Phu nhân Thắng Man là con gái của vua Ba-tư-nặc và hoàng hậu Mạt-lợi.
Vua Ba-tư-nặc lên ngôi sau khi Phật thành đạo không bao lâu. Lúc đầu ông là người bạo ác bất tín. Sau được Phật giáo hóa nên kính tin Tam Bảo hết mực và là vị đại ngoại hộ của Phật ở thành Xá-vệ lúc đó. Phu nhân Mạt-lợi vốn là đứa tớ gái, một hôm đức Phật vào thành khất thực, do thấy tướng hảo của Ngài mà sinh lòng kính tin, cúng dường thức ăn để cầu hết kiếp tôi đòi. Nhờ phước đức ấy, bà trở thành phu nhân của vua Ba-tư-nặc. Do hưởng được lợi ích từ Đức Phật như thế, nên lòng tin của hai vị ngày càng tăng trưởng. Hai vị cũng muốn con gái mình được vậy. Vì thế, hai vị đã sai sứ quân Chân-đà-la mang thư đến cho phu nhân Thắng Man. Đó là nhân duyên giúp Thắng Man gặp Phật trong hiện kiếp.
Do đã có nhân duyên từ đời quá khứ, nên đọc thư xong, phu nhân sinh tâm vui mừng chưa từng có, bà đối trước Chân-Đà-la nói kệ:
Ta nghe danh Như Lai
Thế gian rất khó gặp
Lời này nếu chân thật
Phải cho ông y áo
Nếu Phật Thế Tôn kia
Lợi ích thế gian hiện
Tất vì ta thương xót
Khiến ta thấy chân tướng.
Nói vừa xong, đã thấy thân tướng không thể nghĩ bàn của Như Lai hiện trên hư không, đại quang minh chiếu khắp. Thắng Man cùng thân quyến tụ lại, chấp tay chiêm ngưỡng vái Phật và xưng tán đức Đạo Sư. Phật nghe xong nói:
Ta xưa cầu Bồ-đề
Từng khai thị cho bà
Nay bà gặp lại ta
Đời sau cũng như vậy.
Nói kệ xong, trước đại chúng Phật thọ ký cho phu nhân Thắng Man:
“Bà nay xưng tán công đức thù thắng của Như Lai. Do thiện căn này, trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở nơi loài người và trời thường được làm vua tự tại, chỗ thọ dụng đều được đầy đủ, sinh ra chỗ nào cũng được thấy ta như hiện nay đang xưng tán ta không khác; sẽ lại cúng dường vô lượng vô số Chư Phật Thế Tôn. Qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ được thành Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Cõi nước Phật đó không có các đường ác và các thứ như đau thương, già, bịnh, khổ…”
Lúc bấy giờ hoàng hậu Thắng Man nghe Đức Thế Tôn thọ ký cho rồi, thì tức khắc chắp tay đứng trước Ngài mà phát 10 lời thề rộng lớn, bằng cách tác bạch như vầy:
– (Thứ nhất): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng vi phạm đối với giới pháp đã thọ.
– (Thứ hai): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng khinh thường đối với các bậc Sư Trưởng.
– (Thứ ba): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng giận dữ đối với mọi người.
– (Thứ tư): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng ganh ghét đối với những người và những việc hơn mình.
– (Thứ năm): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng keo lẫn dầu lúc chỉ có một ít thực phẩm.
– (Thứ sáu): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không vì bản thân mà nhận lãnh và cất chứa của cải; con có nhận lãnh gì cũng chỉ vì giúp đỡ những người nghèo khổ.
– (Thứ bảy): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không mong trả ơn mà thực thi 4 Nhiếp Pháp; con thu nhận mọi người một cách không có tâm lý ham lợi, không có tâm lý chán đủ, không có tâm lý hạn chế.
– (Thứ tám): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai không nơi nương tựa, bị giam cầm, bịnh tật, và bao nhiêu nguy khốn, thì không bao giờ con bỏ họ, nguyện đem lại yên ổn cho họ, lợi ích cho họ khỏi mọi khốn đốn.
– (Thứ chín): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai thề làm ác giới, phá hủy tịnh giới của Đức Thế Tôn, thì trong thành thị và thôn xóm thuộc trách nhiệm của con, đáng chế ngự thì con chế ngự, đáng thu phục thì con thu phục. Tại sao, vì chế ngự và thu phục thì Chánh Pháp tồn tại lâu dài; Chánh Pháp tồn tại lâu dài thì Chư Thiên, nhân loại tăng lên mà các nẻo đường ác giảm xuống. Có nghĩa con làm cho bánh xe Chánh Pháp của Đức Thế Tôn luôn luôn chuyển tới phía trước.
– (Thứ mười): Bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con nhận lãnh Chánh Pháp mà không bao giờ quên mất, tại sao, vì quên mất Chánh Pháp là quên mất Đại Thừa; quên mất Đại Thừa là quên mất các pháp Ba-la-mật; mà quên mất các pháp Ba-la-mật thì thế là bỏ mất Đại Thừa. Nếu Bồ-tát không quyết định về Đại Thừa thì nhận lãnh Chánh Pháp không có bền chắc, và như thế thì không đủ khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu, mất mát thật là lớn lao.
Bạch Đức Thế Tôn, hiện tại và vị lai có những vị Bồ-tát nhận lãnh Chánh Pháp, đầy đủ lắm sự ích lợi rộng lớn, phát nguyện rộng lớn như trên và được Đức Thế Tôn, chúa tể của Thánh Hiền chứng biết cho. Nhưng người thiện căn kém cỏi, có thể có kẻ hoài nghi vì 10 nguyện rộng lớn khó mà thành đạt, nên có thể có kẻ (đã phát 10 nguyện ấy rồi mà) quay lại với những thói bất thiện, lãnh lấy khổ não. Vì lợi ích cho những người như vậy mà hôm nay, đối trước Đức Thế Tôn, con xin phát nguyện chân thành rằng, bạch Đức Thế Tôn, ngày nay con phát 10 nguyện rộng lớn như thế này, nếu chắc thật, không hư ngụy, thì ngay bây giờ con cầu nguyện trên đại hội này sẽ mưa xuống bông hoa của Chư Thiên, tấu lên âm nhạc của Chư Thiên.
Phu nhân Thắng Man đối trước Đức Thế Tôn tác bạch như vậy thì trong không gian tức thì mưa thiên hoa, tấu thiên nhạc, tán dương như vầy: “Tốt lắm, hoàng hậu Thắng Man, đúng như hoàng hậu đã nói, chắc thật chứ không thể khác được.”
Bấy giờ đại hội nhìn thấy quang cảnh linh thiêng như vậy thì hết cả hoài nghi, lòng đại hoan hỷ, đồng thanh nói lớn: “Chúng tôi nguyện cùng hoàng hậu Thắng Man sinh ra ở đâu cũng đồng nhất chí nguyện và hoạt động.”
Đức Thế Tôn vào lúc bấy giờ thọ ký cho cả đại hội đều được như ý./.
Trích KINH THẮNG MAN – Hòa Thượng Trí Quang dịch.