Tôi viết những dòng chữ dưới đây thân gửi những tâm hồn luôn luôn thao thức đến tiền đồ Dân Tộc và Đạo Pháp, dù bạn hiện ở trong nước hay Tổ Quốc và Đồng Bào thân yêu của chúng ta: Sớm chấm dứt mọi hận thù, biết tha thứ và thương yêu nhau để cùng chung sức chung lòng góp phần xây dựng đất nước Việt Nam tương lai quang vinh.
THÍCH ĐỨC NHUẬN
—=oOo=—
Là người Việt Nam thì dù ở nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào cũng đều mong muốn góp phần mình vào việc làm tốt đẹp cho quê hương. Là người Phật Tử Việt Nam thì dù ở nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào cũng chẳng thể nào quên được mình là một thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Chính vì vậy mà người Việt tại hải ngoại đều hướng tâm về Việt Nam. Người Phật Tử Việt Nam đều muốn cho Giáo Hội của mình sớm phục hoạt. Chẳng cần phải nói lên thành lời, viết ra thành chữ thì sự phục hoạt hợp pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một minh chứng hùng hồn rằng, lúc đó quê hương chúng ta đã thật sự được đổi mới về khắp mặt.
Phải công bằng mà nói rằng quê hương chúng ta đang nằm trong chiều hướng đổi mới, chiều hướng nầy chỉ mới được khởi đầu ở mặt kinh tế. Mà kinh tế theo đúng kinh điển của chủ nghĩa duy vật là “Kinh tế quyết định tất cả”. Khi kinh tế đã bắt buộc bị đổi mới thì liệu rồi đây những thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên nền tảng kinh tế bao cấp xưa kia còn miễn cưỡng duy trì được bao lâu nữa?
Có lẽ chính vì vậy mà các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ đã dễ dàng nhận thấy rõ sự đổi mới kinh tế của Việt Nam hiện nay đã đi đúng hướng kinh tế của họ và đang tự bào gọt đi những vướng cộm chưa hợp với nền kinh tế thị trường để được tồn tại và phát triển trong một thế giới tư bản. Điều này rõ ràng là không thể nào đảo ngược, nên Hoa Kỳ sớm quên đi những đắng cay của quá khứ để bỏ lệnh cấm vận đối với Việt-Nam, và còn đi xa hơn (rất có thể) là sẽ bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ-Việt. Rồi biết đâu Mỹ lại chẳng dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc nữa. Kinh tế thị trường cụ thể đã làm cho nhiều nước trở thành giàu có, điều đó không thể chối cãi. Nhưng không vì thế mà nó không có những khuyết tật hiểm nguy của nó.
Để làm nhẹ những khuyết tật đó, người ta phải cần tới pháp luật Dân Chủ, có nghĩa là ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp phải độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Lập Pháp, và những người cầm đầu Hành Pháp, phải do dân bầu một cách minh bạch. Tư Pháp do những nhà chuyên môn đảm nhận, việc phán quyết được hoàn toàn độc lập, tự do, căn cứ vào pháp luật, bằng chứng và lương tri để phán xử, chứ không nhận mệnh lệnh của bất kỳ một cơ quan quyền lực nào.
Để theo sát những hành vi của các cơ quan quyền lực của quốc gia, và phản ảnh được ý nguyện của toàn dân, một nền truyền thông báo chí phải hoàn toàn tự do.
Nhờ biết phân quyền, phân công như vậy nên các quốc gia theo kinh tế thị trường mới tránh bớt được cảnh lạm quyền tham nhũng. Còn các nước có nạn độc tài mà cũng theo đuổi áp dụng kiểu kinh tế thị trường thì nhất định không tránh khỏi cảnh lạm quyền tham nhũng.
Kẻ trên quyết tâm bảo vệ quyền lực thì phải làm ngơ bao che cho kẻ dưới thò tay ra vơ vét tài sản của quốc gia và quốc dân, nhất là ở những nước nghèo, tiền trả lương cho viên chức không đủ sống thì tệ nạn tham nhũng hẳn phải tràn lan, thượng vàng hạ cám, cái gì lấy bỏ túi được là lấy.
Thế rồi vì mục đích kiếm tiền làm giàu, theo kiểu kinh tế thị trường, người ta đã không ngần ngại gì mà không dùng mọi thủ đoạn dù tàn nhẫn thâm độc tới mấy để kiếm ra thật nhiều tiền. Tệ nạn tham nhũng, là những ung nhọt làm rữa nát chế độ và làm nghèo đất nước.
Đất nước ta hiện nằm trong thảm trạng đó. Chẳng phải những nhà theo đuổi đường lối đổi mới tại Việt Nam không biết tới thảm trạng ấy. Họ biết rất rõ. Họ cũng đã từng lên tiếng báo động và cũng muốn phát động phong trào chống tham nhũng, buôn lậu lắm đấy. Nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Mà chỉ là giúp cơ hội để tham nhũng và buôn lậu tinh tế thêm ra mà thôi.
Tham nhũng đang làm ung thối “quyền lực”. Buôn lậu làm kiệt quệ “kinh tế”. Làm sao các nhà đầu tư nước ngoài dám yên tâm bỏ vốn vào Việt Nam? Làm sao nhà nước có thể huy động vốn dân chúng để phát triển kinh tế? Những món tiền lớn mà Việt Nam vay được của Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các nước có lòng giúp Việt Nam sẽ tránh sao khỏi lọt vào tay tham nhũng vô số kể! Kết quả là dân chúng Việt Nam nhiều thế hệ sẽ phải trả món nợ truyền kiếp đó.
Đây là hậu quả tất nhiên và đương nhiên của sự bước đi trên đường đổi mới mà chỉ bằng một chân. Một người bình thường và tự nhiên muốn đi trên con đường dài thì chẳng thể mãi mãi nhảy lò cò một chân được. Ở Việt Nam hiện nay, điều cấm kỵ là nói tới một chân kia của bước phát triển đất nước. Khó cho mọi người có lòng đóng góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển quê hương là ở chỗ đó.
May mắn cho một số đông đồng bào ta đang được sống tại các nước đã ung dung bước đi bằng hai chân bình thường trên đường phát triển. Nơi đó, đồng bào ta thoát khỏi mọi lo sợ, an tâm muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, nhất là lớp trẻ chứng tỏ được khả năng học hỏi của mình một cách đáng khâm phục. Đây là một số vốn khổng lồ cho quê hương mà khó có một quốc gia nào có cơ hội được như vậy. Một điều mừng nữa là, dù đã được trưởng thành nơi viễn xứ nhưng tất cả lớp trẻ đều mong mỏi có ngày được đem sở học của mình đóng góp cho quê hương. Dù rằng cha mẹ họ và ngay chính họ đã một lần lấy sự sống của mình đặt vào cuộc vượt biển mười phần chắc chết chín.
Nhưng sống trong hoàn cảnh tự do nơi xứ người, đồng bào ta chắc cũng không ít gặp phải khó khăn, nhất là lúc nào cũng thấy mình đơn độc giữa một biển người mênh mông. May mắn những nơi có đông đồng bào quần tụ, thì ở nơi đó chẳng sao tránh khỏi tình trạng phân hóa khốc liệt, vốn là sản phẩm phân hóa của không khí chính trị tại miền Nam trước kia. Để làm cho mình nổi bật, hoặc thấy người may mắn nổi bật hơn mình, thì người ta kiếm ngay những chiếc mũ khác chụp lên đầu nhau, thậm chí còn giết hại lẫn nhau nữa. Trên bảy mươi triệu người sống âm thầm tại quê hương một khi được biết về điều này đều cúi đầu rơi lệ.
Hướng về quá khứ, nước Việt Nam ta, kể từ các vua đầu tiên đời Hồng Bàng mở nước, năm 2879 TTL – cuối thời kỳ văn hóa Bắc Sơn – đến nay đã có chiều dài lịch sử 4.873 năm, với những khối óc tinh anh, những bàn tay gang thép, những ý chí hào hùng, bất khuất của tiền nhân đã góp công xây dựng đất nước, mở mang văn hiến, lấy “Phúc Đức” làm nền tảng xây dựng gia đình, xây dựng quốc gia hùng mạnh “Nam Quốc Sơn Hà”.
Nhưng năm 111 trước Tây lịch, Hán Vũ Đế sai phục ba tướng quân Lộ Bát Đức xua quân đánh lấy nước ta. Nho giáo và Lão giáo du nhập. Học thuyết chính thống của Lão và Nho đã tạo nên một lớp người Việt sĩ phu, quân tử có Thành, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm Sĩ. Đây là một điểm son mà hậu thế phải trân trọng.
… Giữa lúc toàn nước Việt bị người phương Bắc thống trị thì, đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào làm tươi mát những tâm hồn khô héo của người dân mất nước, nên tổ tiên ta đã tôn thờ Đức Phật, tin theo giáo lý Nhân Quả, Luân Hồi, Nghiệp Báo, biết áp dụng các đức tính Đại Bi, Đại Trí, Đại Hùng trong cuộc sống, và lấy đó làm phương châm “cứu nguy” cho dân tộc ở ngày mai.
Suốt 1.019 năm, qua 3 thời kỳ, nước Việt bị người Hán thống trị, nền văn hóa Văn Lang – Âu Lạc có nguy cơ bị Hán tộc đồng hóa. Cũng trên một nghìn năm ấy, ông cha ta phải ẩn nhẫn, chịu đựng gian khổ, đã biết lấy tinh chỉ Từ Bi, Trí Tuệ và Tự Chủ của đạo Phật áp dụng trong cuộc sống hàng ngày để giữ lấy mình mãi còn là mình.
Với khí thiêng sông núi, và khởi từ tư tưởng dân tộc độc lập; đất nước đã sản sinh các bậc anh hùng hào kiệt, liệt nữ anh thư, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế (Vua Đen), Phùng Bố Cái Đại Vương, Khúc Tiên Chúa, Dương Chính Công, Ngô Tiên Chúa để lấy đà hoàn thành một nước độc lập tự chủ ở phương Nam, do Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn Thập Nhị Sứ Quân, lập triều chính, lên ngôi vua, mở đầu nền độc lập ở nước ta. Nhưng phải đợi đến bàn tay của Thiền Sư Vạn Hạnh đào tạo nên một Lý Công Uẩn, thực hiện triệt để tư tưởng đạo Phật, tổ chức một triều đại nhà Lý vinh quang, kế nhà Trần anh dũng, mở ra những triều đại văn minh thịnh trị mà ít có quốc gia ở Á Châu sánh kịp.
…Nòi giống ta, nòi giống Việt-Hùng
Đã từng đánh Tống, dẹp Nguyên Mông
Dựng nền Tự Chủ cho dân tộc
Đức hóa danh truyền cõi Á Đông.
Thời cận đại, trong 83 năm nước ta bị đặt dưới quyền cai trị của người Pháp. Chúng ta thua về cơ khí và thủ đoạn gian manh của đạo quân xâm lược phương Tây. Tuy nhiên, với tinh thần bất khuất của một dân tộc hào hùng, không (lúc nào) chịu để cho bọn cướp nước ăn ngon ngủ yên, nên đã bao lần vùng đứng dậy đánh đuổi chúng. Để dành lại quyền độc lập tự do cho dân cho nước. Điển hình: Các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục (mà) tiêu biểu là các nhân sĩ yêu nước, như tiến sĩ Phan Đình Phùng, nông dân Hoàng Hoa Thám, vua Thành Thái, vua Duy Tân, các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Thiền Sư Võ Trứ, Hòa Thượng Trí Thiền, thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu, sinh viên Nguyễn Thái Học, nhà binh Trịnh Văn Cấn (đội Cấn), Thượng Tọa Vương Quốc Chinh, Nguyễn Thiện Thuật, Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Can v.v… Rồi xác Phan Đình Phùng bị khai quật, Hoàng Diệu tuẫn tiết, máu Hoàng Hoa Thám đổ, tới xác Phạm Hồng Thái bị phơi, đầu Lương Ngọc Quyến bị bêu, đầu 13 liệt sĩ Yên Báy bị đứt, và biết bao người yêu nước chân chính bị tù đày, tra tấn, khổ nhục. Họ là những anh hùng liệt sĩ từ vua đến quan, dân, tu sĩ đều nung nấu một lòng yêu nước: Các vị đã xả thân vì nền độc lập tự chủ của giống nòi Việt. Tên tuổi qúy vị cùng với núi sông bất diệt.
Cho tới năm 1945, sau trận Thế Chiến II chấm dứt; cả nhân loại xôn xao với cuộc đời mới tự do. Các nước lớn đi xâm lược nước nhỏ tự “phản tỉnh” xét lại hành động của họ. Các nước nhược tiểu chậm tiến ở Á-Phi cũng bừng tỉnh đứng lên dành lấy chủ quyền độc lập. Nước Việt Nam, tưởng (sẽ) có cơ hội và điều kiện thoát khỏi ách ngoại thuộc. Nhưng, vận nước vừa mới mở ra đầy hy vọng cũng lại là nước ta bị sa vào cuộc chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ vào cuối năm 1946.
Qua 9 năm toàn dân Việt gian khổ chống Pháp để rồi cuối cùng đưa đến cảnh huống là: Đất nước Việt Nam bị cắt làm hai miền Nam – Bắc với hai thể chế khác nhau (người dân Việt quen gọi là hai miền Quốc – Cộng). Và liên tiếp hai mươi năm chiến tranh, biết bao máu, nước mắt của đồng bào đã đổ ra một cuộc hoang phí!
Ngày 30-4-1975, Việt Cộng đánh chiếm lấy trọn phần đất từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau và thành lập nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đến nay tròn nữa thế kỷ, 1945-1994. Nay tuy cảnh giang sơn đã thống nhất, nhưng trước thảm trạng lòng người ly tán, chẳng ai còn biết tin cậy vào ai nữa. Con người bị phóng thể. Hầu hết những di sản tinh thần về phong tục, tập quán hay, đẹp; về lối sống, nếp sống đạo nghĩa thanh cao đã từ nhiều đời thể hiện trong truyền thống sinh hoạt quốc gia, trong tư tưởng giới, trong lịch sử, nỗi thăng trầm vinh nhục buồn vui trong sáng của dân tộc mà xưa nay người Việt vốn lấy đó làm tự hào là một nước “văn hiến chi bang” đều bị bôi bỏ đi cả và được thay vào đó bằng một lối sống “vật hóa con người”, đến nổi giữa những người đồng bào ruột thịt mà nhìn nhau như những kẻ thù xa lạ!
Đất nước, dân tộc ta, trong nữa thế kỷ, vì thiếu tinh thần thức giác đã chịu cảnh nhận sơn từ bên ngoài đem về vẽ lên mặt mình và vẽ vào mặt nhau để bảo đó là kẻ thù, rồi cầm súng (được cung cấp miễn phí) cũng từ bên ngoài để thỏa mãn bắn vào nhau mà chẳng hề cảm thấy lương tâm mình rung động.
Căm thù là cái bẫy đã làm cho Việt Nam chìm trong máu lửa suốt mấy chục năm dài. Cộng với mười năm trả thù rữa hận, kẻ thắng thế tự mãn đày ải những người chiến bại. Rút cục Việt Nam đã được những gì nào? Một đất nước nghèo đói. Niềm tin sụp đổ. Đạo đức suy đồi. Tuổi trẻ có đến trường, nhưng lại chẳng học được gì ở nhà trường. Điều ấy mới thật là một mối nguy khó cứu vãn cho tương lai dân tộc.
Đồng bào ở nước ngoài quả thật là may mắn. Thế giới tiến tới đâu thì đồng bào tiến lên tới đó. Tuổi trẻ được thoải mái học tập với sở thích và khả năng của mình. Vấn đề còn lại thuộc về lớp tuổi trên. Quả thật nói tới “bỏ đi hận thù” thì thật là khó, vì hận thù đã ấn sâu vào tâm thức mỗi người. Thậm chí hận thù lại đã tạo ra những thương tích trên thân thể, những khủng khiếp đối với từng người, từng gia đình Việt Nam. Chết chóc, mất mát đủ thứ.
Vậy chỉ một câu nói bỏ đi hận thù là bỏ được ngay sao? Khó quá!
Nhưng nếu chúng ta muốn xây dựng lại quê hương, mà không biết quên đi thù hận để cho tâm trí thanh thản? Xin hãy suy nghĩ thật sâu và thật chín về những bài học hiện nay của Đông Âu và Liên Xô trước đây để nhìn thật rõ vấn đề của quê hương mình phải giải quyết ra sao và bắt đầu từ đâu thì… thế nầy vẫn mãi là thế nầy!
Thế giới thật sự đã đổi mới. Nhận thức về thế giới của loài người tất nhiên là phải thay đổi. Hiện nay những xung đột về ý thức hệ không còn chỗ đứng. Những xung đột dân-tộc, chủng tộc, tôn giáo ở một vài nơi bùng nổ lên làm thành những điểm nóng của thế giới. May mắn ở Việt Nam không có vấn đề chủng tộc. Nhưng về mặt tôn giáo thì còn một số người nhiều manh tâm chưa hoàn toàn chịu buông tha.
Thật ra ở Việt Nam, chưa có thời nào có vấn đề xung đột tôn giáo. Trong thời xa xưa của đất nước, khi đạo Phật được các vua Lý-Trần và nhân dân cả nước tôn thờ thì đạo Khổng và đạo Lão cũng được đề cao, để tạo thành tư tưởng tam giáo đồng nguyên, đồng hành. Tôn giáo nào vẫn giữ sắc thái cá biệt của tôn giáo mình để “hỗ tương sinh hoạt”, áp dụng vào việc kiến thiết quê hương, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, làm cho văn hóa Việt Nam triển khai rực sáng ở thế kỷ X – XIV.
Năm 1963, Phật Giáo Việt Nam phát khởi cuộc vận động chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo và được toàn dân từ Bắc chí Nam ủng hộ. Bạo quyền mang đặc tính kỳ thị tôn giáo bị sụp đổ. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Đạo dụ số 10 bất công vốn là sản phẩm của chế độ thực dân cáo chung. Các tôn giáo tại Việt Nam đều được tự do hành đạo, chẳng hề có một sự trả thù nào mang tính cách xung đột tôn giáo hết. Các tôn giáo nói chung đều có cùng một cứu cánh là: Phục vụ con người, giúp con người trở thành tốt lành, sống trong sạch công bằng và tôn trọng lẫn nhau để tất cả làm đẹp quê hương, làm mới thế giới.
Chỉ có như vậy các tín hữu của các tôn giáo mới biểu hiện được lòng thương Phật, tin Chúa và tôn kính đối với đấng giáo chủ của mình. Còn cứ mãi vùi đầu vào sự mê lầm xung đột lẫn nhau thì chúng ta đã phụ lòng đối với các Ngài rồi vậy.
Tại Việt Nam (hiện nay), các tôn giáo trên danh nghĩa thì các nhà thờ và các chùa đều được mở cửa. Nhưng các Giáo Hội thì đều phải xếp hàng trong một Mặt Trận chính trị của nhà nước. Mà ngặt một nỗi là dân chúng Việt Nam từ lâu nay đã có một thành kiến thật khó sửa: Hễ cái gì thuộc về “quốc doanh” thì khó là thứ tốt được. Bởi vậy, bất kể tôn giáo nào dù có muốn làm tốt hơn đối với việc chấn chỉnh đạo đức cũng chẳng dễ dàng gì. Bao giờ các nhà đổi mới tại Việt Nam thấy được rằng: Khi người dân hiểu được việc làm của mình thế nào là tội phúc, thế nào là phạm vào luật nhân quả của trời đất, thì những tội phạm của xã hội theo đó mà giảm đi. Hãy can đảm lên để nhận thẳng vào vấn đề. Chẳng ai hãnh diện được khi phải cai trị một đất nước mà ở trong đó những tội phạm xã hội đầy đặc, chỉ có chiều tăng, không có chiều giảm.
Hiểu về luật nhân quả thì (trước hơn ai hết) người Phật Tử đều đã hiểu rõ: Gieo nhân nào sẽ gặt giống đó. Cũng thuộc về nhân quả, người trồng hoa chịu khó chăm bón cho hoa thì sẽ có hoa thơm nở đẹp làm tươi mát cho cuộc đời.
Chắc mỗi người chúng ta đều còn nhớ trong cuộc vận động tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963, tất cả các sơn môn, các đoàn thể Phật Giáo, Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tinh thần vô chấp, vô úy để cùng nhau nhập cuộc mà làm nên sự nghiệp lẫy lừng lịch sử.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời từ đó. Và rồi cùng chịu chung số phận nổi trôi của đất nước. Đất nước bị phân hóa chia rẽ thì Giáo Hội cũng chẳng thoát khỏi nạn đó. Đành rằng lỗi chính vẫn thuộc về thành viên trong Giáo Hội chúng ta đã chẳng nghiêm chỉnh giữ hạnh vô chấp để sáng suốt thực hành nguyên lý vô ngã.
Chia rẽ cắt nhỏ khối Phật Tử ra làm nhiều mảnh vụn; để rồi tất cả cùng hoạt động cho mọi mục đích mà chẳng thể bao dung nỗi nhau; thậm chí ứng dụng cả cách xử sự thông tục là tìm phá phách lẫn nhau nữa mới thật thảm! Để được gì kia chứ? Chắc chắn là chẳng được gì, ngoài mỗi một việc là tự mình cho rằng mình đã có công làm việc này việc khác cũng thật là thảm! Xin hãy chấp tay sám hối!
Sám hối với những Thánh Tăng tử đạo và toàn thể những người đã hy sinh cho công cuộc thống nhất Phật Giáo. Tuy nhiên có một điều chúng ta vẫn tin tưởng rằng: Không một người theo Phật nào của Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào, dù quý vị đó có đang sinh hoạt trong hoặc ngoài nước, dưới sự bảo hộ của nhà nước hay đang âm thầm sống giữa lòng quê hương, mà lại quên được mình là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Thời đại cuối thế kỷ XX sắp bước sang thế kỷ XXI là một thời đại “Con Người Cần Phải Phát Triển Toàn Diện, Không Một Thế Lực Nào Có Thể Làm Ngược Được Điều Đó”. Bằng đôi chân khỏe mạnh của mình, mời Người hãy đi lên!
[…]
Xin hãy nhất tâm sám hối, nguyện gột rửa mọi ý niệm vong bản; đổi mới ý nghĩ, ngôn từ và hành động; đổi mới tâm hồn. Có đổi mới tâm hồn chúng ta mới đủ tĩnh táo để thực hiện công cuộc ĐỔI MỚI VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC, và ĐẠO PHÁP./.
THÍCH ĐỨC NHUẬN (1994)