Vấn nạn tự sát tại Nhật.
Nhật Bản là một quốc gia được nhiều người biến đến vì có vấn nạn tự sát. Vấn nạn này được thể hiện với hai đặc điểm: Thứ nhất, số người tự vẫn hàng năm tuy không phải là nhiều nhất thế giới – “danh dự” này thuộc về một số nước ít mở mang như Greenland, Kazastan. Guana, Ấn Độ, Trung Hoa – nhưng so với những quốc gia văn minh tiến bộ như Anh, Mỹ, Pháp thì Nhật gần như dẫn đầu. Tỷ lệ trường hợp người tự vẫn bên Nhật gần gấp đôi trường hợp tự vẫn tại Hoa Kỳ. Từ 1998 đến 2011, người ta đã thấy mỗi năm có trên 30.000 người Nhật tự vẫn, tức là có một người Nhật tự tử chết mỗi 15 phút. Thứ hai, tự vẫn tại Nhật được coi là một chuyên của cá nhân, riêng tư, không ai được “xía” vào, kể cả chính quyền.
Khác với nhiều nước Tây Âu, tự sát tại Nhật không bị cấm đoán, cả về phương diện tôn giáo cũng như pháp lý. Trước đây tại Tây Âu, dưới ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa, tự sát bị coi là một cái tội (sin). Nhưng bây giờ hầu hết mọi nơi trên thế giới tự sát không bị coi là phạm pháp. Tuy nhiên ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ tại Hòa Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Thụy Sĩ, Thái Lan và hai tiểu bang Oregon và Washington Hoa Kỳ, giúp đỡ một người muốn tự kết liễu đời mình, dù bất vụ lợi, vì lý do nhân đạo (euthanasia), thì bị coi là phạm pháp, có thể bị tù tội.
Người ta còn nhớ cách đây không lâu, ngày 15 tháng 7, 2009, hai ông bà Sir Edward Downes, một nhạc trưởng nổi danh của nước Anh và bà vợ là Joan, nhũ danh Joan Weston, nguyên là một vũ công và đạo diễn ngành vũ “ballet” cổ điển và cũng là một nhà sản xuất những phim ảnh vô tuyến truyền hình, đã quyết định cùng nhau sang Zurich, Thụy Sĩ kết liễu cuộc đời với sự trợ giúp của tổ chức Dignitas, một tổ chức thành lập năm 1998, chuyên làm công việc giúp đỡ những người muốn quyên sinh. Tại Anh Cát Lợi giúp đỡ một người tự vẫn là trái luật và sẽ có thể bị trừng phạt tới 14 năm tù ở. Chi tiết chuyện này được trình bày trong bài viết “Một cái Chết Tự Tại”.
Tại Hoa Kỳ, bác sĩ Jack Kervokian ở tiểu bang Michigan là người chủ trương người bệnh nan y sắp chết có quyền quyên sinh với sự giúp đỡ của bác sĩ để được chết thanh thản. Ông đã sáng chế ra một cái máy giúp người bệnh tự mình quyên sinh. Ông nói đã từng giúp ít ra là 130 bệnh nhân tự vẫn. Năm 1999 ông đã bị bắt, sau đó bị kết án và tống giam 25 năm tù ở vì tội sát nhân không cố ý giết người. Ông đã được thả ra sớm năm 2007, vì có hạnh kiểm tốt trong tù.
Tại Nhật Bản, tự sát nhiều khi lại được coi là một hành động đáng khen. Tự ngàn xưa, dưới thời phong kiến Mạc Phủ Kamakura, những người Võ Sĩ Đạo (Samurai), bầy tôi của các Tướng Quân, Mạc Chúa (Shogun) sẵn sàng tự kết liễu đời mình để tự minh oan hay bảo vệ danh dự của chủ. Phương pháp tự sát họ dùng gọi là “seppuku” (hay là harakiri) trong đó người tự sát ngồi xuống đất, mở thắt lưng, ở trần, dùng một thanh kiếm ngắn tự mổ bụng mình từ trái sang phải, phơi bày ruột gan trước khi chết. Người tự vẫn chưa chết ngay cho nên phải nhờ một người khác giúp cho chóng chết bằng cách đứng đằng sau dùng một thanh kiếm dài chém vào cổ người tự vẫn.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã nổi tiếng tự sát tập thể với những phi đội Thần Phong, với những phi công “kamikaze” sẵn sàng tự sát bằng cách lái phi cơ chứa đầy chất nổ, không còn bánh đáp để không hạ cánh xuống phi trường được mà phải bay tiếp, đâm thẳng vào chiến hạm của Hoa Kỳ. Gần đây, năm 1970, nhà văn Yukio Mishima cũng tự vẫn bằng phương pháp “seppuku” sau khi thất bại hô hào quân đội Nhật làm một cuộc đảo chính đưa Nhật Hoàng lên nắm chính quyền.
Hiện nay, báo chí truyền thông Nhật Bản vẫn đăng gần như thường xuyên tin tức những người Nhật tự tử chết, phần lớn vì lý do “trầm cảm”, sinh kế. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật được khuyến khích làm việc rất nhiều để hồi phục và phát triển nền kinh tế tan nát trong chiến tranh. Có lẽ vì vậy nạn trầm cảm nảy sinh.
Dưới đây là vài mẫu tin trên nhật báo ở Tokyo:
Ông Nanbu là một kỹ sư tại một công ty nhỏ, nơi giờ làm việc dài khiến ông như bị cách ly khỏi gia đình của mình. Ông đã giấu chứng trầm cảm hơn 10 năm. Bà Nanbu nói: “Tôi đã đến gặp bác sĩ của chồng nhiều lần để dò hỏi tình trạng của ông, nhưng luôn bị từ chối cung cấp thông tin”. Lá thư tuyệt mệnh người chồng để lại trong túi áo viết: “Tôi xin lỗi. Tôi không thể làm việc nữa. Tôi không biết tại sao. Tôi thực sự xin lỗi vì gây ra quá nhiều rắc rối cho công ty”. Ông đã lặp đi lặp lại lời xin lỗi của mình trên 20 lần. Ông Nanbu đã rời nhà để đi tới Nara, cách đó 300 dặm và nhảy xuống đường rầy xe lửa tại một vị trí mà ông có thể trông thấy căn hộ cũ hai vợ chồng từng sống khoảng 20 năm trước. Bà Nanbu nói: “Tôi nghĩ rằng đó là thời gian tốt đẹp nhất trong cuộc sống của mình”.
Ông Masayoshi Shimamura ở Saitama đã tự sát năm 2009 do bị trầm cảm trong quá trình làm việc quá sức và căng thẳng tột độ. Bà Hideko Shimamura nói: “Ông ấy muốn từ bỏ công việc và nghỉ hưu để điều trị chứng trầm cảm, nhưng ông không thể làm điều đó vì còn phải nuôi sống gia đình mình. Nếu ông nói với công ty về chứng trầm cảm, ông đã có thể bị giáng chức, chuyển đến một nơi xa, hoặc bị đẩy sang làm những việc không quan trọng. Ông đã chỉ làm một nghề trong suốt cuộc sống của mình và không còn tự tin rằng có thể làm việc gì khác trong nền kinh tế hiện nay ở Nhật Bản“.
Bà Hideko cho thấy các tin nhắn cuối cùng từ người chồng quá cố, có nội dung: “Cảm ơn em về tất cả. Anh xin lỗi”. Qua điện thoại, ông nói với vợ: “Anh đã uống 11 viên thuốc, nhưng anh vẫn chưa cảm thấy buồn ngủ… Cuối cùng anh đã bắt đầu cảm giác buồn ngủ và đang mất ý thức”. Đó là những lời cuối cùng của ông. Một bức ảnh không đề ngày tháng của Masayoshi Shimamura và cuốn sách của ông. Các đề mục của cuốn sách là “Làm thế nào để sống bình yên”, “Làm thế nào để sống không bất an và lo lắng” và “Làm thế nào để trở nên phấn chấn“. Masayoshi đã mua một tạp chí trong 4 năm và đọc sách tự giúp mình đối phó với chứng trầm cảm. Bà Hideko Shimamura còn giữ một ngăn kéo chứa đầy quần áo người chồng quá cố. Chồng bà thường nói: “Công ty không quan tâm gì đến nhân viên. Anh chỉ là một bánh răng trong cỗ máy. Nếu anh nói một điều gì đó tiêu cực về môi trường làm việc, họ sẽ sa thải anh bất cứ lúc nào”.
Tại Tokyo, người dân Nhật đã quen thuộc với cách tự tử bằng cách nhảy xuống đường ray xe điện ngầm, cho nên mỗi khi thấy xe điện ngầm dừng lại trước khi đến bến, hành khách trong xe đã nghĩ ngay là lại có người đang tự sát rồi! Cũng có một số người đang đi bộ trên hè phố, lăn ra chết vì có một người đã nhảy từ lầu cao để tự tử mà lại rơi trúng ngay người đi bộ. Phải kể thêm có nhiều người đàn bà Nhật trong lúc túng quẫn, đã giết hết lũ con nhỏ trước khi tự vẫn, vì không muốn lũ con bị đói khổ, không có người trông nom săn sóc.
Người ta đã làm một cuộc thống kê và đã thấy rằng người Nhật hay tự tử ở nhà hơn là ở ngoài đường, sau đó mới đến những cao ốc và sông nước, biển cả. Phần lớn họ tự tử vào ngày thứ Hai và Chủ Nhật, trong khoảng thời gian từ 4 giờ đến 6 giờ sáng. Phụ nữ lại hay tự vẫn lúc trưa đến 2 giờ chiều.
Tự sát lại càng phổ biến trong xã hội Nhật Bản khi năm 1993 hai tác giả Seicho Matsumoto và Wataru Tsurumi đã xuất bản cuốn sách “Cẩm Nang Đầy Đù Về Tự Vẫn”. Trong sách này hai tác giả nói tới khu rừng Aokigahara, chân núi Phú Sĩ mà hai ông coi là chỗ tự vẫn tuyệt hảo(!). Tại sao vậy? Bởi vì tại đây, cây rừng mọc dày dặn khiến cho gió không thổi vào, ít chim muông cầm thú sinh sống, cảnh vật rất yên tĩnh. Khu rừng này lại rất rộng, 14 dặm vuông. Xác người trong rừng nằm cả tháng không ai hay biết.
Một nơi khác để tự vẫn nhiều người biết tới là mỏm núi Tojinbo trông ra biển Nhật Bản. Đứng trên mỏm núi nhìn xuống biển là một quang cảnh rất đáng sợ.
Tóm lại tự sát là một vấn nạn không dễ giải quyết khiến cho nhiều người phải lưu tâm. Một trong những người này là một tu sĩ Phật Giáo, tên là Ittetsu Nemoto.
— oOo —
Iettesu Nemoto đi tu
Hồi Nemoto còn nhỏ, một người chú rất thân với Nemoto đã tự vẫn. Trong khi học trung học, Nemoto đã thấy một nữ sinh bạn mình tự vẫn. Hôm đến nhà quàn thăm viếng người mới mất, Nemoto thấy miệng cô ta được khâu kín lại, hỏi ra mới biết là người xấu số đã tự treo cổ nên lưỡi thò dài ra ngoài.
Ở trung học, Nemoto thích uống rượu, hay say xỉn, đánh nhau với lũ học trò trường khác. Học đại học, Nemoto thích học về triết học. Năm 24 tuổi, Nemoto bị một tai nạn giao thông trong khi lái xe gắn máy, phải nằm bất tỉnh trong nhà thương gần nửa ngày. Khi tỉnh dậy Nemoto mới thấy sinh tử trong cuộc đời rất mong manh; từ đó Nemoto lưu tâm đến tôn giáo.
Một hôm mẹ anh ta chỉ anh xem trong báo, mục “Rao vặt”: Cần một tu sĩ Phật Giáo. Bà chỉ anh xem vì nghĩ rằng đó là một mục rao vặt rất kỳ cục. Ai lại đăng trong mục rao vặt cần một vị Sư bao giờ? Nhưng Nemoto rất chú ý tới việc này.
Thực ra trước đây Nemoto đã biết chút ít về Thiền khi anh học môn võ Karaté. Các bạn học cho rằng đi tu Phật, ngồi thiền là chuyện vớ vẩn, mất thì giờ vô ích. Ngay chính Nemoto cũng nhìn những tu sĩ Phật Giáo không mấy hảo cảm.
Tuy nhiên anh vẫn đáp ứng lời kêu gọi trong mục rao vặt. Hỏi ra anh mới biết ở một chùa nọ, họ thiếu một Chú Tiểu, chưa thành một Tỳ-kheo, một tu sĩ, để giúp chùa trong những việc quan hôn tang tế.
Thế là số mạng đã đưa đẩy anh thành một tu sĩ tại một ngôi chùa thuộc dòng thiền Lâm Tế, nằm trong một vùng núi thuộc quận Gifu cách Tokyo 200 dặm phía Tây. Đây là một ngôi chùa, mái ngói đỏ, xây trên núi, phải trèo rất nhiều bậc thang bằng đá mới đến chùa.
Cũng như những vị tu sĩ khác, Nemoto lần đầu tiên đến chùa phải quỳ gối nằm phủ phục trước cửa chùa để xin vào tu để giải quyết vấn đề sanh tử. Theo đúng thông lệ có tự ngàn xưa(1), Thầy trụ trì sai người ra bảo anh hãy về đi. Nemoto nhất định xin vào tu, trong tư thế đó. Đến ngày thứ ba, chùa mới mở cửa đón anh vào.
Những người mới đi tu Phật, vào chùa thường được đối đãi như những tên nô lệ trong những nông trại nổi tiếng ác độc với người làm. Phải theo kỷ luật khắt khe của chùa: sáng dậy sớm lúc 3 giờ; ngày ăn hai bữa với một nắm cơm nhỏ, thỉnh thoảng mới được ăn với dưa cà muối hay rau cỏ trong vườn của chùa; làm tất cả những công việc nặng nhọc: lau chùi, quét dọn, nấu ăn, rửa chén, giặt giũ… cấm không được than phiền, nói ngược lại; tuyệt đối phải nghe lời Sư Trưởng. Chùa không có lò sưởi. Sư trong chùa chỉ đắp y, mặc áo nhật bình bằng vải bông, chân đi hài sảo bện bằng rơm. Người mới đi tu, chưa vào Hạ, không được đọc sách, gọi điện thoại ra ngoài.
Lúc đầu Nemoto thấy đi tu sao khó quá! Sáng dậy sớm đã đành, nhưng phải nằm yên cho đến khi nghe tiếng chuông. Nghe chuông rồi anh chỉ có 5 phút để xếp giường, chăn chiếu; chạy vào phòng tắm rửa mặt, làm vệ sinh, đắp y áo, rồi chạy vội ra thiền đường để tọa thiền. Mọi việc phải hoàn tất trước khi có tiếng chuông thứ hai.
Nemoto không phải là một người nhanh nhẹn Nhưng vì mỗi ngày phải làm mọi việc thật nhanh cho đúng thời khắc, anh tự nhiên tạo ra cho mình những phương cách làm việc thật nhanh, nếu không sẽ bị Sư Trưởng quở mắng. Anh bị mắng riết rồi trong lòng tự nhiên nảy ra một sự chú tâm đến tất cả mọi việc. Chú tâm để rồi đi đến một trạng thái trong tâm, gọi theo thuật ngữ Phật Giáo là chánh niệm.
Mỗi năm tất cả những sư sãi lớn nhỏ phải ra khỏi chùa 3, 4 lần, ôm bình bát đi khất thực trên những con đường dài từ sáng đến chiều mới về. Mùa đông cũng vậy, chân mang hài sảo bện bằng rơm, đạp tuyết mà đi. Đi khất thực, các sư đều phải đội một chiếc nón rộng vành, che kín mặt mũi, không được nói với ai nửa lời, chỉ việc đưa bình bát ra xin thí chủ thức ăn. Thí chủ cho bao nhiêu phải nhận bấy nhiêu, không được xin thêm hay xin bớt đi. Được thức ăn trong bình bát là phải ăn bằng hết, không được bỏ thừa, không được vứt thức ăn đi.
Đi khất thực là một bộ phận của sự tu tập dòng thiền Phật Giáo. Nemoto nhiều lần thấy khất thực mà phải ăn bằng hết thức ăn xin được là một nỗi thống khổ, chẳng bù với những ngày ở trong chùa, ngày ăn hai bữa với một nắm cơm nhạt nhẽo.
Mỗi ngày, sau buổi tọa thiền, mồi Thiền Sinh phải đến diện kiến với vị Sư Trưởng trụ trì để trình bày những kiến giải của mình về cái công án được Thầy giao cho nghiền ngẫm. Cuộc diện kiến chỉ kéo dài vài ba phút, có khi chỉ vài giây. Thầy Sư Trưởng nhiều khi chẳng nói gì, đuổi trò ra, về phòng xem lại công án. Rất ít khi ông Thầy sư phụ cho vài lời bình phẩm.
Tháng Giêng khí hậu trở nên ấm áp là tháng để các Sư nhập thất một tuần. Trong khi nhập thất, người tu sĩ không được phép nằm, thậm chí không được phép ngủ. Phải thức để nghiền ngẫm các Kinh, Luật, Luận được Thầy giao cho đọc. Thức ăn, đồ uống người tu sĩ nhập thất không phải lo, đã có người ở ngoài không nhập thất, nấu thức ăn đưa vào qua một vuông cửa sổ của thất, hai lần mỗi ngày.
Một Tháng Giêng, Nemoto không nhập thất. Anh phải ở bên ngoài làm “hỏa đầu quân”, nghĩa là phải sửa soạn và nấu thức ăn cho chùa, cho tất cả những vi tu sĩ vào thất một tuần. Công việc này rất bận, không có người giúp việc, lại bị vị Sư Trưởng trụ trì thúc đẩy ngay cả tuần trước khi mọi người nhập thất. Anh phải nấu những nồi cơm rất lớn và rất nặng. Anh phải làm những món dưa đặc biệt cho thất, phải nắm những nắm cơm – rất nhiều – cho các vị trong thất. Cả tuần vất vả làm anh mất ngủ.
Sang đến ngày thứ ba của tuần nhập thất, anh quá mệt, tay xách nồi cơm nặng, đứng không nổi. Anh tự nhủ: “Mình không còn mang nổi nồi cơm này nữa, thế là mình sắp chết rồi à?”. Ngay sau đó, sắp sửa quỵ xuống, anh bỗng nhiên cảm thấy có một nguồn năng lực tỏa ra khắp toàn thân. Anh nghĩ mình có thể làm được tất cả những việc mình muốn làm. Anh thấy tất cả quanh mình đều đẹp đẽ tươi sáng, mọi người vui tươi. Con người vừa trước đây sắp ngã xuống, từng sống với anh trong anh bao nhiêu năm, đã không phải là chính anh bây giờ.
Chiều hôm đó Nemoto xin đến diện kiến với Sư Phụ trụ trì để trình kiến giải công án của mình. Đây là lần đầu tiên vị Sư Phụ chấp nhận kiến giải công án của Nemoto. Anh đã nhìn thấy sự đau khổ cùng tột đã thay đổi hẳn cái nhìn về cuộc đời. Nemoto đã có “Satori” – một Tiểu Ngộ.
Ngày nay, số người tu tập theo pháp môn thiền Lâm Tế như Nemoto không còn bao nhiêu. Theo nhiều người trong đạo, con số này không tới mười vị. Hằng năm vẫn có nhiều người đến chùa xin vào tu tập. Phần lớn đều bỏ chạy vì không chịu nổi kỷ luật khắt khe và đời sống quá kham khổ trong chùa. Thầy trụ trì rất thất vọng.
Nemoto ra ngoài đời
Nemoto ở chùa khoảng 4 năm. Anh muốn trở lại ngoài đời mặc dầu anh chưa biết rõ sẽ làm gì. Anh quay về Tokyo rồi kiếm được một việc phụ bếp trong một tiệm ăn fast food. Suốt ngày anh chỉ chiên thịt bò bằm để làm hamburger. Anh thấy việc này cũng thú vị, tất nhiên là thua xa, khác hẳn những công việc trong chùa.
Nhiều người thấy anh vui vẻ đến nói chuyện làm thân. Họ hỏi chiên thịt trong bếp có mệt lắm không? Trong bếp có nóng nực lắm không? Anh có cần uống nhiều nước không?… Tác phong vui vẻ yêu đời của anh lần hồi được mọi người chú ý. Không ai hiểu được tại sao một người làm phụ bếp như anh lại có thể yêu đời được, trong khi hầu hết người đến tiệm ăn hamburger đều lo buồn, khổ sở. Bí quyết của anh là gì?
Nemoto bắt đầu nói đến thiền viện, đời sống trong thiền viện. Nhiều người đến với anh bắt đầu tâm sự với anh những thất bại, những thất vọng, những buồn nản trong cuộc đời của họ. Có người còn nói chỉ muốn chết, chỉ muốn tự tử. Nemoto thấy thương cảm thật lòng và có ý nghĩ thật tâm muốn giúp đỡ những kẻ khốn cùng như những người này.
Một hôm một người con của một ông Thầy trước đây của Nemoto, đến gặp anh ở tiệm ăn fast food. Anh này hỏi công việc đang làm của Nemoto, rồi anh ta cho biết là có một ngôi chùa ở quận Gifu đang rất cần có một tu sĩ đến giúp, người này sẽ có thể được làm Sư trụ trì của chùa. Nếu không có ai đến đó, rất có thể chùa phải đóng cửa hoặc bỏ trống.
Nemoto bằng lòng đi. Chùa anh sẽ đến làm trụ trì là chùa Seki.
Thiền sư Nemoto làm Phương Trượng chùa Seki
Seki là một chùa nhỏ, hai tầng có nhiều phòng, mái ngói cong, ở ngoại ô thành phố. Sau chùa có một ít ruộng của chùa, một phần ruộng làm phần mộ của những vị Sư đã viên tịch, có cả một bụi tre. Trong chùa có một thiền đường, trong thiền đường có một bàn vong đế cúng những người trong gia đình thí chủ đã mất. Bàn vong có rất nhiều bài vị ghi tên tuổi ngày sinh, ngày mất của mỗi người. Có người đã mất từ thế kỷ thứ XVII, cả trăm năm trước. Sàn nhà được trải chiếu để mọi người ngồi.
Lúc mới đến, Sư Nemoto nghĩ rằng vị Thầy tiền nhiệm ở đây chắc rất nhàn rỗi, ít việc. Hóa ra không phải vậy. Khách thập phương đến đông. Phật Tử theo chùa Seki cũng không ít. Nemoto rất bận rộn với nhiều nghi thức tế lễ quan hôn tang tế. Nào là cúng thất thất lai tuần cho người quá vãng, rồi đến cúng 100 ngày, đủ thứ cúng kiếng cho thí chủ và Phật Tử theo chùa.
Tuy bận rộn như vậy, Sư Nemoto thấy dễ chịu hơn là hồi còn ở chùa cũ. Các tu sĩ Phật Giáo bên Nhật một khi đã ra khỏi chùa, trở lại đời thường sẽ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc, giới luật của nhà chùa nữa, tuy vẫn được coi là một Thượng Tọa, một Hòa Thượng Phật Giáo. Sư có thể lấy vợ, hút thuốc lá, uống rượu. Nhiều tu sĩ thuộc pháp môn Tịnh Độ bên Nhật còn đi xa hơn: không cần phải xuống tóc, được để tóc dài, không còn là một vị “đầu tròn áo vuông” như những tu sĩ Phật Giáo tại các nước khác theo truyền thống Phật Giáo cũ.
Sư Nemoto cũng nghĩ rằng người tu sĩ Phật Giáo không phải là một người khác biệt hẳn người thường, mà mình vẫn là một chúng sinh như trăm ngàn chúng sinh khác mình phải phục vụ. Mỗi khi phải làm nghi lễ Phật Giáo cho các thí chủ, Sư phải đắp y áo vàng, hành xử thật trang nghiêm. Ngoài ra Nemoto ăn mặc như mọi người, áo sơ-mi, quần jean rất thoải mái như mọi người.
Chùa Seki có đông Phật Tử đến xin cúng kiếng. Cũng có những Phật Tử đến tâm sự với Thầy về những khó khăn trong gia đình, trong công việc làm, bệnh trầm cảm… trong cuộc đời. Có người rất thất vọng chỉ muốn kết liễu đời mình.
Một người đàn bà đã viết cho Thầy Netomo một lá thư như sau:
Bạch Thầy Trụ Trì,
Cuộc đời của tôi chẳng thay đổi bao nhiêu, từ ngày chồng tôi tự vẫn chết. Tôi ráng tiếp tục sống. Xin Thầy chịu khó nghe tôi nói, có thể lang bang dài dòng một chút. Trước hết mẹ tôi là một Phật Tử thuần thành. Hằng ngày, sáng tối, mẹ tôi không quên lễ Phật trước bàn thờ và tụng một thời kinh. Cha tôi chỉ thích uống sake và dễ nổi khùng từ khi tôi còn nhỏ. Tôi lớn lên trong mười năm đau khổ của mẹ tôi vì bị ông chồng hành hạ. Thế mà mẹ tôi không bao giờ than phiền. Bà chăm chỉ làm việc, cầu nguyện cho gia đình có hạnh phúc, chăm nom săn sóc cho chồng cho đến khi ông chết. Tôi không hiểu được sao mẹ tôi và tôi ghét thậm tệ ông ấy. Từ ngày cha tôi chết, mẹ tôi đỡ khổ một chút nhưng lại bị chính tôi gây khó khăn cho bà.
Tôi có chồng nhưng vợ chồng chúng tôi bất hòa, gia đình tan vỡ, cuộc đời của tôi chẳng ra gì. Càng về sau, tuổi tác thêm lớn, tôi không thấy nghĩa lý gì trong cuộc đời, sống để làm gì, và tôi chỉ muốn chết. Lòng tôi thất vọng tơi bời, tôi lại lớn tiếng nặng lời với mẹ tôi. Sau đó mẹ tôi bị sưng phổi mà qua đời. Tôi rất hối hận đã làm cho mẹ tôi khổ, tôi thấy tôi không thể tha thứ cho tôi được, lòng tôi tan nát và tôi nghĩ tới việc phải tự sát chết.
Mẹ tôi sống cả chục năm trường bị ông chồng say rượu hành hạ. Chồng chết lại bị con gái làm cho khổ. Tất cả cuộc đời của bà không có hạnh phúc. Tại sao một Phật Tử thuần thành như mẹ tôi suốt đời hy sinh cho người khác lại có một cuộc đời thảm thương như vậy? Tôi biết là lỗi tại tôi, tôi đã làm cho bà ấy khổ. Mỗi khi nghĩ đến mẹ tôi, tôi cáu giận vô cùng. Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Quán Thế Âm đâu mà lại để cho mẹ tôi khốn khổ như vậy? Tôi không biết sống để làm gì nữa khi mình chẳng làm được việc gì ra hồn. Tôi nhớ mẹ tôi trước khi chết đã nói: “Mẹ rất biết ơn tất cả mọi người”. Sao lại như vậy?
Bây giờ tôi sống một mình, biết rằng tôi chẳng ra gì, vài năm nữa là 50 tuổi. Hiện tôi có một việc làm tạm thời. Tiền bạc vẫn còn chút ít nhưng chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Tôi không biết làm thế nào để sống đây. Tôi rất lo sợ. Hàng ngày tôi vẫn nói chuyện với mẹ tôi qua tấm ảnh trên bàn thờ. Mỗi sáng khi thức dậy, tôi rất thất vọng thấy tôi vẫn còn sống, tôi chưa theo mẹ tôi về chốn tuyền đài. Tôi nghĩ như vậy. Tuy tôi muốn chết, nhưng tôi vẫn tìm cách để sống. Kể từ đầu năm, tôi đã đi xin việc nhiều nơi. Sức tôi có hạn nên chỉ biết làm việc văn phòng. Tuổi đã lớn, tất cả những thư trả lời tôi nhận được chỉ là lời chối từ và cám ơn. Tôi cũng biết thường tình phải là như vậy.
Sau cùng tôi chỉ muốn chạy trốn. Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi không biết tôi muốn sống hay muốn chết. Ban đêm, nghĩ đến cuộc đời mình, nghĩ đến mẹ mình, tôi khóc suốt đêm…
Nhận được những lá thư tương tự, Sư Nemoto bèn nghĩ ra một cách để cảm thông với họ, an ủi họ: Thầy lập ra một website trên internet để liên lạc được với nhiều người. Lúc đầu Thầy đặt tên website là “Nơi Gặp Gỡ Của Những Ai Muốn Tự Vẫn” thì có người khuyên Thầy không nên đặt tên như vậy, bởi vì mọi người sẽ nghĩ đến đây là để xem những ai chán đời muốn chết, để tìm bạn đồng tâm muốn tự vẫn. Thầy bèn đổi tên lại là: “Nơi Gặp Gỡ Của Những Ai Muốn Sống”.
Sư Nemoto giúp người muốn quyên sinh
Kể từ ngày ấy nhiều người khắp nước Nhật đã vào xem website. Họ viết thư, gửi e-mail cho Thầy để có thể nói nhiều hơn, viết tâm sự với Thầy, hỏi ý kiến Thầy dài dòng hơn. Sư Nemoto trả lời tất cả mọi e-mail. Nhiều khi thư Thầy vừa trả lời đã có hồi âm ngay tức khắc và ngược lại. Nhiều người khác muốn gọi điện thoại để nói chuyện với Thầy. Thầy trả lời mọi cú điện thoại, ban đêm cũng như ban ngày. Nhiều cuộc nói chuyện kéo dài cả tiếng chỉ là những chuyện vu vơ. Người gọi đến không biết mình phải nói gì, không biết trình bầy vấn đề muốn nói. Sư Nemoto muốn giúp tất cả những ai đến với Thầy, nhất những người có ý định tự vẫn. Dưới đây là một bức thư Thầy nhận được:
Ngày 07/06/2008
Bạch Thầy,
Tôi xin lỗi đã tự tiện gửi e-mail này đến cho Thầy. Tên tôi là T… Tôi đã đọc website của Thầy trên internet cho nên tôi viết thư này, mong Thầy khuyên bảo tôi trong tình trạng hiện nay của tôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi học luật, mong sẽ làm luật sư, với sự hỗ trợ của ba má tôi. Tuy nhiên tôi đã thi vào Luật Sư Đoàn 6 lần mà đều trượt. Bác sĩ cho rằng tôi bị trầm cảm vì làm việc quá nhiều, bị nhiều “stress”. Thế là tôi phải nghỉ việc để chữa trị, kết quả là mang nợ không trả được tiền vay mượn đi học trước đây.
Biết là tôi không đủ giỏi giang để làm luật sư, tôi đi kiếm việc. Nhưng vì tôi đã trên 30 và từ trước đến nay chỉ làm việc bán thời gian, cho nên kiếm việc rất khó. Bây giờ tôi không biết phải làm gì hay phải chuyển sang ngành nào để kiếm sống. Tôi không dám đi ra ngoài, ngoại trừ đi khám bác sĩ tâm thần mỗi tuấn một lần. Tôi biết là tình trạng này do tự tôi gây ra, tự tôi phải giải quyết lấy. Thế nhưng tôi quá yếu đuối đã phải nhờ vả vào ba mẹ cả đến khi 30 tuổi về tiền bạc, quá yếu đuối để tìm lối ra… Mới đây tôi đã nghĩ đến tự vẫn. Tuy nhiên tôi sợ chết nên không đủ can đảm để tự sát. Thế nhưng nếu cứ tiếp tục như thế này, có lúc tôi không tự kiểm soát được mình, vì lý do nào đó tôi sẽ quyên sinh.
Thưa Thầy, đó là tình trạng của tôi. Tôi xin lỗi Thầy là đã nói năng lung tung lộn xộn. Tôi cảm thấy bị dồn đến cuối đường không lối ra, không làm gì được nữa. Tôi hy vọng Thầy giúp chỉ bảo tôi nếu Thầy có thì giờ. Tôi xin lỗi đã hỏi Thầy khi Thầy đang bận. Xin Thầy giúp tôi.
Tất cả những sự tiếp xúc đó dần dà đã thấm vào tâm khảm của Sư Nemoto. Sau những cuộc điện đàm dài dòng, Thầy vẫn còn phải suy nghĩ rất lâu về vấn đề mới thảo luận. Thầy thấy là đó là một chuyện không đúng. Thầy bèn ngồi thiền nhiều hơn, tụng kinh nhiều hơn, nhưng số người đến với thầy vẫn nhiều hơn. Thành ra Sư Nemoto suốt ngày nghĩ đến những người muốn tự vẫn, làm sao giúp họ bây giờ? Thầy cảm thấy Thầy phải nhận lấy trách nhiệm đó. Đâm lao thì phải theo lao. Thầy trở thành nạn nhân của một vấn đề Thầy tự tạo ra cho mình.
Sau ba năm, Nemoto thấy hết sức mỏi mệt. Đến cuối năm 2009 Nemoto thấy đau ở ngực, khó thở. Thầy phải vào nhà thương để xin chữa trị. Sau khi khám nghiệm, người ta báo cho Thầy biết là Thầy bị bệnh tim. Ít lâu sau Thầy lại phải vào nhà thương để làm 4 cái thông mạch máu (angioplasties). Trong thời gian này thân phụ của Nemoto lại có ý tự vẫn vì mười năm trước ông cụ bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người. Ông cụ mất trong lúc Nemoto còn nằm nhà thương.
Trong khi ấy, nhiều người vẫn tiếp tục gửi e-mail, gọi điện thoại đến. Nemoto bệnh quá không trả lời ai được. Mới đầu Thầy không cho ai biết là mình đang bị bệnh, nhưng sau thấy có nhiều người gọi điện thoại hay viết e-mail đến quá, nằm trong nhà thương Thầy phải cho mọi người biết là đang nằm bệnh viện. Vài bữa sau Thầy xem e-mail để xem có ai thông cảm với Thầy không. Thầy rất ngạc nhiên, hơi khó chịu vì thấy dường như không ai lưu tâm đến chuyện Thầy đang bệnh. Mọi người chỉ nói đến tâm trạng chán đời, nỗi khổ của mình.
Từ hôm ấy Thầy Nemoto mới thấy rằng mọi người trong lúc tuyệt vọng ai cũng chỉ nghĩ đến mình, đến số phận hẩm hiu của chính mình. Nemoto suy nghĩ thêm và thấy rằng dường như cách Thầy làm trước đây để giúp những kẻ chán đời muốn tự tử là không đúng. Người ta viết thư, gọi điện thoại tỏ ý muốn chết cho khỏi khổ. Mình viết thư lại, trả lời qua điện thoại khuyên họ không nên nghĩ thế, không nên tự vẫn. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là vậy. Tất cả chỉ là nói, viết để kéo dài thời gian tự vẫn của họ mà thôi.
Trở về chùa, Thầy quyết định sẽ gặp tận mặt mọi người, không e-mail, không điện đàm với ai nữa. Thầy mời mọi người đến chùa. Ai muốn Thầy giúp mọi chuyện thì phải đến chùa để gặp mặt. Phương cách này cũng rất phải, vì những ai thực lòng muốn Thầy giúp là sẽ đến gặp Thầy. Những người không đến thường là những người không hẳn quẫn chí mà chỉ muốn có người để than thở. Ngồi đối diện với người đến chùa, nghe chuyện họ kể – Thầy có đủ kiên nhẫn để nghe – cho nên Thầy có thể khuyên bảo, giảng giải Phật Pháp, giúp họ thay đổi nhãn quan một cách hữu hiệu hơn.
Thầy lại nghĩ ra một cách khác là Thầy ghi chép lại những cuộc nói chuyện, hội thảo; ghi lại người có tâm bệnh đã nói những gì, để nếu cần lâu lâu Thầy xem lại hoặc nói lại cho bệnh nhân nghe. Người có tâm bệnh nhìn lại những quá trình tư duy của mình, có thể thấy cần phải thay đổi ý nghĩ, ý định trong việc có nên tự chấm dứt cuộc đòi mình không.
Đó chính là mục tiêu thầy muốn: Thay đổi tư duy của đối tượng chứ không phải chỉ quanh đi quẩn lại trong chuyện người nói muốn chết, kẻ khuyên nhủ đừng làm như vậy.
Phương cách mới này tỏ ra có hiệu quả hơn những phương cách trước.
Trong một buổi làm việc để giải tỏa ý định tự vẫn, Sư Nemoto bảo mọi người tham dự hãy tưởng tượng ra là mới được bác sĩ chẩn đoán ra đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được thêm ba tháng nữa thôi. Mỗi người hãy viết trên tờ giấy trước mặt những điều mình muốn làm trong ba tháng đó. Rồi viết ra những điều muốn làm trong một tháng cuối, rồi tuần lễ cuối, rồi mười phút cuối cùng trước khi chết. Đa số những người tham dự đều khóc sướt mướt. Đôi khi Sư Nemoto cũng khóc theo.
Một người đàn ông Nhật đến tham dự buổi làm việc trên. Ông này, mười năm trước, đã nói chuyện rất lâu với Sư về ý định muốn tự vẫn. Ông ta mới ba mươi tám tuổi, trước đây đã bị đưa vào một nhà thương cho người mắc bệnh tâm thần. Trong lớp ngồi viết ra tâm sự muốn làm gì trong giai đọan cuối, ông ta chỉ ngồi khóc. Sư Nemoto đến xem ông ta đã viết ra những gì thì thấy giấy vẫn còn trắng tinh, không viết gì hết. Người này giải thích cho Sư Nemoto là ông không thấy có gì phải viết ra trả lời câu hỏi của Sư vì ông ta không bao giờ nghĩ đến chuyện này. Ông chỉ nghĩ đến muốn tự vẫn thế thôi. Ông không bao giờ nghĩ phải làm gì cho cuộc đời mình. Vậy nếu còn đang sống thì tại sao lại muốn tự vẫn? Sau cuộc trao đổi ý kiến với Sư Nemoto, ông ta cảm thấy mình được tự do, hết bị ám ảnh bởi ý định muốn quyên sinh. Ông ta trở về nhà làm lại công việc trong công xưởng đã có từ trước. Trong một giới hạn nào đó ông sinh hoạt chung với các bạn đồng sự, nói chuyện được với bạn hữu, mở được lòng ra với mọi người. Ít lâu sau, Sư Nemoto rất vui khi được biết ông ta đã được thăng chức, lên lương.
Lại chuyện một người khác. Ông này ở xa chùa Seki. Ông đã từng đến với Sư Nemoto để nói chuyện trực tiếp với Thầy. Lần này ông đi bộ năm tiếng đồng hồ để đến chùa. Trong khi đi bộ đến chùa, ông suy nghĩ rất lâu về những chuyện ông đã nói, đã làm với Sư. Đến cửa chùa, ông chỉ nói với Sư một câu là ông ta đã hiểu ra rồi. Rồi ông ta quay ra về, lại đi bộ năm tiếng nữa về nhà. Ông đã tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời. Sư Nemoto đã thành công./.
Cước chú:
– Bài này được viết phỏng theo một bài nghiên cứu của tác giả Larissa MacFarQuhar
(1) Thông lệ này bắt nguồn từ chuyện Thầy Huệ Khả, vị Tổ thứ hai của Thiền Tông đến xin học pháp với Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma. Truyền thuyết kể rằng, vào một buổi sáng mùa đông, thời tiết trên đỉnh núi Tung Sơn rất lạnh, tuyết bay đầy trời, Huệ Khả đến gặp Đạt Ma cầu học pháp. Nhưng khi đến phòng Đạt Ma thì gặp đúng lúc ông đang ngồi thiền. Huệ Khả không muốn đánh động Đạt Ma nên chắp tay đứng đợi ở bên ngoài. Từ sáng tới chiều, rồi đợi tới tận lúc nửa đêm mà Đạt Ma ở bên trong vẫn chưa động đậy. Bên ngoài, Huệ Khả vẫn kiên trì đứng im lặng chờ đợi. Trời về đêm ngày một lạnh hơn, gió tuyết mù mịt buốt da buốt thịt nhưng Huệ Khả gần như chẳng biết đến thời tiết bên ngoài, đứng im trong bão tuyết không hề động đậy. Cho tới buổi sáng ngày hôm sau, Đạt Ma mới kết thúc ngồi thiền, mở mắt ra thấy Huệ Khả đang đứng ở bên ngoài phòng, tuyết đã phủ kín cả người. Đạt Ma mới hỏi Huệ Khả đứng trong tuyết làm gì, Huệ Khả đáp: “Để cầu Sư Phụ truyền pháp cho!”. Đến lúc đó, Đạt Ma vẫn chưa cảm thấy lay động, sắt đá nói: “Muốn ta truyền pháp cho người, họa chăng là trời rơi tuyết màu hồng”. Huệ Khả nghe câu nói này, biết rằng Đạt Ma vẫn lo là mình sẽ đem những thứ đã học từ Đạo Giáo, Nho Giáo và Phật Giáo Tiểu Thừa vào trong giáo lý Thiền Học Đại Thừa nên không chịu truyền pháp cho mình. Để thể hiện quyết tâm của mình cũng là để thuyết phục Đạt Ma, Huệ Khả quyết định chặt đứt một cánh tay ngay trước mặt Đạt Ma. Vì vậy, Huệ Khả thuận tay cầm một con dao sắc chặt đứt cánh tay trái của mình. Máu từ cánh tay phun ra ngoài, làm đỏ cả một đám tuyết xung quanh chỗ đứng của Huệ Khả. Lúc bấy giờ Đạt Ma mới thừa nhận sự quyết tâm của Huệ Khả và quyết định truyền pháp cho ông.
Tháng Hai, 2014
ĐÀO NGUYÊN