Thưa anh chị em Lam Viên bốn phương.
Mặc dù đạo Phật có mặt trên thế gian rất lâu, hơn 2.500 năm rồi, nhưng không ai nói giáo lý Phật Đà đã cũ kỷ, bởi vì những giáo lý về Nhân Quả, Duyên Khởi v.v… thì muôn đời vẫn là chân lý; có những điều đức Phật nói mà cho đến nay khoa học vẫn chưa chứng minh được chứ chưa có điều nào đức Phật nói mà khoa học hiện đại bác bỏ được.
Về tổ chức Gia Đình Phật Tử, một tổ chức giáo dục của Phật Giáo, thì ban đầu ban lảnh đạo chỉ gồm những thanh niên chưa đầy 20 tuổi, nhưng cho đến bây giờ Gia Đình Phật Tử đã có đủ các thành phần: nam nữ thanh thiếu niên, phụ nữ, nam nữ cao niên, bô lão, đồng ấu… Vì tổ chức đã “lớn lên” sau hơn 70 năm sinh hoạt rồi! Đó là về mặt hình tướng bên ngoài, còn về tánh tình, tính chất, tình cảm… bên trong thì không thể định nghĩa được thế nào là TRẺ, GIÀ.
Một nhà tâm lý học Pháp đã nói: “ Tuổi trẻ không phải là một giai đoạn của cuộc sống, đó là một trạng thái của tinh thần, một hệ quả của ý chí, một phẩm chất của trí tưởng tượng…” (La jeunesse n’est pas une période de la vie, elle est un état d’esprit, un effet de la volonté, une qualité de l’imagination…)
Như vậy, khi chúng ta nói “phải làm mới phuơng pháp tu học”, “phải có hưóng nhìn mới”, hay “phải cải tiến sinh hoạt của GĐPT”, v.v… có nghĩa là chúng ta phải làm mới chính mình. Đó là chưa nói nhiều khi chúng ta trẻ (tuổi) nhưng đã già từ bao giờ; là do cuộc đời chưa làm nhăn da mặt chúng ta nhưng đã làm nhăn tâm hồn chúng ta bởi những lo toan quá mức, những nghi ngờ, thành kiến, cố chấp, những thất vọng… hay khi chúng ta đã đánh mất niềm tin và lý tưởng.
Chúng ta làm mới mình, nghĩa là làm trẻ tâm hồn mình, là khi chúng ta không những không bực mình mà còn thích thú khi được nghe các em hỏi “tại sao”, “rồi sao nữa” v.v… và tìm cách trả lời thật thỏa đáng cho các em. Chúng ta làm mới mình bằng lòng tin vào Tam Bảo, vào tổ chức, vào chính mình; ngược lại thì chúng ta sẽ già đi, sẽ tàn tạ nếu chúng ta xa lìa “Anh Nhi Hạnh” (Hạnh Trẻ Thơ mà kinh Pháp Hoa đã dạy đó!).
Chúng ta giữ cho mình trẻ lâu bằng cách tự huấn luyện mình biết tiếp nhận, biết học hỏi không ngừng, không mệt mỏi; tiếp nhận những gì tốt đẹp và cao cả, tiếp nhận những thông điệp từ thiên nhiên, từ con người, từ thời gian vô cùng và không gian vô tận.
Mặt khác, tuổi trẻ là cái tuổi đầy năng lực và nhiệt huyết, tuổi của hy vọng rất nhiều và tuyệt vọng cũng rất chóng; tuổi phá hoại cũng dữ nếu mất niềm tin, nhưng xây dựng rất lớn nếu được hướng dẫn, huấn luyện tốt. Vì vậy tuổi trẻ rất cần sự quan tâm và trao truyền kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh.
Thưa Anh Chị Em.
Là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, dù trẻ hay già, dù theo nghĩa hình tướng hay lý tánh, chúng ta cũng hứa với nhau, luôn nắm vững 3 món hành trang này trong khi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ địa phương đến trung ương để giữ gìn sự thống nhất trong tư tưởng và hành động:
Cương quyết một cách mềm dẻo: Đó là nương theo chiều thuận mà đi nhưng không bao giờ quên cái ĐÍCH nhắm đến; phải bơi theo dòng nước chảy nhưng đừng bao giờ quên BẾN BỜ mình đã định. Mềm dẻo đối với mọi người và trong mọi việc nhưng không phải mềm yếu để ai muốn lái đi đâu thì lái.
Tiến nhanh, tiến mạnh một cách tuần tự: Đừng chạy mà vấp ngã, vì khi ngã phải mất thì giờ đứng dậy để đi lại. Đừng nóng nảy, hãy bước những bước vững chắc vì những bước ấy sẽ đưa ta đi nhanh hơn những bước nhảy vọt bởi những cao hứng nhất thời.
Hãy nghĩ đến tương lai mà làm việc hiện tại: Hãy nghĩ đến quả mà gieo nhân, hãy nhìn xa mà bước để nhìn thấy những hố hầm phía trước mà tránh. Muốn làm việc lớn thì phải có tầm nhìn xa, nhưng đừng quá xa để mất cả thực tế.
Xin kính chúc anh chị em Lam Viên bốn phương luôn tưới tẩm Hạnh Anh Nhi của mình từng ngày, từng giờ để tổ chức chúng ta ngày càng thích hợp với tuổi trẻ, đàn em chúng ta được trao truyền một nền giáo dục Phật Giáo từ các bậc đàn anh, đàn chị với đầy đủ 3 đặc tính: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng.
Kính chào tinh tấn.
Trân trọng./.
BAN BIÊN TẬP
(Trích LÁ THƯ ĐẦU TUẦN – Trang Nhà GĐPTVN Trên Thế Giới).