điều quan trọng nhường nào. Lúc nào con cũng nghĩ đến điều ấy.

Ngài Kangyur Rimpoche

Jean Francois: Một sự thay đổi lớn lao như vậy, con nói là con chẳng học hành lãnh hội được tí gì về Phật giáo cả, mà đó chỉ là một cuộc ra mắt nhập môn thôi à?

Matthieu: Vâng, con chỉ học về sau thôi. Lần đầu cũng như hai ba lần sau, con trở lại Ấn độ là chỉ cốt đến gặp thầy con thôi. Tất nhiên những lần ấy, con cũng được thầy chỉ dạy một chút về tâm linh, nhưng không bao giờ học một lớp liên tục về Phật giáo nào cả. Thầy con hằng bảo: “Phật giáo có rất nhiều điều hay để học lắm, nhưng điều quan trọng là chớ bao giờ chuyên chú quá vào sách vở lý thuyết, mà quên mất thực hành, mà thực hành mới là trọng tâm của tu tập đạo pháp” Học với thầy, con tự khám phá ra điều căn bản của quan hệ thầy/trò là tâm mình phải hoà đồng được với tâm của thầy. Có thế mới học được phép quán tưởng để đi đến sự hiểu biết giác ngộ.

Jean Francois: Hiểu biết giác ngộ có phải là một học thuyết tôn giáo không?

Matthieu: Không. Hiểu biết giác ngộ là kết quả của một sự thay đổi trong tâm thức, là đã thấy rõ được bản tính của thế giới hình tướng, bản tính của Tâm, là trực tiếp quán chiếu được Chân Lý, vượt trên mọi quan niệm.

Jean Francois: Như vậy là một vấn đề triết học rồi. Khi thầy con bảo hiểu biết giác ngộ là nhận biết được bản tính tối hậu của vạn pháp, bên ngoài cũng như trong tâm linh, thì đó đó là một mục rất lớn, có thể bao trùm cả vấn đề kiến thức, tìm tòi khảo sát hiện tượng…

Matthieu: Vâng, Phật giáo Tây tạng có bao gồm cả y khoa cổ truyền, ngôn ngữ học, thi ca, thiên văn… Nhưng môn học quan trọng nhất là tìm hiểu chính mình, mọi hiện tượng quanh mình giải đáp câu hỏi: Cái gì đưa đến hạnh phúc, đưa đến đau khổ? Tại sao lại có khổ đau? Vô minh là gì? Chân lý là gì? Chánh niệm là thế nào… Tìm ra được tức là đã hiểu biết giác ngộ. Có khổ đau là vì vô minh… Chỉ nhìn ông thầy, nghe thầy nói, thày làm, đi đứng, con đã cảm thấy có cái gì thăm thẳm con muốn đi sâu vào. Sau 5, 6 lần sang thăm thầy con, con quyết định sang ở hẳn bên ấy. Ông thầy Francois Jacob, thấy con đã viết song bài khảo cứu luận án Tiến sĩ, muốn con đi Hoa Kỳ. Nhưng con thấy đến đây là song một chặng đường, và con quyết định đi một hướng khác mà sẽ không làm thất vọng những người đã giúp con làm công cuộc khảo cứu khoa học.

Giáo sư Francois Jacob (giải Nobel hóa học)

Jean Francois: Con có thấy là hai con đường ấy thích hợp với nhau không?

Matthieu: Trên căn bản, con không thấy có gì là không thích hợp (hay xung khắc) giữa (tìm tòi) khoa học và (khảo sát) đời sống tâm linh cả. Chỉ có điều là cái nào quan trọng hơn mà thôi… Trong ba chục năm gần đây, những khám phá mới trong Sinh Lý Phân Tử Học là những khám phá khoa học quan trọng nhất thật đấy nhất. Nhưng không có con thì đâu có sao, thiếu gì những nhà khảo cứu trên thế giới. Càng ngày con càng thấy con chưa dùng hết khả năng trong người. Những mớ kiến thức khoa học chỉ là phần đóng góp lớn cho một số nhu cầu nhỏ của con người…

Jean Francois: Con bảo là con đi sâu vào một lý thuyết cổ cả trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Tất nhiên không phải là để tìm ra những kiến thức mới. Con đã có thể tham dự vào một cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu của nền trí thức, nền khoa học của nhân loại, mà những khám phá mới trong ngành Sinh Vật Phân Tử Học đã minh chứng.

Matthieu: Bố chớ vội kết luận như vậy. Học Phật không phải là phủi bụi cho một lý thuyết cổ, mà là sự tìm tòi đi sâu vào đời sống tâm linh, đem đến một thay đổi lớn lao trong Tâm mình. Đó là một kinh nghiệm đầy sự sống, đầy mới mẻ. Triết học siêu hình của Phật giáo không bao giờ có thể trở thành lạc hậu bởi vì nó đề cập đến điều cơ bản nhất của sự sinh tồn… Đúng là Sinh Lý Học và Vật Lý Lý Thuyết đã đem đến những hiểu biết kỳ thú về nguồn gốc đời sống, về sự hình thành của vũ trụ. Nhưng những kiến thức đó có soi sáng gì thêm vào những cơ nguyên của Hạnh phúc hay Khổ đau không?

Jean Francois: Bố hiểu. Nhưng bố vẫn không thấy Phật giáo và khoa học có thể thích hợp với nhau được. Sinh Vật Học tìm giải đáp cho các tật bệnh, cũng là giảm sự đau khổ của loài người vậy. Trong khi đi tìm những cơ nguyên của Hạnh phúc hay Khổ đau có vẻ như chỉ để thỏa mãn cho riêng cá nhân mình. Con có bao giờ thấy cái nào con thấy thích hơn không?

Matthieu: Phật giáo không chống đối khoa học. Phật giáo thấy khoa học là quan trọng, nhưng không đầy đủ, cho sự hiểu biết. Bởi vậy con không thấy cần phải chia sẻ thì giờ cho cả hai bên… Con vẫn đọc và theo rõi những khám phá mới trong Sinh Lý Học, mà con thấy hứng thú hơn những năm con còn làm. Những khám phá lớn như cấu trúc DNA, cấu trúc Vòng Xoắn Kép (double helix) là những thành công rất đặc biệt. Con không thể so sánh nguồn vui của thành công khoa học với sự khám phá tâm linh, khám phá này cũng mang nguồn vui sướng cho người hành gỉa, mỗi giây mỗi phút vậy.

Jean Francois: Sau đó con làm gì?

Matthieu: Con ở Darjeeling 7 năm cho đến khi thầy con là Kangyur Rinpoché viên tịch năm 1975, Sau đó con gặp người thầy thứ hai của con là Dilgo Khyentse Rinpoché, người đã đến làm lễ tống táng cho thầy Kangyur. Con cũng sang Delhi một năm để ấn tống lối 50 cuốn sách quý viết tay mang từ Tây tạng sang. Sau đó con sống bên cạnh thầy Dilgo Khyentse 12 năm, nghe thầy giảng pháp, giúp đỡ thầy và đi theo thầy du hành. Con được thầy con cho chính thức thọ giới làm sa di năm 1979. Mười hai năm đó là những năm tu tập tốt nhất con có thể có được, và không thể nào quên được. Con dần dà thấy rõ trong con, đó là những điều sẽ vĩnh viễn ở trong con không thể mất đi đâu được.

His Holiness Dilgo Khyentse Rinpoche.

Jean Francois: Thế là con ở Bhutan. Con có dịp đi Tây Tạng không?

Matthieu: Vâng, Đại sư Khyentse Rinpoché là ông thầy được tôn kính nhất xứ Bhutan, từ vua cho đến người làm ruộng. Con rất may được sống ở Bhutan ít năm. Con cũng có dịp vào Tây Tạng 3 lần với thầy con. Chùa chiền của thầy con nay chỉ còn là một đống gạch vụn, nhưng đối với nhữ!ng người dân còn ở lại, sự trở về của đại sư đã như là mặt trời mọc lên sau một đêm dài dầy đặc. Mặc dầu thảm kịch còn đang tiếp diễn tại Tây Tạng, xứ này vẫn còn nhiều hạt giống tốt cho sự chau dồi đời sống tâm linh.

Bây giờ con muốn hỏi bố. Tại sao bố lại muốn ngồi nói chuyện với con thế này? Thảo luận mọi chuyện với đại diện cho một nền văn hóa khác với văn hóa Tây phương như con bây giờ?

Jean Francois: Đâu có gì là lạ khi bố tò mò muốn biết về một cuộc đời như đời của con. Con đã rũ mình ra khỏi một cái gì đã vạch sẵn cho con, từ lúc còn nhỏ, đến khi lớn lên đi học, tóm lại cái bản lai diện mục (cultural identity) của con. Còn về hai nền văn hóa thì trước hết, tuy hai mà là một. Triết lý Đông phương thực ra cũng là di sản chung cho nhân loại. Chỉ có điều là rất ít người Tây phương, ngoại trừ một số chuyên gia nhỏ, để tâm nghiên cứu… Trở về câu chuyện của con, con đã đến với Phật giáo với một tâm linh không tỳ vết, mặc dầu con sinh ra là người công giáo. Bây giờ chúng ta hãy nói chuyện đạo Phật như là một tôn giáo hay là một hệ thống triết học nhé.

Đến đây hai người bắt đầu đi vào cuộc thảo luận, tìm hiểu Phật Giáo dưới nhãn quan của một nhà triết gia Tây phương với một Tỳ kheo Đông phương, đã từng là một khoa học gia Tây phương.

—————————————————————————————————————————-

Chú thích:

(1) Rinpoché, tiếng Tây Tạng, là một danh từ để chỉ một chức vị cao trong hàng giáo phẩm Lạt Ma giáo, cũng giống như Hòa thượng, Thượng Tọa bên Phật Giáo.

Kangyur Rinpoché là một vị Lạt Ma rất có tiếng và có công rất lớn trong việc truyền đạo pháp sang châu Âu (trung tâm Phật giáo Tây Tạng tại Dordogne, Pháp). Ngài sinh ra tại Kham, một tỉnh miền đông Tây tạng, tự thế kỷ trước. Thủa nhỏ học đạo tại một chùa nhỏ với Jedrong Rinpoché. Một hôm theo thầy đến thăm một vị đại lão Lạt Ma nổi tiếng thế kỷ trước tên là Mipham Gyatso, đang tu tại một hang động gần đó. Đại lão Mipham chỉ vào Kangyur hỏi : “Thằng nhỏ này là ai ?”Nó chỉ là một thằng bé trong làng”. Thầy của Kangyur trả lời như vậy. Mipham nói : “Những đứa trẻ như thằng này sẽ thành những vị thầy giỏi”. Học xong ở chùa với thầy, Kangyur Rinpoché tu tịnh thất 12 năm nữa, rồi đi bộ trong nhiều tháng trời đến tu viện Talung ở trung phần Tây tạng. Tại đây, một hôm Kangyur được các bạn đồng tu mời tụng bộ kinh Kangyur, là một bộ kinh Phật dài (108 cuốn sách Tây tạng). Ngài tụng và giải thích kinh này rất hay, cho nên mọi người đều kêu ngài là KangyurRinpoché. Năm 1955, thấy nhiều phần Trung Cộng sẽ đánh chiếm Tây tạng, ngài đã bỏ sang Ấn độ cùng vợ con (điều này không trái với tập tục Lạt ma giáo cho phép tu sĩ lập gia đình) mang theo hàng trăm bộ kinh. Sau khi định cư tại Darjeeling, ngài có nhiều đệ tử người Tây phương đến học đạo. Tất cả những ai đã ở gần Kangyur Rinpoché, đều cảm phục ngài vì vẻ hồn nhiên, ấm áp, vui vẻ và sự hiểu biết giác ngộ cuả ngài. Tháng Giêng 1975, ngài ngã bệnh và viên tịch.

(2) Dilgo Khyentsé Rinpoché cũng là một vị Lạt Ma nổi tiếng. Ngài sinh năm 1910 trong một gia đình quý tộc giòng giõi vua Trisong Detsen, là vị vua đầu tiên đã mời đạo sư Mật tông Padmasambhava mang Phật giáo vào Tây tạng. Ngài được nhìn nhận là hậu thân tái sinh của Mipham Gyatso Rinpoché nói trên. Vào tu viện ở Kham năm 11 tuổi và tu tịnh thất nhiều năm. Khyentsé Rimpoché làm việc không biết mỏi mệt. Mỗi đêm chỉ ngủ 4 tiếng. Sáng ngồi thiền định suốt buổi, chiều viết và dịch kinh sách (20 bộ kinh dầy). Năm 1975, sau khi làm lễ tống táng cho Kangyur Rinpoché song, ngài đã cùng Tulku Pema Wangyal, con của Kangyur, sang Âu châu, thực hiện ước vọng của Kangyur Rinpoché là muốn truyền bá Mật tông sang Tây phương. Ngài đi nhiều nơi bên Pháp, ban pháp thoại tại Auvergne, Chanteloube, Dordogne. Sau đó sang Anh, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Trước khi trở lại Ấn độ, ngài dừng chân tại Paris, để lại Tulku Pema Wangyal tại đây mở thêm tu viện Phật giáo tại Pháp.

ĐÀO VIÊN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.