Ma quân đập phá tượng Phật tại Bình Phước – Bài 6: Chân dung & tiếng nói người trong cuộc

 

Cho đến bây giờ, việc đập phá, triệt hạ tôn tượng Phật và Bồ Tát tại núi Bà Rá, tỉnh Bình Phước đã không còn là nghi vấn và lại càng không… do những thế lực thù địch chống phá nhà nước nào xuyên tạc cả. Thế nhưng có thể do sự “e ngại tế nhị” nên các cơ quan ngôn luận chính thức của Phật Giáo vẫn dùng những dòng “tít” khá độ lượng và thân thiện. Mời quý bạn đọc theo dõi thông tin chính thức về chân dung và phát ngôn của những người trong cuộc qua sự tìm hiểu của báo Giác Ngộ Online – Cơ quan ngôn luận của Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, Việt Nam).

BBT Thư Viện GĐPT Online

 

Thực hư việc đập phá tôn tượng tại Bình Phước

GNO – Để phần nào giải đáp những thắc mắc cũng như những bức xúc của Tăng Ni, Phật Tử trong những ngày qua về vụ “đập phá tượng Phật, Bồ-tát” tại khu du lịch Bà Rá (thị xã Phước Long, Bình Phước), phóng viên Giác Ngộ đã đến tận hiện trường và liên hệ trực tiếp với Ban Tôn Giáo cũng như BTS.GHPGVN tỉnh Bình Phước.

Một góc tượng bị đập, theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Tư là di dời nhưng vì tượng làm bằng sứ gắn chặt dưới nền xi măng nên khi đục không được đã đập bể – Ảnh: Như Danh

 

Chân dung ông Nguyễn Hữu Tư
Ảnh: Như Danh

Tại hiện trường, nhiều tượng bị đập phá, trong đó có tượng Đức Quán Thế Âm Bồ-tát (bằng đá) và các tượng bằng sứ khác trong các hang nằm trên núi Bà Rá. Trình bày về vụ việc, ông Nguyễn Hữu Tư, Phó Giám Đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Bình Phước cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc di dời các tượng Phật, vào ngày di dời các tượng Phật tại điểm “Hang Cọp”, đoàn Ban Tôn Giáo tỉnh đã đến hiện trường thực hiện di dời các tượng Phật được dựng lên mà chưa được cho phép.

Tuy nhiên, do các tượng Phật nhỏ ở phía trong hang (có khoảng 6 đến 7 tượng đục là bị nứt vì đế tượng được đắp bê tông dày quá, với lại các tượng làm bằng sành sứ,  đoàn đã đập phá luôn. Ngoài ra, còn có một tượng làm bằng đá Non Nước nhưng không di dời được.

Sau khi phá những tượng bằng sứ trong hang thì đoàn ra ra về, lúc đó, tượng Phật bà Quan Âm vẫn còn nguyên, có rất nhiều người lúc đó cùng đi cũng có mặt chứng kiến, không có đập tượng đó. Tôi có đốt mấy chiếc chiếu, nệm, các bộ bài, các cái bàn xếp chứ không có kinh sách gì ở đây (như dư luận nói là không đúng).

Mục đích của đoàn là di dời các tượng Phật đem về thờ cúng tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, đoàn đã đưa làm lễ an vị trên núi là 5 tượng còn 19 tượng đem xe chở về chùa của Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh.

Như vậy, có 24 tượng mình lấy được mình đem về thì còn lại mấy tượng này lý gì lại không đem về? Vì lý do nó khó tháo gỡ mà nằm ở chót vót phía trên nên mới xảy ra sự tình này (ý ông là đập phá như trong clip – NV).

Tôi cũng rất đau lòng và thấy tiếc, nếu người dân họ để bình thường, họ gắn sơ sơ thôi thì mình đem về đàng hoàng, về nơi thờ tự hợp pháp, không có đắp bê tông cứng quá thì việc di dời sẽ không có vấn đề gì, sẽ không có việc các tượng bị phá. Chủ đích của mình là đến di dời hết các tượng chứ không phải là phá tượng. Trong quá trình mình làm chỗ này mình làm không được là lỗi của mình!

Hòa Thượng Thích Nhuận Thanh Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Phước

Đập tượng thì phạm tội ngũ nghịch

Cũng về sự việc trên, khi được biết thông tin có các tượng Phật bị đập phá tại khu du lịch Bà Rá, Phước Long. HT. Thích Nhuận Thanh, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Phước cho hay:

Nếu nói về hình ảnh đập phá tượng thì tôi xin thưa với phóng viên báo là ngày xảy ra vụ việc tôi có lời mời của Sở Nội Vụ, theo công văn của UBND tỉnh nhằm di dời một số tượng thờ từ chân núi lên đỉnh núi. Tôi có lên và hướng dẫn một số Tăng Ni của thị xã Phước Long với nhiệm vụ chính là di dời một số tượng từ chân núi lên đỉnh núi để an vị Phật.

Còn những chuyện đi qua các hang để di dời thì tôi không có đi, còn về tượng Bổn Sư Thích Ca và Bồ-tát bị đập phá tôi thấy thì chỉ thấy hình ảnh trên mạng.

Đứng về phía Giáo Hội, là một người con Phật, tôi thấy rất đau lòng khi nhìn thấy (hình ảnh quay ở trên mạng) các pho tượng bị đổ nát, bị rơi đầu ra. Còn hiện thực thì tôi không đi đến chỗ đó nên chưa thấy, chưa biết thực hư như thế nào.

Việc di dời này là Sở Nội Vụ thực hiện theo công văn của tỉnh, những tượng Phật từ chân núi lên đến đỉnh là của nhiều cơ sở thờ tự và nhiều nhân vật. Mà tôi thấy ở trên thì cũng không đủ chỗ để, vì thế tôi ý kiến là chỉ di dời một số tượng lên để an vị còn đem về BTS tỉnh. Trong số các tượng đem về có nhiều tượng không nằm trong danh mục các tượng Phật nên khi quý Phật Tử thỉnh về để sửa lại cho đúng, cho chính xác.

Tại hiện trường, vẫn còn tượng Đức Bồn Sư Thích Ca còn nguyên vẹn – Ảnh: Như Danh

Sau khi vụ việc xảy ra, được nghe sự phản ánh của một số Phật Tử tại Phước Long, khi đó, chúng tôi có hỏi ông Trưởng Ban Tôn giáo, ông nói là vô đó làm nhiệm vụ thì một số tượng Phật nhỏ không di dời được nên ông đã cho đập phá do kết cấu, vì lý do trong đó dơ dáy nên ông dọn dẹp và mới đốt một số chiếu, niệm, bài bạc.

Phá tượng là một trong năm tội ngũ nghịch, không riêng Tăng Ni và mà cả Phật Tử nhìn thấy thì không ai có thể chịu được, chấp nhận được. Tôi có nói như thế với ông Nguyễn Hữu Tư để ổng nhìn ra vấn đề.

Khi ông Tư làm những hành động đó Phật Tử phản ánh là chính xác.

“Đơn Hà thiêu mộc Phật / Viện chủ lạc mi mao” (Thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật, viện chủ rụng lông mày) – Ngài Đơn Hà lấy tượng Phật chẻ đốt, chẻ Phật giả để thấy Phật thật. Tượng Phật nào rồi cuối cùng cũng không còn, chỉ có Phật tâm thì còn mãi mãi, đây là hành động đại thừa của bậc thánh, nhưng ông Tư này chỉ là một người bình thường

Ai làm không đúng thì người đó dính dáng đến một trong năm tội ngũ nghịch. Mong rằng những người có những việc làm không hay nên thành tâm hối lỗi.

——————-

Một số hình ảnh tại hiện trường

Đường lên “Hang Cọp”, núi Bà Rá

Tượng bị đập thuộc nhiều tín ngưỡng khác

Tôn tượng ngài Quán Thế Âm bị đập, nhưng ông Trưởng Ban Tôn Giáo nói đoàn không có đập

Tôn tượng ngài Địa Tạng còn lại sau vụ việc – Ảnh: Như Danh

—————-

 Xem thêm: VIDEO CLIP đập phá tượng Phật tại núi Bà Rá tỉnh Bình Phước

 XEM TIẾP THÔNG TIN:

– BÀI 7: Cơ quan công quyền nói gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.